Friday, April 26, 2024

Khủng hoảng giáo dục đại học Mỹ không chỉ là nợ tiền học

Lê Tâm
(Theo Education News)

Có được tấm bằng đại học có thể mở cánh cửa dẫn tới lương cao và cơ hội kiếm việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, đối với những người đi học mà không tốt nghiệp, các viễn ảnh tươi đẹp này lại nhanh chóng mờ nhạt.

Vào thời điểm mà đa số các sinh viên phải mượn tiền để chi trả các chi phí đi học đại học, việc bỏ học giữa chừng nay có khả năng đưa tới những vấn đề trầm trọng hơn.

Trong một loạt các cuộc nghiên cứu của Third Way, một cơ quan nghiên cứu về giáo dục, cho thấy nhiều đại học đã khiến cho sinh viên chỉ có được khoảng 50/50 cơ hội tốt nghiệp hay kiếm được công việc làm trả lương cao hơn so với một người chỉ có bằng trung học.

Các kết quả nghiên cứu này tạo thêm chứng cớ cho rằng cần phải chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh tốt nghiệp của người sinh viên, thay vì chỉ là để tạo có cơ hội đi học đại học.

“Chúng tôi nghĩ rằng những người soạn thảo chính sách cần phải thay đổi để chú trọng không chỉ vào giá tiền mà còn là giá trị của những gì các trường đang cung cấp cho người sinh viên,” theo Lanae Erickson Hatalsky, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và cũng là phó giám đốc đặc trách chính sách xã hội và chính trị tại cơ quan Third Way.

Trong bản báo cáo gần đây nhất, được công bố hồi đầu Tháng Tám, bà Erickson Hatalsky và đồng tác giả Tamara Hiler, xem xét sự thành công của các sinh viên tại 535 trường đại học công lập, sử dụng dữ kiện do Bộ Giáo Dục thu thập được.

Họ thấy rằng chỉ 48% các sinh viên lần đầu tiên đi học đại học, và học toàn thời gian, là tốt nghiệp trong vòng 6 năm tại một đại học công lập trung bình. Trong khi đó, chỉ có 80 trường trong số này là có mức tốt nghiệp của sinh viên hơn 66%.

Một báo cáo trước đó của cơ quan nghiên cứu Third Way cũng cho thấy ở các trường đại học tư, hoạt động không vì lợi nhuận, chỉ khoảng 55% các sinh viên có hoàn cảnh tương tự, tốt nghiệp được trong 6 năm. Trong số 1,027 trường đại học tư được xem xét, có tới 761 trường với mức tốt nghiệp dưới 67%.

Bản báo cáo của Third Way kêu gọi chú trọng nhiều hơn vào việc giúp sinh viên hoàn tất chương trình học của mình chứ không chỉ là tạo điều kiện dễ dàng hơn hoặc chi phí thấp hơn.

Trong khi đó, bản báo cáo cũng cho hay các trường đại học, khác với các trường trung học, không bị buộc phải tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào về mức độ tốt nghiệp, không như ở các trường trung học sẽ bị điều tra nếu con số tốt nghiệp dưới mức 67%. Nếu tiêu chuẩn này được áp dụng cho bậc đại học thì có tới 85% các trường đại học công lập và 74% trường đại học tư sẽ bị điều tra để có sự can thiệp của chính phủ.

Trong số những dữ kiện không mấy sáng sủa mà bản báo cáo đưa ra cũng gồm có việc tại một đại học công lập 4 năm tầm cỡ trung bình ở Mỹ, khoảng 22.2% các sinh viên từng mượn nợ để đi học đã không thể khởi sự trả nợ ba năm sau khi rời trường.

Để giải thích mức độ trầm trọng của con số này, bản báo cáo cho biết “vào cao điểm của cuộc khủng hoảng địa ốc năm 2010, số vụ thiếu tiền nhà hơn 90 ngày lên tới chừng 10%.”

Hai tác giả cuộc nghiên cứu cho hay mục tiêu của họ không là làm nản lòng những người muốn đi học đại học, vì lợi ích kinh tế của tấm bằng cử nhân là điều rất rõ ràng. Tuy nhiên, mục tiêu của họ là tạo sự tái tập trung cuộc thảo luận hiện nay về vấn đề giáo dục đại học, vì không chỉ có cuộc khủng hoảng nợ tiền học mà còn là khủng hoảng về mức độ tốt nghiệp.

MỚI CẬP NHẬT