Thursday, March 28, 2024

Trump và Romney gặp nhau

Nguyễn Văn Khanh

Cuối cùng, cuộc gặp gỡ chẳng ai ngờ cũng chẳng ai trông chờ đã đến.

Hình ảnh được truyền thông Hoa Kỳ đăng tải lẫn phổ biến qua những trang mạng xã hội cho thấy hai ông tươi cười bắt tay nhau khi tổng thống đắc cử Donald Trump cùng phó tổng thống đắc cử Mike Pence ra tận cửa đón người bạn cũ Mitt Romney. Cả hai phía đều giữ thật kín, không cho biết hai ông đã nói với nhau những gì trong cuộc gặp gỡ kéo dài một giờ đồng hồ ở Bedminster, New Jersey, nơi ông Trump xây sân golf mang tên Trump National Goft Club và nghỉ cuối tuần.

Những gì cả nước Mỹ đều nhìn thấy là lời phát biểu của ông Trump, dùng mỗi chữ “tuyệt vời” để diễn tả cuộc gặp gỡ. Ông Romney cho biết chi tiết hơn, kể lại hai người bàn bạc với nhau rất nhiều chuyện “liên quan đến tình hình khắp nơi” và những điều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến “quyền lợi của nước Mỹ.” Cũng như tất cả những người đã gặp riêng ông Trump trước đây, ông cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts không nói gì đến chuyện có được mời tham gia nội các hay không, và ý ông thế nào khi nghe ông Trump ngỏ lời mời, dù trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra, đồn đãi khắp nơi nói rằng ông Romney sẽ điều khiển ngành ngoại giao.

“Nếu ông Trump mời ông Romney tham gia nội các thì điều đó sẽ là tin quan trọng nhất cuối tuần này và trong những ngày sắp tới,” một cựu cố vấn của ông Romney nói. “Chính tôi cũng không ngờ hai ông đồng ý gặp nhau, và tôi sẽ là người ngạc nhiên nhất nếu hai ông đồng ý làm việc chung với nhau,” nhân vật yêu cầu không nêu tên này nói tiếp. “Tôi ngạc nhiên vì trong suốt một năm trời vừa qua, ông Trump dùng những lời lẽ quá nặng để mạt sát người bạn cũ của mình, ông Romney cũng dùng những lời lẽ nặng nề chẳng kém để chê bai người từng ủng hộ ông (lúc ông Mitt Romney ra tranh cử tổng thống hồi năm 2012).” Vì thế, cựu cố vấn của ông Romney nói tiếp, “phải xem cuộc gặp gỡ này là dấu hiệu hàn gắn chính trị, tạo thuận lợi cho ông Trump trước khi ông tuyên thệ nhậm chức.”

Nhận xét nêu trên khiến mọi người nhớ lại cuộc “đấu khẩu chính trị” giữa hai người cùng đảng diễn ra ngay sau ngày ông Trump tuyên bố sẽ dự vòng tranh cử sơ bộ. Ông tỷ phú nổi tiếng nước Mỹ chê bai người bạn của mình “không biết vận động, đánh một người như Barack Obama mà đánh cũng không xong,” ví von “(ông bị Obama) bóp cổ lè lưỡi chẳng khác gì con chó,” kể lại “hồi năm 2012, lúc ra tranh cử, ông ấy nài nỉ tôi giúp cho. Lúc đó, nếu tôi bảo ông ấy quỳ là ông ấy quỳ ngay.”

Để đối lại lời chỉ trích đó, ông Mitt Romney chẳng ngần ngại gọi ông Trump bằng những lời lẽ như “đồ dỏm,” “thiếu đạo đức,” “khinh thường phụ nữ,” “giấu diếm sự thật khi không công bố hồ sơ khai thuế,” đồng thời khởi động phong trào “Never Trump,” kêu gọi những người cùng đảng không ủng hộ ông Donald Trump. Phong trào này lôi cuốn được rất nhiều chính trị gia tên tuổi của đảng Cộng Hòa, nhưng không cản được con đường đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc.

Theo quan điểm của Thượng Nghị Sĩ Jeff Sessions, người sẽ đảm trách vai trò bộ trưởng tư pháp trong chính phủ Trump, “việc ông Trump tiếp ông Romney là điều rất hay.” Hay ở chỗ “sau ngày đắc cử ông Trump gặp gỡ mọi người, tất cả đều là những người có khả năng để giúp ông (Trump), như ông Romney có thể đóng góp nhiều vai trò khác nhau, và tôi tin rằng sau khi cân nhắc, ông Trump sẽ quyết định cần sự giúp đỡ của ông Romney như thế nào.”

Trên đài CNN, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng William Cohen nói rằng vẫn chưa biết ông Trump có mời ông Romney giữ một chức vụ nào đó trong chính phủ hay không, nhưng “hy vọng điều đó xảy ra, vì những người như ông Romney thật xứng đáng được mời.” Ông Cohen tin rằng sự hiện diện của ông Romney trong chính phủ “sẽ được cả cánh bảo thủ lẫn ôn hòa đón nhận,” ý muốn nói Thượng Viện sẽ chấp thuận thật dễ dàng. Điều này cũng được một phụ tá của Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số, nói tới, khi cho tờ The Boston Globe biết “cả cánh Cộng Hòa lẫn Dân Chủ Thượng Viện đều rất quý trọng ông Mitt Romney” gọi chính trị gia từng đại diện đảng Cộng Hòa tranh chức tổng thống là “người làm việc nghiêm minh, có tư cách và rất đạo đức.”

Bà Judy Rubin, một nhà phân tích thời cuộc, cũng tin rằng lối làm việc nghiêm chỉnh, tư cách và đạo đức của ông Romney “sẽ giúp Hoa Kỳ lấy lại được niềm tin của các nước đồng minh, đặc biệt với những quốc gia đến giờ vẫn phân vân, không biết nước họ nằm ở chỗ nào trong chính sách ngoại giao của chính phủ Trump,” nhắc lại trong thời gian vận động “ông Trump đưa ra những lời tuyên bố khiến các nhà lãnh đạo những nước khác phải giật mình kinh ngạc, do đó, nước Mỹ cần một vị ngoại trưởng đủ uy tín để mọi người tin và kính trọng.” Người đó “không ai khác hơn, chính là ông Mitt Romney.”

Nhưng nếu được mời, ông Mitt Romney có nhận lời gánh vác việc nước hay không? Ngay chính những người thân cận nhất của ông Romney cũng không có câu trả lời. Trích dẫn lời những cộng sự viên của ông Romney, bản tin của hãng thông tấn AP cho biết “trước đây ông sếp không muốn tham gia chính quyền, nhưng một hai năm trở lại đây ông tỏ vẻ muốn đảm trách chức vụ ngoại trưởng.” Cũng trích dẫn lời những người thân cận với ông Romney, tờ The New York Times cho hay lý do vị cựu thống đốc không muốn nhận chức vụ nào cả “vì kinh nghiệm chính bố ông để lại.”

Kinh nghiệm đó như thế nào? Hồi năm 1968, ông George Romney thất bại khi ra tranh cử tổng thống, sau đó được tổng thống đắc cử Richard Nixon mời làm bộ trưởng Bộ Gia Cư và Phát Triển Đô Thị. Trong bốn năm làm việc, ông George Romney và Tổng Thống Nixon va chạm với nhau về cả chính sách lẫn lối điều hành, dẫn tới việc ông quyết định từ chức, sau nói thẳng với ông Nixon rằng ông “mệt mỏi khi phải đối phó với những nhân viên làm việc ở Tòa Bạch Ốc, những người không đếm xỉa gì đến chính sách quốc gia mà chỉ nghĩ đến ảnh hưởng chính trị đối với tổng thống.”

MỚI CẬP NHẬT