Monday, May 20, 2024

Ông Biden không may mắn!

Hiếu Chân/Người Việt

Thương vong đầu tiên của binh sĩ Mỹ ở Trung Đông không chỉ có nguy cơ làm chiến tranh lan rộng, đặt Tổng Thống Joe Biden vào tình huống tiến thoái lưỡng nan mà còn có thể đảo lộn mọi tính toán chính trị ở Mỹ cho cuộc bầu cử cuối năm nay.

Tổng Thống Joe Biden. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

Sáng sớm Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng, một máy bay không người lái (drone) mang chất nổ đã tấn công một tiền đồn của quân đội Mỹ ở phía Đông Bắc Jordan, giáp biên giới Iraq và Syria, làm ba binh sĩ thiệt mạng, 34 người khác bị thương. Nếu không tính hai lính thủy mất tích, sau được xác định là đã chết, khi ngăn chặn một con tàu Iran chở vũ khí tiếp viện cho lực lượng Houthi ở Yemen tuần trước, thì đây là lần đầu tiên máu của binh sĩ Mỹ đổ xuống sa mạc Trung Đông trong nhiệm kỳ của ông Biden.

Sự kiện đau lòng này gây chấn động và lo lắng cho cả thế giới. Ông Biden ngay lập tức đổ lỗi cho Iran và tuyên bố: “Chúng ta sẽ truy cứu trách nhiệm những kẻ gây ra tội ác này theo thời điểm và cách thức mà chúng ta lựa chọn.”

Chắc chắn là như vậy, nhưng ông Biden có thể làm gì?

Nhìn lại ba tháng qua, từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra hôm 7 Tháng Mười năm ngoái, chính quyền Biden đã cố ngăn chặn chiến tranh lan rộng, vừa không quá cứng rắn cũng không quá mềm mỏng với các bên xung đột. Trong khi đó, chính quyền Biên thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để tái lập hòa bình. Trong hơn ba tháng qua, các căn cứ quân đội Mỹ trong vùng bị tấn công hơn 160 lần bằng phi pháo và drone từ các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn. Chưa hết, vận chuyển thương mại qua biển Hồng Hải bị ách tắc do phiến quân Houthi liên tục nã hỏa tiễn vào các thương thuyền, nhưng chính quyền Biden phản ứng có chừng mực. Ông Biden không muốn quân đội Mỹ lại can dự vào một cuộc chiến hao người tốn của trong một năm có bầu cử tổng thống.

Vào thời điểm xảy ra chuyện ở Jordan thì tại thủ đô Paris của Pháp, ông William Burns, giám đốc CIA, có cuộc họp kín với các giới chức cao cấp của Israel, Ai Cập, và Qatar, nhằm đạt một thỏa thuận, mà theo đó, Israel sẽ tạm ngừng tấn công Hamas trong sáu tuần đổi lấy việc trả tự do cho hơn 100 con tin người Do Thái vẫn đang còn bị Hamas giam cầm và cứu trợ nhân đạo cho thường dân Palestine ở Gaza đang chết vì đói rét và bệnh tật. Chính quyền Biden cũng đang đàm phán một thỏa thuận khác để tránh một cuộc xung đột toàn diện giữa Israel và dân quân Hezbollah ở Lebanon…

Khi máu của người Mỹ đổ xuống thì những tính toán đó xem ra không còn phù hợp. Ông Biden đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Mỹ cần giáng một đòn đủ mạnh vào Iran để Tehran phải chấm dứt việc sử dụng các tổ chức dân quân Hồi Giáo thực hiện các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ trong tương lai nhưng đòn trả đũa không được làm cho chiến tranh leo thang và lan rộng. Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại, ông Biden có ba lựa chọn: Một là tấn công trực tiếp vào bên trong lãnh thổ Iran; hai là tấn công các nhóm ủy nhiệm là tay chân của Iran đồng thời tăng sức ép buộc Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel giảm cường độ chiến tranh ở Gaza; và ba là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch ngoại giao, với cả Iran và các nước Hồi Giáo trong khu vực, để tháo ngòi nổ xung đột.

Theo lựa chọn thứ nhất, ông Biden có được sự ủng hộ (bằng miệng) của đảng Cộng Hòa đối lập, vốn đang thúc giục ông phải hành động cương quyết nếu không muốn bị coi là “kẻ hèn nhát.”

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số ở Thượng Viện, tuyên bố: “Giờ đây cả thế giới đang nhìn các dấu hiệu cho thấy cuối cùng tổng thống sẽ phô trương sức mạnh Hoa Kỳ để buộc Iran phải thay đổi thái độ.” Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) máu me hơn: “Tấn công Iran ngay. Đánh mạnh vào.” Còn Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), một người có khuynh hướng diều hâu, gay gắt hơn nữa: “Câu trả lời duy nhất cho những vụ tấn công này phải là cuộc trả đũa bằng quân sự quyết liệt chống lại các lực lượng khủng bố của Iran, cả trong lãnh thổ Iran lẫn khắp vùng Trung Đông. Nếu không làm được như vậy thì Joe Biden chỉ là kẻ hèn nhát không xứng đáng làm tổng tư lệnh quân đội,” những gì ông viết trên mạng X.

Tình báo Mỹ xác định cuộc tấn công bằng drone hôm Chủ Nhật được “các nhóm chiến binh cực đoan được Iran hậu thuẫn” ở Syria và Iraq thực hiện. Đánh rắn phải đánh dập đầu. Một số cựu sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ cho rằng cuộc tấn công toàn diện vào bên trong Iran là cách duy nhất để gửi thông điệp tới Tehran, buộc lãnh tụ tối cao của nước này, Giáo Chủ Ayatollah Ali Khamenei, phải thay đổi.

Nhưng việc tấn công bên trong lãnh thổ Iran chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh, bom đạn sẽ không giới hạn trong dải Gaza như hiện nay. Thương mại bị gián đoạn, giá xăng dầu tăng vọt, lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, sẽ là những hậu quả đầu tiên của chiến tranh Mỹ-Iran ở Trung Đông, tác động tới cuộc sống hàng ngày của mỗi người Mỹ.

Cho đến nay, nhiều giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ vẫn tin rằng Iran không muốn một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ mà chỉ muốn sử dụng các tổ chức phiến quân được ủy nhiệm kể trên để gây sức ép với Hoa Kỳ và Israel, để cứu Hamas. Một cựu giám đốc phụ trách chống khủng bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ thời Tổng Thống Donald Trump, ông Nathan Sales, cho rằng Iran đang cố tránh chiến tranh với Mỹ bằng mọi giá. “Họ biết rằng nếu tham gia vào một cuộc xung đột công khai với Mỹ thì đó là điểm kết thúc của chế độ,” ông Sales nói.

Chính phủ Iran ngay lập tức tuyên bố họ “không có liên lạc và không liên quan gì” đến vụ tấn công hôm Chủ Nhật mà đó là quyết định riêng của các “nhóm kháng cự” (Axis of Resistance). Nhưng Tehran không bao giờ phủ nhận vai trò đầu mối chỉ huy, trang bị và huấn luyện cho các tổ chức dân quân Hồi Giáo – như Hamas, Hezbollah, Houthi… để “đánh Mỹ tới chiến binh Hồi Giáo cuối cùng,” như nhận xét của Tướng John Miller, cựu tư lệnh Hạm Đội 5 ở Trung Đông.

Lựa chọn thứ hai là biện pháp mà Mỹ thực hiện lâu nay nhưng hiệu quả rất hạn chế. Từ Tháng Mười năm ngoái đến nay, quân đội Mỹ thực hiện tám vụ không kích vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Syria và Iraq, giết chết một vài viên chỉ huy cao cấp. Mỹ và liên quân cũng sáu lần không kích các kho vũ khí và bệ phóng hoả tiễn của nhóm Houthi ở Yemen. Nhưng hỏa tiễn của Houthi vẫn tiếp tục bắn vào các thương thuyền ở biển Hồng Hải và vịnh Aden. Các công ty vận tải biển vẫn phải đi đường vòng xuống mũi Hảo Vọng ở cực Nam Châu Phi. Và các căn cứ Mỹ tiếp tục bị tấn công. Thương vong hôm Chủ Nhật cho thấy chiến thuật của Mỹ không còn hiệu quả nữa.

Lựa chọn thứ ba có thể là giải pháp lâu dài nhưng trước mắt sẽ làm cho chính quyền Biden bị coi là “yếu đuối.” Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ bằng nỗ lực khôi phục hiệp ước về chương trình nguyên tử Iran mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 [gồm năm ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc + Đức] mà cựu Tổng Thống Donald Trump đã rút ra năm 2018. Chính quyền Biden làm trung gian cho các nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bahrain, và Qatar. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ hồi Tháng Chín năm ngoái, ông Biden công bố sáng kiến hành lang kinh tế kết nối Ấn Độ với Châu Âu qua UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel, coi đó là hướng đi đúng nhất dẫn tới một vùng Trung Đông hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Và như vừa kể, Washington đang cố gắng rất lớn để dàn xếp xung đột giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, dàn xếp ngừng bắn ở Gaza và thúc đẩy giải pháp “hai nhà nước” Israel và Palestine, giải pháp duy nhất bảo đảm an ninh lâu dài cho cả người Do Thái và người Palestine. Trong khói lửa chiến tranh Israel-Hamas và chính sách gây hấn liên tục của Iran, các triển vọng tốt đẹp này trở nên xa vời, bất khả thi.

Mỗi lựa chọn nêu trên đều có cái giá riêng. Cử tri Mỹ chắc chắn sẽ trừng phạt ông Biden bằng lá phiếu của họ nếu lựa chọn của ông làm cho giá xăng dầu tăng vọt vì chiến tranh, hoặc phản ứng yếu ớt của Washington làm cho Iran thêm liều lĩnh, thêm nhiều lính Mỹ thương vong, nhiều quan tài phủ quốc kỳ Mỹ được đưa về nước trên các phi cơ quân sự.

Chiến dịch tái tranh cử của ông Biden đang chật vật vì không thuyết phục được cử tri trong những vấn đề nóng như cuộc khủng hoảng người nhập cư ở biên giới phía Nam, sự ủng hộ vội vàng vô điều kiện của Washington cho chính quyền cực hữu của ông Netanyahu bất chấp Israel đang gây thảm họa nhân đạo khủng khiếp ở Gaza… nay lại càng khó khăn vì nguy cơ chiến tranh với Iran và những hậu quả tai hại của nó.

Ông Biden đang đi giữa nhiều lằn đạn và xem ra ông không có nhiều may mắn. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT