Monday, April 29, 2024

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả ‘Về Đây Nghe Em,’ qua đời vì bạo bệnh

BÀ RỊA–VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Giới mộ điệu âm nhạc Việt Nam bày tỏ lòng thương tiếc trước tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc qua đời tại tư gia ở Vũng Tàu vào chiều 7 Tháng Sáu, hưởng thọ 75 tuổi.

Ông là tác giả 600 bài hát, trong đó có các bản tình ca được nhiều thế hệ người yêu nhạc biết đến như “Về Đây Nghe Em” (phổ thơ A Khuê), “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” (phổ thơ Tô Như Châu), “Chợt Nghe Em Hát”, “Cho Tôi Lại Từ Đầu”, “Em Còn Nhớ Huế Không?”, “Em Theo Đoàn Lưu Dân”…

Năm 20 tuổi, ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào hồi cuối thập niên 1960.

Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông là “Hát Trong Dòng Sông Xưa” được xuất bản năm 1970. Những bài hát của ông hầu hết đều mang sắc thái tình người, tình quê hương.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông ở lại trong nước và sống ở Vũng Tàu. Ở hải ngoại, các sáng tác của ông được ca sĩ Hương Lan thu âm và trình diễn đầu tiên.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời anh Trần Quách Phước Nam, con trai nhạc sĩ Trần Quang Lộc: “Bố tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản ở nhà đúng như mong muốn của ông.”

Theo VNExpress, ông được chữa bệnh ung thư từ năm năm qua. Sau khi được cắt bỏ bàng quang, ông bị chẩn đoán thêm ung thư phổi. Căn bệnh gây ảnh hưởng lên dây thần kinh, khiến một bên mắt ông bị hỏng.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng nhiều năm điều trị ở Bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn. Đầu Tháng Năm, các bác sĩ cho ông về nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

“Những năm cuối đời, gia cảnh ông gặp nhiều khó khăn. Vợ ông phải thế chấp số đỏ nhà đang ở lấy tiền cho chồng chữa bệnh với chi phí hơn 200 triệu đồng ($8,577). Hồi cuối Tháng Năm, nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm đêm nhạc quyên góp tiền giúp ông chữa bệnh,” VNExpress cho biết.

Thuở còn sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA Việt Ngữ hồi năm 2006, nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói: “Tôi viết ‘Về Đây Nghe Em’ năm 1969-1970, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…”

“Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rứt trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được.”

“Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc ‘Về Đây Nghe Em’. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã nhiều năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát…” (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT