Monday, May 20, 2024

Số phận long đong của dự luật di trú

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam Hoa Kỳ đang trở thành điểm nóng nhất trong nghị trình tranh cử của các đảng chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay. Và đây có thể là yếu tố quyết định kết quả ai sẽ ngồi trong Tòa Bạch Ốc. Không chỉ thế, vấn đề người nhập cư bất hợp pháp có thể tác động đến xu thế của các cuộc chiến tranh hiện nay ở Ukraine và Dải Gaza, rất xa ngoài biên giới Hoa Kỳ.

Trong lúc đảng Cộng Hòa và cựu Tổng Thống Donald Trump tìm cách ngăn chặn dự luật cải tổ di trú, di dân bất hợp pháp vẫn “thoải mái” đi vào nước Mỹ hàng ngàn người mỗi ngày. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Tin tức mới nhất là Thượng Viện Mỹ sắp công bố một dự luật bổ sung về an ninh quốc gia, trong đó có thỏa thuận lưỡng đảng về tăng cường an ninh biên giới và gói viện trợ quân sự bổ sung hàng chục tỷ đô la cho các đồng minh Ukraine, Israel và Đài Loan. Hôm Thứ Năm, Thượng nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), lãnh đạo khối đa số Thượng Viện, nói rằng cơ quan này sẽ bắt đầu xem xét dự luật vào ngày hôm sau, Thứ Sáu, 2 Tháng Hai, hoặc chậm nhất là vào Chủ Nhật, và sẽ bỏ phiếu trong tuần tới. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, dự luật sẽ khó qua được cửa Hạ Viện, nơi các dân biểu Cộng Hòa đe dọa sẽ bóp chết nó ngay lập tức.

Dự luật ở Thượng Viện được thương thảo nhiều tuần qua giữa một nhóm thượng nghị sĩ cả Dân Chủ và Cộng Hòa nhằm điều chỉnh luật nhập cư của nước Mỹ theo hướng cứng rắn hơn, tăng cường kiểm soát biên giới, ngăn chặn hoặc làm giảm làn sóng người vượt biên bất hợp pháp từ Mexico. Từ cuối năm ngoái, các chính trị gia Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ đã phản đối đề nghị viện trợ quân sự trị giá hơn $100 tỷ cho các đồng minh chừng nào chính quyền Biden chưa giải quyết vấn đề người nhập cư theo quan điểm của họ.

Nhằm vượt qua sự phản đối này, gần đây, Tổng Thống Joe Biden đã có nhiều nhượng bộ.

“Một dự luật lưỡng đảng sẽ tốt cho nước Mỹ và giúp thay đổi hệ thống di trú bị hỏng của chúng ta, đồng thời cho phép những người xứng đáng tới đây được tiếp nhận nhanh chóng, và Quốc Hội cần phải hoàn thành điều đó. Nó cũng sẽ trao cho tôi, với tư cách là tổng thống, quyền khẩn cấp đóng cửa biên giới cho đến khi được kiểm soát trở lại. Nếu dự luật đó hôm nay là luật, tôi sẽ đóng cửa biên giới ngay lúc này và thay đổi nhanh chóng,” ông Biden phát biểu cuối tuần qua, đài VOA trích dẫn.

Do các cuộc thảo luận diễn ra trong phòng kín, chưa ai biết được nội dung cụ thể ra sao. Theo những thông tin ít ỏi mà báo chí loan tải, dự luật sẽ siết chặt việc xét cấp quy chế tị nạn cho những người vượt biên và trục xuất ngay lập tức những ai không đủ điều kiện được tị nạn. Ngoài ra, sẽ đóng cửa biên giới đối với người nhập cư nếu số người vượt biên vượt quá 5,000 người/ngày [hiện nay, mỗi ngày có hơn 10,000 người vượt biên từ Mexico vào Mỹ] và đẩy mạnh việc trục xuất những người đang cư trú bất hợp pháp trong nội địa nước Mỹ…

Nên để ý luật pháp quốc tế và luật pháp Mỹ cho phép người dân các nước được xin tị nạn ở Mỹ để tránh những bức hại tại quốc gia gốc của họ. Nhưng nhiều di dân và các tổ chức buôn người đã và đang lợi dụng hệ thống luật pháp nhân văn đó để đưa người vào Mỹ bất hợp pháp. Sau khi vượt biên giới, di dân sẽ bị nhân viên biên phòng (CBP) của Mỹ bắt giam. Sau đó, họ nộp hồ sơ xin tị nạn với tư cách người bị bức hại về chính trị hoặc tôn giáo. Việc giam giữ thường chỉ kéo dài vài tuần, thậm chí vài ngày, người vượt biên sẽ được thả ra và được tạm trú trên đất Mỹ trong thời gian hồ sơ của họ được tòa án thụ lý. Kế đến, họ sẽ chờ một quan tòa quyết định họ có được hưởng quy chế tị nạn hay không. Quá trình này thường kéo dài nhiều năm, dẫn tới tình trạng nước Mỹ luôn có từ 10.5 triệu đến 11.2 triệu người sinh sống bất hợp pháp.

Một thực tế là trong nhiệm kỳ của ông Biden, số lượng di dân vượt biên vào Hoa Kỳ tăng rất nhanh, gây áp lực lớn không chỉ đối với các tiểu bang giáp biên giới như Texas, New Mexico, Arizona, và California mà cả các cộng đồng xa xôi ở New York, Chicago, Denver… Số liệu của CBP cho biết năm 2023 có số người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, 3.2 triệu người, tăng 16% so với năm 2022 (2.76 triệu người) và tăng 63% so với năm 2021 (1.96 triệu người), gây nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Cuộc khủng hoảng đó biến chính quyền Biden và đảng Dân Chủ thành mục tiêu tấn công của các chính trị gia Cộng Hòa. Một số thống đốc Cộng Hòa như ông Greg Abbott của Texas, ông Ron DeSantis của Florida thậm chí còn thuê máy bay, xe buýt chở hàng chục ngàn người nhập cư ở biên giới đi “đổ” vào những thành phố do đảng Dân Chủ kiểm soát để gây áp lực chính trị.

Mặt khác, làn sóng nhập cư bất hợp pháp cũng gây bất mãn sâu sắc cho người dân Mỹ do các quan điểm có phần sai lầm rằng người nhập cư tạo thêm gánh nặng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội như y tế và trường học, làm tăng chi phí thuê nhà ở, kéo giảm mức tiền lương và tình trạng tội phạm lan tràn. Một nghiên cứu của Viện Gallup mới đây ghi nhận có đến 58% người Mỹ bất mãn với tình trạng người nhập cư bất hợp pháp tràn lan hiện nay, chỉ 34% chấp nhận.

***

Trở lại với dự luật an ninh sắp xem xét ở Thượng Viện, Tổng Thống Biden cho rằng dự luật “sẽ là cuộc cải cách cứng rắn và công bằng nhất để giữ an ninh biên giới” sau khi chính quyền ông có nhiều cố gắng để cải thiện tình hình. Trước đây, ông Biden đã nhiều lần đề nghị Quốc Hội duyệt chi $14 tỷ để bổ sung thêm 1,300 nhân viên tuần tra biên giới, 375 chánh án di trú, 1,600 nhân viên giải quyết hồ sơ xin tị nạn, và mua thêm 100 máy kiểm tra tân tiến giúp phát hiện và ngăn chặn fentanyl ở biên giới phía Tây Nam. Tuy nhiên, đề nghị đó không được Hạ Viện phê chuẩn. Dự luật mới tiếp tục đề nghị bổ sung ngân sách như trên và trao quyền cho tổng thống được ban hành những biện pháp cứng rắn như đóng cửa biên giới, trục xuất ngay lập tức những người không đủ điều kiện tị nạn… Để có được thỏa thuận lưỡng đảng nhằm viện trợ cho đồng minh và cũng để củng cố an ninh biên giới của chính nước Mỹ, ông Biden đã chấp nhận làm những điều hà khắc mà trước đây ông thường phản đối.

Tuy vậy ông Biden đang bị phản ứng mạnh từ cả hai phía. Thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ phản đối dự luật mà họ cho là quá khắc nghiệt trong khi thành phần cực đoan trong đảng Cộng Hòa nói rằng dự luật không đủ cứng rắn, và do vậy sẽ không có hiệu quả trong việc giải quyết khủng hoảng.

Thay cho dự luật mới, các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện muốn Quốc Hội xem xét phê chuẩn một dự luật có tên “Luật Bảo Vệ Biên Giới 2023” (Secure Border Act of 2023 – SBA) mà Hạ Viện đã thông qua năm ngoái, đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện bức tường biên giới dài 900 dặm ngăn cách Mỹ-Mexico. Thêm vào đó, dự luật sẽ giới hạn số người tị nạn được tiếp nhận mỗi năm và buộc các công ty thuê người lao động phải dùng hệ thống điện tử để kiểm tra người xin việc có đủ điều kiện được làm việc ở Mỹ hay không. Nhìn chung, SBA pháp chế hóa những biện pháp ngăn chặn làn sóng người nhập cư mà cựu Tổng Thống Donald Trump đã đưa ra khi ông còn nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc.

SBA của Hạ Viện khóa 118 đã bị Thượng Viện bác bỏ và nay đến lượt Hạ Viện đe dọa phủ quyết dự luật mới của Thượng Viện. Công cuộc cải cách luật pháp về di trú và an ninh biên giới đã bị dằng dai như vậy trong suốt 20 năm qua. Mỗi dự luật đi gần tới đích thì lại bị chống đối, phải gác lại, và Quốc Hội Mỹ hầu như chưa bao giờ đồng thuận về vấn đề tối quan trọng này của quốc gia.

Lần này, theo các nhà quan sát, số phận của dự luật cải cách an ninh biên giới sẽ còn lao đao hơn nữa do sự phản đối quyết liệt của cựu Tổng Thống Trump. Dù chưa nắm được nội dung dự luật của Thượng Viện, ông Trump đã yêu cầu các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện phải bác bỏ nó và Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson đã tỏ ý sẽ làm như vậy. Ý đồ của ông Trump là duy trì cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam đến sau ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một để ông có cớ lên án cái gọi là sự bất lực của chính quyền Biden. Qua việc này, ông Trump muốn lôi kéo lá phiếu của cử tri bất mãn với người nhập cư và ngăn chặn viện trợ quân sự cho các đồng minh, bất chấp khả năng Ukraine hoặc Đài Loan có thể mất vào tay ông Vladimir Putin hay ông Tập Cận Bình.

Lợi ích quốc gia dường như đang bị coi nhẹ sau tham vọng quyền lực của một cá nhân, một đảng chính trị. [đ.d]

MỚI CẬP NHẬT