Thursday, May 16, 2024

Bán đảo Triều Tiên và bóng ma đáng sợ ở Đông Á

Hiếu Chân/Người Việt

Trong biển tin tức nóng hổi mấy ngày qua có một mẩu tin ít người để ý liên quan tới một biến chuyển mới ở bán đảo Triều Tiên, có nguy cơ kích hoạt cuộc xung đột nóng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, lôi kéo cả Nhật, Nga, Trung Quốc, và Hoa Kỳ vào binh lửa.

Lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn. (Hình: Vladimir Smirnov/Pool/AFP via Getty Images)

Hãng tin KCNA của nhà nước Bắc Hàn cho biết hôm Thứ Hai, 15 Tháng Giêng, phát biểu tại kỳ họp thứ 10 của Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao, tức Quốc Hội Bắc Hàn, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kêu gọi sửa đổi Hiến Pháp, xác định Nam Hàn là “đất nước thù địch chính.” Ông tuyên bố Bắc Hàn sẽ chấm dứt việc theo đuổi chính sách tìm kiếm sự hòa giải và thống nhất với Nam Hàn. Thay vào đó, ông muốn đưa vào Hiến Pháp Bắc Hàn nhiệm vụ “chinh phục Nam Hàn” nếu xung đột xảy ra. “Chúng ta không mong muốn chiến tranh nhưng không có ý định né tránh nó,” ông Kim khẳng định.

Không chỉ nói suông, ông Kim chỉ thị cho guồng máy cai trị Bắc Hàn chuẩn bị kế hoạch “chinh phục, chiếm đóng và giành lại hoàn toàn” lãnh thổ Nam Hàn. Bắc Hàn sẽ không coi người Nam Hàn là “đồng bào” cùng chủng tộc Triều Tiên, đồng thời bác bỏ các đường phân giới trên đất liền và trên biển giữa hai nước, và cắt đứt liên lạc với Nam Hàn. Ngoài ra, Bắc Hàn sẽ giải tán ba tổ chức liên quan tới việc thống nhất liên Triều, gồm Ủy Ban Thống Nhất Hòa Bình Đất Nước, Cục Hợp Tác Kinh Tế Quốc Gia, và Cục Du Lịch Quốc Tế Kumgangsan.

Sự thay đổi chính sách của ông Kim diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng ngay trong đầu năm 2024. Hồi đầu tháng này, Bắc Hàn bắn hàng trăm quả đạn pháo ra vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên khiến quân đội Nam Hàn phải tản cư dân chúng và tập trận bắn đạn thật để phòng thủ. Về mặt quân sự, Bắc Hàn dồn dập thực hiện các vụ thử vũ khí, vừa như để răn đe, vừa để hậu thuẫn cho những tuyên bố đầy thù nghịch của ông Kim. Hôm 14 Tháng Giêng, Bắc Hàn thông báo đã phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh. Hôm Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng, KCNA đưa tin Bắc Hàn vừa thử nghiệm hệ thống vũ khí tấn công dưới nước có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, coi đó là đòn đáp trả cuộc tập trận chung giữa Nam Hàn, Nhật, và Hoa Kỳ vừa kết thúc.

***

Để tiện theo dõi các diễn biến ở Triều Tiên, nên để ý Bắc và Nam Hàn về nguyên tắc vẫn đang trong trạng thái chiến tranh. Sau Thế Chiến 2, có bốn quốc gia bị chia cắt làm đôi theo lằn ranh ý thức hệ, tự do-cộng sản, là Đông và Tây Đức ở Châu Âu, Trung Quốc-Đài Loan, Nam-Bắc Hàn, và Nam-Bắc Việt Nam ở Châu Á. Điểm chung của sự chia cắt này là những con người ở hai bên giới tuyến là cùng một dân tộc, cùng huyết thống, cùng chia sẻ một nền văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử lâu dài. Do vậy, cả bốn dân tộc đều mong muốn thống nhất đất nước, đoàn kết dân tộc.

Có điều, trong khi bốn nước theo chủ nghĩa dân chủ tự do chủ trương thống nhất thông qua đàm phán hòa bình và hòa giải dân tộc thì bốn nước theo chủ nghĩa Cộng Sản đều rắp tâm tiêu diệt phía bên kia bằng bạo lực. Cuộc chiến Nam-Bắc Hàn 1950-1953 làm chia đôi đất nước đến ngày nay và cuộc nội chiến núi xương sông máu 1954-1975 giữa hai miền Việt Nam dẫn tới thắng lợi của phe cộng sản 30 Tháng Tư, 1975 là những ví dụ. Sau năm 1949, Trung Quốc nhiều lần tấn công Đài Loan đều thất bại và xung đột giữa hai bờ eo biển vẫn căng thẳng đến tận bây giờ. Chỉ nước Đức là một ngoại lệ. Cộng Sản Đông Đức đã xây bức tường Berlin và sẵn sàng bắn bỏ bất cứ người Đông Đức nào muốn tìm tự do ở phía bên kia. Thế nhưng, khi đế quốc đàn anh là Cộng Sản Liên Xô hấp hối những năm cuối thập niên 1980, người Đức phá sập bức tường ô nhục và thực hiện cuộc thống nhất Đông-Tây trong hòa bình. Bây giờ, 45 năm sau ngày bức tường Berlin bị phá sập, khó tìm thấy sự khác nhau giữa Đông và Tây Đức cũ cả về cơ sở hạ tầng lẫn tâm lý và suy nghĩ của người dân. Nước Đức đã thật sự thống nhất mà không phải trả giá bằng máu.

Sau hiệp định đình chiến năm 1953, được che chở dưới cái dù an ninh của Mỹ, Nam Hàn tập trung xây dựng kinh tế và hiện đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 của thế giới, với những sản phẩm và công nghệ được cả thế giới ưa chuộng, từ xe hơi, điện thoại, tivi cho đến mỹ phẩm, ẩm thực, phim ảnh, và âm nhạc. Trái lại, Bắc Hàn vẫn duy trì một chế độ độc tài gia đình trị, đất nước nghèo nàn lạc hậu, người dân sống bấp bênh trong cảnh đói khát trừ tầng lớp quan lại và quân đội trung thành với gia tộc họ Kim. Có cùng điểm xuất phát khi đình chiến năm 1953, miền Bắc lại có ưu thế hơn miền Nam về tài nguyên thiên nhiên và cơ sở công nghiệp, nhưng đến nay tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nam Hàn đã hơn $1,800 tỷ, cao gấp 40 lần mức GDP $48.3 tỷ của Bắc Hàn. Có một lĩnh vực mà Bắc Hàn vượt trội là sản xuất vũ khí và dùng vũ khí nguyên tử để mặc cả với các cường quốc, một kiểu “ăn vạ” như Chí Phèo trong truyện của Nam Cao.

***

Một số chuyên gia có uy tín viết trên trang 38north.org, một chuyên trang nghiên cứu về Bắc Hàn, cho rằng, chính sách ngày càng hung hăng của Bình Nhưỡng là phản ứng với thái độ trịch thượng và thù địch của Hoa Kỳ sau khi Hiệp Định Khung giữa Mỹ và Bắc Hàn ký năm 1994 bị Washington bỏ dở dưới thời chính quyền Barack Obama. Hiệp định này quy định Mỹ cung cấp cho Bắc Hàn các lò phản ứng nguyên tử nước nhẹ (LWR) đổi lấy việc Bắc Hàn phá dỡ các lò tinh chế uranium và plutonium. Hai nước sẽ làm việc để tiến tới bình thường hóa ngoại giao và kinh tế hoàn toàn và hợp tác vì hòa bình, an ninh trên một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí nguyên tử. Lòng tin của Bắc Hàn vào “thiện chí” hợp tác của Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ sau cuộc họp thượng đỉnh thất bại giữa ông Kim Jong Un và Tổng Thống Donald Trump tại Hà Nội đầu năm 2019.

Nhưng đổ lỗi cho Hoa Kỳ không hoàn toàn đúng. Các chính phủ Nam Hàn qua nhiều đời tổng thống, được sự ủng hộ của Washington, đã thực hiện chiến lược “Ánh Dương” (Sunshine) nhằm thúc đẩy thống nhất hòa bình. Nam Hàn đã tích cực thúc đẩy các tập đoàn kinh tế đầu tư vào Bắc Hàn, mở khu công nghiệp Kaesung trên biên giới, sử dụng vốn liếng, công nghệ Nam Hàn cộng với công nhân Bắc Hàn để sản xuất các mặt hàng xuất cảng, mở khu du lịch trên núi Kim Cương (Kumgangsan) để thu hút du khách quốc tế và kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử đổi lấy viện trợ kinh tế và tài chính. Những nỗ lực đó chung quy đều thất bại vì Bắc Hàn quyết tâm theo đuổi vũ khí nguyên tử, coi đó là phương tiện duy nhất để duy trì chế độ và bảo đảm quyền cai trị vĩnh viễn của gia tộc họ Kim. Mọi nỗ lực hòa nhập Bắc Hàn với thế giới bên ngoài của Washington và Seoul đều không có kết quả.

Bây giờ thì ông Kim Jong Un công khai và liên tục vi phạm các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, cung cấp đạn dược và hỏa tiễn cho Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, đẩy mạnh chương trình vũ khí nguyên tử và đe dọa thâu tóm Nam Hàn. Ý tưởng hòa hoãn với Bắc Hàn bây giờ đã quá muộn và không thực tế.

***

Trong bài diễn văn hôm 15 Tháng Giêng, ông Kim Jong Un nói quân đội Bắc Hàn đang chuẩn bị cho “một biến cố cách mạng vĩ đại” – cụm từ mà các nhà phân tích cho rằng ám chỉ một cuộc chiến tranh với Nam Hàn. “Chiến tranh sẽ huỷ diệt khủng khiếp cái thực thể có tên là Cộng Hòa Hàn Quốc và chấm dứt sự tồn tại của nó. Chiến tranh cũng sẽ mang lại một thất bại đau đớn không tưởng tượng được cho nước Mỹ,” ông Kim nói.

Các chuyên gia về Bắc Hàn của CIA, Bộ Ngoại Giao và các viện nghiên cứu của Mỹ đều đang rất lo ngại. Không ai biết khi nào Bắc Hàn sẽ tấn công Nam Hàn, cuộc chiến sẽ khơi mào như thế nào, liệu Bắc Hàn có sử dụng vũ khí nguyên tử để đánh phủ đầu quân đội Nam Hàn và các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đó hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng phát ngôn vừa qua của ông Kim là “rất nghiêm túc,” khác hẳn những lời đe dọa sắt máu trước kia. Bán đảo Triều Tiên trong những ngày tới xem ra có thể biến thành một chiến trường mới, bên cạnh những điểm nóng ở Trung Đông và Ukraine.

***

Trong bốn quốc gia bị chia cắt vì ý thức hệ, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi thôn tính Đài Loan, nay thì Bắc Hàn khước từ việc thống nhất hòa bình với Nam Hàn. Bắc Kinh càng ngày càng gia tăng sức ép với hòn đảo dân chủ Đài Loan. Bắc Kinh gây sức ép cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế, nhất là từ sau chuyến viếng thăm Đài Bắc của Dân Biểu Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, hồi Tháng Tám, 2022, và cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm 13 Tháng Giêng. Tại cuộc bầu cử này, cử tri Đài Loan bất chấp Bắc Kinh đe dọa “chiến tranh” dồn phiếu bầu cho ông Lại Thanh Đức – một ứng cử viên bị Bắc Kinh coi là kẻ ly khai, gây rối, và phản động.

Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc nói ông không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thâu tóm Đài Loan. Chủ Tịch Kim Jong Un thì đe dọa dùng vũ khí nguyên tử để xóa sổ Nam Hàn. Trong đầu các nhà độc tài cộng sản dường như không có giải pháp nào khác ngoài bạo lực. Trung Quốc, Triều Tiên có thống nhất được hay không là chuyện của tương lai, nhưng các nhà độc tài như ông Tập và ông Kim dường như không tính tới cái giá máu xương mà dân tộc họ phải trả cho cuộc thống nhất bằng vũ lực. Bài học của Việt Nam, thống nhất lãnh thổ mà lòng người chia rẽ không hàn gắn được do chiến tranh huynh đệ tương tàn xem ra cần được nhắc lại để làm nguội những cái đầu đang nóng máu phiêu lưu. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT