Tuesday, April 30, 2024

Bộ Trưởng Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra Nga dính vào bầu cử

WASHINGTON, DC (AP) – Dưới sức ép ngày càng tăng, Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions hôm Thứ Năm bất ngờ tuyên bố, ông sẽ rút lui khỏi bất cứ cuộc điều tra nào liên quan đến vụ Nga bị tố cáo gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Tuyên bố này của ông Sessions được đưa ra tại một cuộc họp báo ở Bộ Tư Pháp, Washington, DC, sau khi nhật báo The Washington Post tiết lộ ông từng hai lần gặp đại sứ Nga tại Hoa Kỳ nhưng không báo cho Quốc Hội biết, khi được hỏi trong cuộc điều trần tại Thượng Viện để chuẩn thuận ông vào chức vụ hiện nay.

Bộ Trưởng Sessions bác bỏ bất cứ đề nghị nào nói rằng ông tìm cách nói dối bất cứ ai về chuyện ông tiếp xúc với người Nga, khi ông nói rằng: “Đó không phải là ý định của tôi. Điều đó không đúng.”
Tuy nhiên, ông có nói rằng, đáng lẽ, ông phải cẩn thận hơn khi trả lời trong buổi điều trần tại Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện hồi Tháng Giêng.

“Đáng lẽ tôi nên chậm lại một chút, và nói ‘tôi có gặp một giới chức Nga hai lần,’” ông Sessions nói.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cho biết hoàn toàn ủng hộ ông trong sự việc gây tranh cãi này, trong chính quyền non trẻ của Tổng Thống Donald Trump, mặc dù nói rằng họ biết tin này qua báo chí vào tối Thứ Tư.

Bản thân Tổng Thống Trump hôm Thứ Năm nói rằng, ông “hoàn toàn” tin tưởng vị bộ trưởng, và không nghĩ rằng ông Sessions nên rút lui – không lâu trước khi ông Sessions tuyên bố.

Hồi Tháng Bảy, 2016, ông Sessions, lúc đó còn là thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Alabama, thành viên Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, và là cố vấn chính sách cho ông Trump, có nói chuyện với Đại Sứ Sergey Kislyak, trong lúc đang dự Đại Hội Đảng Cộng Hòa ở Cleveland, Ohio.

Tại đây, ông Sessions cũng nói chuyện với ông Carter Page, từng là cố vấn chính sách ngoại giao cho ông Trump một thời gian ngắn, theo một người biết cuộc nói chuyện này cho biết.

Ngoài ra, giới chức Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Năm còn cho biết, ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn của Tổng Thống Trump, và ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, từng gặp ông Kislyak tại Trump Tower ở New York vào Tháng Mười Hai. Giới chức này cho biết cuộc nói chuyện là một cuộc gặp gỡ bình thường.

Hồi tháng trước, ông Flynn bị ép phải từ chức sau khi nói dối Phó Tổng Thống Mike Pence trong vụ ông nói chuyện điện thoại với Đại Sứ Kislyak.

Câu chuyện liên quan đến ông Flynn liên lạc với ông Kislyak được Tòa Bạch Ốc thay đổi nhiều lần, và không bao giờ công khai cho biết về cuộc họp tại Trump Tower, hoặc sự dính dáng của ông Kushner, cho tới ngày Thứ Năm.
Cả giới chức Tòa Bạch Ốc và người biết vụ nói chuyện với ông Page đòi hỏi nói trong tình trạng ẩn danh, vì họ không được phép tiết lộ công khai chuyện này.

Ngay từ khi còn tranh cử, ông Donald Trump thường phải đối diện với những thắc mắc là ông có thể có liên hệ với người Nga, và có nhiều tố cáo là Moscow tìm cách ảnh hưởng cuộc bầu cử có lợi cho ông. Vị tân tổng thống và các giới chức vận động cho ông thường nói rằng đây là âm mưu của phía Dân Chủ bị thua cuộc, và nhất định bác bỏ tố cáo họ có liên lạc với người Nga.

Mặc dù không có gì phải là bất chính, hoặc ngay cả bất thường, khi một thành viên Quốc Hội gặp một đại sứ nước ngoài, nhưng thông thường, chỉ có thành viên Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện gặp các đại sứ, chứ không phải thành viên Ủy Ban Quốc Phòng, như trường hợp ông Sessions, có thẩm quyền trách nhiệm về quân đội và Bộ Quốc Phòng.

Sự việc mới nhất này xảy ra vào lúc ông Trump có “khí thế nhất” kể từ khi mới bước vào Tòa Bạch Ốc, sau khi bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc Hội của ông hôm Thứ Ba gây cảm hứng cho phía Cộng Hòa, và có vẻ xóa tan các lo lắng của các nhà lập pháp về sự bắt đầu hơi lủng củng của tân chính quyền.

Thế nhưng, ông Sessions phải đối diện với việc giải thích những chi tiết có vẻ mâu thuẫn liên quan đến hai cuộc nói chuyện của ông với Đại Sứ Kislyak, và lời khai có tuyên thệ của ông tại buổi điều trần hồi Tháng Giêng, khi ông nói rằng ông không bao giờ có liên lạc với người Nga trong suốt cuộc vận động của ông Trump.

Bộ Tư Pháp xác nhận rằng, ông Sessions gặp ông Kislyak trong vai trò thành viên Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, chứ không phải trong vai trò cố vấn cho ông Trump, và vì thế mà ông trả lời với Quốc Hội như thế.

Tại cuộc điều trần, Thượng Nghị Sĩ Al Franken (Dân Chủ-Minnesota), hỏi ông Sessions về những tố cáo người Nga giúp ông Trump trong cuộc tranh cử, và hỏi nếu có bằng chứng cho thấy có ai đó trong ban vận động tiếp xúc với người Nga thì sao.

Ông Sessions trả lời: “Tôi không biết có các hoạt động này hay không.”

“Tôi có được giao cho vai trò đại diện ông Trump vào lúc đó, chừng một hoặc hai lần gì đó, và tôi đã không có, không liên lạc gì với người Nga, và tôi không thể có ý kiến gì chuyện này,” ông Sessions nói lúc đó.

Ông Sessions, người đầu tiên ở Thượng Viện tuyên bố ủng hộ ông Trump trong cuộc vận động, hôm Thứ Năm nói rằng, ông rút lui khỏi cuộc điều tra đang diễn ra, và các cuộc điều tra sau đó, sau khi nhân viên của ông đề nghị ông làm như vậy.

Ông Dana Boente, quyền thứ trưởng Bộ Tư Pháp, sẽ thay thế ông Sessions tham gia cuộc điều tra.

Ông Sessions nói thêm rằng, quyết định này “không nên được diễn dịch là một sự xác định có bất cứ cuộc điều tra nào đang diễn ra.”

Trong khi đó, một số dân cử Dân Chủ không chỉ đòi hỏi ông Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra, mà còn yêu cầu ông từ chức.

Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), thủ lãnh khối thiểu số Hạ Viện, người tố cáo ông Sessions “nói dối mặc dù đã thề nói sự thật,” liên tục đòi ông phải từ chức.

Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), thủ lãnh khối thiểu số Thượng Viện, nói rằng phải bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để đánh giá xem cuộc điều tra có xem xét đến sự dính líu của Điện Kremlin hay không – và có thể có liên lạc giữa các cố vấn của ông Trump với người Nga – mà trong đó, có thể Bộ Trưởng Sessions cung cấp một số tin tức.

Phía Dân Chủ cũng đòi hỏi một cuộc điều tra hình sự vì cho rằng ông Sessions bội thệ.

Mặt khác, một số dân cử Cộng Hòa, trong đó có một số người là bạn thân với ông Sessions, yêu cầu ông nên rút lui khỏi cuộc điều tra.

Thượng Nghị Sĩ Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) nói ông không tin ông Sessions toa rập với người Nga, nhưng “nếu có cuộc điều tra, có lẽ ông không nên là người chỉ đạo.”

Bà Sarah Isgur Flores, phát ngôn viên Bộ Tư Pháp, nói rằng “hoàn toàn không có gì giấu diếm ở đây, khi ông Sessions khai ở cuộc điều trần.”

Năm ngoái, ông Sessions gặp hơn 25 đại sứ nước ngoài, trong vai trò thành viên Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, và có hai lần liên lạc với đại sứ Nga, ông Sergey Kislyak, theo Bộ Tư Pháp cho biết.

Một lần, ông Sessions gặp ông Kislyak vào mùa Thu, và lần kia là gặp trong một nhóm, sau khi ông Sessions đọc bài diễn văn tại một sự kiện do Heritage Foundation tổ chức.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, nói rằng chuyện các nhà ngoại giao gặp các nhà lập pháp Mỹ là bình thường.

Ông cũng nói sự chăm chú xoi mói hiện nay vào các cuộc gặp gỡ từng xảy ra giữa Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ Jeff Sessions với đại sứ Nga ở Washington, DC có thể cản trở việc cải thiện mối quan hệ giữa Moscow và Washington.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho báo chí hay rằng ông không biết về các cuộc gặp gỡ hồi năm ngoái giữa Đại Sứ Sergei Kislyak và ông Jeff Sessions.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga, nói với AP rằng gặp các nhân vật chính trị của Mỹ là một “công việc hàng ngày” của tòa đại sứ.

Tòa Bạch Ốc và văn phòng ông Sessions nói rằng ông gặp phía Nga với tư cách là thượng nghị sĩ thành viên Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, chứ không phải là thành viên ban vận động tranh cử của ông Trump. (Đ.D., V.Giang)

Mỹ hiện chỉ có $20 triệu đô la để xây tường biên giới ở Mexico

MỚI CẬP NHẬT