Friday, April 26, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 289)

LTS: Tòa soạn trân trọng giới thiệu với quý độc giả và phụ huynh, góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, một mục mới trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt, dành cho trẻ em sinh trưởng ở hải ngoại, học Việt ngữ qua hình ảnh bằng song ngữ về chú chó tên BOO trong sưu tập BBB. Cộng tác viên phụ trách là kỹ sư Huey Nguyenhuu. – Nguyễn Việt Linh

*Kể từ số báo Tháng Tư, chúng tôi kính mời phụ huynh tích cực tham gia Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi bằng cách gởi hình của các con em, kèm theo tên và cho biết em đã làm được điều gì có tiến bộ và đáng khen, ở nhà hay ở trường. Hình của các em sẽ được gia đình BBB giới thiệu, mỗi em một lần, đứng một bên với chú chó tên BOO, trong góc nhà danh dự. Mục đích để khuyến khích tinh thần học hỏi, làm việc tốt của các em.

*Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY hay Góc Hoạt Họa Thiếu Nhi, xin gởi về email: [email protected]

Góc hoạt họa thiếu nhi

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí hoạ về chú cún con “Boo”, Boo Berry Bandit (BBB).

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc Đại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles.  Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dạy dỗ con cái làm người.

Huey Nguyenhuu

Tái bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

BB-0325-1 BB-0325-2 BB-0325-3 BB-0325-4



Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh 

Mẹ sanh em bé

Quỳnh Như, Lớp Một

Em  mới có em bé, đó là một em con gái. Em bé nhỏ síu, mẹ bồn em trong tay vẫn nhỏ dù có khăn lông bự. Bé nhỏ, nhưn mà khóc lại to. Mẹ nói bé đói nên khóc to cho mọi người biết, giống như em khi đói thì la cả làn đều nghe.

Em thích và muốn bồn em, nhưng mẹ khôn cho vì sợ em làm té em bé. Mẹ cho em ngồi bên em bé nhưn khôn đượt đụn vào em.

Em muốn cho bé ăn kẹo và bánh ngọt, mẹ nói khôn đượt, phải chờ em lớn. Bây giờ em chỉ bú sữa mẹ mà thôi.

Em quên mất, mẹ gọi tên em bé là Quỳnh Vi

—-

Thư viết cho Bố vào ngày sinh nhật con 16 tuổi

Đan Thư

Con cảm ơn bố vì người đã tập cho con tính tự lập tự lo, con quan sát người luôn tự tìm tòi, sữa chữa vật dụng trong nhà và điều đó đã làm con cảm phục, dạy con thế nào là một người lãnh đạo “from within” để có lòng tin từ mọi người xung quanh, và gìn giữ tình nghĩa với người đời, vì những quyển sách bố thường mang về nhà để con đọc nhằm nuôi dưỡng trí tuệ và nâng cao tri thức cho con, vì bố đã dành tình thương qua sự giản đơn trong từng bữa cơm, những bộ quần áo – từ sự vừa đủ để trang trải cuộc sống.

Và đến ngày hôm nay khi con sắp bước sang tuổi 21, con cảm ơn người vì đã luôn âm thầm dõi theo những bước đi và chặng đường của con. Càng lớn con lại càng cần thấy mình phải học cách làm người phụ nữ của gia đình nhiều hơn để làm 1 người con gái biết chăm lo cho đời sống gia đình.

Gửi bố kính mến sau nhiều năm chưa viết thư cho bố.



Tâm tình thầy cô
 

Luật hỏi ngã trong tiếng Việt

Trần C. Trí
(University of California, Irvine)

Các thầy cô dạy Việt ngữ vẫn thường dạy cho các em luật hỏi-ngã trong một số trường hợp các em phân vân không biết dấu nào là đúng bằng cách đưa ra hai loại kết hợp dấu thanh như sau:

Sắc – Ngang – HỎI
Huyền – Nặng – NGÃ

Vì sao các thanh lại được sắp xếp như trên? Sự sắp xếp này dựa trên tính chất của từng thanh. Ba thanh sắc, ngang và hỏi được xếp vào nhóm các thanh “cao” (trong ngữ âm học, nhóm này được gọi là upper register); còn ba thanh huyền, nặng và ngã là nhóm các thanh “thấp” (lower register). Luật hỏi-ngã dựa theo sự phân nhóm này với mục đích là tạo nên sự hài hoà về thanh (tone harmony) trong một số ngôn ngữ có thanh nói chung chứ không riêng gì tiếng Việt.

Luật hỏi-ngã của tiếng Việt được áp dụng vào những từ ngữ hội đủ ba điều kiện sau:

-Từ ngữ có hai thành phần.

-Một trong hai thành phần có dấu hỏi hay dấu ngã.

-Thành phần có dấu hỏi hay dấu ngã có thể đứng trước hay sau thành phần kia.

“Thành phần” ở đây có thể là một từ ngữ (hay “chữ”), hay cũng có thể là một vần. Như vậy, chúng ta cần phân biệt giữa VẦN (syllable) và CHỮ (word) trước khi đi vào tìm hiểu xem luật hỏi-ngã được áp dụng lúc nào và ra sao.

VẦN là đơn vị âm thanh bao gồm ba phần (i) Âm đầu (phụ âm), (ii) âm giữa (nguyên âm, nhị trùng âm hay tam trùng âm) và (iii) âm cuối (phụ âm). Thành phần giữa là quan trọng nhất, lúc nào cũng phải có, còn phần đầu hay phần cuối có thể vắng mặt.

Ví dụ:

Vần đầy đủ ba phần: xem – hiên – nguyên

Vần không có phần cuối: xe – hai – tiêu

Vần không có phần đầu: an – yên – oan

Vần chỉ có phần giữa: a – ai – oai

CHỮ là một đơn vị gồm một hay nhiều vần mang một ý nghĩa nhất định. Theo định nghĩa này, nếu một vần đã mang sẵn ý nghĩa thì nó đã trở thành một chữ. Điều đáng chú ý trong chính tả tiếng Việt là mỗi đơn vị mà chúng ta viết xuống giấy (hay in trên sách báo) là một vần chứ không nhất thiết là một chữ (trừ khi vần đó cũng là một chữ). Nói cách khác, trong tiếng Việt, mỗi vần phải cách nhau bằng một khoảng trống (điều này không thấy trong chính tả tiếng Anh hay tiếng Pháp chẳng hạn). Cũng vì cách viết này mà nhiều người lầm tưởng rằng tiếng Việt là tiếng đơn âm.

Việc phân chia tỉ mỉ các loại từ ngữ trong tiếng Việt đòi hỏi một bài nghiên cứu đi quá phạm vi của bài viết nhỏ này. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm phân loại một số từ ngữ chính trong tiếng Việt như sau:

Chữ một vần: nhà – cửa – xe (Mỗi vần đã có ý nghĩa)

Chữ hai vần: băn khoăn – năn nỉ – hồi hộp (Mỗi vần đều không có nghĩa)

Chữ kép: độc lập – khuyến khích – đại học – mơ mộng (Mỗi vần là một chữ)

Chữ láy: vui vẻ – chạy chọt – mơ màng – uể oải (Vần láy không có nghĩa)

Chữ đệm: đỏ loét – nặng trịch – dễ ợt – chua lè (Vần đệm không có nghĩa)

Xin mở một dấu ngoặc về hiện tượng láy trong tiếng Việt. “Láy” là hiện tượng một vần mô phỏng âm thanh của chữ hay vần mà nó kết hợp. Sư mô phỏng này có thể là âm đầu, âm giữa, âm cuối hay thanh). Để ý, chúng ta sẽ thấy hiện tượng láy không chỉ xảy ra trong những “chữ láy” mà còn được tìm thấy trong một số chữ hai vần (i ỉ, lập lờ, mênh mông) hay chữ kép (mơ mộng, ngủ nghê, học hỏi). Điều này cho thấy người Việt có khuynh hướng thích láy (Nhiều ngôn ngữ khác cũng có hiện tượng này. Ví dụ như trong tiếng Anh: Okie-dokie, easy-peasy, chit-chat, super-duper, flip-flop).

Trở lại với luật hỏi-ngã. Trong năm loại từ ngữ kể trên, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng luật hỏi-ngã không áp dụng cho Loại 1 (vì chỉ có một vần!) và Loại 3 (vì hai chữ độc lập kết hợp với nhau, không nhất thiết phải hài hoà về thanh). Lấy ví dụ chữ kép mệt mỏi; ta thấy rằng nếu chiếu theo luật hỏi-ngã kể trên thì đây là một sự vi phạm luật. Nhưng không phải vậy. Luật hỏi-ngã không được áp dụng vào chữ kép. Nếu hai chữ trong một chữ kép tình cờ hài hoà về thanh thì càng tốt (ví dụ như chữ lễ độ), nhưng không hài hoà thì cũng chẳng sao, vì đơn giản là không có luật lệ về thanh nào ràng buộc việc kết hợp hai chữ riêng rẽ.

