Monday, May 20, 2024

Donald Trump và cái giá của liên minh

Hiếu Chân/Người Việt

Cựu Tổng Thống Donald Trump lại vừa ném một quả tạc đạn vào dư luận khi lên tiếng khuyến khích Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào không tăng ngân sách quốc phòng. Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đặt vấn đề tiền bạc lên trên nguyên tắc đồng minh bảo vệ lẫn nhau của NATO. Nhưng phát ngôn của ông Trump vào lúc NATO đang có nguy cơ đối đầu quân sự với Nga khiến cho dư luận sục sôi cả trong và ngoài nước Mỹ.

Một cuộc họp thượng đỉnh NATO. (Hình minh họa: Paul Ellis/Pool/Getty Images)

NATO là ai?

NATO (North Atlantic Treaty Organization) còn gọi là Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, là tổ chức phòng thủ tập thể thành lập sau Thế Chiến 2, hiện có 31 quốc gia thành viên, gồm 29 nước Châu Âu và hai nước Bắc Mỹ. Điều 5 của Hiệp Ước NATO ký kết tại thủ đô Washington DC ngày 4 Tháng Tư, 1949, quy định các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ bất kỳ thành viên nào bị tấn công quân sự từ bên ngoài.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, NATO là bức tường thành của thế giới tự do ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Minh Quân Sự Warsaw (Warsaw Pact) của Cộng Sản do Liên Xô đứng đầu. Sau khi Liên Xô tan rã, NATO vẫn tiếp tục hoạt động để hỗ trợ các quốc gia thành viên. Khi Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh trả đũa vụ khủng bố đẫm máu ngày 11 Tháng Chín, 2001, tất cả các nước NATO đã thực hiện Điều 5, gửi quân đội, vũ khí sát cánh cùng lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan, sự hiệp lực đó vẫn tiếp tục trong cuộc chiến chống ISIS kéo dài đến hiện nay ở Iraq và Syria.

Khi Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, nguy cơ đụng độ quân sự với Nga tăng lên, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales quyết định điều chỉnh Điều 3 của NATO, theo đó đến năm 2024, mỗi nước thành viên phải dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) cho chi tiêu quốc phòng để tự bảo vệ và đóng góp vào ngân sách chung của tổ chức. Nhưng đến cuối năm 2023, chỉ mới có 11 thành viên NATO thực hiện quy định này. Số liệu của NATO ghi nhận Ba Lan là nước chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất với 3.9% GDP, tiếp theo là Mỹ (3.5%), Hy Lạp (3%), Estonia (2.7%), Lithuania (2.5%), Phần Lan (2.5%), Romania (2.4%), Hungary (2.4%), Latvia (2.3%), Anh (2.1%), và Slovakia (2%). Các nước lớn của Liên Âu như Pháp (1.9%), Đức (1.4%), Ý (1.7%), Tây Ban Nha (1.5%)… đều chưa đạt mức quy định.

Tuy xếp thứ hai về tỉ lệ chi tiêu quốc phòng, nhưng ngân sách quân sự của Mỹ là lớn nhất, nhiều hơn tất cả các thành viên NATO khác cộng lại. Đóng góp tài chính của Mỹ vào NATO hiện chiếm khoảng 70% tổng chi tiêu của tổ chức này, tăng mạnh từ mức 61% năm 1990. Hồi cuối năm ngoái, NATO thông qua ngân sách hoạt động năm 2024 ở mức $2.4 tỷ, tăng 12% so với năm trước, trong đó, phần đóng góp của Mỹ khoảng $1.7 tỷ – một khoản rất nhỏ trong tổng số $877 tỷ chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm nay.

Một ý kiến “phi Mỹ”

Cựu Tổng Thống Trump nhiều lần chỉ trích NATO và than phiền về cái mà ông coi là gánh nặng tài chính quá mức đối với Mỹ trong việc bảo vệ 30 đồng minh khác. Trong thời gian làm tổng thống thứ 45, ông Trump đe doạ sẽ rút Mỹ ra khỏi NATO nếu các thành viên khác không làm tròn nghĩa vụ tài chính của họ. Để đề phòng lời đe dọa biến thành sự thật, Quốc Hội Mỹ thông qua một nghị quyết không cho phép tổng thống tự ý rút nước Mỹ ra khỏi NATO khi chưa có sự phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ.

Vậy mà mới đây, trong một cuộc vận động tranh cử ở South Carolina hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Hai 2024, ông Trump nói nếu tái đắc cử tổng thống, ông sẽ không bảo vệ quốc gia nào không chịu đóng tiền cho NATO nếu quốc gia ấy bị Nga tấn công. Theo tường thuật trên báo Người Việt: “Ông [Trump] kể lại rằng, nhà lãnh đạo một nước lớn đưa ra tình huống giả định trong đó ông không đáp ứng được các nghĩa vụ về tài chánh của mình trong NATO và bị Moscow tấn công. Cựu Tổng Thống Trump cho biết nhà lãnh đạo nọ có hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ đất nước ông trong tình huống đó hay không, điều này làm cho Trump phải trách cứ. “Tôi nói thế này: ‘Quý vị không trả tiền ư? Quý vị trả tiền không đúng hạn?’… ‘Không, tôi không bảo vệ quý vị được, nếu có chuyện đó thì tôi sẽ khuyến khích [Nga] muốn làm gì thì làm. Các ông phải trả tiền chứ.’”

Chưa có một tổng thống Mỹ nào nói rằng sẽ khuyến khích kẻ thù tấn công một đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc lập tức nhận xét phát ngôn trên của ông Trump “đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa ổn định toàn cầu và nền kinh tế nước Mỹ.”

Sáng Thứ Ba, 13 Tháng Hai, Tổng Thống Joe Biden nói rằng phát ngôn của ông Trump là “phi Mỹ” (un-American), nó sẽ gửi một tín hiệu nguy hiểm và “đáng xấu hổ” tới toàn thế giới. Theo ông Biden, ông Trump không hiểu liên minh NATO là một “cam kết thiêng liêng” của nước Mỹ, không thấy NATO đang bảo vệ nước Mỹ và thế giới. “Ông ta [Trump] không hiểu rằng NATO được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản về tự do, an ninh và chủ quyền quốc gia. Bởi vì với ông Trump, nguyên tắc không là gì cả. Mọi thứ đều là thuận mua vừa bán (transactional),” ông Biden nói, và thêm rằng: “Chừng nào tôi còn làm tổng thống, nếu ông Putin tấn công một đồng minh NATO thì Hoa Kỳ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO.”

Bên trong đảng Cộng Hòa, phát ngôn của ông Trump gây ra nhiều phản ứng trái ngược. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul (Kentucky), chỉ trích lời đe dọa NATO của ông Trump là “ngu ngốc.” Thượng Nghị Sĩ Joni Ernst (Iowa), một cựu chiến binh, nói phát ngôn của ôngTrump “thật tồi tệ.” Còn Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley (Iowa) cho rằng “Không người Mỹ nào nên làm bất cứ điều gì để ve vãn Nga.” Ông Chris Christie, cựu thống đốc New Jersey, cựu ứng cử viên tổng thống, nhận định những gì ông Trump nói về NATO là “tuyệt đối không thích hợp” mà chỉ “phù hợp với sự yêu thích các kẻ độc tài của ông.” Trong khi đó, nhiều thượng nghị sĩ Cộng Hòa khác như Marco Rubio (Florida), Lindsey Graham (South Carolina), và Roger Marshall (Kansas) thì tìm cách làm giảm nhẹ ảnh hưởng tai hại của phát ngôn của ông Trump, viện dẫn sự kiện Nga đã không gây sự khi ông Trump làm tổng thống mà chỉ gây chiến dưới thời Tổng Thống Barack Obama và Tổng Thống Joe Biden của đảng Dân Chủ.

Mối nguy cho các liên minh của Mỹ

Đa số các nhà phân tích đều cho rằng, phát ngôn nêu trên của ông Trump không phải là suy nghĩ nhất thời mà thể hiện mối thân tình kỳ lạ giữa ông với Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và các nhà độc tài khác, đồng thời cho thấy khuynh hướng chán ghét mọi hình thức liên minh trong tư tưởng của ông Trump. Từ đó, người ta lo ngại nếu đắc cử cuối năm nay ông Trump sẽ phá hủy các hiệp ước an ninh tập thể đã bảo vệ các đồng minh của Mỹ suốt 80 năm qua. Nếu Mỹ không giúp các đồng minh NATO vốn có mối ràng buộc lịch sử vững chắc với Mỹ thì liệu đối tác ở Châu Á như Nhật, Philippines, Thái Lan, Úc… biết trông cậy vào đâu để đối phó với âm mưu thôn tính của Trung Quốc?

Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ 45 (2017-2020) ông Trump đã cố rút quân đội Mỹ khỏi Đức vì bất đồng với nữ thủ tướng Đức khi ấy là bà Angela Merkel. Kế hoạch này chưa kịp thi hành thì ông Biden lên cầm quyền và hủy bỏ nó. Ông Trump cũng tính chuyện rút quân Mỹ khỏi Nam Hàn mà bị các cố vấn ngăn cản, tuy ông vẫn nói rút khỏi Nam Hàn sẽ là ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ tới trừ khi Nam Hàn trả thêm nhiều tỷ đô la!

Giờ đây, sau hậu trường, ông Trump vẫn thúc giục các chính trị gia Cộng Hòa trong Quốc Hội ngăn cản dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel, và Đài Loan. Ông Trump viết trên mạng xã hội hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Hai, rằng không nên cho tiền viện trợ trừ phi đó là những khoản cho vay. “Chúng ta sẽ không bao giờ cho tiền nữa mà không hy vọng được trả lại, không có ‘ràng buộc’ đi kèm,” ông viết. Với ông Trump, dường như đồng tiền quyết định mối quan hệ. Ngoại Trưởng Radoslaw Sikorski của Ba Lan phản ứng: “Nếu tôi có một cuộc nói chuyện với cựu Tổng Thống Trump, tôi sẽ cho ông biết rằng quan hệ của một liên minh quân sự không phải là một hợp đồng với một công ty an ninh,” theo Reuters.

Hoa Kỳ là siêu cường số 1. Sức mạnh vô đối của Hoa Kỳ không chỉ do nỗ lực của người dân Mỹ mà có phần quan trọng từ các liên minh quân sự và kinh tế mà nước Mỹ đã xây dựng và dẫn dắt. Nếu thế giới nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể tin cậy được thì nền tảng của các liên minh sẽ bị huỷ hoại và các đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc có cơ hội bành trướng thế lực.

“Gieo rắc nghi ngờ về cam kết của Mỹ với các đồng minh là hủy hoại lợi thế lớn nhất của Mỹ so với Nga và Trung Quốc, việc mà ông Putin và ông Tập đều không tự làm được,” Tướng Douglas E. Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và từng là cố vấn quân sự cho cựu Tổng Thống George W. Bush, nhận định. “Cam kết của Mỹ với đồng minh không phải là do lòng thương hay từ thiện mà là lợi ích an ninh cốt tử của chính nước Mỹ.”

Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cảnh báo: “Mọi ẩn dụ rằng các đồng minh sẽ không tự bảo vệ sẽ xói mòn an ninh của tất cả chúng ta, kể cả nước Mỹ, và đặt binh sĩ Mỹ và Châu Âu vào những rủi ro ngày càng tăng.”

Một cảnh báo rất đáng chú ý! [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT