Friday, April 26, 2024

Nếu đảng Cộng Hòa mất phiếu của cộng đồng Hispanic

Nguyễn Văn Khanh

Cuối mùa Xuân 2000, ông Jim Nicholson, chủ tịch điều hành đảng Cộng Hòa bỏ ra 10 triệu dollars để giới thiệu đảng với cộng đồng Hispanic. Hình ảnh nhiều người chưa quên là hình ảnh những cầu thủ, ca sĩ, tài tử… gốc Hispanic xuất hiện trong những đoạn video ngắn được trình chiếu khắp nước Mỹ, mang nội dung đặt trọn niềm tin vào đảng Cộng Hòa “vì đây là đảng có đường lối đi thật sát với giá trị cao cả mà chúng ta đã có trước ngày đặt chân đến Hoa Kỳ và vẫn giữ vững dù đã trở thành công dân Mỹ.”

Loạt quảng cáo truyền hình đó đem lại kết quả không thể ngờ: 35% cử tri Hispanic toàn quốc bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa George W. Bush, giúp ông thống đốc tiểu bang Texas đặt chân vào Tòa Bạch Ốc với tư cách vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Bốn năm sau đó, cũng nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng Hispanic nên ông Bush tái đắc cử vẻ vang, cho dù một số không ít cử tri thuộc tập thể “đa số da trắng” quyết định không đi bầu, để phản đối việc ông mở cuộc chiến Iraq.

Sự ủng hộ của cộng đồng Hispanic dành cho đảng Cộng Hòa bị “khựng” lại hồi 2012, sau khi ông Mitt Romney đưa ra lời phát biểu bị chỉ trích là “mang ý nghĩa khinh miệt cộng đồng thiểu số,” xem họ là tập thể chỉ thích ăn bám xã hội chứ không muốn tiến thân. Ngay sau khi bị thất bại, đảng Cộng Hòa cho thành lập một ủy ban có trách nhiệm tìm hiểu lam thế nào để có thể lấy lại Tòa Bạch Ốc vào năm 2016. Sau 2 tháng trời làm việc, ủy ban đưa ra những đề nghị mà mọi người đều có thể đoán biết trước, chẳng hạn như phải thu hút được thành phần cử tri trẻ tuổi, và phải bắt tay với các cộng đồng thiểu số, trong đó có cộng đồng Hispanic.

Rất tiếc, điều được nhắc nhở đó đã không được đảng Cộng Hòa thực hiện. Nói đúng hơn, không được ứng cử viên Donald Trump của đảng thực hiện. Những lời tuyên bố ông Trump đưa ra từ ngày mới bắt đầu tranh cử đã đẩy cộng đồng Hispanic “đi xa đảng Cộng Hòa hơn, thay vì phải đưa họ đến gần với mình,” theo trình bày của ông Cựu Chủ Tịch Jim Nicholson trong cuộc thảo luận về vai trò của cử tri thiểu số trong sinh hoạt chính trường Hoa Kỳ, được tổ chức hồi Tháng Năm vừa qua tại Washington D.C.

“Cộng đồng nào cũng nhay cảm về chính trị,” ông Nicholson nói, “đặc biệt cộng đồng Hispanic rất nhạy cảm khi nói đến chuyện di trú. Ðây là một cộng đồng đóng góp rất nhiều cho quốc gia, nhưng đồng thời cũng là một cộng đồng thường bị chế diễu là trốn vào Mỹ sinh sống bất hợp pháp,” Do đó, “ai cũng biết cứ nói đến chuyện di trú là cộng đồng Hispanic sẽ phản ứng, thành ra các chính trị gia phải thật khéo léo khi nói đến vấn đề mang tính tế nhị chính trị này, đừng đưa ra những lời lẽ khiến họ bực bội.”

Ðược mời phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Carlos Martinez, đại diện tổ chức Liên Hiệp Người Gốc Châu Mỹ La Tinh, cho rằng cộng đồng Hispanic “có lý do chính đáng để bực bội.” “Chúng tôi là di dân hoặc là con cháu của di dân, hầu như gia đình nào cũng có người thân, bạn bè hay biết người cư ngụ bất hợp pháp ở Mỹ, chúng tôi muốn tình trạng di trú của họ được hợp thức hóa, vận động tới mức nào đảng Cộng Hòa cũng lắc đầu không ủng hộ. Ðã thế, họ (Cộng Hòa) còn tạo cho chúng tôi cảm tưởng đi ra ngoài đường sẽ bị họ xét chứng minh thư nhân dân, không cho chúng tôi cơ hội chứng tỏ mình cũng là công dân Hoa Kỳ.”

Phát biểu đó có thể bị chỉ trích là “hơi quá đà,” nhưng theo bà Maria De Castro, thành viên trong Hội Ðồng Ðiều Hành Tổ Chức Bảo Vệ Quyền Lợi Của Tập Thể Hispanic, “tôi cứ nghĩ năm 2016 là năm đảng Cộng Hòa sẽ dồn nỗ lực kiếm phiếu của tập thể Hispanic, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì cả.” Bà De Castro đưa ra dẫn chứng: thỉnh thoảng “mới có một cái quảng cáo tranh cử bằng tiếng spanish, trong khi chính họ (Cộng Hòa) hiểu là khó có thể thành công nếu không được sự ủng hộ của cộng đồng chúng tôi,” bảo thêm “từ trước đến giờ tập thể Hispanic là tập thể đa số hoạt động với đảng Dân Chủ, với tình huống này, số người (Hispanic) sinh hoạt với đảng Dân Chủ chắc chắn sẽ tăng lên.”

Ðiều đó, nếu đúng, có lợi hay có hại cho tập thể Hispanic ở Mỹ? Ða số những nhà quan sát chính trị đều có câu trả lời giống nhau: không hay!

“Tập thể Hispanic là một tập thể chính trị mới nổi, do đó, sự hiện diện của họ ở bên Dân Chủ và bên Cộng Hòa đều quan trọng,” theo giải thích của ông Steven Navardo, từng đứng trong dàn cố vấn của Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio. Theo ông, “chính sách của Hoa Kỳ được soạn bởi lưỡng đảng và lưỡng viện, do đó sự có mặt của người Hipanic ở bên nào cũng quan trọng ngang nhau. Ngoài chính sách kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, “tập thể Hispanic còn có những điều cần phải giải quyết, chẳng hạn như hợp thức hóa tình trạng cư trú của hơn 10 triệu người đang sinh sống ở Mỹ bất hợp pháp,” nhấn mạnh “điều này chỉ có thể giải quyết với điều kiện họ vận động và sinh hoạt chặt chẽ với cả 2 đảng.”

Lời khuyên đó “chúng tôi lắng nghe,” nhưng “không biết cộng đồng có áp dụng ở cuộc bầu cử tổng thống năm nay hay không,” anh nhà báo Tony Howard đang làm việc cho đài truyền hình Univision vừa cười vừa nói. Từng phục vụ tại chiến trường Afghanistan, anh nhà báo gốc Mễ bảo từ đầu năm đến giờ, “tôi thấy hình như cánh Cộng Hòa không muốn tiếp xúc với tập thể Hispanic, ngay ông Trump cũng không muốn làm việc với chúng tôi.” Khi được nhắc nhở là gần đây ông tỷ phú Trump đã dịu giọng, kêu gọi cộng đồng thiểu số da đen và Hispanic bỏ phiếu cho ông ta, anh Tony Howard trợn trừng mắt, nói “ông ta muốn chúng tôi bỏ phiếu, nhưng ông ta nói trong cuộc vận động quy tụ toàn người da trắng, tôi có thấy người da đen hay người Hispanic nào đâu!”

MỚI CẬP NHẬT