Saturday, May 4, 2024

Việt Nam: Tưởng niệm chiến tranh biên giới bị cản trở

Nhật Bình/Người Việt

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Hai, những buổi lễ tưởng niệm những người lính hy sinh đúng 38 năm về trước trong chiến tranh biên giới Việt-Trung được tổ chức ở Hà Nội và Sài Gòn có đông đảo người dân tham dự. Tuy nhiên, những buổi lễ này bị chính quyền phá rối và ngăn chặn. 

Sài Gòn: Buổi lễ không thể diễn ra

Theo lời kêu gọi của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Ðằng, buổi tưởng niệm sẽ diễn ra dưới chân tượng đài Trần Hưng Ðạo, ở công trường Mê Linh đối điện bến Bạch Ðằng, quận 1, Sài Gòn. Tuy nhiên, buổi lễ đã không thể diễn ra vì chính quyền huy động nhiều công an, an ninh, dân phòng, cảnh sát giao thông, cảnh sát 113 nhằm ngăn chặn buổi lễ. Họ còn cho xe chở hàng rào thép gai, xe còi hú, xe buýt tới để sẵn sàng trấn áp

Trước đó vài ngày, chính quyền cho lực lượng công an đứng canh gác trước nhà các nhà hoạt động dân chủ, những người mà họ cho là “chống đối” chính quyền, nhằm ngăn chặn không cho họ đến tham dự buổi lễ tưởng niệm.

Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, một nhà hoạt động nổi tiếng trong nước, cho biết: “Bắt đầu từ sáng ngày 16 Tháng Hai đã có bốn công an mặc thường phục đặt bàn sát cạnh nhà, ngồi canh. Có thêm tổ trưởng và dân phòng.”

“Một hành động mà chắc chỉ có Việt Nam mới có. Không nhà nước nào lại đi ngăn chặn người dân làm lễ tưởng niệm những người lính đã ngã xuống vì tổ quốc. Lẽ ra nhà cầm quyền này phải làm việc tưởng niệm, đằng này đã không làm mà còn đi ngăn chặn. Ðó chỉ có thể là hành động bán nước mà thôi,” Bác Sĩ Quế nói.

Nhiều người nhà hoạt động khá nổi tiếng ở Sài Gòn cũng bị canh cửa từ trước đó mấy ngày, ví dụ như Luật Sư Lê Công Ðịnh, nhà hoạt động vì công nhân Ðỗ Thị Minh Hạnh, ông Hoàng Dũng, Bác Sĩ Ðinh Ðức Long, và hai nhà báo Kha Lương Ngãi, Sương Quỳnh.

Nhiều hàng rào thép gai được huy động đặt xung quanh công trường Mê Linh, sẵn sàng cho cuộc trấn áp người tham dự lễ tưởng niệm. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhiều hàng rào thép gai được huy động đặt xung quanh công trường Mê Linh, sẵn sàng cho cuộc trấn áp người tham dự lễ tưởng niệm. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Nhiều người dân thường đến được khu vực tượng đài nhưng bị rượt đuổi không được vào. Hoa bị giật ngay từ khi chưa gởi xe. An ninh mặc thường phục bám đuổi theo người đi tưởng niệm loanh quanh các phố, liên lạc thay phiên đeo bám liên tục không để lễ tưởng niệm diễn ra.

Nhà báo Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết: “Tôi và hầu hết thành viên chủ chốt của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Ðằng đều bị an ninh ngăn chận tại nhà từ 1 giờ chiều ngày 16 Tháng Hai. Vì vậy, sáu khẩu hiệu mà tôi chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm đã phải chuyển cho chị Lại Thị Ánh Hồng.”

“Nhưng, trước khi buổi lễ diễn ra vài tiếng đồng hồ, chị Hồng bị công an phường 13, quận 3, bắt, điều tra, xét hỏi nguồn gốc của sáu bộ khẩu hiệu, có nội dung là ‘không thể làm bạn với quân xâm lược.’ Sau khi tra hỏi không có kết quả, họ tịch thu toàn bộ.”

“Họ vong ơn, họ sợ kẻ thù là chuyện của họ. Nhưng họ lại quyết liệt không cho chúng ta nhớ ơn đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc. Và họ cũng không muốn cho chúng ta lên án kẻ thù Trung Quốc xâm lược. Thật tệ hại vô cùng,” ông Ngãi nói một cách phẫn uất.

Trưa ngày 17 Tháng Hai, vì quá uất ức, ông Ngãi bị lên tăng xông máu. Lúc 11 giờ phải đi cấp cứu bệnh viện.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi cũng bị bắt đưa lên xe buýt chở đi.

Xe loa phường được huy động tới chân tượng đài Trần Hưng Ðạo để yêu cầu người dân không tụ tập đông người. (Hình: Huy Trần)
Xe loa phường được huy động tới chân tượng đài Trần Hưng Ðạo để yêu cầu người dân không tụ tập đông người. (Hình: Huy Trần)

Bà kể: “Sáng này tôi đã đi đến khu vực tưởng niệm từ rất sớm. Ðúng 9 giờ, khi chúng tôi chuẩn bị ra chân tượng đài Trần Hưng Ðạo để làm lễ tưởng niệm, thì chúng cho người tới bắt bớ, ép buộc tôi và một số người khác lên xe buýt chở về trụ sở tiếp dân ở quận Bình Tân. Sau khi câu lưu hơn 2 giờ thì chúng thả cho về.”

“Tôi không thể hiểu nổi cái chính quyền, mang danh là do dân và vì dân, nhưng chúng ta nên hiểu chúng nó chỉ do Trung Quốc và vì Trung Quốc. Không thể đê hèn đến độ người dân thắp nén nhang tưởng nhớ vong linh những người lính đã ngã xuống vì tổ quốc, mà lại đi ngăn chặn. Một chế độ quá hèn và quá tàn ác,” bà Chi nói một cách tức tối.

Còn nhà hoạt động Ðỗ Thị Minh Hạnh bực tức kể: “Chế độ này có thể ngăn chặn, có thể chia cắt, có thể bắt bớ, có thể đeo bám, có thể phá rối buổi tưởng niệm, nhưng không thể bắt được người dân lãng quên, không thể thay đổi được sự thật lịch sử. Mọi ngăn chặn, phá rối, bắt bớ hôm nay chỉ càng làm cho người dân nhận rõ bản chất của chế độ CSVN. Một chế độ bán nước.” 

Hà Nội: Diễn ra trong sự phá rối của công an

Từ Hà Nội, anh Bạch Hồng Quyền, một người tham dự buổi lễ tưởng niệm, cho biết: “Sáng nay, vào lúc 9 giờ, hàng trăm người dân tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, để thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ đến những anh hùng ngã xuống vì dân tộc trong cuộc chiến với Trung Cộng năm 1979.”

“Mặc dầu nhiều người dân đã thắp hương dưới chân tượng đài, nhà cầm quyền vẫn huy động lực lượng công an, an ninh, cảnh sát, côn đồ dày đặc và có cả xe buýt, xe thùng chờ sẵn xung quanh. Họ bắt nhiều người mà họ cho là chống đối, đưa lên xe buyt chở đi như bà Ðặng Bích Phượng, ông Nguyễn Lân Thắng, bà Lê Mỹ Hạnh, ông Trung Nguyễn, và một số dân oan. Tất cả đều được thả vào buổi chiều cùng ngày.”

Trưởng công an phường Tràng Tiền cầm loa yêu cầu giải tán, trong khi an ninh bận thường phục quay phim những người tới tham dự lễ tưởng niệm. (Hình: Bạch Hồng Quyền)
Trưởng công an phường Tràng Tiền cầm loa yêu cầu giải tán, trong khi an ninh bận thường phục quay phim những người tới tham dự lễ tưởng niệm. (Hình: Bạch Hồng Quyền)

“Khi thấy người dân tới viếng ngày càng nhiều, nhà cầm quyền huy động lực lượng côn đồ và dư luận viên đến đánh phá. Nhiều dư luận viên mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm cờ Cộng Sản nhảy múa, hò hét xung quanh khu vực tượng đài và chửi rủa những người tới tham dự buổi tượng niệm. Sau đó, trưởng công an phường Tràng Tiền cầm loa yêu cầu người dân giải tán, không được tụ tập đông người.”

“Tuy nhiên, mọi người vẫn tiếp tục dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Sau đó, mọi người lại tiếp tục di chuyển về nghĩa trang Hà Nội để tiếp tục buổi tưởng niệm,” ông Quyền kể lại.

Chiến tranh biên giới là một cuộc chiến diễn ra trong 30 ngày, khi quân đội Trung Quốc đánh phá xuống sáu tỉnh miền Bắc Việt Nam. Trận chiến hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, có 400,000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3.5 triệu dân sáu tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.

Phía Trung Quốc bị tiêu diệt 62,500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy.

Nhận định về cuộc chiến này, Bác Sĩ Ðinh Ðức Long, cựu trung tá quân đội, cho biết: “Ðó là một cuộc chiến hào hùng nhưng trong nhiều năm qua vì đảng Cộng Sản Việt Nam gắn chặt quyền lợi với đảng Cộng Sản Trung Quốc nên đã cố tình làm cho lãng quên, không đưa cuộc chiến vào giảng dạy trong sách lịch sử, nhiều bia mộ, bia tưởng niệm các chiến sĩ bị đục bỏ.”

“Ngoài lý do thân Trung Quốc, tôi cho rằng họ lo sợ làn sóng biểu tình sẽ bùng nổ, khi mà cách đây chỉ hai ngày, nhiều người dân ở Nghệ An đã tổ chức biểu tình chống Formosa và bị chính quyền đàn áp dã man,” ông Long cho biết thêm.

Trung Quốc tập trận trên Biển Đông

 

MỚI CẬP NHẬT