Như vậy, luật hỏi-ngã được áp dụng vào ba loại từ ngữ còn lại. Thầy cô Việt ngữ thường dạy các em như sau: Khi phải viết một chữ hai vần, chữ láy hay chữ đệm có chứa một chữ hay một vần mang dấu hỏi hoặc dấu ngã mà không chắc chắn là dấu nào, chúng ta căn cứ vào chữ hay vần kia để quyết định. Ví dụ như trong chữ hai vần năn nỉ, nỉ là dấu hỏi chứ không phải dấu ngã vì năn là thanh ngang (không dấu).

Nhờ luật hỏi-ngã này mà chúng ta có thể giải quyết được một số trường hợp gây tranh cãi. Ví dụ như chữ viển vông. Nhiều người trong chúng ta cho rằng phải viết là viễn (dấu ngã) vì tính từ này có nghĩa là “xa vời, không thực tế,” vì chữ Hán-Việt viễn nghĩa là “xa.” Tuy nhiên, nếu chúng ta tra cứu một số từ điển có uy tín thì sẽ thấy phải viết là viển (dấu hỏi), vì theo luật hỏi-ngã, vông là thanh ngang (không dấu) thì viển ắt là dấu hỏi. Ngoài ra, cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể xác định rằng viển vông là một chữ hai vần (không vần nào có nghĩa cả), chứ không phải là một chữ láy (một chữ có nghĩa kết hợp với một vần láy). Xét qua một trường hợp khác, cũng chính luật hỏi-ngã đã giúp chúng ta biết phải dùng dấu hỏi trong tính từ ngất ngưởng mà lại phải dùng dấu ngã trong tính từ ngật ngưỡng, tuy hai tính từ này có thể đồng nghĩa với nhau nếu nói về dáng điệu đi không vững của một người nào đó.

Trong một ví dụ khác, nhờ luật hỏi-ngã mà chúng ta có thể xác định được một thành phần nào đó là một chữ (có ý nghĩa) hay chỉ là một vần (không có ý nghĩa). Ví dụ như danh từ mình mẩy. Thoạt nhìn, chúng ta nghĩ đây là một chữ láy, vì phụ âm [m] được lập lại. Nếu đây là một chữ láy thì mình là từ ngữ chính, còn mẩy phải là vần láy, không có nghĩa. Nhưng nếu đã là chữ láy thì, theo luật hỏi-ngã, phải là mẫy chứ sao lại là mẩy??? Nếu tra cứu sách vở hay hỏi người am hiểu, chúng ta sẽ biết được rằng mẩy chính là một từ ngữ hẳn hoi, và nó cũng đồng nghĩa với mình. Hoá ra đây là một chữ kép có kèm theo yếu tố láy. Chẳng vậy mà trong tiếng Việt lại có thành ngữ đầu chấy, mẩy rận để chỉ những người không chịu giữ gìn vệ sinh thân thể!

Cũng cần chú ý là trong một chữ láy, vần láy phải hài hoà về thanh với từ ngữ chính khi vần này phải chọn giữa hỏi và ngã. Nhưng trường hợp ngược lại thì không, có nghĩa là một khi từ ngữ chính đã mang thanh hỏi hay ngã rồi (và không thể thay đổi được), thì vần láy nếu có mang một thanh không hợp với luật hỏi-ngã cũng không thành vấn đề. Ví dụ như trong động từ láy phỉnh phờ, phỉnh là từ ngữ chính, mang thanh hỏi, còn phờ là vần láy, lại mang thanh huyền, không hợp với luật hỏi-ngã. Tuy nhiên, luật hỏi-ngã không chi phối trường hợp này. Cũng vậy, trong tính từ láy nhiễu nhương, nhiễu là chữ chính, mang thanh ngã, nhương là vần láy, mang thanh ngang, tức là một thanh trong nhóm “thấp” kết hợp với một thanh trong nhóm “cao.” Một lần nữa, luật hỏi-ngã không can thiệp vào trường hợp này!

Khi dạy luật hỏi-ngã cho các em, tất nhiên là chúng ta không cần đi vào chi tiết như trên. Tuy nhiên, có được một cái nhìn có hệ thống về quy luật này giúp cho chúng ta tự tin hơn. Từ sự hiểu biết về những loại từ ngữ mà luật này áp dụng vào, khi cần thiết, chúng ta có thể giải thích một cách đơn giản cho các em hiểu lúc nào luật hỏi-ngã được áp dụng và lúc nào không.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT