Thursday, May 16, 2024

Sài Gòn: Rung lắc bất thường sẽ trở thành bình thường

SÀI GÒN (NV) – Từ đầu tháng ba đến nay, những đợt rung lắc liên tục không rõ nguyên nhân đã xảy ra ở cả quận 1 lẫn quận Thủ Đức. Một số người dự đoán tình trạng này sẽ còn tái diễn.

Hồi đầu Tháng Ba, Ban Giám Hiệu trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tọa lạc tại quận 1 cấp báo với giới hữu trách rằng, ngôi trường cao bốn tầng này liên tục bị rung lắc. Trước đó cả tuần, ngày nào giáo viên và học sinh cũng cảm thấy sự rung lắc ít nhất hai lần, mỗi lần kéo dài chừng một phút, không chỉ cơ thể cảm nhận được sự rung lắc mà ai cũng có thể thấy, bàn ghế, bút thước, sách vở để trên bàn cùng rung lắc theo.

Đến ngày 14 Tháng Ba, tờ Người Lao Động cho biết thêm, sáng cùng ngày sinh viên và công nhân cư trú trong dãy nhà trọ nằm gần xa lộ Biên Hòa, đoạn chạy ngang phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Sài Gòn cùng cảm nhận nơi họ ở bị rung lắc trong vòng năm phút, song song với tiếng rạn nứt. Hiện tượng đó đã từng xảy ra vài lần nhưng lần vừa kể là dài nhất và mạnh nhất. Sau khi đợt rung lắc chấm dứt, người ta phát giác những vết nứt trên vách, xuất hiện từ các đợt rung lắc trước đó nay lớn hơn và dài hơn.

Trung Tâm Cảnh Báo Động Đất và Sóng Thần của Việt Nam phủ nhận những rung lắc tại Sài Gòn mà nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin là do động đất bởi suốt thời gian vừa qua, các thiết bị của cơ quan này không ghi nhận được bất kỳ dấu hiệu nào về động đất tại Việt Nam.

Nhiều người phỏng đoán, nguyên nhân dẫn tới những đợt rung lắc bất thường tại một số khu vực ở Sài Gòn có thể do hoạt động xây dựng của các công trình xung quanh các khu vực ấy hoặc do tác động từ giao thông trong khu vực.

Tuy giới hữu trách tại Sài Gòn chưa có kết luận chính thức nhưng một số chuyên gia đã lên tiếng. Trong một cuộc trao đổi với tờ Thanh Niên, ông Đỗ Văn Lĩnh, liên đoàn phó Liên Đoàn Bản Đồ – Địa Chất miền Nam, thuộc Bộ Tài Nguyên – Môi Trường, bảo rằng, rung lắc bất thường không chỉ mới xuất hiện ở Sài Gòn. Cách nay 12 năm, hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình, tọa lạc tại quận 5. Lúc đó, cường độ của các đợt rung lắc mạng tới mức tường bị nứt, vỡ.

Cũng theo lời ông Lĩnh thì cách nay vài năm, các đợt rung lắc còn xuất hiện ở khu vực ga Sài Gòn, tọa lạc tại quận 3.

Tuy hai đợt rung lắc đã kể đều xuất hiện khi những khu vực quanh đó có một số công trường xây dựng đang hoạt động song ông Lĩnh nhấn mạnh, chưa có bất kỳ cuộc khảo sát chính thức nào xác nhận các đợt rung lắc tương ứng với hoạt động thi công.

Theo thông tin do độc giả tờ Thanh Niên cung cấp thêm thì gần đây, hiện tượng rung lắc đã xảy ra trên một phạm vi rất rộng. Ngoài các quận đã kể, hiện tượng rung lắc còn xuất hiện ở quận 7, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh… Một độc giả cư ngụ trong chung cư cạnh bờ sông Vàm Thuật thuộc phường 13, quận Bình Thạnh bảo rằng, cách nay hai năm bà phải bán nhà dọn đi nơi khác vì rung lắc diễn ra thường xuyên.

Ông Lĩnh lặp đi lặp lại vài lần rằng, rung lắc có thể do địa tầng yếu nên mới dễ bị tác động của các hoạt động xây dựng, hoạt động giao thông, song cũng có thể do đới đứt gãy sông Sài Gòn đang hoạt động, hoặc các công trình xây dựng có qui mô làm đất trồi, kết hợp với hoạt động đứt gãy tạo ra rung lắc.

Năm 2015, Liên Đoàn Bản Đồ – Địa Chất miền Nam đã hoàn tất nghiên cứu về “đới đứt gãy sông Sài Gòn.” Theo đó, trung bình mỗi năm, “đới đứt gãy sông Sài Gòn” tạo ra sự dịch chuyển khiến khu vực Đông Nam được nâng lên cao hơn khu vực Đông Bắc khoảng 6.5 mm/năm. Trong vài năm vừa qua, chênh lệch về cao độ giữa hai khu vực đã lên đến 22 mm/năm. Đáng lưu ý là sự dịch chuyển này vẫn tiếp diễn.

Ở góc độ một kiến trúc sư, ông Ngô Viết Nam Sơn nhận định, về nguyên tắc, móng của các công trình xây dựng phải chạm tầng đất cứng và phải thử tải để biết khả năng chịu được áp lực của móng là bao nhiêu nhưng móng của nhiều công trình xây dựng ở Sài Gòn chưa chạm được tầng đất cứng nên rung lắc xảy ra khi có rung động.

Dẫu rung lắc là có thật và xuất hiện càng ngày càng nhiều trên một phạm vi rất rộng nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn chưa thực hiện một cuộc khảo sát chính thức nào để xác định nguyên nhân thật và đặt định những giải pháp có thể ngăn chặn các hậu quả đáng tiếc. Cũng vì vậy, các chuyên gia cũng chỉ có thể phỏng đoán. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT