Wednesday, May 15, 2024

Chuyện ông Trump

Lê Phan


Hẳn là nhờ ông Trump mà tôi mới nhận được một email với một tập hình để chứng minh Luân Đôn đã trở thành một Londonistan, một thành phố của phe Hồi Giáo quá khích. Tôi cũng không biết nên bực mình hay nên phì cười trước email đó.

Sau 23 năm sống ở Luân Đôn, tôi nay bắt đầu nghĩ mình là người Luân Đôn. Thành phố của trên 8 triệu người dân này là một trong những thành phố quốc tế nhất thế giới. Một trong những trò lý thú nhất khi ngồi trên xe bus, trên xe lửa hay xe điện là đoán xem cái ngôn ngữ mình đang nghe là tiếng gì. Thôi thì đủ hết. Cặp vợ chồng người Pháp ngồi sau lưng chúng tôi đang khen mấy món quần áo mới mua rẻ mà tốt quá. Bên kia là một bà mẹ đang liến thoắng với con bằng một thứ tiếng mà tôi đoán là Slavic, có thể là Nga, Ukraine, Ba Lan, và vô số những quốc gia khác. Trước mặt một gia đình người Trung Hoa đang “gấu ó” nhau bằng tiếng Quan thoại. Ở góc kia, tiếng Tagalog vang lên từ hai cô người Philippines, hẳn là y tá. Và tuốt đằng sau xe bus, một cái giọng tiếng Việt mà lâu lắm tôi mới được nghe, giọng “miệt vườn” của nhà văn Bình Nguyên Lộc, bỗng cất lên “Hổng được đâu.”

Và cùng với những người từ muôn phương tới là cả cuộc sống của họ, kể cả những người Hồi giáo từ Trung Đông. Và cũng như các thành phố lớn khác, Luân Đôn có đủ thứ xóm. Một trong cái thú của cuộc sống Luân Đôn là đi thám hiểm các món cơm “đặc sản” của khắp thế giới. Muốn ăn cà ri thì qua Tooting, nơi mà người Nam Á tụ tập, và cũng là nơi duy nhất ở thành phố có những tiệm bán đồ ăn chỉ toàn là rau quả củ cho những người ăn chay trường của Ấn Giáo. Lâu lâu chúng tôi lại phải mò lên khu Soho để ăn dim sum đúng điệu Hồng Kông, kể cả xe đẩy món ăn đến tận bàn. Nhưng lên khu Ả Rập cũng lý thú không kém. Cơm Ả Rập còn thường có thêm món “múa bụng” rất hấp dẫn. Và ngày nay thì xóm Việt Nam trải nhiều nơi quá rồi, nhưng muốn ăn cháo lòng thì phải mò lên khu Tower Hamlet để mua dồi, tiết và lòng làm sẵn chỉ về nấu nồi cháo là xong.

Dĩ nhiên đã có món ăn vật chất thì cũng phải có món ăn tinh thần. Thành phố Luân Đôn có những nơi thờ phượng cho mọi tôn giáo trên thế giới. Gần nhà chúng tôi có một trong những ngôi đền Hồi Giáo lớn nhất Âu Châu. Có điều họ là của một giáo phái chủ hòa, bị cả Sunni lẫn Shia chê. Đi thêm năm bảy miles nữa là Chùa Thái, một ngôi chùa nằm trong một khoảng đất hơn một mẫu vuông, thật trang nhã và tuyệt đẹp. Nó làm tôi nhớ tới Đền Bình Minh ở Bangkok. Ngôi đền đó là món quà của Hoàng gia Thái cho Luân Đôn.

Nhưng Luân Đôn cũng là thủ đô của một trong những quốc gia dân chủ lâu đời nhất thế giới trong đó tinh thần trọng pháp rất cao. Những người lạ tới rồi cũng học thói người dân Ăng-lê. Chờ xe bus thì cứ người nào tới trước sắp hàng trước, người nào tới sau sắp hàng sau. Người Anh bao giờ cũng hỏi nhau “Are you in a queu? Có phải đang sắp hàng không?” Cảnh sát Anh cho đến ngày nay vẫn không đeo vũ khí. Sở Cảnh Sát Luân Đôn, mà thế giới biết dưới cái tên là Scotland Yard vì đó là nơi ngày xưa họ có trụ sở, quả có một đơn vị đặc biệt có súng. Nhưng chỉ khi cần thì họ mới xuất hiện. Hầu hết cảnh sát đi tuần trong thành phố chỉ mặc áo giáp không mang vũ khí. Họ có một cái còi và máy liên lạc. Ở trong nội thành, nay họ có thể có thêm “taser” nhưng không phải ai cũng có. Đối với trẻ em Anh, họ là những ông hay bà “Bobbies” và họ là người mà ai cũng tin tưởng tìm đến khi có chuyện gì cần. Và tôi xin bảo đảm với quý vị là không hang cùng ngõ hẻm nào của Luân Đôn mà các bobbies không đến. Họ thường đi cặp hai người và ở bất cứ nơi nào trong thành phố cũng có họ đi tuần. Dân chúng Luân Đôn tức giận phản đối khi chính phủ, tìm cách tiết kiệm, đòi giảm ngân sách cảnh sát vì như vậy sẽ thiếu bobbies đi tuần.

Dĩ nhiên một thành phố lớn có nhiều vấn đề. Luân Đôn cũng có trộm, cướp, có nơi an toàn hơn, có nơi thiếu an toàn hơn. Nhưng tôi xin bảo đảm quý vị là ông Trump hoàn toàn sai khi bảo là có những khu của Luân Đôn “bị quá khích hóa đến nỗi là cảnh sát sợ cho tính mạng của họ.”

Trong một phản ứng chưa bao giờ thấy vì các vị thủ tướng Anh thường tránh bình luận về các vị ứng cử viên tổng thống của nước bạn Hoa Kỳ, Thủ Tướng David Cameron, qua lời của phát ngôn nhân của ông đã bày tỏ “hoàn toàn không đồng ý với những lời nhận xét của ông Donald Trump, vốn có tính chia rẽ, không giúp ích gì và hoàn toàn sai.” Ông đô trưởng của chúng tôi, ông Boris Johnson vốn bộc trực hơn bảo những lời nói của ông Trump là “hoàn toàn và tuyệt đối vô nghĩa lý.” Lãnh tụ đảng Lao Động đối lập Jeremy Corbyn bảo lời nói của ông Trump là “một sự tấn công vào sự chia sẻ chung của nhân loại” và kêu gọi mọi người hãy “đoàn kết chống lại kỳ thị sắc tộc.” Đến Sở Cảnh Sát Luân Đôn, The Metropolitan Police mà thường được gọi tắt là The Met, cái tên chính thức của Scotland Yard, cũng đã phải tuyên bố “Chúng tôi bình thường không cho những lời nói như vậy đáng để trả lời, tuy nhiên trong dịp này chúng tôi nghĩ điều quan trọng là để khẳng định với dân chúng Luân Đôn là ông Trump sai lầm vô cùng. Bất cứ ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đều sẵn sàng được mời đến dự một buổi điều trần từ Cảnh Sát Luân Đôn về thực tế của công việc cảnh sát Luân Đôn.”

Ông Johnson, vốn bản tính ít khi giữ kẽ, đã khẳng định: “Là một thành phố nơi có hơn 300 ngôn ngữ được sử dụng, Luân Đôn có một lịch sử tự hào về bao dung và đa dạng và nói là có những nơi cảnh sát không đến được vì quá khích hóa thì thật là nực cười.” Ông đô trưởng cũng nhân cơ hội khen các cảnh sát viên đã bảo vệ Luân Đôn rất tốt. Ông nói: “Tội phạm đang tiếp tục giảm đều ở Luân Đôn và ở New York, và lý do duy nhất mà tôi sẽ không đi đến một số khu của New York vì nó có nguy cơ thực sự gặp Donald Trump.”

Ông Johnson sắp từ chức vì ông đang tính đến chuyện ra tranh chức thủ tướng một khi ông Cameron mãn nhiệm kỳ, và hai ứng cử viên của hai đảng chính đang ra tranh cử cũng lên tiếng. Ông Sadig Khan của bên đảng Lao Động nói ông tỷ phú này “không thể chỉ gạt sang một bên như là một thằng hề – những lời nói của ông ta quá quắt, chia rẽ và nguy hiểm.” Còn ứng cử viên Zac Goldsmith, dòng dõi một nhà giàu ở Anh, thì nói ông Trump là “một con người đáng sợ… một trong những khuôn mặt hiểm độc nhất trong chính trị.”

Phải nói hầu hết phần còn lại của thế giới đang nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này với một sự pha trộn của hoang mang và tuyệt vọng. Nhiều người hỏi, làm sao mà, cũng một quốc gia đã hai lần đưa một người con trai da đen của một người Kenyan với một bà mẹ người Mỹ vào Tòa Bạch Ốc lại có thể “chơi” với ông Trump và những lập trường chia rẽ, cách biệt như vậy?

Ở Âu Châu, Thủ Tướng Manuel Valls của nước Pháp, đang còn vật lộn với một cuộc tấn công khủng bố của Hồi Giáo quá khích, đã viết trên Twitter “Ông Trump, như những người khác, muốn châm ngòi cho thù hận. Kể thù duy nhất của chúng ta là Hồi Giáo quá khích.”

Ở Trung Đông, người ta kinh ngạc. Ở Ai Cập, lời nói của ông đã bị giới chức tôn giáo cao cấp nhất và nhiều người khác lên án. Họ gọi ông là bài Hồi Giáo, kỳ thị sắc tộc, hay như anh sinh viên kỹ sư Reem Khorshid, “một người điên không biết gì cả.” Giáo Sư Rachid Tlemcani, giáo sư chính trị học ở Viện Đại Học Algiers khuyến cáo là ông Trump có thể thúc đẩy thanh niên vào tay đám quá khích tự nhận mình là Islamic State. Ông giải thích “Rất nhiều người ở Trung Đông nghĩ Hoa Kỳ là nơi cuối cùng mà chúng tôi có thể tìm được chốn dung thân một khi mọi sự trở nên thật sự xấu, và nó là nơi của tự do và cởi mở.” Ông thêm “Tôi nghĩ những lời nói như vậy sẽ là mời gọi những hành động bạo động chống lại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ ông ta là người vô trách nhiệm.”

Chỉ có một nơi trên thế giới này ông Trump được người ta tán thưởng. Lập trường của ông về người di dân Hồi giáo đã nhận được nhiều trăm lời ca ngợi trên địa chỉ Weibo, một địa chỉ liên lạc xã hội ở Trung Cộng tương đương với Twitter. Họ ví lập trường của ông Trump với điều mà chính quyền Bắc Kinh đã coi là thái độ đúng với những người Uighurs hay Tây Tạng, đem nhốt hết họ lại và cấm cửa họ không cho vào.

Thật là khác hẳn với lần bầu cử trước khi Hoa Kỳ thu hút sự chú ý của thế giới, khi hồi năm 2008, sự ứng cử của ông Barack Obama đã được thế giới mừng rỡ chào đón điều mà họ gọi là một sự phục hưng của những lý tưởng Hoa Kỳ. Khi ông Obama tới Berlin, hơn 200,000 người chào đón ông và sự chiến thắng của ông đã được rộng rãi coi như là một sự khẳng định những gì tốt đẹp nhất của Hoa Kỳ.

Ngày nay, phản ứng khác hẳn. Ở La Défence, khu doanh nghiệp của Thủ Đô Paris, cô sinh viên Inès Lessieur, 23 tuổi, nói ông Trump làm cô chán đời. Cô bảo với tờ New York Times “Tôi chắc là ông ta sẽ được bầu lên.” Một sinh viên khác, cô Laura Albat, 20 tuổi, lập tức phản đối bảo “Không. Một quốc gia đã hai lần bỏ phiếu cho Obama không thể bầu lên một người như thế.”

Nhưng có lẽ lời cuối phải là cho cô Yenny Wahid, ái nữ của cựu Tổng Thống Ahdurahman Wahid của Indonesia, quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới. Cô Yenny mà ngày nay là một nhà tranh đấu và một chính trị gia, đã có thời là một nhà báo, nói: “Tôi nghĩ khuynh hướng của người ta ở Indonesia là người ta coi ông Donald Trump là một kẻ thất bại. Chúng tôi không coi lời nói của ông ta là quan trọng.”

MỚI CẬP NHẬT