Friday, May 10, 2024

Công nhân Canada tại Mỹ lo ngại tương lai

CANADA – Khoảng 30,000 đến 40,000 công nhân Canada làm việc ngoại lệ tại Mỹ nhờ thỏa ước NAFTA đang lo ngại cho tương lai của mình vì chính sách của tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã liên tục tấn công NAFTA – thỏa thuận tự do thương mại giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico, chống lại chính sách bảo thủ chính thống và khai thác sự tức giận của tầng lớp lao động Mỹ vốn luôn cảm thấy bị bỏ rơi.

Vào Tháng Tám, trong một bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế ở Detroit, nhấn mạnh số lượng các công việc sản xuất của Mỹ bị mất từ khi NAFTA thực hiện năm 1994, ông Trump cho biết “nếu không đạt được một thỏa thuận tốt hơn, chúng ta sẽ từ bỏ.”

Vào Tháng Chín, trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, ông Trump còn đi xa hơn: “NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất có lẽ có thể ký bất cứ nơi nào, nhưng chắc chắn không bao giờ nên được ký ở đất nước này.”

Luật sư di trú tại Toronto, ông Andrew Cumming đã được nghe rất nhiều từ những người Canada tại Mỹ hỏi về tình trạng thị thực của họ tại Hoa Kỳ và những lựa chọn mà họ có thể có dưới chính quyền Trump.

Dù mối quan tâm của họ là hợp lý, Cumming khuyên khách hàng của ông không phải lo lắng quá mức. Ông nói: “Ngay cả nếu thỏa ước NAFTA bị xé bỏ, tôi nghĩ là sẽ có một thỏa thuận thương mại song phương khác.”

“Khi nói đến sự mất mát công việc sản xuất, những người đang làm việc dưới sự miễn trừ của NAFTA không phải là những công nhân trong cơ xưởng. Họ là những kỹ sư, những chuyên viên khoa học, máy tính, chính họ tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, do đó họ thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng công ăn việc làm cho người Mỹ,” Cumming nói.

Từ sau cuộc bầu cử của mình, nhóm chuyển giao chính quyền của Trump đã tìm cách làm dịu những lời lẽ quanh vấn đề NAFTA.

Một dự thảo ghi nhớ từ nhóm chuyển giao của Trump, được đài CNN thu được, cho biết vào ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, tổng thống Trump sẽ yêu cầu Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nghiên cứu tác động của việc rút khỏi thỏa thuận NAFTA.

Robert Salomon, giáo sư kinh doanh tại NYU, nói Trump có khả năng không suy nghĩ đến Canada khi tấn công NAFTA. “Tôi nghĩ rằng ông Trump quan tâm hơn đến những người vượt qua biên giới phía Nam vào Hoa Kỳ, và ở lại sinh sống, làm việc bất hợp pháp ở đây. Đó là những vấn đề lớn hơn mà Trump đang cố gắng trung đến,” Salomon nói.

Ông nói mặc dù không ai biết tổng thống tân cử Donal Trump sẽ làm gì, nhưng ông dự đoán là NAFTA sẽ được tinh chỉnh lại chứ không bị vứt bỏ vào thùng rác.

Mối quan tâm lớn đối với người Canada đang làm việc ở Mỹ, Cumming nói, là các quan chức nhập cư có thể có cách tiếp cận hẹp hơn đến thỏa thuận NAFTA.

Các mô tả công việc trong hợp đồng được viết ra trong những năm 90 không phản ánh thực tế nền kinh tế hiện nay, ông cho biết. Các quan chức có thể áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn khiến hạn chế nguồn truy cập vào Mỹ làm việc.

“Những gì ngay chúng tôi hiện quan tâm nhất, trên cơ sở từng ngày là sự diễn giải lại các điều luật hiện hành trong một ý nghĩa bảo thủ hơn,” Cumming nói.

Tuy nhiên về thời gian tính, việc Trump xem xét lựa chọn của mình, theo quy định trong hợp đồng, bất kỳ nhà nước thành viên nào phải có văn bản thông báo sáu tháng trước khi rút lui, Cumming cho biết bất kỳ thay đổi tiềm năng nào đến với NAFTA ít nhất phải là trong một năm nữa. (L.Q.T.)

MỚI CẬP NHẬT