Friday, April 26, 2024

Việt Nam: Phi cơ dân dụng lại suýt nổ tung vì quân đội ‘làm chủ vùng trời’

CAM RANH (NV) – Một phi cơ dân dụng loại Airbus A321 lại suýt nổ tung trên vùng trời phi trường Cam Ranh vì va chạm với phi cơ quân sự. “Quân đội nhân dân” lại suýt gây thảm họa vì không thèm theo ai.

Mãi tới ngày 1 Tháng Tư, Cục Hàng Không Việt Nam mới loan báo về sự kiện vốn thuộc loại hết sức nghiêm trọng trong lĩnh vực hàng không hôm 20 Tháng Hai ở phi trường Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, đêm 20 Tháng Hai, tại khu vực vừa kể có hai phi cơ, một quân sự, một dân dụng cùng có kế hoạch cất cánh lúc 11 giờ 40 phút đêm. Phi cơ quân sự là một chiếc DHC-6. Phi cơ dân sự là một chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines, bay từ Cam Ranh đến Nội Bài, Hà Nội.

Trong thông báo về “sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay,” Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, kiểm soát không lưu của hai bên (dân sự và quân sự) đã thỏa thuận DHC-6 sẽ cất cánh trước rồi thực hiện một vòng bay kín bên trên phi đạo và Airbus A321 sẽ cất cánh sau. Sau khi Airbus A321 đã cất cánh, DHC-6 sẽ tiếp tục thực hiện vòng bay kín, chờ cho đến khi một phi cơ dân dụng khác hạ cánh xong, DHC-6 mới đáp.

Tuy nhiên lúc Airbus A321 vừa vọt lên trời chừng hai phút, chỉ mới đạt độ cao khoảng 762 mét thì phi công cấp báo, hệ thống chống va chạm trên không (TCAS) báo động do có một phi cơ khác chỉ cách Airbus A321 chừng… 152 mét ở phía bên dưới.

Phi cơ khác đã được xác định chính là DHC-6. Lý do khiến Airbus A321 suýt đâm vào DHC-6 khi đang cất cánh vì kiểm soát không lưu quân sự ra lệnh cho DHC-6 chờ… một chỗ, chứ không thực hiện vòng bay kín bên trên phi đạo như đã thỏa thuận mà cũng chẳng thèm thông báo lại cho kiểm soát không lưu dân sự.

Cục Hàng Không Việt Nam nhận định, nguyên nhân sự kiện nghiêm trọng vừa kể là do “kiểm soát viên không lưu dân sự và quân sự phối hợp chưa chặt chẽ.”

Tuy nhiên mô tả của Cục Hàng Không Việt Nam trong thông báo về “sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay” cho thấy, kiểm soát không lưu quân sự không thèm phối hợp và cũng chẳng thèm bận tâm đến hậu quả.

Cục Hàng Không Việt Nam không cho biết chiếc Airbus A321 suýt đâm vào DHC-6 chở bao nhiêu khách. Tùy cách thiết kế ghế của các hãng hàng không, số chỗ trên một Airbus A321 có thể có khác biệt nhất định nhưng trung bình, mỗi Airbus A321 chở được khoảng 220 hành khách.

Cục Hàng Không Việt Nam cũng không cho biết DHC-6 thuộc đơn vị nào của Không Quân Việt Nam nhưng dựa trên các thông tin hiện có trên Internet, chiếc DHC-6 này của Lữ Ðoàn 954. Ðây là lữ đoàn Không Quân thuộc binh chủng Hải Quân, vừa được thành lập năm 2014. Lữ đoàn này đóng tại Cam Ranh, có một phi đội DHC-6.

DHC-6 là phi cơ lưỡng dụng – có thể đáp, cất cánh cả trên bộ lẫn trên biển. Năm 2010, Việt Nam mua của Canada sáu chiếc DHC-6 để tuần tra trên biển.

Khách Trung Quốc du lịch Hạ Long vô tư xài tiền nhân dân tệ

Vài lần suýt gây đại họa

“Quân đội nhân dân Việt Nam” thường xuyên bảo rằng “không quân nhân dân” đủ khả năng “làm chủ vùng trời” và “hải quân nhân dân” đủ khả năng “làm chủ vùng biển.”

Cho đến nay, vẫn chưa thấy “không quân nhân dân” và “hải quân nhân dân” thể hiện khả năng “làm chủ” trời, biển đối với những hành động xâm hại chủ quyền của ngoại bang, chỉ thấy tư duy “làm chủ” theo kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” với dân chúng Việt Nam thì đã vài lần suýt gây đại họa.

Vào ngày 29 Tháng Mười năm 2014, từng có hai phi cơ, một cũng là Airbus A321 của Vietnam Airlines và một là trực thăng loại Mi 172/423 của “không quân nhân dân” suýt đâm vào nhau ở bên trên phi trường Tân Sơn Nhất.

Theo một báo cáo của tổng giám đốc tổng công ty Quản Lý Bay Việt Nam (VATM) về sự kiện này thì trưa ngày 29 Tháng Mười năm 2014, khi vừa rời khỏi phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ mới đạt độ cao là 152 mét, phi hành đoàn của phi cơ Airbus A321 bay từ Sài Gòn đến Huế, thấy trực thăng loại Mi 172/423 cắt ngang… mũi. Khoảng cách giữa phi cơ Airbus A321 và trực thăng chỉ chừng… 60 mét!

VATM giải thích, thảm họa suýt xảy ra vì kiểm soát không lưu quân sự đã ra lệnh cho trực thăng cất cánh sau khi kiểm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất ra lệnh cho Airbus A321 cất cánh đúng 9 giây.

Lúc đó, ông Ðỗ Quang Việt, cục phó Cục Hàng Không Việt Nam, nhận định, kiểm soát không lưu quân sự đã không thực hiện đúng quy trình an toàn, không phối hợp với kiểm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất, tự ý cho phép trực thăng cắt ngang đường cất cánh-hạ cánh của các phản lực dân dụng.

Ông Việt loan báo, Cục Hàng Không Việt Nam sẽ họp với đại diện của Không Quân Việt Nam để “làm rõ trách nhiệm.”

Hai năm sau, “quân đội nhân dân” tiếp tục chứng tỏ ý thức trách nhiệm tại phi trường Cam Ranh. Họ vẫn “làm chủ vùng trời”! (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT