Friday, April 26, 2024

Bánh khọt Vũng Tàu ở Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại Vũng Tàu có nhiều quán bánh khọt, nhưng có một quán đặt thành thương hiệu mang tên “Cô Ba Vũng Tàu.” Tại Sài Gòn, quán này mở ba cửa tiệm, trong đó có một tiệm mở tại khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng, quận 7.

Nguyên liệu chính để làm món bánh khọt là bột gạo, ngoài ra còn có đậu xanh, con tép (làm nhân), hành lá, có nơi còn dùng hột gà, hoặc bột nghệ. Ðiểm khác biệt của bánh khọt Vũng Tàu là không dùng nước cốt dừa như bánh khọt miền Tây.

Khi tới quán bánh khọt Vũng Tàu ở quận 10, chúng tôi khá ngạc nhiên với cách đổ bánh khọt ở đây. Dù biết hiện giờ không còn ai dùng mỡ heo thoa lên khuôn bánh như trước kia, mà dùng dầu ăn. Nhưng quán này “độc đáo” là cho đổ dầu ăn ngập lên khuôn bánh (chừng 30 cái), khi đổ bột vô khuôn, bột chìm dưới lớp dầu ăn đang sôi nên chín rất nhanh và làm bánh giòn.

Ông chủ quán, dân gốc Vũng Tàu, giải thích: “Không thể làm theo cách truyền thống như hồi xưa nữa, vì lượng khách đông, không thể để họ chờ được.”

Bánh khọt “chiên” giòn, được cuốn với lá cải xanh hoặc rau xà lách, thêm rau thơm, rau diếp cá, đu đủ xanh bào chấm nước mắm chua ngọt. Ăn rồi mới nhớ, có ai đó đã nói bánh khọt với bánh xèo là “hai chị em” với nhau. Nghe ra cũng hơi hơi… có lý!

Với quán “Cô Ba Vũng Tàu” ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, thì bánh khọt mềm hơn. Ngoài nhân tép ra thì ở đây còn có nhân chả cá (thu), nhân mực,…

Ðổ bánh khọt Vũng Tàu tại một quán ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Ðổ bánh khọt Vũng Tàu tại một quán ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Một người bạn của chúng tôi kể, anh đưa người bạn là Việt kiều Úc đi khắp hết những quán bánh khọt ở Sài Gòn, nhưng tới bất cứ quán nào anh bạn đều thở dài, nói rằng bánh khọt này không giống bánh khọt ngày xưa.

Bạn anh kể, mùa Hè năm lớp 9, người bạn gái cùng lớp vốn học khá giỏi, từng mơ ước lớn lên sẽ làm cô giáo hoặc thi vô ngành y, nhưng vì gia cảnh nghèo nên mở ra một quán bánh khọt trong hẻm. Anh tới ăn ủng hộ, quán nghèo nên bánh không có nhân tôm hay nhân thịt, chỉ là bột gạo pha với nước cốt dừa, và bột cũng khá loãng nên bánh rất mềm.

Bánh nóng được cho vô chén, với chút đồ chua, chan ngập nước mắm chua ngọt, dù bánh không có nhân nhưng ngày đó anh ăn thấy sao ngon lạ.

Cuối mùa Hè đó, gia đình anh đi vượt biên. Ngày đó ra đi là bí mật, không thể nói chuyện chia tay với ai. Tới được Úc, sau này anh liên lạc về, nhưng không nhận được hồi âm.

Ngày anh trở về thì gia đình người bạn gái cũ không còn ở đó. Hỏi thăm, có người nói gia đình cô đi kinh tế mới ở đâu miệt Bù Ðăng-Bù Ðốp. Lên đó tìm, người ta cho biết gia đình cô đã chuyển đi đâu đó về Rạch Giá-Kiên Giang. Anh lại lặn lội xuống đó, người thân của cô cho anh biết, cô được một người đàn ông cưu mang trong một chuyến vượt biển. Nhưng chuyến hải trình đó, không có ai đưa tin về…

Anh vẫn nuôi hy vọng, cho đến một ngày anh chợt nhận ra “mây trắng bay ngang đầu,” đành cất kỷ niệm vào trong một góc của trái tim, để tiếp tục vững bước sống cùng những tháng năm.

Với anh, bánh khọt không chỉ là tên một món ăn dân dã, mà còn là hình ảnh của một nỗi nhớ mà bao năm qua anh vẫn chưa kịp nghĩ ra một cái tên để gọi.

MỚI CẬP NHẬT