Friday, April 26, 2024

Báo Người Việt và ‘Món Nợ Ân Tình’

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Đặng Xuân Hường

Là một trong những độc giả của quý báo như hàng ngàn người khác, ai cũng có “một chút gì để nhớ để thương” đến báo Người Việt, chắc chắn tất cả những người biết đọc tiếng Việt vùng Nam California đều đã hơn một lần giở trang báo này ra.

Nhân dịp quý báo kỷ niệm sinh nhật thứ 40, xin được phép chia sẻ một vài kỷ niệm nho nhỏ với mọi người.

Báo cho!

Những năm đầu mới đặt chân đến nước Mỹ (1994), gia đình tôi sống tại Culver City, vùng Los Angeles, có rất ít sách báo tiếng Việt vì cả tháng mới xuống đi chợ Việt Nam vùng Santa Ana. Có một lần bà xã tôi đi chợ cùng với người bạn, tôi dặn nhớ mua báo Người Việt.

Quá trưa bà xã về, chị bạn ngừng xe, tôi giúp vợ chuyển mọi thứ vào nhà. Cầm xấp báo lướt mắt thật nhanh không thấy báo Người Việt, tôi giận lắm, chẳng nói chẳng rằng cầm chìa khóa ra lấy xe chạy một mạch xuống vùng Santa Ana.

Đi lòng vòng từ chợ này qua chợ khác, thùng báo này qua thùng báo khác, thùng nào cũng không còn báo Người Việt nữa. Cuối cùng gặp một ông HO đang đọc báo Người Việt trước hiên chợ, tôi hỏi:

– Bác ơi, cháu muốn mua một tờ báo Người Việt mà chẳng thấy thùng nào còn báo nữa!

Ông cụ ngừng đọc cười:

– Quá trưa là báo Người Việt không còn đâu.

Nói chuyện một lúc biết tôi không ở vùng này, ông cụ thông cảm:

– Giờ này may ra ở trong mấy quán phở còn báo, nhưng cũng không chắc đâu. Thôi, nếu cậu muốn thì cầm tờ này về đọc, mai tôi mua tờ mới!

Tôi cám ơn ông cụ, lên xe chạy về. Coi như lái xe từ Culver city xuống Santa Ana “được cho” một tờ báo, vậy cũng là vui rồi, chứ nếu không gặp ông cụ thì “tay không” ra về!

Về đến nhà bà xã thấy tôi cầm tờ báo, biết là tôi giận đã chạy xe xuống Santa Ana mua báo nên mỉm cười làm lành nói:

– Hay quá vậy, em tìm mấy chợ mà đâu còn báo Người Việt!

Tôi hơi ngượng ngùng nhưng cũng cười lên giọng một chút làm ra vẻ:

– Phải biết tìm đúng chỗ chứ!

Báo chùa!

Một lần mua báo, khi đến “cụm” thùng báo, lần lượt bỏ tiền cent vào mua mấy tờ.

Có một ông đứng gần đó thấy tôi bỏ tiền mua báo, ông ta tiến lại gần sát bên, tôi cứ nghĩ ông ta chờ tôi mua xong sẽ mua, nhưng khi tôi vừa bỏ tiền vào thùng báo Người Việt đang rút tờ báo ra thì ông ta nhanh tay giữ lấy cửa thùng báo và rút thêm một tờ báo rồi quay lưng bỏ đi.

Tôi ngẩn người lặng đứng nhìn theo không biết nói gì! Và lúc đó cũng không hiểu sao ông ta không chọn mấy tờ báo kia, mà nhè lúc tôi mua tờ báo Người Việt để lấy “chùa”!

Báo online

Hơn hai mươi năm ở California, gia đình tôi đã chuyển nhà mấy lần, vẫn ở xa vùng Litlle Saigon. Những năm trước kia, nhờ việc ham đọc sách báo nên thường xuyên đi chợ để có dịp mua báo. Bà xã tôi đã có lúc ngạc nhiên sao cứ bị thúc giục đi chợ, nhưng rồi cũng hiểu ra là vì tôi muốn mua báo.

Thời gian sau này báo Người Việt có trên internet (www.nguoi-viet.com), cái thú nôn nóng đi chợ để mua báo đã không còn như xưa. Nhưng lại thêm một tật khác như bà xã mô tả:

– Cứ về đến nhà là vào ngay computer! Có cái gì trong đó!

Trước đây đã có lần Người Việt online bị hack nhưng được sửa chữa rất nhanh.

Đến bây giờ, khi có smart phone thì lại càng tiện lợi cho việc xem báo, nhất là Người Việt online, sau khi ghi danh bằng email thì tin tức mới nhất sẽ gởi đến ngay cho mình.

“Báo ân!”

Cách đây năm năm, báo Người Việt cũng đã tổ chức một cuộc thi viết để kỷ niệm 35 năm hoạt động trong làng báo hải ngoại, mặc dù viết lách chẳng hay ho gì, nhưng vì “thương mến báo Người Việt” tôi đã “mài bút” để viết một bài dự thi. Năm đó chắc gặp hên đã trúng giải khuyến khích!

Những ngày tiếp theo, tôi suy nghĩ về cái giải thưởng mà mình được lãnh. Đối với tôi, “phần thưởng” thì báo Người Việt đã dành cho tôi từ lâu, nghĩa là có báo Người Việt để đọc là một điều thích thú, sung sướng lắm rồi! Vậy thì cái giải thưởng đó mình sẽ làm gì cho báo Người Việt? Chẳng lẽ mình nói “cho lại tòa báo” thì nó như thế nào ấy!

Tôi nhớ đến trước đây, đã nhiều lần đọc báo Người Việt về việc giúp đỡ cho các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa vào dịp Tết, như các Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh. Khi nghĩ về những người lính VNCH đã nằm xuống, hay để lại một phần thân thể vì lý tưởng chiến đấu cho chính nghĩa tự do miền Nam trước năm 1975, tôi luôn có một niềm cảm xúc sâu đậm, họ là những vị anh hùng của Dân tộc Việt Nam.

Đã có lần, tôi mua một CD ca nhạc về người lính chiến VNCH. Buổi tối, lúc đi ngủ tôi mở cái CD để nghe, vừa nằm thiu thiu ngủ, đến bài hát “Người Ở Lại Charlie,” lời dẫn nhắc đến địa danh Bình Giã là quê hương tôi, một thời khói lửa, điêu linh… tiếng hát tha thiết nức nở đã làm tôi rơi nước mắt đêm hôm đó.

Nghĩ lại chuyện này, tôi quyết định sẽ nhờ báo Người Việt trao số tiền của giải thưởng cho các anh Thương Phế Binh VNCH đang còn ở Việt Nam. Tôi nói với bà xã và cảm thấy vui với quyết định của mình.

Rồi cũng đến ngày lễ trao giải thưởng. Trong buổi lễ, trước khi lên nhận giải thưởng, tôi lại được biết có sự hiện diện hai bà mẹ của hai người trẻ tranh đấu cho tự do dân chủ ở Việt Nam là anh Đinh Nguyên Kha và Luật Sư Lê Quốc Quân, có cả người cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức… Tôi hơi bối rối khi tâm trí hiện lên hình ảnh của những người tù trẻ tuổi tại Việt Nam, trong một lúc suy nghĩ ở đâu cũng cần có sự hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là những người trẻ đang hy sinh một quãng đời đẹp nhất để dấn thân tranh đấu với nhà nước cộng sản, nghĩa là họ chấp nhận ở tù hay cái chết. Họ chính là những người lính anh hùng trong thời đại này.

Nghĩ rằng nếu chia hai ra thì chẳng được bao nhiêu, nếu trao cho một bên thôi thì cảm thấy như hơi “thiếu sót,” và rồi không hiểu sao, khi lên nhận giải thưởng tôi chẳng có một quyết định nào cả!

