Friday, April 26, 2024

Little Saigon: Công bố báo cáo nhân quyền tại Việt Nam 2016-2017

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trái ngược với tuyên truyền của chính quyền Việt Nam cho rằng tình hình nhân quyền đang được cải thiện, báo cáo nhân quyền thường niên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017 vạch rõ nhiều diễn biến suy thoái trong tất cả các lãnh vực kinh tế, xã hội, và văn hoá tại quê nhà.

Bản báo cáo nhân quyền thường niên được đại diện MLNQVN công bố trong buổi tiếp xúc với giới truyền thông Little Saigon vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, Westminster.

Mở đầu buổi họp báo, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN, cho biết cách thức để thực hiện bản báo cáo, là “nhờ sự phối hợp giữa MLNQVN và một số nhà hoạt động nhân quyền trong nước. Những tài liệu chúng tôi dùng là những tài liệu mở, nghĩa là người đọc có thể kiểm chứng được những điều chúng tôi nói trong bản báo cáo. Những tài liệu này hoặc do những nhà đấu tranh trong nước đưa ra và chúng tôi đã kiểm chứng qua những thông tin chính thức của trong và ngoài nước.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, trình bày tóm tắt về vấn đề “Quyền được tham gia đời sống chính trị quốc gia” và “Quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.”

Ông Trang cho rằng, “Hiến pháp nhà nước Việt Nam sau khi được sửa đổi, bổ sung có qui định rằng người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước qua bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và biểu tình. Tuy nhiên, cũng chính Điều 4 của Hiến Pháp lại khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN trong mọi sinh hoạt của đất nước.”

“Nghĩa là đảng Cộng Sản còn đứng trên cả nhà nước và quốc hội,” ông nói.

“Chính ở sự mâu thuẫn nầy và ý đồ duy trì độc quyền chính trị bằng mọi giá mà tất cả những quy định về quyền chính trị được công nhận nơi Điều 20, Điều 21 trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Điều 21, Điều 22 trong Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam cam kết tôn trọng đã bị triệt tiêu. Người dân bị tước đoạt tất cả quyền chọn lựa thể chế chính trị và người đại diện. Người dân không có quyền có quan điểm, chính kiến khác với đường lối của đảng CSVN. Tất cả các nhóm đối lập bị đàn áp và đặt ra ngoài vòng pháp luật,” bản báo cáo viết.

Cũng theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Trang, Hiến Pháp Việt Nam quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

“Tuy nhiên tình hình sinh hoạt báo chí, truyền thanh, truyền hình, và Internet trong năm 2016 chứng tỏ cho thấy đó chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng. Chính quyền vẫn tiếp tục xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân bằng cách tiếp tục chiếm giữ độc quyền thông tin; tiếp tục ngăn chặn thông tin bất lợi cho chế độ; và tiếp tục đàn áp những người trình bày sự thật hoặc dám bày tỏ quan điểm chính kiến trái ngược,” bản báo cáo viết.

Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng tóm tắt nội dung báo cáo về “Quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể” và “Quyền được toà án độc lập xét xử công bằng và vô tư.”

Ông Tùng cho biết, “Mỗi năm ở Việt Nam có 1,434 người bị án tử hình, đứng thứ tư trên thế giới.”

“Theo báo cáo của Bộ Công An công bố vào Tháng Ba, 2015, trong giai đoạn từ Tháng Mười, 2011 đến Tháng Chín, 2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, ít nhất có đến 12 trường hợp chết do bạo hành của công an và các lực lượng an ninh khác được tiết lộ qua mạng truyền thông,” Tiến Sĩ Tùng dẫn báo cáo.

Nạn buôn người cũng được đề cập trong báo cáo, theo đó, Việt Nam được tổ chức Walk Free Foundation xếp ở vị trí thứ 47 trên tổng số 167 quốc gia trong bảng xếp hạng về số lượng người phải sống trong cảnh nô lệ, với khoảng 139,000 người.

Việc sửa đổi luật lệ, giam giữ tùy tiện và hình sự hóa các sinh hoạt chính trị đi ngược lại quyền lợi của đảng CSVN, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của Luật Tố Tụng Hình Sự, vai trò trang trí của luật sư cũng được ông Tùng nêu ra.

Trong phần trình bày của mình, ông Đỗ Anh Tài, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, tóm tắt những vi phạm của nhà cầm quyền Việt Nam liên quan đến “Quyền tự do tôn giáo và thờ phượng” và “Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị” với những dẫn chứng hùng hồn, cụ thể.

Theo báo cáo, “Khoảng 95% trong số 90 triệu người ở Việt Nam có tín ngưỡng hay tôn giáo, phần lớn trong số họ thực hành tín ngưỡng truyền thống và hơn 24 triệu người theo các tôn giáo khác nhau tại Việt Nam.”

“Tuy nhiên, từ khi nắm được chính quyền, với chủ trương xóa bỏ tôn giáo để thực hiện chế độ cộng sản toàn trị, nhà nước CSVN đã tìm mọi cách để ngăn cấm quyền tự do tôn giáo của người dân bằng nhiều phương tiện khác nhau như ngăn chặn bằng pháp luật, kiểm soát bằng tổ chức, và đàn áp bằng bạo lực,” báo cáo viết.

Đối với “Quyền được đối xử bình đẳng không kỳ thị,” theo ông Tài, “ngoại trừ vấn đề quyền của của nhóm đồng tính – song tính – chuyển tính mà chính quyền Việt Nam khai thác tối đa để che lấp thành tích tệ hại của họ đối với những bất bình đẳng và kỳ thị về xã hội, kinh tế và chính trị khác, thì thực tế tình trạng kỳ thị, đối xử bất bình đẳng nói chung vẫn không cải thiện hơn.”

Sự kỳ thị ở đây bao gồm kỳ thị với những thành phần thuộc chế độ cũ, người ngoài đảng, người có tôn giáo, người thuộc các sắc tộc thiểu số và cả kỳ thị với phụ nữ.

Những vi phạm về “Quyền được làm việc và hưởng thụ thành quả lao động” và “Quyền được hưởng an sinh xã hội” được ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Ban Phối Hợp MLNQVN, tóm lược.

“Trong năm 2016, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm quyền của người lao động trên bình diện pháp luật và nhất là trong thực tế, đặc biệt trong lãnh vực quyền thành lập nghiệp đoàn và quyền đình công,” báo cáo viết.

Vi phạm quyền của người lao động trong luật lệ lao động, trong thực tế sinh hoạt như gia tăng kiểm soát sinh hoạt công đoàn, người lao động tiếp tục bị bóc lột, nhà nước tiếp tục chính sách lao động cưỡng bách và bóc lột lao động xuất khẩu là những điều được ông Lộc đề cập đến.

Bên cạnh đó, ông còn nêu lên một cách vắn tắt những vấn đề về an sinh cho người thiểu số, cho trẻ em, cũng như vấn nạn dân oan liên quan đến việc quyền tư hữu đất đai bị tước đoạt, và nạn tham nhũng – tác nhân của các vi phạm quyền an sinh.

Cũng trong buổi này, ông Tùng còn cho biết, “Ngoài giải thưởng Nhân Quyền được trao hằng năm, mỗi tháng một lần, chúng tôi còn thu xếp tài chánh để trao giải Phóng Viên Vỉa Hè, tức trao cho tác giả của những video clip được hiện để nói về vấn đề đấu tranh nhân quyền, chứ không phải nhân vật được nêu trong các video clip đó.”

Bản Báo Cáo Nhân Quyền thường niên của MLNQVN còn cập nhật danh sách của 145 tù nhân lương tâm còn bị giam giữ và 37 tù nhân lương tâm còn bị quản chế đến ngày 30 Tháng Ba, 2017.

Với bản báo cáo nầy, MLNQVN không những muốn báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam hiện nay, mà còn yêu cầu nhà cầm quyền CSVN chấm dứt những vi phạm đã tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời phải bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho nhân dân và các tập thể quần chúng. MLNQVN cũng ước mong các chính quyền dân chủ và yêu chuộng tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì những thành tích tệ hại về nhân quyền của họ; đặc biệt cần ngăn cản việc chính quyền Việt Nam làm hoen ố uy tín của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc khi họ lạm dụng tư cách thành viên của hội đồng.

MLNQVN được thành lập từ năm 1997, quy tụ một số cá nhân và đoàn thể dấn thân trong lãnh vực tranh đấu và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do mà mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng như đã được quy định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các văn kiện quốc tế nhân quyền khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT