Wednesday, May 1, 2024

Hải Quân Việt Nam-Philippines ‘giao lưu’ ở Trường Sa

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lính Hải Quân Việt Nam và Philippines đóng tại hai đảo gần nhau trên quần đảo Trường Sa đã tham dự một số hoạt động thể thao trên đảo Song Tử Tây hồi giữa tuần qua.

Đây là lần thứ ba có cuộc “giao lưu” giữa hải quân hai nước cùng có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc mà tờ Quân Đội Nhân Dân hôm Thứ Bảy viết: “Nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội và hải quân hai nước Việt Nam – Philippines, góp phần thực hiện có hiệu quả bản ghi nhớ giữa hải quân hai nước về tăng cường hợp tác song phương cũng như chia sẻ thông tin.”

Báo này không nói “giao lưu” ngày nào nhưng hãng tin Reuters thuật lời ông Ariesh Climacosa, viên chức Lực Lượng Hải Quân Phía Tây Philippines, nói diễn ra hôm Thứ Năm, 22 Tháng Sáu, tuần trước “để xem lực lượng hai bên có thể hòa hợp được với nhau thế nào cũng như tin cậy và hiểu nhau hơn nữa.”

Việt Nam và Philippines đã ký “Bản ghi nhớ” giữa hải quân hai nước về tăng cường hợp tác song phương và chia sẻ thông tin ngày 26 Tháng Mười, 2011, rồi ít tháng sau ký “Quy chế giao lưu nhân sự tại đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông giữa Hải Quân Việt Nam và Hải Quân Philippines” ngày 12 Tháng Ba, 2012.

Lần “giao lưu” đầu tiên diễn ra ngày 8 Tháng Sáu, 2014, lực lượng dồn trú trên đảo Song Tử Tây của Việt Nam và lực lượng Philippines đóng tại đảo Song Tử Đông đã gặp nhau trên đảo Song Tử Tây, mà phía Việt Nam cũng đã nói “nhằm xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác.”

Hai bên tham dự các hoạt động thể thao như bóng chuyền, bóng tròn, kéo co, ăn uống. Khi có cuộc “giao lưu” đầu tiên diễn ra, tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh viết bài bình luận đả kích thậm tệ và gọi đó là “trò hề.”

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hồi Tháng Mười Một, 2015, khi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang tới Manila dự hội nghị cấp cao Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Bản tuyên bố chung của hai nước nhân dịp thiết lập đối tác chiến lược trong đó có những điểm nhấn mạnh về “Tăng cường hợp tác song phương và khu vực giữa các cơ quan quản lý an toàn hàng hải và chấp pháp biển thông qua đối thoại và các hoạt động phối hợp, hợp tác thực chất và xây dựng năng lực với phương châm coi hợp tác biển và đại dương là lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong quan hệ hai nước.”

Nhưng từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines hồi cuối Tháng Sáu, 2016, chính sách đối ngoại của nước này thay đổi khá nhiều mà điều làm thiên hạ ngỡ ngàng nhất là những lời lẽ đả kích Mỹ, ve vuốt Trung Quốc và Nga. Philippines không có dấu hiệu muốn đối đầu gay gắt với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo như chính phủ tiền nhiệm, dù Tòa Án Quốc Tế ở The Hague đã phán quyết đường “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc tuyên bố chiếm hơn 80% Biển Đông là vô giá trị.

Vì nước Philippines trong tay ông Duterte có những thay đổi trong chính sách đối ngoại và đặc biệt là về Biển Đông, những tính toán hợp tác giữa Việt Nam và Philippines như hai đồng minh sát cánh với nhau đối phó với Trung Quốc không còn thấy được chú trọng. Thậm chí, hồi Tháng Năm vừa qua, công ty an ninh mạng FireEye tiết lộ rằng, các tin tặc làm việc cho Việt Nam có thể đã xâm nhập vào các cơ quan chính phủ Philippines để thu thập các thông tin liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Nếu sự tiết lộ này là có thật, cái “lòng tin” lẫn nhau từng được lãnh tụ hai bên đề cập mấy năm trước để ký bản thỏa hiệp đối tác chiến lược có vẻ như bị xét lại.

Buổi “giao lưu” của hải quân hai nước trên đảo Song Tử Tây ngày 22 Tháng Sáu biết đâu chỉ còn là hình thức dù báo Quân Đội Nhân Dân vẫn tuyên truyền là để “củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội và hải quân hai nước.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT