Sunday, April 28, 2024

‘A Separation’ – cuốn phim thực tế của Iran ngày nay

Cuốn phim thứ ba bạn tôi cho xem có nhan đề là “A Separation” (Chia Tay) một sản phẩm điện ảnh xuất xứ từ Iran, đạo diễn Asghar Farhadi, đã tham dự và đoạt giải Oscar dành cho thể loại phim nói ngoại ngữ tại đại hội bình chọn hằng năm diễn ra vào Tháng Ba, 2012, tại kinh đô điện ảnh Hoa Kỳ.

Trong một tài liệu Internet tường trình về vinh dự lớn lao này, tôi đọc được câu: “Đối với những người dân Iran kiên nhẫn dán mắt vào màn ảnh TV, thành công tuyệt vời này vượt khỏi phạm vi điện ảnh vào lúc đất nước họ đang bị đe dọa với nhiều hình thức chế tài…”

Tôi định cư ở Mỹ trên ba mươi năm, một nửa thời gian này sinh hoạt trong lãnh vực phát thanh nhưng đặc biệt tập chú vào việc chuyện trò với thính giả thuộc nữ giới chúng tôi để cùng giúp nhau nhanh chóng và mạnh dạn hội nhập vào môi trường mới, tạo một hậu cảnh thuận lợi cho chồng con bắt đầu từ sự thành công của bản thân mình rồi đến gia đình. Ông bà mình xưa có câu: “Cờ đến tay ai người ấy phất,” được nhìn thấy các chị bung ra như những đóa quỳnh rực rỡ trong mọi hoàn cảnh, khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng xông vào, sức phấn đấu không mệt mỏi của các chị khiến tôi kinh ngạc, mừng thầm và hãnh diện lây. Tôi xin phép ví các chị như cái bóng đèn trong nhà, tỏa sáng và đem lại sự ấm áp cho những người thân yêu.

Vì vậy, tôi không mấy quan tâm đến tình hình chính trị thế giới để đến nỗi hoàn toàn lãnh đạm với một Iran là thối thân của nước Ba Tư, xứ sở một thời từng mê hoặc mọi người bằng huyền thoại những câu chuyện kể Ngàn Lẻ Một Đêm, hậu cung có Nữ Hoàng Soraya nhan sắc mê hồn, được quốc vương Ba Tư sủng ái và được bọn con gái Việt Nam ngây ngô chúng tôi thập niên 50 thế kỷ trước hầu như say mê thần tượng đến quên ăn, bỏ ngủ. Qua báo chí, hình ảnh giai nhân Soraya với đôi mắt xanh mầu biển thẳm, mỗi ngày nhận một món trang sức quý giá tuyệt đẹp từ bàn tay quân vương làm bọn tôi mê mẩn. Tuy vậy, huy hoàng hay rực rỡ nào rồi cũng không thoát khỏi định luật phai tàn và lịm tắt. Hoàng gia mong đợi một hoàng nam kế vị nhưng hoàng hậu lại không thể sinh con sau năm năm ngất ngưởng trên ngôi cao. Do áp lực của triều đình và đất nước, Quốc Vương Ba Tư Mohammed Reza Pahlavi hào hoa, phong nhã, oai vệ trong phẩm phục với rất nhiều huy chương, đành gạt lệ chia tay cuộc tình. Cả thế giới chua xót và tiếc thương. Bọn nhóc chúng tôi ở tận cái xó xỉnh xa xôi và quê mùa ở miền Trung Việt Nam càng ngậm ngùi, ray rứt.

Ký ức thần tiên ấy mang theo cho đến tận bây giờ, qua tuổi cổ lai hy rồi, làm sao tôi có thể nghĩ được cái đất nước có những con người đẹp như mơ ấy nay mang tên khác, lại là cái nôi nuôi dưỡng khủng bố, là cái nguồn gieo rắc tang thương và khổ đau cho một phần nhân loại vô tội trên địa cầu này?

Với tôi, “A Separation” là thông điệp đầy uy lực gởi ra thế giới của đạo diễn tài ba Asghar Farhadi, với cái lấp lánh của một mảnh linh hồn Ba Tư vẫn trường tồn đâu đó trên dòng lịch sử, một lần hiện hữu cũng sẽ mãi mãi còn đến hàng ngàn vạn năm sau. Tuy nhiên, trong một dịp trả lời phỏng vấn của báo chí, đạo diễn Farhadi cho biết ông chẳng có thông điệp nào cả và ông cũng không có bổn phận phải phóng chiếu con nguời cùng đất nước Iran qua nghệ thuật điện ảnh mà ông theo đuổi. Ông chỉ nhặt nhạnh, gom góp, đưa ra những chi tiết nhỏ trong một tổng thể những cảnh đời tự chúng diễn tiến. Có lẽ vì vậy, “A Separation” đã lôi cuốn khán giả ngay từ phút đầu khi hai vợ chồng Nader và Simin lời qua tiếng lại trước phiên tòa ly hôn không có chánh án song người xem vẫn cảm nhận đầy đủ sự căng thẳng của họ.

Ba Tư trải qua nhiều biến thiên bi thảm, nặng nề bao nhiêu lần hơn đất nước tôi, không còn cả tên trên bản đồ thế giới – có chăng chỉ là thấy trong một số ít văn bản/tài liệu văn hóa – nhưng sao người dân gốc gác Ba Tư vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống cổ kính của họ trong từng ngày sống không dễ dàng với họ ở thời điểm này?

Nữ diễn viên Sareh Bayat đóng vai bà giúp việc Razieh và diễn viên nhí Kimia Hosseini đóng vai Somayeh trong phim “A Separation.” (Hình: motionpictures.org)

Tôi cũng được biết từ cuối thế kỷ XI, tuyệt đại đa số người dân Ba Tư theo đạo Hồi. Họ thờ phượng Allah, học thánh kinh Qur’an (Koran), có đường lối hành đạo riêng. Đạo Hồi như tôi biết là từ người Chăm ở quê hương tôi, qua hình ảnh người bạn thân thiết, người nghệ sĩ nổi tiếng ở cả hai lãnh vực nghệ thuật và đời thường, với nhân cách rất đáng quý trọng của anh, nhạc sĩ sáng tác và trình diễn họ Từ. Chúng tôi tình cờ quen biết nhau và hai gia đình nhỏ bé của chúng tôi có một thời gian ngắn ngủi vài năm, chia cùng nhau những nỗi nhọc nhằn, cơ cực khi Sài Gòn mới mất. Kinh nghiệm mọi người thường trải qua để hiểu về một người là trong khó khăn và tuyệt vọng. Chúng tôi đã may mắn gặp nhau trong những điều kiện bất ưng này. Anh có hầu như tất cả mọi đức tính cốt cách làm nên nhân dáng mình: chân thật, độ lượng, nhẫn nhịn, trung tín, yêu thương gia đình vợ con, tử tế với bạn bè. Ngay trong một bối cảnh xã hội hoàn toàn không thân thiện, anh sống bình thản, gói ghém mọi buồn bã và ưu tư giấu riêng như anh thường hát “giấu quanh giấu quẩn nỗi buồn một nơi…” để luôn có nụ cười cho mình, cho vợ con, cho bằng hữu, cho cuộc đời.

Tôi không hề biết một đạo Hồi có những cảm tử quân máu lạnh, đã cướp các máy bay dân sự để đốt cháy hai tòa tháp ở New York, sát hại hàng mấy trăm hành khách vô tội và hàng mấy ngàn nạn nhân cần cù làm việc ở hai tòa tháp đôi này. Tôi càng không thể hình dung ra những tín đồ Hồi Giáo cuồng nhiệt như Osama Bin Laden, những công dân đậm chất Iran như Soleimani, được coi là tai ương của mặt đất, là ngòi nổ của một Trung Đông bất ổn và phức tạp, không ngừng gây can qua, lại có tiền thân là xứ Ba Tư trữ tình và diễm lệ trong ký ức tôi.

Những nhân vật trong phim “A Separation” không cho tôi thấy bối cảnh một cung đình xa hoa thập niên 1950 nhưng họ là những người muốn có cuộc sống tốt đẹp. Câu chuyện xảy ra trong một gia đình trung lưu, chồng làm việc tại một ngân hàng. Họ có cô con gái 11 tuổi, thông minh, thâm trầm, như bất cứ người phụ nữ Iranian nào kín đáo dưới cái khăn đội đâu. Người vợ là Simin, muốn cả gia đình di cư sang Mỹ để con gái họ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng người chồng là Nader, cương quyết không ra đi vì vướng ông bố già bị bệnh Alzheimer. Họ vẫn yêu nhau nhưng vấn đề gia đình không giải quyết được. Muốn ép chồng, Simin nộp đơn ly dị. Chị tạm dọn về nhà cha mẹ ruột, khiến Nader lâm vào hoàn cảnh không có ai săn sóc ông cụ.

Để giúp chồng phần nào, Simin nhờ người quen tìm hộ một bà giúp việc, tên Razieh, không biết bà này chớm mang thai và quên rằng luật lệ không cho phép bà được thay quần trong cho người nam dù ông cụ già nua, lú lẫn. Chồng bà này là tín đồ Hồi Giáo cực đoan, cảnh nhà túng quẫn nhưng không chịu đi làm thay cho vợ để biết vợ khổ tâm thế nào khi không dung hòa được tín ngưỡng và nhu cầu kiếm tiền cho gia đình. Một hôm Nader đón con gái về nhà sớm, thấy ông cụ nằm lăn dưới đất, tay chân bị trói vào giường, tưởng chết rồi. Chị người làm và cô con gái nhỏ của bà ta không có trong nhà.

Những nghi vấn, những tình tiết chồng chéo đưa tới vụ án chồng bà Razieh cáo buộc Nader làm chết đứa bé trong bụng vợ ông ta khi giận bà này hành hạ ông cụ và xô đẩy bà đến trụy thai rồi đòi bồi thường một số tiền lớn. Vợ chồng Nader và Simin xử sự với lòng thương người song chính vì thế mà họ không chứng minh được họ vô tội. Nader chấp nhận trả tiền cho vợ chồng bà Razieh vì tử tế tuy rằng căn cứ vào cuộc điều tra với nhiều nhân chứng không ai thực sự biết rõ điều gì, ông cũng muốn công lý cho mình, không nghĩ là ông phải nhận trách nhiệm làm chết đứa bé. Trước khi trao tiền và trước mặt các con nợ của chồng bà Razieh đợi lấy tiền, Nader yêu cầu bà Razieh để tay lên cuốn kinh Koran, thề rằng bà đoan chắc ông chính là thủ phạm gây ra cái chết của con bà, không có nguyên nhân hay yếu tố nào khác. Đến đây thì bà Razieh, một tín đồ Hồi Giáo gương mẫu, không thể tiếp tục đóng vở kịch cáo gian cho người vô tội nữa. Bà bỏ chạy, bị chồng đánh đập vì làm lỡ cơ hội để ông ta được một số tiền trả nợ, bà khóc và nói với chồng: “Em không dám thề, sẽ lãnh hậu quả đến đời con cái mình.”

Những nhân vật trong “A Separation” là những người Iranians lương thiện, coi trọng tình gia đình và muốn làm chuyện phải. Cuốn phim đưa ra một chân dung thực tế của Iran ngày nay bên cạnh một cách nhìn khác, cho rằng Iran hiếu chiến, sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh nguyên tử. Có thể người dân Iran vẫn còn giữ một số phong tục khắc nghiệt như thời trung cổ khi trừng phạt người đàn bà ngoại tình nhưng các diễn viên trong “A Separation” đã đưa ra những hình ảnh thanh lịch của một phong cách sống lấy đạo nghĩa và tình người làm tiêu chuẩn của tầng lớp Iranians trung lưu, thậm chí thấp hơn nữa.

Đạo diễn và cũng là tác giả truyện phim là người Iran, ông có thể làm đẹp các nhân vật của ông nhất là trong một xứ sở vẫn còn áp dụng chế độ kiểm duyệt độc đoán nhưng giải Oscar mà Hollywood trao tặng cho “A Separation” hẳn phải có một giá trị khả tín. Phải chăng ở bất cứ quốc gia nào theo thể chế độc tài, trong cốt lõi, luôn có sự mâu thuẫn giữa cuộc sống của người dân thường và các chính trị gia điều khiển việc nước?

Người dân thì thiên niên vạn đại. Chính thể thì chỉ có một thời. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT