Friday, April 26, 2024

Lo ngại Trung Quốc, ASEAN thúc Mỹ minh định chính sách đối ngoại

MANILA (NV) – Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, cộng đồng ASEAN lo ngại về hoạt động quân sự hóa Biển Ðông của Trung Quốc và mong Hoa Kỳ sớm minh định về chính sách đối ngoại.

Ngoại trưởng các quốc gia Ðông Nam Á vừa gặp nhau tại Philippines. Sau ngày hội đàm đầu tiên, ông Yasay bảo rằng, sự lo âu của ASEAN về an ninh khu vực Ðông Nam Á đang gia tăng khi Trung Quốc tiếp tục bài bố vũ khí tại những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp xong ở Biển Ðông.

Ông Yasay nói thêm, ASEAN nhận định những hoạt động vừa kể của Trung Quốc tại Biển Ðông là “quân sự hóa.” Tuy nhiên làm thế nào để ngăn chặn hành động quân sự hóa này, giải trừ các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Ðông lại là một thách thức lớn, không chỉ đối với Việt Nam, Philippines, Malaysia mà còn là của toàn khối ASEAN.

Ngoại trưởng Philippines – quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm nay, không giấu diếm hy vọng mà ASEAN đặt vào Hoa Kỳ. Ông Yasay bảo rằng, tuy ASEAN hiểu rằng, tân chính phủ Hoa Kỳ còn đang hoạch định chính sách đối ngoại nhưng ASEAN muốn sớm được biết chính xác là Hoa Kỳ sẽ hành sử như thế nào với Trung Quốc, khu vực Ðông Nam Á và Biển Ðông.

Giống như những ngoại trưởng khác của các quốc gia trong khối ASEAN, ngoại trưởng Philippines tiếp tục bày tỏ hy vọng an ninh khu vực Ðông Nam Á nói chung và khu vực biển Ðông nói riêng sẽ được cải thiện khi nội dung Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Ðông (COC) được đưa ra xem xét vào giữa năm nay.

Trước nay, ASEAN và đặc biệt là các quốc gia thành viên của khối này đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều muốn sớm có COC để giảm căng thẳng, tránh xung đột tại Biển Ðông nhưng Trung Quốc đã tìm mọi cách để trì hoãn việc xây dựng và thông qua COC.

Năm 1996, ASEAN đã từng đề cập đến việc xây dựng COC nhưng bất thành. Cuối cùng, năm 2002, ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố Ứng xử ở Biển Ðông (DOC). Tuy nhiên DOC không giúp giảm bớt căng thẳng trên Biển Ðông vì phạm vi áp dụng thiếu rõ ràng và các quy định thì thiếu cụ thể. Chưa kể DOC không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Ðến năm 2011, ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thông qua Bản Quy tắc Hướng dẫn DOC nhưng văn kiện này cũng không khắc phục được hết những hạn chế của DOC.

Do DOC có nhiều hạn chế, nhiều chuyên gia về luật pháp quốc tế đã từng khuyến cáo ASEAN nên tự soạn thảo một Bộ quy tắc về Ứng xử trên Biển Ðông (COC) trước khi đàm phán với Trung Quốc. Nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên Biển Ðông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên chưa bao giờ Trung Quốc tỏ ra đồng tình với giải pháp đó và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC.

Gần đây, có vẻ như bế tắc trong việc cùng thông qua COC giữa Trung Quốc và ASEAN đã được khai thông nhưng ngay cả khi COC được thông qua và có hiệu lực, chưa chắc an ninh khu vực Ðông Nam Á và khu vực Biển Ðông sẽ ổn định. Theo các chuyên gia, COC sẽ không chấp nhận quân sự hóa Biển Ðông nhưng không ai dự đoán được là sau đó, Trung Quốc có dẹp bỏ hệ thống vũ khí đã bài bố ở Biển Ðông hay không (?).

Mặt khác, một số viên chức ngoại giao của các quốc gia thuộc khối ASEAN tiết lộ với truyền thông quốc tế rằng ASEAN và Trung Quốc vẫn còn đang dùng dằng về nội dung COC, chưa kể những hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Ðông đang làm gia tăng nghi ngại nên con đường dẫn tới COC rất gập ghềnh. (G.Ð)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 22 tháng 2 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT