Friday, April 26, 2024

Hà Nội chờ Tân tổng thống Trump ‘xuất chiêu’ rồi ứng phó

HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam chưa biết chính sách mới của Mỹ, đặc biệt là về Hiệp định TPP và tranh chấp Biển Đông đích thực sẽ ra sao sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ nên có vẻ như giữ thái độ “chờ xem” rồi ứng phó.

Nhiều báo tại Việt Nam đăng tải lại cuộc phỏng vấn ông Trần Tuấn Anh , bộ trưởng Bộ Công Thương CSVN, bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 10 Tháng 11 về ảnh hưởng của việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào với Việt nam vì ông từng đe dọa khi vận động tranh cử là sẽ dẹp bỏ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác trong đó có Việt Nam.

“Cái này không thể nói được. Một Tổng thống mới, cần phải có thời gian chứ ngay lập tức chưa thể đánh giá được.” Ông Trần Tuấn Anh được tờ Dân Trí thuật lại câu trả lời khi được hỏi nếu hiệp định TPP không được quốc hội Mỹ thông qua thì sẽ ra sao,

Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam “phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới phải có thời gian.” Nhưng ông này nhìn nhận “những diễn biến có thể khá phức tạp, không giống như dự đoán và chắc chắn với nhân vật như ông Trump, Tổng thống mới của Mỹ, sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp trong các dòng chảy của thương mại của thế giới.”

Cho nên, Việt Nam “chưa đưa ra gì (cách đối phó, điều chỉnh chính sách khi Mỹ thay đổi chính sách), bởi Tổng thống Mỹ chưa nhậm chức nên chưa thể nói là dựa trên điều gì để đưa các ra tình huống”.

Ông Trần Tuấn Anh khi được hỏi “Cá nhân Bộ trưởng có cảm thấy lo ngại về xu hướng thương mại mới sau khi Tổng thống Mỹ nhậm chức?” Ông Trần Tuấn Anh có vẻ đại ngôn khi đáp rằng “Có lẽ, cũng cần nói rõ là chúng ta đang bơi ra biển lớn bằng chính sức lực của ta chứ không nhờ ai cả vì vậy, con thuyền của chúng ta bắt buộc phải đương đầu với mọi sóng gió, thử thách.”

Theo thống kê của Tổng Cục Hải Quan CSVN ngày 21/1/2016, “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong năm 2015 đạt 207.85 tỷ USD, tăng 16.7% so với năm 2014 (trong đó xuất khẩu đạt 110.59 tỷ USD tăng 17.7%, nhập khẩu đạt 97.26 tỷ USD tăng 15.5%). Trong khi đó khu vực các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 119.91 tỷ USD, tương đương với tổng xuất nhập khẩu của năm 2014 (trong đó xuất khẩu đạt 51.52 tỷ USD và nhập khẩu đạt 68.39 tỷ USD).”

Như vậy, khu vực đầu tư ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam (FDI) giúp Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa nhiều hơn gấp đôi khả năng của các nhà sản xuất nội địa (phần lớn là nông thủy sản và hàng dệt may) thì không phải “bơi ra biển lớn bằng chính sức lực của ta.”

Mời độc giả xem video: Không quân Việt Nam “bất ổn cả về phương tiện lẫn nhân sự”

Sợ bị Mỹ ‘bỏ rơi’

Khác với những gì ông Trần Tuấn Anh nói, tờ South China Morning Post (SCMP) hôm 9 Tháng 11, thuật lời một nhà phân tích thời sự giấu tên nói rằng Hà Nội đang sợ bị Mỹ bỏ rơi khi tổng thống mới lên có những chính sách khác hẳn với chính sách mà tổng thống đương nhiệm thi hành.

Hôm Thứ Năm 10/11/2016, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN thuật lại nội dung một phần của bức điện văn chúc mừng của ông chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bức điện có đoạn viết: ‘Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ và mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc mối quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, ổn định, bền vững, lâu dài, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo, quốc phòng, an ninh, cũng như tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế’”.

Nếu Mỹ thay đổi chính sách, cách ‘đu giây’ của Hà Nội với hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không tránh khỏi thay đổi.(TN)

MỚI CẬP NHẬT