Friday, April 26, 2024

Thêm người vận động dân chủ bị bắt tại Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Anh Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, sinh đẻ tại Sài Gòn nhưng sống ở Hà Nội, vừa bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước…”

Ngày 29 Tháng Sáu, anh Phúc bị bắt với cáo buộc “tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.” Anh hiện bị tạm giam tại trại giam số 1 công an thành phố Hà Nội, theo bản thông báo của công an Hà Nội mà thân nhân chỉ được biết bốn ngày sau khi đến nơi dò hỏi.

Không chỉ là thành viên YSEALI, nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á do Tổng Thống Barack Obama thành lập, anh còn tham gia vào các hoạt động dân chủ, nhân quyền, từng được mời gặp Tổng Thống Obama khi ông đến thành thành phố Sài Gòn hồi Tháng Năm năm ngoái, nhưng đã bị công an ngăn chặn.

Theo một số Facebooker, Trần Hoàng Phúc đã hoàn tất chương trình học khoa Luật tại trường Đại Học Luật ở Sài Gòn. Nhưng vì tham gia các hoạt động vận động cho dân chủ, nhân quyền nên anh bị nhà trường làm khó dễ và không trao bằng tốt nghiệp.

Anh bị bắt ở Hà Nội vào đúng ngày blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án tù 10 năm trong một phiên xử ở Nha Trang.

Anh được bạn bè trên Facebook mô tả là “thanh niên trẻ năng động, có bản lĩnh, tiếp cận thông tin và môi trường học hiện đại qua nhiều khóa học về kỹ năng quản trị, đàm phán và kinh doanh.” Anh còn rất trẻ và chưa phải là người nổi tiếng tại Việt Nam nên không được biết nhiều dù từng tham dự nhiều hoạt động vận động nhân quyền và dân chủ hóa đất nước.

Từ đầu năm đến nay, kể cả vụ bắt anh Trần Hoàng Phúc, ít nhất CSVN đã bắt giam sáu người tham gia đấu tranh dân chủ, nhân quyền. Họ bị vu cho các tội trạng nằm trong các điều luật từ 88 đến 258 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Hồi Tháng Ba, công an thành phố Hà Nội đã bắt hai người qua các bài viết hay phổ biến bài viết video clip “có nội dung xấu” của người khác trên mạng xã hội. Ông Vũ Quang Thuận, 51 tuổi, và ông Nguyễn Văn Điển, 34 tuổi, bị công an Hà Nội ập tới nhà họ thuê phía sau nhà thờ Thái Hà ở khu vực phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, khám xét và bắt giữ ngày 3 Tháng Ba.

“Nội dung xấu” là nhóm từ mà chính quyền Việt Nam luôn luôn dùng để chỉ các thông tin hoặc bài viết chỉ trích những sai trái của nhà cầm quyền, hoặc bày tỏ lòng yêu nước mà những người dân phổ biến trên mạng xã hội. Ông Vũ Quang Thuận, có trang Facebook với bút hiệu Võ Phù Đổng, trong khi ông Nguyễn Văn Điển có bút hiệu Điển Ái Quốc.

Vụ bắt này xảy ra chỉ hai ngày trước Chủ Nhật, 5 Tháng Ba, là ngày mà Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng ở Việt Nam, kêu gọi mọi người đồng loạt xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố, vào mỗi Chủ Nhật.

Trước đó, ngày 11 Tháng Giêng, anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, là người đầu tiên trong năm 2017 bị bắt ở Hà Tĩnh với cáo buộc phát tán các clip biểu tình chống Formosa trên YouTube và Facebook, theo Điều 258.

Kế đến là ông Nguyễn Văn Oai, cựu từ nhân lương tâm, bị bắt ở Nghệ An ngày 19 Tháng Giêng. Bà Trần Thị Nga bị bắt ngày 21 Tháng Giêng bị vu cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88, có thể sắp bị lôi ra tòa…

Hồi giữa Tháng Sáu, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch ở Hoa Kỳ có bài viết lên án CSVN đàn áp nhân quyền bất chấp các cam kết quốc tế mà họ đã đặt bút ký. Trong bài viết, HRW kêu lên rằng “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền” tại Việt Nam.

Bắt giam, bỏ tù, công an giả dạng côn đồ ngang nhiên hành hung giữa đường, cô lập, bao vây kinh tế, không thiếu một trò nào mà chế độ Hà Nội không thi hành để đối phó với những người muốn có một đất nước có tự do dân chủ và nhân quyền thật sự như các nước khác trên thế giới.

Theo tổ chức HRW nêu ra trong một bài viết hồi Tháng Sáu (tức là trước khi bắt Trần Hoàng Phúc), Việt Nam có ít nhất 112 nhà hoạt động và blogger đang bị án tù chỉ vì thực thi các quyền tự do cơ bản của mình, như tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền HRW đã rất nhiều lần kêu gọi loại bỏ những điều luật có nội dung hình sự hóa ngôn luận ôn hòa ở Việt Nam.

“Việt Nam có một quá trình dài trừng phạt bất cứ ai bị đảng Cộng Sản cầm quyền coi là mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của mình. Việt Nam cần gia nhập thế kỷ 21 và loại bỏ những điều luật hà khắc có từ thời trước,” tổ chức HRW cho biết.

Hồi Tháng Mười, 2016, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra thông cáo đòi hỏi Việt Nam hủy bỏ các điều luật hình sự 88 và 79, tức các điều luật quy chụp công dân “tuyên truyền chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ” trái với Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký cam kết tuân hành nhưng không thực hiện. (TN)

Hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng khốn đốn vì mất nước sinh hoạt

MỚI CẬP NHẬT