Thursday, May 9, 2024

UNHCR chỉ trích Mỹ về chính sách đối với dân tị nạn

GENEVA, Thụy Sĩ (AP) – Ông Filippo Grandi, trưởng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), hôm Thứ Ba nói rằng sắc lệnh mới của chính quyền Trump hạn chế nhập cảnh Mỹ sẽ tạo thêm thống khổ cho dân tị nạn.

Ông Grandi nói rằng UNHCR, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, hy vọng sẽ được tiếp tục hợp tác chặt chẽ như đã có từ lâu với Mỹ.

Mỹ là nước chi viện lớn nhất cho cơ quan này và những tổ chức nhân đạo khác của Liên Hiệp Quốc như Cơ Quan Di Trú Quốc Tế (IOM).

Theo lời ông, ai cũng phải có nghĩa vụ che chở cho những người trốn chạy bạo hành và cái chết.

Sắc lệnh di trú mới do Tổng Thống Donald Trump ký ngày 6 Tháng Ba và có hiệu lực thi hành từ ngày 16 Tháng Ba, là để thay thế sắc lệnh cũ, ký này 27 Tháng Giêng.

Điểm khác biệt chính giữa hai sắc lệnh là Iraq được rút ra khỏi danh sách bảy nước có công dân bị cấm vào Mỹ.

Theo lời một giới chức chính phủ, sắc lệnh mới được thi hành sau khi ký 10 ngày, gọi là thời gian chờ đợi nhằm giải quyết những rắc rối pháp lý mà các tòa án nêu ra.

Những người phản đối cho rằng đây chỉ là một thứ “bình mới rượu cũ.”

Bộ trưởng Tư Pháp Massachusetts, bà Maura Healey, cho biết đang nghiên cứu mọi khà năng pháp lý về việc ông Trump lập lại lệnh cấm sau khi đã bị tòa án bác bỏ. Theo bà, đây là sự đánh lạc hướng phán quyết vi hiến và kỳ thị của sắc lệnh trước đây, mà bà cùng với bộ trưởng tư pháp của nhiều tiểu bang khác đã kiện.

Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan ủng hộ sắc lệnh mới không cấp visa nhập cảnh Mỹ cho công dân Iran, Syria, Somalia, Sudan, Yemen, Libya, vì “chia sẻ mục tiêu chung của chúng ta là bảo vệ an ninh nước Mỹ.”

Mặc dù sắc lệnh sẽ chỉ có hiệu lực 90 ngày nhưng người ta tin rằng sẽ là mở đầu cho tương lai nước Mỹ không còn tiếp nhận di dân. Ông Ryan tránh đề cập tới vấn đề này.

Bộ trưởng Tư Pháp Washington, ông Bob Ferguson, người đứng đơn kiện sắc lệnh trước đây, nhận xét là sắc lệnh mới đã “thu hẹp rất nhiều” và “còn quá sớm để nói chúng ta sẽ làm gì.”

Nhưng bộ trưởng Tư Pháp Virginia, ông Mark Herring, nói: “Dù sắc lệnh mới dường như đã thu hẹp đáng kể, nó vẫn truyền một thông điệp tồi tệ đến thế giới, đến những người Hồi Giáo Mỹ cũng như đến các cộng đồng thiểu số trên cả nước, mà không đem lại bất kỳ lợi ích an ninh quốc gia nào.”

Hai phe trong cuộc chiến về di dân nói riêng và về những giá trị căn bản của nước Mỹ đều hiểu rằng mọi chuyện sẽ chưa chấm dứt. Tuy vậy, theo nhận định của một chuyên gia phân tích pháp luật, ông Jeffrey Toobin, rất có thể tòa án sẽ chấp thuận sắc lệnh mới bởi vì nó đã loại bỏ hàng loạt vấn đề pháp lý dẫn đến việc sắc lệnh đầu tiên bị chặn đứng, chẳng hạn tránh hẳn không đề cập gì đến tôn giáo. (HC)

Hủy bỏ Obamacare, hàng triệu dân California bị mất bảo hiểm y tế

MỚI CẬP NHẬT