Thursday, March 28, 2024

‘Nhốt Vòng Nhớ Thương,’ tâm tư của nhà thơ Trạch Gầm

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Tuyển tập “Nhốt Vòng Nhớ Thương” của người lính làm thơ Trạch Gầm vừa ra mắt công chúng vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy, 3 Tháng Mười Hai, tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove.

Gói ghém trong 227 trang, đan xen trong 24 bài thơ và những bài viết, tuyển tập thơ văn “Nhốt Vòng Nhớ Thương” kể với người nghe bằng giọng thơ, văn của người lính chiến một thời binh lửa.

Đến dự buổi ra mắt tuyển tập này là những chiến hữu cùng đơn vị với nhà thơ Trạch Gầm, những người từng chiến đấu cho lý tưởng tự do ngày trước, và cũng là những bạn tù thân thương trại tù K4 Vĩnh Phú.

Ngoài ra, cũng có nhiều vị niên trưởng, các vị giáo sư thời trung học Võ Trường Toản của tác giả, bạn bè thân hữu, gia đình tác giả và nhiều độc giả mến mộ, đến nghe những giai thoại và tâm tình của một người lính chiến.

“Ở ngoại quốc, đối với Trạch Gầm, những tác phẩm thơ văn của ông, đều được tái bản nhiều lần, điều đó nói lên giá trị trong tác phẩm văn học của mình. Khi giới thiệu về ông, điều thú vị là phải đọc tác phẩm của ông, nghe bạn bè ông hát những tình ca viết cho người lính, nghe ông ngâm những vần thơ dành cho quê hương đất nước, cho bạn bè, cho những chuyện tình của tuổi đôi mươi trong thời chiến tranh nghiệt ngả, mới thấm được,” nhà báo Du Miên, một trong những thành viên sáng lập Thư Viện Việt Nam, giới thiệu về người lính làm thơ Trạch Gầm và tuyển tập “Nhốt Vòng Nhớ Thương” của ông vừa xuất bản.

Trong bộ đồ lính trận muôn thuở, với chiếc mũ sụp trước trán, dáng điệu hao gầy sau bao năm tháng chinh chiến lăn lộn cuộc đời nhưng vẫn hiên ngang phong sương của người lính trận, Trạch Gầm bộc bạch cùng công chúng.

Ông tự giới thiệu: “Nguyễn Đức Trạch, khóa 21 sĩ quan trừ bị Thủ Đức.”

Quang cảnh buổi ra mắt tác phẩm “Nhốt Vòng Nhớ Thương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quang cảnh buổi ra mắt tác phẩm “Nhốt Vòng Nhớ Thương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông hy vọng quyển sách nhỏ này khi đọc, mọi người sẽ thông cảm một vài cảm nghĩ mà ông viết để quay lại cảnh đời của một người lính chiến.

Ông cho biết: “Tác phẩm “Nhốt Vòng Thương Nhớ” không chỉ dành riêng cho tuổi già, mà là để cho con cháu chúng ta cũng cảm nhận được trong giai đoạn lịch sử, của thế hệ cha anh trong thời chiến khi phải buông súng cũng như nỗi bất hạnh của cả dân tộc sống trong đói nghèo.”

Ông cũng đọc hai bài thơ để tặng người nghe, gồm bài đầu tiên “Một Ngày Của Ta” và bài cuối cùng “Trước Mặt Thằng Cựu Tù,” in trong tuyển tập.

Trong bài “Một Ngày Của Ta,” cũng là mảnh đời của Trạch Gầm, nói về tuổi thanh xuân trong sáng, cao vời đi tới tương lai với vùng trời mơ ước, với bạn bè, sách vở, người yêu trong Sài Gòn thuở thanh bình.

Rồi dẫn đi với tuổi trên 20, với “Quê hương của ta khói lửa ngập trời. Cơm áo nhà binh ta lao vào cuộc chiến. Tìm lấy tự do bằng chính mạng người. Ta quen Bình Long, ta quen Quảng Trị. Vuốt mặt bạn bè chết giữa gió sương…”

“Một ngày của ta ở tuổi 30. Ta mất quê hương…ta mất hết rồi. Bạn bè của ta có thằng tự sát. Bạn bè của ta có đứa ra khơi. Ta quảy thân tù từ Nam ra Bắc. Long Giao, Văn Bàn, Vĩnh Phú. Lào Cai…”

“Một ngày của ta trên tuổi 40. Thành phố ta quen biến thành chợ trời. Cái tách, cái ly, cái quần, cái áo. Giải phóng ra đường đổi bát cơm tươi. Ta đạp xích lô ngày vài chục chuyến. Cố dặn tâm hồn, đừng nhé chớ điên…”

“Một ngày của ta ở tuổi 50. Trời đất tha phương ru ta ngậm ngùi. Ta nhìn ra ta ôi loài vô dụng. Hoài bảo trùm chăn, khóc suốt đêm dài…”

Trong lời tự sự, nhà thơ Trạch Gầm cho biết trong thân phận người vừa qua đất Mỹ, ông sống bằng nghề đi cắt chỉ trong xưởng may, một giờ được chưa tới $2. Không may mắn như ông, có những bạn bè đã từ giã anh em.

Ca sĩ Ái Khuê trong nhạc phẩm “Biết Bao Là Nỗi Nhớ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ca sĩ Ái Khuê trong nhạc phẩm “Biết Bao Là Nỗi Nhớ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với bài thơ “Trước Mặt Thằng Cựu Tù,” tác giả đã mượn vài chung rượu để thăm viếng người bạn tù trên đất Bắc. Khi ở tù Cộng Sản, mơ ước của những người tù là được trở về với đúng giấy tờ, nhưng mà khi gần cuối đời, được qua Mỹ sống đời tha phương thì một số bạn bè gãy cánh. Ông viết bài này để tặng những người bạn đã chết trên đất Mỹ, có những đoạn:

“Tao bỏ tiền hai ngày công cắt chỉ. Để mua chai rượu đế đến thăm mày. Đất tạm dung tuy không vừa ý. Dân tha phương mà đòi hỏi gì đây.”

“…Tách này đây để nhớ ngày chia lửa. Địa danh nào đâu đó của quê hương. An Lộc, Bù Đăng, Tàu Ô, Nhà Đỏ…Thằng số 5 nào chẳng nhớ chẳng thương.”

“…Tách này đây để nhớ ngày mất nước. Nắng chang chang nước mắt chảy ròng ròng. Tai nổ lùng bùng tin làm sao được. Lệnh đầu hàng?!! Chết mẹ cả núi sông! …” Còn tách nữa-cạn chào mừng nước Mỹ. Đất tự do tha hồ nói với cười.”

Ông cho biết tác phẩm “Nhốt Vòng Nhớ Thương” chỉ là một quyển sách rất nhỏ nên ông không dám mời diễn giả nào để thuyết trình, và trong chương trình có những bài hát được phổ từ thơ của người lính làm thơ Trạch Gầm, đã nói lên hết tâm trạng của ông.

Buổi ra mắt tuyển tập thơ văn “Nhốt Vòng Nhớ Thương” diễn ra trong không khí thắm tình chiến hữu, tất cả những người tham dự đều được mời thưởng thức những củ khoai mì luộc, để nhớ đến những ngày tháng đói khổ trong ngục tù Cộng Sản, cũng như cả nước cùng đói khổ trong những tháng ngày nghiệt ngã.

Nhà thơ Trạch Gầm tên thật Nguyễn Đức Trạch, gốc Quảng Ngãi, sinh 1942 tại Sài Gòn.

Thơ đã in “Vụn Vặt” (2007), “Ráng Chịu” (2009), “Dấu Giày Chinh Chiến” (2013).

Sách đã xuất bản “Bên Lề Cuộc Chiến” (Việt Tide 2015), “Nhốt Vòng Nhớ Thương” (Việt Tide 2016).

Mọi chi tiết xin vào trang nhà www.thotrachgam.wordpress.com

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 7 tháng 12 năm 2016

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT