Wednesday, May 15, 2024

Người Việt, độc giả, và tương lai

Trực Đoàn

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Vào đầu thập niên 1990 thế kỷ 20, tôi được biết tiếng báo Người Việt ở California.

“Chú Yến hỏi thăm bố,” mẹ thì thầm về chuyện ông Đỗ Ngọc Yến, chủ báo Người Việt, nhắn lời hỏi thăm bố tôi, Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, đang ở tù. “Chú hỏi là nhà có cần giúp đỡ gì không?”

“Coi chừng công an gài bẫy,” tôi ngờ vực. Dưới chế độ Cộng Sản, tôi luôn sống trong tâm trạng sợ hãi và nghi ngờ.

“Chú Yến và nhóm Người Việt luôn luôn âm thầm giúp đỡ nhiều người tù lương tâm,” bố kể với gia đình sau khi bị tống xuất qua Mỹ từ trại tù Hàm Tân năm 1996.

Lần đầu tiên ra tòa soạn Người Việt, tôi, dân tị nạn mới qua, rất ngạc nhiên về sự thân mật, chân tình của mọi người. Phòng ăn trưa rộn rã lời nói, tiếng cười.

“Em có muốn đi làm không,” chị Minh Phú, nhân viên ban quảng cáo, hỏi.

“Trời, đang đói rách gặp chiếu manh,” tôi thầm nghĩ.

“Có ạ,” tôi nhanh nhẩu trả lời.

Ngay sau giờ ăn trưa, chị Minh Phú chở tôi đi gặp ông Trần Vũ, chủ siêu thị Vanco và Little Saigon, xin việc. Nhờ uy tín của chị Phú, tôi được nhận ngay dù không có kinh nghiệm gì về siêu thị.

Bố đem cả chồng báo Người Việt về, cả nhà ngấu nghiến đọc. Báo Người Việt cung cấp thông tin thật hữu ích như luật giao thông, thi lái xe, mua xe cũ… Các bài viết của ông Ngô Nhân Dụng giúp tôi hiểu biết rất nhiều về chính trị, kinh tế, văn hóa.

“Báo bên này viết bạo quá,” một người thân của gia đình tôi, đang du lịch Mỹ, nhận định khi đọc báo Người Việt. Không khí tự do ngôn luận là điều không thể có ở Việt Nam.

Nhiều người thích báo Người Việt, nhưng cũng có người có quan điểm khác.

“Báo Người Việt là ổ Việt Cộng,” một vị cựu trung tá đỏ mặt tía tai phản đối khi tôi đề cập đến dự định mở tiệc gây quỹ cho học sinh nghèo tại phòng sinh hoạt Người Việt.

“Công an thẩm vấn bố rất nhiều về chú Yến,” bố kể về thời gian biệt giam tại Sài Gòn. Chính quyền Hà Nội tin rằng ông Đỗ Ngọc Yến là dân “xịa” (C.I.A) thứ thiệt.

Nhiều thập niên sau biến cố 1975, báo Người Việt vẫn đứng giữa hai làng đạn Quốc-Cộng.

“Đả đảo báo Người Việt!…” nhóm người biểu tình hô vang gốc phố Moran, trước tòa soạn Người Việt.

“Người Việt có qua khỏi con trăng này không?” tôi hỏi chủ bút Phạm Phú Thiện Giao tại quán cà phê của ông Lý Kiến Trúc.

“Sóng gió sẽ qua thôi,” Thiện Giao điềm tĩnh trả lời.

Dù giải thích thế nào đi nữa, cũng sẽ có một số người tin rằng báo Người Việt là Cộng Sản. Tuy nhiên, không ai trong số người kể trên đưa ra được lý lẽ, bằng chứng xác thực.

Từ lúc thành lập năm 1978, Người Việt luôn trung thành với tôn chỉ của mình, “Cơ Quan Tranh Đấu Thời Sự Văn Nghệ Giáo Dục.” Hằng ngày, độc giả vẫn thấy tôn chỉ này dưới logo Người Việt trên báo giấy.

“Có nhiều nhóm trí thức làm báo, nhưng nhóm Người Việt là thành công nhất,: ông Vinh Đào, một cựu luật sư, nhận định.

Uy tín báo Người Việt vang lừng khắp nơi. Trong buổi kỷ niệm 35 năm thành lập báo, trên một ngàn người từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Trong đó có giới chính trị gia địa phương và liên bang, giới trí thức, giới tranh đấu trong nước lẫn hải ngoại, giới nghệ sĩ, giới thương gia…

Từ một tờ báo phát hành tại garage, nay Người Việt đã có cơ sở bề thế với doanh thu nhiều triệu đô la hằng năm. Tuy nhiên, Người Việt vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Làm truyền thông tại hải ngoại cũng khó khăn như đi vượt biên năm xưa,” ông Hoàng Ngọc Tuệ, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Người Việt, ví von khó khăn của người làm báo.

Khi xưa, người vượt biên phải đối phó với công an, hải tặc, bão tố… Ngày nay, báo Người Việt phải giải quyết nhiều khó khăn như chống đối, biểu tình, tin giả, chuyển giao điều hành cho thế hệ trẻ… Đặc biệt là lượng độc giả báo giấy ngày càng xuống thấp.

“Nước lên thì thuyền sẽ lên,” Luật Sư Phan Huy Đạt, cựu tổng giám đốc công ty Người Việt, phân tích về tương lai của tòa báo. Theo Luật Sư Đạt, tùy theo tình thế mà Người Việt sẽ tìm ra chiến lược phát triển thích hợp.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập báo, xin chúc Người Việt nhiều thành đạt trên con đường truyền thông. Tôi tin rằng báo Người Việt sẽ trường tồn nếu như quý báo vẫn giữ vững tinh thần phục vụ xã hội, cũng như đáp ứng với nhu cầu của độc giả. (Trực Đoàn)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT