Thursday, April 25, 2024

Samsung gặp rắc rối khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm

HÀ NỘI (NV) .- Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong quý 1 của năm 2017 vì sản xuất công nghiệp đạt mức thấp nhất trong ba năm qua, một phần bị ảnh hưởng bởi hãng Samsung cắt sản lượng điện thoại.

Tổng cục Thống Kê của nhà cầm quyền CSVN vừa nêu ra những con số không mấy “hồ hởi phấn khởi” của tình hình kinh tế khi hy vọng tăng trưởng của Việt Nam đang có những dấu hiệu âu lo.

“Công nghiệp tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011 đã kéo tụt Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế”. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê của nhà cầm quyền CSVN được dẫn lời nói trong cuộc họp báo kinh tế quý 1 năm 2017 diễn ra sáng 29 Tháng Ba 2017 tại Hà Nội.

Theo những con số thống kê được ông Lâm nêu ra trong cuộc họp báo, Tổng sản lượng Nội địa (GDP) quý 1 năm 2017 tăng khoảng 5.1% so với cùng kỳ này năm ngoái, trong đó khu vực nông – lâm- thuỷ sản tăng 2.03%, chỉ đóng góp 0.24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4.17% đóng góp 1.46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6.52%, đóng góp 2.65 điểm phần trăm.

Tính ra, tăng trưởng quý 1 năm nay tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ giai đoạn 2012 -2014 nhưng thấp hơn so với mức tăng 6.12% của quý 1 năm 2015 và 5.48% của quý 1 năm 2016.

Hồi đầu năm, một số nhà kinh tế dự đoán Tổng sản lượng nội địa (GDP) ba tháng đầu năm 2017 có thể đạt 6.25%, dù có thấp hơn quý 4 của năm 2016 trước đó với 6.68%. Tuy nhiên, tai vạ ập đến cho công ty Samsung đầu tư sản xuất diện thoại thông minh tại Việt Nam, làm công ty này cắt giảm sản phẩm, khiến cho Việt Nam tụt giảm 10.7% giá trị xuất cảng điện thoại và phụ tùng, kéo ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam khựng lại.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nước khác tại khu vực ASEAN hồi năm ngoái vì xuất cảng ở khu vực đầu tư ngoại quốc vẫn tốt đẹp. Giá nhân công rất rẻ là một trong những yếu tố chính đã thúc đẩy nhiều công ty ngoại quốc như tập đoàn điện tử Samsung đầu tư hàng chục tỉ đô la mở xưởng sản xuất tại Việt Nam.

Trị giá xuất cảng của Samsung chiếm đến 20% tổng trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái, Samsung đột ngột ngừng dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Note 7 (vì nhiều chiếc đã đột ngột phát nổ và bốc cháy) ảnh hưởng đến thành tích xuất cảng của Việt Nam.

Ngành ngoại thương của Việt Nam đối diện với các thách thức ngày một nhiều hơn, đặc biệt với chủ trương mới của Hoa Kỳ muốn bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN khác cũng cố gắng gia tăng xuất cảng, cạnh tranh với Việt Nam.

Thợ hàn tại xưởng lắp ráp xe hơi của hãng Ford đầu tư sản xuất tại tỉnh Hải Dương. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Thợ hàn tại xưởng lắp ráp xe hơi của hãng Ford đầu tư sản xuất tại tỉnh Hải Dương. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Ngân Hàng Thế Giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay khoảng hơn 6% trong khi chỉ tiêu mà nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra khi họp quốc hội ngày 7 Tháng 11 năm 2016 là 6.7%, một mức mà nhiều nhà kinh tế trong nước nhìn thấy khó đạt tới với các chỉ dấu đang diễn ra.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, ngân sách thiếu hụt nhiều hơn là một trong những mối âu lo của chế độ đang cần những số tiền thật lớn để nuôi một bộ máy công quyền và bộ máy đảng cồng kềnh và kém hiệu năng. Bên cạnh đó, lại phải kiếm ra đủ số ngoại tệ để trả nợ nước ngoài cho các khoản nợ công.

Theo báo cáo kinh tế quý 1 năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê của CSVN công bố, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm tính đến ngày 15 Tháng Ba 2017 được khoảng 216,700 tỷ đồng, tức bằng 17.9% dự toán cả năm. Tổng chi ngân sách cho giai đoạn này lại cao hơn nhiều vì “bóc ngắn cắn dài”.

Qua bản báo cáo vừa kể, tổng chi ngân sách Nhà nước CSVN từ đầu năm đến ngày 15 Tháng Ba 2017 khoảng 229,100 tỷ đồng, bằng 16.5% dự toán cả năm, mà như vậy thâm hụt ngân sách 13,400 tỉ đồng sẽ phải vay nợ để bù vào, làm gánh nặng “nợ công” ngày một nặng hơn.

Cả khu phố bất an vì nghi dân phòng quấy phá, tạt sơn tại Sài Gòn

Báo cáo kinh tế quý 1 Năm 2017 củaTổng cục Thống kê còn cho biết, chi trả nợ gốc (nợ công) từ đầu năm đến ngày 15 Tháng Ba 2017 khoảng 38,400 tỷ đồng, bằng 23.4% dự toán năm. Theo đó, nhà cầm quyền phải chi ra từ ngân sách khoảng 61,400 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi trong quý 1. (TN)

MỚI CẬP NHẬT