Friday, April 26, 2024

Đã đến lúc Mỹ học lại về dân chủ từ các nước khác

Lê Mạnh Hùng

Năm 1946, Tướng Douglas McArthur tập họp một nhóm sĩ quan trẻ tại một tiệm nhảy tại Đông Kinh, lúc đó đang bị Mỹ chiếm đóng với nhiệm vụ soạn thảo một Hiến Pháp mới cho Nhật. Beate Sirota, lúc đó mới 22 tuổi, người phụ nữ độc nhất trong nhóm được trao trách nhiệm viết về quyền hạn của phụ nữ. Chỉ trong một tuần, một bản thảo Hiến Pháp mới ra đời hoàn toàn là một cuộc cách mạng xã hội đối với nước Nhật.

Điều 14 viết “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” và cấm mọi hình thức phân biệt đối xử. Điều 24 đòi hỏi hôn nhân phải có sự đồng thuận giữa hai bên hôn phối và vợ chồng bình quyền trước pháp luật. Trong khi đó chàng trung úy hải quân trẻ tuổi (mới có 26) Richard Poole thì định lại vai trò của thiên hoàng từ một vị thần linh xuống còn một biểu tượng. Năm 2000 khi được mời ra điều trần trước Quốc Hội Nhật Bản, Sirota và Poole khẳng định rằng Hiến Pháp Nhật còn tốt hơn là Hiến Pháp Mỹ.

Lịch sử có những khúc rẽ giống như một dòng sông mà nếu ta biết nắm lấy và lèo lái thì có thể làm thay đổi hẳn bộ mặt của một xã hội. Đó là trường hợp nước Nhật sau chiến tranh. Sử gia John Dower  đã viết như sau về sự thay đổi của nước Nhật: “Có những thời điểm trong lịch sử – những cơ hội ngàn năm một thuở – khi người ta có thể ngồi xuống và đặt câu hỏi, ‘Thế nào là một xã hội tốt? Làm sao chúng ta có thể tạo ra nó?’”

Nước Mỹ nay có thể đang tiến gần tới một giai đoạn này. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ giúp Châu Âu và Nhật Bản xây dựng lại nền dân chủ. Nếu ông Donald Trump thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Nhật và Châu Âu có thể có cơ hội giúp nước Mỹ xây dựng lại nền dân chủ của mình, hoặc là ít nhất cũng sửa lại những khuyết điểm mà ông Trump khai thác cũng như những lỗ hổng khác mà càng ngày càng hiển hiện ra.

Nước Mỹ hiện nay đã quá phân hóa để có thể thay đổi Hiến Pháp, và không có bao nhiêu người Cộng Hòa muốn bỏ việc tìm cách giới hạn số cử tri. Nhưng bên trong Hiến Pháp cũ cũng có thể làm nhiều thay đổi quan trọng, và các đồng minh cũ của Mỹ có thể đóng góp ý kiến.

Việc đầu tiên để có thể thay đổi là nhận thức rằng ta có vấn đề. Và vần đề của nền dân chủ Mỹ thì rất nhiều. Chỉ có 17% dân chúng Mỹ cho rằng đất nước mình là “một tấm gương sáng cho thế giới,” chỉ có 14% nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc là dân Mỹ, con số thấp nhất kể từ năm 1972, theo một nghiên cứu của Đại Học Chicago. Và ngay trước khi dịch bệnh toàn cầu, theo một cuộc thăm dò của Pew Research chỉ có 17% nói rằng họ tin tưởng rằng chính phủ sẽ làm những gì cần phải làm.

Một trong những may mắn mà ông Trump làm cho nước Mỹ là mang ra ánh sáng những mẩu vụn trong hệ thống chính trị Mỹ cần phải cấp tốc sửa đổi. Những gì mà trước kia coi như là những tiêu chuẩn bất thành văn nay có thể phải trở thành luật. Tất cả những ứng cử viên tổng thống trong tương lai cần phải bị buộc phải công bố bản khai thuế, báo cáo những quan hệ với nước ngoài và thanh toán tài sản. Tổng thống phải mất quyền cách chức các công tố viên liên bang cũng như các tổng thanh tra có trách nhiệm theo dõi những hành động lạm dụng hoặc phi pháp của các bộ. Tổng thống không có quyền ân xá những kẻ thân cận phạm tội như Roger Stone.

Nhưng bên ngoài những cải tổ nhỏ đó, muốn làm những chuyện lớn hơn Mỹ cần nhìn ra ngòai xem các nước dân chủ khác giải quyết vấn đề ra so.

Người Mỹ nói nhiều đến “vũng lầy Washington,” một vũng bùn hôi hám đầy tham nhũng và hủ hóa bao trùm các chính trị gia và các kẻ buôn bán ảnh hưởng. Chính ông Trump được bầu lên môt phần cũng là nhờ vào việc hung hăng hứa hẹn rằng nếu thắng cử sẽ “làm sạch vũng bùn này,” nhưng sau đó chính ông lại còn làm cho nó tệ hại hơn.

Làm sao làm sạch “vũng bùn.” Hãy nhìn về phía Pháp. Năm 2017, Pháp cho thông qua một đạo luật về “đạo đức hóa” chính trị. Đạo luật này cấm các chính trị gia tuyển dụng bà con làm việc cho mình hoặc nhận một số quà tặng cũng như hủy bỏ các quyền miễn nhiễm. Hậu quả là cựu Thủ Tướng Francois Fillon hồi Tháng Sáu vừa qua vừa bị tuyên án tù vì đã trả trên 1 triệu Euro cho bà vợ về những công việc mà bà ta chưa hề làm. Còn cựu Tổng Thống Nicolas Sarkozy thì đang đợi ra tòa về việc lạm dụng tiền đóng góp vận động tranh cử.

Làm sao chống lại tình trạng “tin dởm” (fake news) phổ biến? Hãy mang vào chương trình trung tiểu học cũng như là các trường sư phạm, dạy học sinh lượng giá các nguồn tin. Đó là đề nghị của của ông Andreas Schleicher, trưởng ban giáo dục tổ chức OECD, và bà Juliane von Reppert-Bismarck của tổ chức thiện nguyện NGO Lie Detectors.

Mỹ cũng có thể bắt chước Budapest xây dựng một nghĩa trang – bảo tàng tượng. Viện bào tàng tượng lộ thiên của Budapest tụ tập các pho tượng Lenin và các tên đao phủ Cộng Sản khác giữ không cho chúng làm bẩn các công viên và những không gian công cộng khác của thành phố, nhưng cũng lại bảo tồn những di tích của một giai đoạn lịch sử.

Đôi khi không cần phải tìm một tiêu chuẩn gì mới mà chỉ là quay trở lại tiêu chuẩn cũ. Những chính trị gia Đức sau Hitler đồng ý không coi những người không đồng chính kiến với mình như là kẻ thù và tránh dùng những lời lẽ có tinh cách nhục mạ để gọi nhau. Điều đó những người Đức học được từ Mỹ sau chiến tranh. Nay thì các chính trị gia Mỹ cũng nên học lại.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ đã hào phóng lập ra rất nhiều học bổng để những người trẻ nước ngoài sang Mỹ học. Rất nhiều người trong bọn họ đã tiêm nhiễm một niềm yêu nước Mỹ và nền dân chủ Mỹ. Tôi biết vì tôi cũng có may mắn nằm trong số những người đó. Và ước vọng của rất nhiều người bạn của nước Mỹ là thấy nước Mỹ trở lại thành “ngọn đuốc soi sáng cho nhân loại.” [qd]

MỚI CẬP NHẬT