Saturday, April 27, 2024

Nếu ông Trọng chết thì…

Hiếu Chân/Người Việt

Tin đồn ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, đã hôn mê, đang thoi thóp trong bệnh viện, thậm chí đã chết, rộ lên khắp nước hiện nay dù guồng máy tuyên truyền hùng hậu của đảng hết sức kín tiếng. Cái chết của ông Trọng, nếu tin đồn là đúng, báo hiệu điều gì?

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Luong Thai Linh/Pool/AFP via Getty Images)

Hãng tin Reuters và trang VOA ngày 12 Tháng Giêng chỉ đưa vắn tắt “Lãnh đạo đảng của Việt Nam dự kiến không tiếp quốc khách giữa lúc có lo ngại về sức khỏe.” Trang tin tài chính Bloomberg nói rõ hơn là ông Trọng được đưa vào bệnh viện đầu tuần này vì một căn bệnh chưa rõ, và trung ương đảng phải hủy một cuộc họp trong tuần này, theo tin từ hai cán bộ ẩn danh biết chuyện.

Trên trang Tiếng Dân, cây bút Lê Văn Đoành, người nhiều lần đưa tin khá chính xác về những sự kiện thâm cung bí sử ở Hà Nội, cho biết ông Trọng bị hôn mê, được chẩn đoán bị nhồi máu não (stroke) ở bán cầu não bên phải và đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu (ICU) khu A2, tầng 11 của bệnh viện Quân Y 108 ở Hà Nội. Tất cả các lối đi, hành lang, thang máy đến nơi ông nằm đều bị phong toả. Nếu tin này đúng thì đây là lần thứ ba ông Trọng bị xuất huyết não.

Vì sao có tin đồn ông Trọng chết?

Trên các mạng xã hội, người dân bàn tán khá sôi nổi tin đồn về sức khỏe của ông Trọng, nổi bật nhất là nỗi vui mừng, hân hoan không thèm che giấu. Người người rủ nhau mua bia “uống mừng quốc tang,” kêu gọi nhau “ai có bia uống bia, ai có rượu đế dùng rượu đế…” thật rôm rả. Blogger Bùi Thanh Hiếu, tức Người Buôn Gió, sơ kết trên trang Facebook của ông: “Sau hai tiếng [đăng tin ông Trọng nằm bệnh viện] có hơn 5,000 người thả cảm xúc, trong đó có khoảng 3,500 người thích, khoảng 1,500 người thả mặt cười, hơn 120 người giận, chỉ có tám người thả nước mắt.” Một cây bút trong nước châm chọc: “Chẳng biết lãnh đạo xứ Đông Lào ăn ở ra làm sao mà cứ ai ốm, ai bệnh, là dân tình rần rần, hoan hỉ cứ như ai cũng trúng Vietlott vậy, cứ thấy ‘bác’ nào ở trung ương được cáo phó trên báo lại thi nhau thả mặt cười. Xứ gì mà dân tình đểu thế. Mà cũng phải nghĩ lại, mình ăn ở sao thì dân mới thế, phỏng?”

Chuyện người dân bàn tán về cái chết, nếu có, của ông Trọng không phải là lạ. Đảng CSVN quy định thông tin về sức khoẻ của lãnh đạo là “bí mật quốc gia,” các thông tin đó bị giấu như mèo giấu cứt, công chúng không có cách nào biết được sự thật. Trong hoàn cảnh người dân hầu như không còn tin vào hệ thống báo đài của đảng thì tin đồn truyền miệng ở các quán nhậu, quán cà phê và trên mạng Facebook, gọi chung là “thông tấn xã vỉa hè,” có sức mạnh lan tỏa đáng kể.

Có những cơ sở khiến cho người ta tin rằng ông Trọng đã qua đời. Ông không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 26 Tháng Mười Hai, 2023, sau khi phát biểu tại đại hội đại biểu Hội Nông Dân Việt Nam và tiếp ông Shii Kazuo, chủ tịch Đoàn Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Nhật. Ông không dự hội nghị đầu năm giữa chính phủ và chính quyền địa phương cả nước để hoạch định những công tác lớn năm 2024. Đặc biệt, trái với thông lệ, ông Trọng đã không tiếp Thủ Tướng Sonexay Siphandone của Lào và Tổng Thống Joko Widodo của Indonedia, đang viếng thăm Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng về hợp tác song phương và khu vực Biển Đông.

Ông Nguyễn Phú Trọng, 79 tuổi, làm tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp bất chấp điều lệ đảng. Là một nhà lý luận giáo điều về “xây dựng đảng,” tâm nguyện của ông là làm sao phục hồi vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN trong mọi phương diện của đời sống xã hội, từ chính trị đến kinh tế và văn hoá, giống như đàn anh của ông là Chủ Tịch Tập Cận Bình đang làm bên Trung Quốc. Để thực hiện tâm nguyện đó, ông Trọng một mặt ra sức tiêu diệt bất cứ ai có ý đồ phản kháng như vụ Đồng Tâm, đàn áp dã man những tiếng nói đòi dân chủ nhân quyền, đập tan các tổ chức xã hội dân sự dù đó là những tổ chức vận động cho môi trường hoặc chống âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Mặt khác, ông phát động công cuộc “đốt lò” – trừng trị các quan chức tham nhũng, các tập đoàn công ty cá mập để “làm trong sạch bộ máy,” thực chất là loại trừ những phe phái không cùng phe với ông. Ngoài “xây dựng, chỉnh đốn đảng,” ông Trọng hầu như không có viễn kiến nào về điều hành kinh tế xã hội trong một thế giới đầy biến động về địa chính trị và công nghệ, ngoại trừ sao chép những chính sách của Trung Quốc.

Ai sẽ thay ông Trọng?

Chuyện ông Trọng còn thoi thóp hay đã chết buộc người ta phải nghĩ tới những tình huống sắp tới: Ai sẽ thay ông? Cái chết của người đứng đầu đảng CSVN sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới thời cuộc, có báo hiệu một sự thay đổi nào đó trong vận mệnh đất nước hay không?

Dư luận của giới thạo tin trong nước đồn rằng, người thay thế ông sẽ là Bộ Trưởng Công An Tô Lâm – người nổi tiếng với “scandal” “ăn thịt bò dát vàng.” So với các nhân vật còn lại trong “tứ trụ” như Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, và Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, ông Lâm có nhiều lợi thế hơn hẳn. Trong cả hai “sự nghiệp” kể trên, ông Trọng hầu như đều dựa vào “thanh kiếm và lá chắn” là Bộ Công An. Trong 10 năm trở lại đây, công an Việt Nam đã trở thành một thế lực đáng sợ trùm lên mọi mặt cuộc sống của người dân và giới chức, làm nhiều chuyện càn rỡ tai hại cho quốc gia mà không ai dám phản kháng, một chế độ công an trị. Ông Thưởng thì chưa đủ tiêu chuẩn ngồi vào ghế tổng bí thư. Ông Chính thì có nhiều vấn đề trong thời kỳ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và bao che cho tập đoàn AIC của kẻ đào tẩu Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tội lỗi của ông Huệ trong thời gian làm phó thủ tướng và lối sống sa đọa chắc chắn đều đã có hồ sơ dày cộm ở Bộ Công An, nghĩa là đường quan lộ của ông Chính và ông Huệ tùy thuộc vào ông Lâm nên chắc chắn sẽ không dám cạnh tranh chiếc ghế quyền lực nhất mà ông Trọng để lại. Vụ ngã ngựa của ba ông Nguyễn Xuân Phúc (chủ tịch nước), Phạm Bình Minh (phó thủ tướng thường trực), và Vũ Đức Đam (phó thủ tướng) giáp Tết năm ngoái để lại vết xe mà ông Chính và ông Huệ sẽ không dám đi vào.

Ông Lâm cũng được cho là người được Bắc Kinh hậu thuẫn. Chỉ vài hôm trước, ngày 10 Tháng Giêng, trong cuộc gặp ông Trần Tư Nguyên, thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, tại Hà Nội, ông Tô Lâm đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công An Trung Quốc giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giới lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN đều hết lòng thần phục Trung Quốc nhưng chưa ai công khai kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ để bảo vệ chế độ như ông Tô Lâm.

Giáp Tết năm ngoái, có tin ông Tô Lâm từ chối chiếc ghế chủ tịch nước mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại. Khi đó đã có nhận định ông Lâm nấn ná chờ thời thay thế “tổng” Trọng chứ không muốn làm chủ tịch nước hữu danh vô thực, nặng phần nghi lễ mà không có quyền hành.

Tình hình sẽ càng xấu hơn?

Xã hội Việt Nam đang rất ngột ngạt vì guồng máy cai trị mục ruỗng vì tham nhũng, kinh tế đình đốn vì chính sách sai lầm lạc hậu, văn hoá băng hoại vì giá trị đạo đức luân lý bị đảo lộn tận gốc.

Bất cứ ai thao thức với vận mệnh đất nước, với tương lai của quê hương xứ sở, đều mong mỏi một ngày đảng Cộng Sản từ bỏ tham vọng quyền lực, thực hành dân chủ và trả lại quyền tự do cho dân, hòa nhịp với văn minh của nhân loại. Thậm chí khi có tin ông Trọng hôn mê, bà Đặng Bích Phương trong nước lên mạng Facebook tiếc nuối “ bác Trọng mà đi thật, thì cơ hội cuối cùng bác lập công chuộc tội với dân tộc, là tuyên bố giải tán đcs – vĩnh viễn ko còn nữa!”

Ông Dương Quốc Chính, một nhà bình luận chính trị trong nước, cho rằng cái chết của lãnh tụ chuyên chế có khả năng dẫn tới sự thay đổi lớn và dẫn chứng từ những sự thay đổi ở Liên Xô, Trung Quốc, và Việt Nam sau cái chết của Stalin, Mao Trạch Đông, Lê Duẩn, với hàm ý cái chết của Nguyễn Phú Trọng hiện nay cũng có khả năng mang lại sự thay đổi. “Lãnh tụ càng quyền lực thì khả năng [thay đổi] đó càng cao,” ông Chính nhận định trên trang Tiếng Dân.

Tôi không nghĩ như vậy.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản, một nhà độc tài tham quyền cố vị, nhưng ông ấy chưa đủ trình độ chuyên chế khát máu như các lãnh tụ cộng sản tiền bối, chưa tạo được một “tôn giáo” tôn sùng lãnh tụ như Stalin hay Mao. Cái chết của ông Trọng chắc sẽ mang lại một sự thay đổi nào đó nhưng sẽ không có thay đổi lớn, và tình hình sẽ xấu hơn nhiều nếu người lên thay ông Trọng là viên tướng công an Tô Lâm – kẻ thù của các nỗ lực vận động dân chủ, nhân quyền cho đồng bào trong nước.

Ông Trọng còn sống hay đã chết xem ra không quan trọng. Guồng máy cai trị của đảng CSVN vẫn sẽ được vận hành theo kiểu độc tài chuyên chế, “vũ như cẩn,” dưới cái bóng của Cộng Sản Trung Quốc, trong hoàn cảnh hoàn toàn thiếu vắng các tiếng nói phản biện, các cơ chế kiểm soát quyền lực. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT