Friday, April 26, 2024

Câu chuyện chuyển giao quyền lực

Hiếu Chân/Người Việt

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, nước Mỹ sẽ thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực điều hành quốc gia, Tổng Thống Donald Trump ra đi, Tổng Thống Joe Biden tiếp quản. Tuy là cuộc chuyển quyền theo định kỳ bốn năm một lần nhưng do vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, sự kiện chính trị này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Quang cảnh National Mall ở Washington, hôm Thứ Ba, 19 Tháng Giêng, trước lễ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử Joe Biden vào Thứ Tư. (Hình: AP Photo/Susan Walsh, Pool)

Một cuộc “chuyển giao quyền lực” khác cũng sẽ diễn ra ở quê nhà Việt Nam trong hơn tháng nữa: đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng Sản sẽ đưa ra dàn lãnh đạo mới – mỗi năm năm một lần.

Đúng là quá “khập khiễng” khi so sánh hai sự kiện chính trị quan trọng ở hai quốc gia khác nhau một trời một vực, nhưng do người viết – và đa số bạn đọc – mang trong mình nỗi niềm tha hương luôn đau đáu nghĩ về cố quốc nên không thể không “trông người mà ngẫm đến ta,” dù đôi khi trong tâm khảm “ta” với “người” không dễ gì tách bạch rạch ròi được.

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ vào giữa trưa ngày 20 Tháng Giêng có hàng triệu người buồn vì lựa chọn của họ qua lá phiếu đã không được đa số cử tri chấp nhận. Có người buồn vì luyến tiếc một chính phủ mà họ ủng hộ, vì lo sợ quyền lợi của cá nhân và gia đình mình sẽ bị giảm sút do viễn cảnh thuế tăng, lương giảm, chứng khoán giảm điểm, làn sóng người nhập cư sẽ tràn ngập nước Mỹ, công việc làm sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Cũng có người buồn vì những tin tức vu vơ: nước Mỹ dưới sự điều hành của đảng Dân Chủ sẽ biến thành nước “xã hội chủ nghĩa,” nước Mỹ sẽ bị Trung Quốc mua đứt hoặc đè bẹp…

Nhưng với hàng chục triệu người Mỹ chán ngán với ông Donald Trump, khoảnh khắc chuyển giao quyền lực là thời điểm được trông đợi, được tính từng giờ. Họ chăm chú theo dõi từng động tác của nhà lãnh đạo mới được bầu, từng phát biểu chính sách cho đến những cử chỉ, lời nói khi ông Biden chia tay người hâm mộ ở quê nhà Delaware, dự lễ tưởng niệm 400,000 người Mỹ tử vong vì dịch tổ chức chiều Thứ Ba, 19 Tháng Giêng, cho đến lễ đăng quang của ông vào sáng 20 Tháng Giêng. Họ vui vì cuối cùng đã có thể “lật sang trang sử mới,” với một chính quyền mới quyết tâm đối phó với những thách thức to lớn của đất nước như khống chế đại dịch tàn ác, vực dậy nền kinh tế suy sụp với hàng chục triệu người thất nghiệp, khôi phục uy tín và vị thế quốc tế của nền dân chủ lâu đời nhất thế giới, đặc biệt là hàn gắn một xã hội bị chia rẽ trầm trọng, thậm chí có nguy cơ bạo loạn vì các tổ chức khủng bố nội địa.

Chính quyền mới của ông Joe Biden có đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân Mỹ hay không là chuyện chưa thể biết trước, nhưng chắc chắn cuộc chuyển giao quyền lực từ Trump sang Biden đang thổi một luồng gió mới vào chính trường nước Mỹ, hứa hẹn một sự thay đổi lớn, làm bùng lên niềm hy vọng vào tương lai của một dân tộc bất khuất.

Nhìn về Việt Nam, cuộc chuyển giao quyền lực vào ngày 25 Tháng Giêng chắc chắn không mang lại sự thay đổi và không làm bật lên niềm hy vọng nào. Người dân trong nước từ lâu đã dùng cách nói lái để chế giễu việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, họ đặt ra những “nhân vật” tưởng tượng “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ), “Nguyễn Giư” (giữ nguyên)…  đầy mỉa mai mà chua xót để bày tỏ nỗi thất vọng và chán nản của mình.

Chỉ là đảng chính trị nhưng do vị thế cầm quyền, đại hội của đảng Cộng Sản với chưa tới năm triệu đảng viên không chỉ bầu các ban bệ của đảng mà còn quyết định luôn các chức vụ lãnh đạo quốc gia gần 100 triệu dân như chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội… Người dân, kể cả hàng triệu đảng viên cấp thấp, không chỉ không có quyền bầu bán, không được tìm hiểu hay cất lên tiếng nói về sự lựa chọn nhân sự lãnh đạo mà chỉ có thể cúi đầu im lặng tuân thủ sự sắp đặt của “đảng,” của một nhóm người ở chóp bu.

Suốt năm 2020 đầy tai họa với thiên tai, dịch bệnh hoành hành khiến hàng chục triệu người dân rơi vào cảnh cùng khổ, đảng Cộng Sản vẫn huênh hoang tổ chức hàng trăm đại hội đảng các cấp, tiêu tốn hàng ngàn tỷ bạc của ngân khố quốc gia vào cuộc ẩu đả tranh giành quyền lực của các phe nhóm, cuối cùng cũng chỉ đưa ra những bộ mặt mòn vẹt, già cỗi đã ngự trị trong nhiều năm qua: những Nguyễn Phú Trọng giáo điều Cộng Sản, Nguyễn Xuân Phúc tham nhũng, Phạm Minh Chính phò Tàu và Vương Đình Huệ ưa xu nịnh. Không một nhân vật nào thể hiện được xu thế mới, đường lối mới để ứng phó với những biến động với tốc độ ánh sáng của thời cuộc trong nước, khu vực và thế giới, để mang lại niềm hy vọng cho một trăm triệu dân (những người có tư tưởng tiến bộ, hiểu biết thời cuộc thì hoặc đang bị đày đọa trong lao tù, hoặc đã bị gạt ra ngoài sân khấu chính trị).

Đã có lúc nhiều người trong nước hy vọng vào một sự thay đổi nào đó, rằng Trọng sẽ về vườn vì sức yếu gần đất xa trời; Phúc sẽ nghỉ vì đã quá tuổi… nhường ghế cho một lớp lãnh đạo trẻ hơn, có học hành bài bản hơn, dù chưa ai thấy gương mặt nổi bật nào có tâm và có tầm trong cái gọi là lớp lãnh đạo trẻ. Nhưng rồi hy vọng nhỏ nhoi đó cũng tan biến, nhường chỗ cho nỗi tuyệt vọng còn cay đắng hơn nữa trước xu thế đi thụt lùi trong cục diện chính trị của đất nước.

Trong các nhân vật cái gọi là “Tứ trụ” sắp nắm quyền nêu trên chẳng hạn, Phạm Minh Chính là một viên tướng công an, từng là thứ trưởng phụ trách an ninh và tình báo, chịu trách nhiệm đàn áp các tiếng nói đòi dân chủ. Thời gian làm bí thư đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Phạm Minh Chính là người sắp đặt kế hoạch rước Trung Quốc vào Vân Đồn – căn cứ địa của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thời nhà Trần dưới sự chỉ huy của danh tướng anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – và đẻ ra dự Luật Đặc Khu mà người dân cả nước đã đồng loạt xuống đường phản đối mùa Hè năm 2018. Một quan chức như Chính đảm nhiệm chức thủ tướng chính phủ – như thông tin của giới quan sát chính trị trong nước – thì những người còn trăn trở với vận mệnh đất nước chẳng những hết sức thất vọng mà còn lo sợ trước viễn cảnh một thời kỳ Bắc thuộc mới khi Hà Nội hoàn toàn thúc thủ dưới cái bóng của Bắc Kinh! Cuộc chuyển giao quyền lực ở Việt Nam báo hiệu một tương lai thật u ám.

Đến đây nhiều người sẽ bảo, Việt Nam đang có đà đi lên và tình hình ngày càng tốt dần, tại sao phải thay đổi? Họ nói, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh (chỉ có 35 người chết và 1,537 người mắc dịch), GDP năm 2020 tăng trưởng hơn 2% và dự đoán tăng 6% trong năm nay, đầu tư nước ngoài tăng đáng kể do sự dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc, chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ thành “công xưởng của thế giới,” thành hổ thành rồng… như Trung Quốc. Và cũng như Trung Quốc, Việt Nam có được thành tích cao là nhờ chính trị ổn định, không rối loạn như một số nước lân cận (Thái Lan, Hồng Kông) tại sao lại phải thay đổi để rồi rơi vào tình trạng bi đát… như Mỹ?

Lập luận như vậy có thể không hoàn toàn sai nhưng khổ nỗi cái phồn vinh ấy chỉ dành cho một số rất ít người, không phản ánh nguyện vọng của đa số dân chúng trong nước, không phù hợp với đà tiến lên của nhân loại và không bảo đảm sẽ kéo dài trong một tương lai đã nhìn thấy trước.

Con người sống được không chỉ nhờ cơm áo mà còn nhờ có niềm hy vọng; tin rằng con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn mình hôm nay; còn phải có tự do và nhân phẩm được tôn trọng. Không ai phủ nhận rằng một phần lớn người dân trong nước đã giàu có hơn rất nhiều về mặt vật chất tiền tài nhưng những điều kiện để có được cuộc sống đúng nghĩa con người thì hãy còn xa lắm khi mà đạo đức, lương tâm, giềng mối gia đình xã hội đang dần đổ vỡ, quyền sống và tự do bị chà đạp, ngay đến môi trường sinh thái cũng đang ở mức báo động. Sống không được tự do ăn nói, đi lại, sống mà bất an, mà phập phồng lo sợ trong tư thế một “tù nhân dự bị” thì nói thật, sống không bằng chết!     

Trở lại chuyện chuyển giao quyền lực quốc gia. Dù nước Mỹ trong bốn năm qua, nhất là năm 2020 đầy tai họa, đã chứng kiến không ít vụ rối loạn, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng nhưng dù sao người dân Mỹ vẫn có quyền tự do, quyền lựa chọn thay đổi và từ đó họ không bao giờ tắt niềm hy vọng. Thất vọng với các chính sách của ông Trump, nhất là trong việc ứng phó với đại dịch virus Corona thì họ dùng lá phiếu để phế truất ông và họ đã thành công; người Việt Nam không có cái quyền tự do “xa xỉ” đó mà phải chấp nhận sự sắp đặt của kẻ khác như một sự an bài của định mệnh, may nhờ rủi chịu! 

Chế độ dân chủ kiểu Mỹ không phải là hoàn hảo, có rất nhiều khuyết tật như tình hình năm 2020 đã bộc lộ, nhưng ưu điểm của nó – mà không chế độ độc tài nào sánh nổi – là khả năng nhìn ra sai lầm và sửa chữa nhanh chóng. Và nhờ phát huy tính tích cực của mọi công dân mà chế độ dân chủ luôn bền vững, vượt qua mọi thử thách.

Đừng nghĩ rằng sự chia rẽ sâu sắc giữa các tầng lớp dân chúng Mỹ, những vụ lộn xộn chung quanh cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 Tháng Mười Một, 2020, và nhất là vụ bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng vừa qua là “điểm kết thúc” của chế độ dân chủ! Ngược lại mới đúng. Những biến cố đáng buồn đó chỉ là những phép thử mà nước Mỹ phải vượt qua để xứng đáng là một hệ thống chính trị hùng mạnh, bền vững, không gì khuất phục được.

Ngay sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội, ngôi sao điện ảnh Arnold Schwarzenegger, cựu thống đốc tiểu bang California, đã nói những lời rất minh triết: “Dù cho hiện trạng hôm nay rất đau đớn, Hoa Kỳ sẽ vươn lên từ những ngày đen tối và sẽ tỏa sáng trở lại.” Ông kể về quá trình trui rèn lưỡi gươm Conan và kết luận: “Nền dân chủ của chúng ta thì giống như chất thép của thanh gươm này. Càng được trui rèn, nó càng cứng rắn hơn. Nền dân chủ của chúng ta đã được trui rèn trong những cuộc chiến tranh, trong những sự bất công, và trong những cuộc bạo loạn.”

Trái lại, vẻ ổn định bề ngoài của các nước độc tài đảng trị như Việt Nam, Trung Quốc ẩn chứa bên trong những con sóng ngầm một ngày nào đó sẽ làm sụp đổ cả hệ thống. Cứ xem Việt Nam phải huy động tới 6,000 lính với đủ mọi loại xe pháo, khí tài tân tiến tập dợt cả tháng ròng để bảo vệ vở tuồng đại hội của một đảng chính trị, chưa kể hàng vạn công an chìm nổi chia nhau ngày đêm ngăn chặn những người bất đồng chính kiến trong cả nước thì đủ biết các quan chức lãnh đạo đảng này cảm thấy bất an và lo sợ đến chừng nào. Mỹ đã phải huy động 25,000 vệ binh quốc gia bảo vệ lễ đăng quang của Tổng Thống Joe Biden vì họ phải đối mặt với khả năng quấy rối của những phần tử “thân Trump” quá khích đã từng gây bạo loạn cách đây hai tuần, còn đảng Cộng Sản Việt Nam “được nhân dân tin yêu” như lời ông tổng Trọng thì hà cớ gì phải lo sợ đến như thế? 

Dân chủ có thể tạm thoái trào trước những âm mưu quỷ quyệt của các nhà nước độc tài nhưng chắc chắn phần thắng cuối cùng sẽ thuộc về thể chế chính trị nào tôn trọng và bảo đảm quyền tự do của người dân, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một nước dân chủ, sớm hay muộn.

Cuộc thay đổi nào cũng có niềm vui và nỗi buồn. Trong giờ phút nước Mỹ nơi chúng ta chọn làm quê hương đang hào hứng chờ đợi khoảnh khắc chuyển giao lịch sử không thể không bùi ngùi nghĩ tới quê nhà, cũng chuyển giao quyền điều hành quốc gia nhưng sao buồn quá! Năm cùng tháng tận, thôi đành hát lại câu hát cũ “Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do!” (nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương) và mong trời mau sáng trên đất nước thân yêu của chúng ta. [qd]

MỚI CẬP NHẬT