Monday, May 20, 2024

Cảm nhận về nền kinh tế sẽ quyết định kết quả bầu cử

Hiếu Chân/Người Việt

Cử tri Mỹ thường lựa chọn bỏ phiếu theo quan niệm của họ về hiện tình của đất nước, trong đó kinh tế là yếu tố chính. “Kinh tế mới là vấn đề, đồ ngu à” (It’s the economy stupid) – câu nói nổi tiếng của ông James Carville, cố vấn chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Bill Clinton, năm 1992 đến nay vẫn được coi là kim chỉ nam cho các cuộc vận động tranh cử tổng thống. Yếu tố kinh tế, hay đúng hơn là cảm nhận của người dân Mỹ về nền kinh tế hiện nay ra sao, và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lựa chọn của họ?

Tổng Thống Joe Biden nói chuyện về kinh tế tại Superior, Wisconsin, hôm 25 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Stephen Maturen/Getty Images)

Vài ngày trước, bà Nikki Haley – người đang nỗ lực giành chiếc vé đại diện đảng Cộng Hòa trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc cuối năm nay –  tuyên bố: “Chúng ta có một nền kinh tế đang hỗn loạn với lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.” Nhiều cử tri Cộng Hòa nghe theo và tin lời bà.

Một cuộc thăm dò ý kiến của tổ chức YouGov với câu hỏi: “Nhìn chung, quý vị nghĩ nền kinh tế đang tốt hơn hoặc tệ hơn,” ghi nhận trong số cử tri Cộng Hòa có 71% tin rằng nó đang tệ hơn, chỉ có 7.4% cho rằng nền kinh tế đang tốt hơn trước. Ở phía đảng Dân Chủ, cuộc thăm dò ghi nhận có 48.1% cho rằng nền kinh tế đang tốt hơn, 17.6% cho rằng nó đang xấu đi.

Một cuộc khảo sát khác, do Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Công Cộng NORC phối hợp với hãng tin AP thực hiện vào đầu Tháng Hai ghi nhận 35% số người Mỹ trưởng thành nói rằng nền kinh tế đang tốt, tăng so với 30% trong cuộc khảo sát cuối năm ngoái và 24% so với cuộc khảo sát một năm trước. Trong khi đó, vẫn có 65% cho rằng nền kinh tế đang tệ hơn, dù con số này có cải thiện so với 76% của năm ngoái.

Tổng hợp các cuộc khảo sát ý kiến, nghiên cứu của Pew Research Center công bố cuối tháng trước cho thấy chỉ có 28% người Mỹ nhận xét nền kinh tế hiện nay là tốt hoặc rất tốt, trong đó phía Dân Chủ có 44% và phía Cộng Hòa có 13%.

Ở phía các chuyên gia, ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Liên Bang (Fed), trong cuộc họp báo Thứ Tư tuần trước, tuyên bố: “Hãy thành thật, kinh tế hiện nay tốt.” Nhà bình luận Paul Krugman của nhật báo The New York Times, người được giải Nobel về kinh tế học, thì cho rằng nền kinh tế Mỹ đang vừa nóng vừa lạnh, nóng về tốc độ tăng trưởng và thị trường việc làm nhưng lạnh về lạm phát.

Với một nền kinh tế phát triển và khổng lồ như Hoa Kỳ, các con số lý tưởng được các kinh tế gia nhắm tới là 3-2: tăng trưởng 3%/năm và lạm phát 2%/năm – đủ để người dân năm sau khá giả hơn năm trước.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ tăng 3.3% trong quý cuối năm 2023. Tính chung cả năm 2023, mức tăng GDP của Mỹ đạt 2.5%. Tỉ lệ này thấp hơn Canada (3.3%) và Anh (4.2%) nhưng cao hơn nhiều nền kinh tế phát triển khác như Pháp (2.2%), Đức (1.9%), Nhật (1.1%), và Ý (0.9%). So với thời trước đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ ngày nay đã “lớn” thêm 7% trong khi nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung Châu Âu chỉ “lớn” thêm 3%.

Tăng trưởng kinh tế của Mỹ được cho là nhờ người tiêu dùng chi tiêu mạnh, thị trường lao động bền vững, và chi tiêu của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch. Những khoản trợ cấp lớn của chính phủ liên bang trong hai năm 2020-2021 đã thúc đẩy các gia đình Mỹ chi tiêu và tiết kiệm. Tiền lương tăng và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng tăng càng thúc đẩy người dân phóng tay chi dùng sau mấy năm thắt lưng buộc bụng vì dịch bệnh.

Tuy vậy, những người cho rằng nền kinh tế tệ hơn trước đổ lỗi cho sự điều hành của chính quyền Joe Biden và đảng Dân Chủ với những chính sách như thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch, thay dần xe chạy xăng bằng xe chạy điện, tăng mức lương tối thiểu cho công nhân lao động và tăng đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sá. Những chính sách này được cho là yếu tố tạo ra lạm phát và gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Cá biệt, cựu Tổng Thống Donald Trump còn tuyên bố vô căn cứ rằng sở dĩ thị trường chứng khoán tăng mạnh gần đây là do nhà đầu tư tin tưởng ông sẽ quay lại Tòa Bạch Ốc đầu năm tới và mang lại cho họ cơ hội gia tăng lợi nhuận!

Trên thị trường lao động, trong Tháng Giêng có thêm 353,000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ mức 3.7% – chỉ cao hơn chút đỉnh so với mức thất nghiệp cách đây nửa thế kỷ. Tính chung trong ba năm cầm quyền của Tổng Thống Joe Biden, đến cuối năm, nước Mỹ đã có thêm 14 triệu việc làm – một con số ấn tượng. Trong ba năm đầu cầm quyền, ông Trump cũng góp phần tạo ra 6 triệu việc làm cho nền kinh tế nhưng thành tích đó bị xóa sạch trong thời đại dịch. Ông Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống với hàng triệu việc làm bị mất và tỉ lệ thất nghiệp lên tới 8.05%. Bây giờ, trước thành tích tạo việc làm của chính quyền Biden, ông Trump không ngần ngại tuyên bố những con số ấn tượng đó là “tin giả” (fake news).

Truyền thông vẫn đưa tin liên tục về chuyện các công ty công nghệ lớn sa thải hàng vạn nhân viên, nhưng người bị sa thải tỏ ra không quá bi quan trong một thị trường lao động mạnh, họ có thể tìm được việc làm khác hoặc tự khởi sự doanh nghiệp không quá khó khăn.

Nếu tăng trưởng GDP và công ăn việc làm là “điểm nóng” của nền kinh tế Mỹ như nhận định của Giáo Sư Krugman thì lạm phát là “điểm lạnh” đáng chú ý nhất. Lạm phát không chỉ tác động đến túi tiền của người dân, đến chi tiêu hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến cảm nhận của họ về nền kinh tế. Có thể nói, chính tỉ lệ lạm phát cao những năm 2021-2022 làm cho người Mỹ có cái nhìn bi quan về thực trạng nền kinh tế – một cảm nhận tồn tại dai dẳng cho đến nay bất chấp dữ kiện thực tế.

Số liệu của Bộ Lao Động công bố hôm 11 Tháng Giêng ghi nhận tốc độ lạm phát của Mỹ trong năm 2023 vừa qua là 3.4%/năm. Nếu không tính giá của những mặt hàng có độ tăng giảm lớn là thực phẩm và xăng dầu thì mức “lạm phát lõi” (core inflation rate) chỉ còn dưới 2%, đạt mục tiêu mà Fed nhắm tới và Fed đang tính chuyện giảm lãi suất căn bản.

Lạm phát, hay giá cả tăng cao, là một hiện tượng toàn cầu, xảy ra ở hầu hết các quốc gia do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine làm gián đoạn các nguồn cung cấp hàng hóa, thấy rõ nhất ở giá xăng dầu và giá thực phẩm. Trong ba năm qua, lạm phát ở Mỹ đã lên đến đỉnh điểm 7%/năm vào năm 2021, sau đó giảm xuống 6.5% năm 2022 ,và hiện là 3.4%/năm. Như vậy, trong khi nhiều nước khác vẫn đang vật lộn với tốc độ lạm phát cao ngất ngưởng thì lạm phát ở Mỹ có xu hướng giảm đều. Tính chung, so với thời trước đại dịch, giá cả hàng hóa tăng thêm khoảng 20% trong khi tiền lương của người lao động cũng gia tăng ở mức tương đương.

Không phải ai cũng được tăng lương trong thời gian đó nhưng vật giá leo thang thì tác động đến túi tiền của tất cả mọi người, cho nên trong cảm nhận của người dân, lạm phát vẫn là một nỗi lo lắng thường trực. “Điểm lạnh” lạm phát dễ dàng khiến người ta bỏ qua hoặc lãng quên những “điểm nóng” về tăng trưởng GDP và thị trường lao động.

Và thế là xảy ra một nghịch lý như nêu trên: Trong khi nền kinh tế có bằng chứng phát triển tích cực thì cảm nhận của người dân về nền kinh tế lại tiêu cực. Ông Biden cầm quyền trong thời kỳ mà kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán lập những đỉnh cao kỷ lục nhưng cho đến nay người Mỹ vẫn không mấy lạc quan. Tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Biden vẫn lẹt đẹt ở mức 38%, thấp nhất trong các đời tổng thống và không thay đổi nhiều trong suốt hai năm qua. Về thành tích điều hành kinh tế của chính quyền Biden, đánh giá của cử tri còn tệ hơn nữa, chỉ 35% ủng hộ cái gọi là “Bidenomics.”

Niềm tin của người dân vào triển vọng kinh tế của đất nước luôn xếp đầu bảng trong các mối quan tâm của cử tri và có thể là yếu tố quyết định kết quả cuộc bầu cử cuối năm nay. Tổng Thống Biden và các phụ tá của ông đã cố gắng nhấn mạnh các thành tích của nền kinh tế trong các cuộc vận động tranh cử, nhưng nỗ lực đó là quá muộn và bị pha loãng vì những vấn đề nóng khác như chiến tranh ở Trung Đông và sự hỗ trợ của chính quyền Biden cho chính phủ cực hữu Israel gây thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza, tình trạng bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh ở biên giới phía Nam…

Thêm nữa, người dân ít khi nhìn nền kinh tế qua các số liệu thống kê khô khan rối rắm mà theo cảm nhận cá nhân. Họ đánh giá độ mạnh yếu của kinh tế qua số tiền lương chuyển vào trương mục ngân hàng, qua hóa đơn tiền thực phẩm, qua số tiền đổ xăng hằng ngày, hoặc qua tiền thuê nhà phải trả mỗi tháng. Người ta bàn với nhau số phân lời khi vay tiền ngân hàng mua nhà đã lên tới 7%, 8% trong khi báo cáo của Freddie Mac – cơ quan lo việc cho vay tiền mua nhà – xác nhận có hơn 60% người vay mua nhà chỉ trả tiền lời dưới 4%, tức là họ vay từ trước khi tăng lãi suất và không bị phân lời cao ảnh hưởng.

Nếu không sớm có những biện pháp điều chỉnh hiệu quả trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra sao cho người dân Mỹ cảm thấy họ được lợi từ sự phát triển kinh tế mấy năm nay và chính sách kinh tế của ông đem lại tăng trưởng bền vững cho tương lai nước Mỹ, ông Biden có thể gặp khó. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT