Friday, April 26, 2024

Việt Nam phủ nhận tin đưa hỏa tiễn Extra trấn giữ Trường Sa

HÀ NỘI (NV) – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội CSVN, thượng tướng Võ Văn Tuấn, phủ nhận tin Việt Nam đưa hỏa tiễn tới một số đảo trấn giữ Trường Sa vì tranh chấp chủ quyền ngày thêm căng thẳng.

‘Không có chuyện đấy đâu. Không có chuyện đấy. Hôm nay cũng có người hỏi rồi. Không có chuyện đấy.’

Đài VOA hôm Thứ Tư 10 tháng 8 dẫn lời Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội CSVN, nói như vậy về bản tin của hãng Reuters ngày hôm qua nói Việt Nam đã đưa giàn phóng hỏa tiễn phòng thủ đến 5 đảo trong số 21 đảo và bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa đang do các đơn vị hải quân của Việt Nam canh giữ.

Một cán bộ cao cấp khác đề nghị không nêu tên thuộc Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã hướng dẫn phóng viên VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao. Ông này nói với VOA rằng “Tốt nhất là về phía Việt Nam có Vụ Thông tin-Báo chí, Bộ Ngoại giao, thì cơ quan đấy họ sẽ trả lời một cách đầy đủ”.

Tuy nhiên một ngày trước, bản tin của thông tấn Reuters cho biết một viên chức của Bộ Ngoại giao CSVN cũng phủ nhận tin đó khi nói việc Việt Nam đưa các giàn phóng hỏa tiễn tới Trường Sa là “không chính xác” và không nói thêm chi tiết nào khác.

Theo một nguồn tin riêng của hãng thông tấn Reuters hôm Thứ Ba 9 tháng 8, một số nhà ngoại giao vào giới chức quân sự nói với hãng tin này rằng Hà Nội đã chuyển một số dàn phóng hỏa tiễn cơ động từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây. Sự kiện này được nhận định có thể dẫn Hà Nội căng thẳng thêm với Bắc Kinh.

Các giàn phóng này nhỏ và được cất giữ trong nhà nên các máy bay quan sát từ trên cao không thể thấy. Chúng cũng chưa được trang bị đầu đạn nhưng chúng có thể sẵn sàng để hoạt động trong vòng hai hay ba ngày, theo ba nguồn tin khác nhau.

Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Nguyễn Chí Vịnh, nói với Reuters ở Singapore hồi Tháng Sáu vừa qua rằng Hà Nội không có loại giàn phóng hỏa tiễn đó hoặc loại võ khí như thế sẵn sàng tại Trường Sa. Tuy nhiên Việt Nam có quyền làm như vậy.

“Điều đó hoàn toàn nằm trong quyền tự vệ hợp pháp khi chúng tôi đem bất cứ loại võ khí nào, tới bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào trong phạm vi lãnh thổ chủ quyền của chúng tôi”. Ông Vịnh nói.

Hành động đưa hỏa tiễn tới trấn ở Trường Sa không ngoài mục đích đối phó với việc Trung Quốc biến 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ mà những gì đang được báo chí quốc tế tiết lộ dần dần, những nơi này sẽ là những căn cứ quân sự khổng lồ để Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Đông.

Hà Nội biết rằng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đó sẽ biến các đảo và cả khu vực phía nam của Việt Nam bị Bắc Kinh đe dọa an nguy nếu có biến cố quân sự xảy ra.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc Hà nội đem hỏa tiễn ra trấn giữ Trường Sa là một hành động tiêu biểu nhất gần đây kể từ khi đưa một số đơn vị ra trấn giữ thường xuyên mấy thập niên qua.

Hà Nội muốn đưa các giàn phóng ra đặt trước vì họ dự trù các căng thẳng chủ quyền biển đảo có thể gia tăng nhất là từ khi Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague tuyên bố yêu sách “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông của Bắc Kinh là vô giá trị, theo nhận định của một nhà ngoại giao.

“Quân đội của Trung Quốc theo dõi chặt chẽ tình hình trên mặt biển cũng như trên không ở quanh quần đảo Trường Sa.” Bộ Quốc Phòng Trung Quốc gửi một bản tuyên bố bằng điện thư fax tới hãng tin Reuters.“ Chúng tôi hy vọng các nước liên quan hợp cùng với Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông”.

Hoa Kỳ cũng theo dõi diễn biến này chặt chẽ.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nước tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa tránh các hành động tạo thêm căng thẳng, nên có các bước đi cụ thể để tạo niềm tin và tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp ôn hòa, ngoại giao cho tranh chấp”.

Một số nhà ngoại giao và phân tích gia quân sự cho rằng loại hỏa tiễn mà Hà Nội đưa tới Trường Sa nhiều phần là loại hỏa tiễn cơ động phòng vệ biển Extra mua của Do Thái mấy năm gần đây.

Hỏa tiễn Extra tuy nhỏ nhưng khá tối tân và có tầm bắn chính xác lên tới 150km. Đầu đạn của nó nặng 150kg có thể mang chất nổ mạnh hoặc những quả bom nhỏ để tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc, cả trên biển cũng như đất liền.

Nếu chúng được trang bị trên một số đảo mà Việt Nam đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa, chúng có thể bắn tới phi đạo hay các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc như Su-bi, Đá Thập, Vành Khăn.

Việt Nam có các loại hỏa tiễn lớn hơn và tầm bắn xa hơn mua của Nga nhưng các giàn Extra tuy nhỏ hơn nhưng lại không cồng kềnh lắm, sử dụng một loại radar hướng dẫn cũng rất nhỏ, rất thích hợp để trang bị phòng thủ cho các đảo nhỏ.

“Khi Việt Nam mua các hỏa tiễn Extra, người ta thường nghĩ rằng chúng sẽ được đưa tới trấn tại quần đảo Trường Sa. Đó là loại võ khí tối hảo cho chúng.” Theo ý kiến của Siemon Wezeman, một chuyên viên nghiên cứu về võ khí của Viện Khảo Cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm (SIPRI) Thụy Điển.

Trung Quốc đem chiến hạm đến cướp một số bãi đá ngầm từ Việt Nam hồi năm 1988. Trận tấn công đã làm thiệt mạng 64 lính Việt Nam khi bảo vệ bãi đá Gạc Ma. (TN)

MỚI CẬP NHẬT