Cái cảm giác “thiếu sót” đó đã nằm lại trong lòng tôi từ lúc đó. Rời khỏi hội trường ra về mà mang nặng một nỗi niềm! Có lúc tôi muốn mang xuống tòa soạn báo Người Việt để nói chuyện với họ, có lúc tôi muốn viết một lá thư gởi đến để “trần tình!”

Thế rồi cứ lần lựa, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… cái nỗi niềm thiếu sót đó nó cứ đeo đuổi ray rứt tôi đến tận hôm nay. Mặc dù trong thời gian qua, tôi cũng có đóng góp, ủng hộ cho các công việc tương tự, nhưng đó lại là một vấn đề khác với giải thưởng nhận được của báo Người Việt, vì trong tâm tư tôi đã có dự định sẽ trao lại cho các anh lính chiến TPB. VNCH.

Hôm đọc được tin nhật báo Người Việt kỷ niệm 40 năm hoạt động và cũng tổ chức một cuộc thi viết, tôi cảm thấy “hơi xấu hổ” trong lòng! Tôi nghĩ lần này thì “mặt mũi nào mà thi viết,” phải cấp tốc trả cái món nợ này cho Người Việt trước đã.

Cầm cái check chuẩn bị viết xuống, tôi lại chợt nghĩ đến một điều (lại suy nghĩ!), tất cả những hóa đơn trả tiền hàng tháng, nếu trả trễ dù chỉ một ngày cũng phải đóng thêm tiền phạt, còn tôi trễ đã năm năm, vậy phải làm sao nhỉ? Phải phạt đến mấy phần trăm mới cảm thấy thoải mái trong lòng được!

Không dám hỏi bà xã nên tôi hỏi con gái. Nó vừa cười vừa nhịp tay hát:

– “Một trăm phần trăm em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm!”

Tôi bật cười, nó nghe bài hát này lúc nào, rồi nó trả lời đúng như tình huống bây giờ! Tôi quyết định tự phạt mình 100% cho sự việc này. Để cho tâm tư được thật sự thoải mái, tôi chia ra 50% cho các anh Thương Binh VNCH và 50% cho những người tranh đấu cho tự do dân chủ đang ở tù tại Việt Nam. Cũng chẳng nhiều gì cho lắm, nhưng góp gió thành bão, còn hơn cứ nghĩ đến mà chẳng làm.

Khi viết thư cho tòa soạn báo Người Việt, tôi lại… do dự! (lại do dự!), là vì đúng lúc này nhật báo Người Việt kỷ niệm sinh nhật thứ 40, đang mở một cuộc thi viết, hay là thay vì viết vắn tắt, mình “tràng giang” một chút để mọi người biết được câu chuyện và nỗi lòng của mình trong thời gian qua. Trong những độc giả của Người Việt cũng có rất nhiều người cùng tâm tư như mình, nghĩa là bao năm xa nhà vẫn mang nặng một nỗi niềm với quê hương, với Người Việt, với những người anh hùng đã và đang hy hinh thân mình để đấu tranh cho đất nước Việt Nam được tự do dân chủ, xã hội công bằng, nhân quyền được tôn trọng.

Kính thưa quý báo Người Việt, cách đây gần một thế kỷ, ông Phạm Quỳnh đã nói: “… Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.” Tại hải ngoại bây giờ chúng ta cũng có thể lập lại ý đó: “Người Việt còn thì tiếng Việt còn! Tiếng Việt còn thì tiếng nói cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn còn phục vụ thông tin, phát triển giữ gìn văn hóa, mạnh mẽ đấu tranh giành Tự Do Dân Chủ cho quê hương Việt Nam!”

Người Việt ơi! Thế là tôi đã trả xong “món nợ ân tình” chất chứa bấy lâu nay rồi nhé! (Đặng Xuân Hường)

MỚI CẬP NHẬT