Bình Luận

Tập Cận Bình phó hội Châu Âu: Thời thế nay đã khác

Trúc Phương/Người Việt

Từ ngày 5 đến ngày 10 Tháng Năm, 2024, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện chuyến công du tới Pháp, Serbia và Hungary, chuyến kinh lý Châu Âu đầu tiên của ông sau năm năm. Thế giới đã thay đổi khá nhiều kể từ chuyến kinh lý Châu Âu của Tập năm 2019. Cách tiếp cận Châu Âu với Trung Quốc bây giờ rất khác.

Tổng Thống Emmanuel Macron (phải) tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Paris hôm 6 Tháng Năm, 2024. (Hình: Mohammed Badra/Pool/AFP via Getty Images)

Tháng Ba, 2019, Tập đến Ý, được tiếp đón cực kỳ long trọng và “dụ” được Rome ký kết Sáng Kiến Vành Đai Và Con Đường (BRI). Nước Ý trở thành quốc gia G-7 đầu tiên tham gia chương trình này. Tuy nhiên, cuối năm 2023, chính phủ Ý tuyên bố “nghỉ chơi” BRI khi cho rằng sáng kiến này chẳng được tích sự gì. Việc Ý cắt BRI là một phần trong chuỗi trở ngại trong quan hệ Trung Quốc-Châu Âu. Cách xử lý ngoại giao trịch thượng của Trung Quốc, khi lăng mạ Châu Âu trong việc ứng phó với đại dịch, đã khiến Bắc Kinh mất điểm nghiêm trọng từ đó đến nay. Nhìn rộng hơn, tình cảm Châu Âu dành cho Trung Quốc đang trở nên chua chát trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị gia tăng.

Cần nhắc lại, Tháng Mười Hai, 2020, Trung Quốc và Châu Âu đã đạt được những thỏa thuận về nguyên tắc liên quan đầu tư song phương. Tuy nhiên, Hiệp Định Toàn Diện Đầu Tư, như tên gọi chính thức của nó, chưa bao giờ thực sự có hiệu lực. Chưa đầy sáu tháng sau, Nghị Viện Châu Âu đã bỏ phiếu đình chỉ quá trình phê chuẩn, như một cách dằn mặt Bắc Kinh, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào những quốc gia Châu Âu lên tiếng phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Châu Âu trong lĩnh vực kinh tế, từng là chất keo gắn kết hai bên, ngày càng nghiêm trọng kể từ đó đến nay. EU công khai bày tỏ nghi ngờ các dự án đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu đã và đang mở loạt điều tra thương mại mà kết quả có thể dẫn đến nhiều hình phạt đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ sạch của Trung Quốc.

Nói chung, chuyến công du của Tập diễn ra trong bối cảnh Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung nhìn Trung Quốc bằng sự e ngại. Trước khi máy bay của Tập Cận Bình đáp xuống Pháp trong chặng dừng đầu tiên, không khí căng thẳng đã leo thang, khi Châu Âu thộp cổ một số nghi phạm gián điệp (hai tuần qua, Đức và Anh đã bắt sáu kẻ bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá chuyến thăm cấp nhà nước là cơ hội “mở ra những chương mới về đoàn kết và hợp tác,” đồng thời “tiếp thêm động lực mới cho mối quan hệ của Trung Quốc với Liên Minh Châu Âu.”

Mỗi điểm dừng đều mang tính biểu tượng: Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Pháp; 75 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc với Hungary. Với Serbia, chuyến thăm của Tập tới Belgrade trùng với dịp đánh dấu 25 năm vụ Mỹ ném bom Đại Sứ Quán Trung Quốc (vụ đánh bom xảy ra khi NATO oanh tạc Nam Tư năm 1999, làm chết ba nhà báo Trung Quốc và gây ra cơn bão ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington).

Giới quan sát thấy gì với sự kiện Tập phó hội Châu Âu? “Trung Quốc ngày càng được coi là mối đe dọa nhiều mặt ở nhiều thủ đô Châu Âu. Nhưng có sự chia rẽ ở Châu Âu về việc phải đi nhanh và xa đến mức nào trong việc giải quyết những lo ngại về Trung Quốc, cả trong lĩnh vực kinh tế và an ninh,” nhận định của Noah Barkin, thành viên cấp cao thuộc German Marshall Fund of the United States, trụ sở tại Berlin.

Nhìn chung, mục đích chuyến công du có vài điểm đáng lưu ý. Bắc Kinh muốn tận dụng lợi ích khác nhau ở Châu Âu, cũng như sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo Châu Âu và Washington; và họ cũng muốn bảo đảm rằng Châu Âu không xích lại gần Mỹ hơn. Một trong những sứ mạng của Tập là làm suy yếu mặt trận thống nhất mà Châu Âu và Mỹ đang cố xây dựng. Chiến lược này được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, vốn coi chính quyền Biden là kẻ gây rối luôn tìm cách phá hỏng mối quan hệ Châu Âu-Trung Quốc. Một bài bình luận trên truyền thông Trung Quốc viết rằng, bất chấp “sự xúi giục và ép buộc” của Washington, “EU hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ hợp tác với Trung Quốc.”

Một số nhà phân tích tin rằng Tập đang dồn sức việc lôi kéo Pháp. Một tuyên bố do Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra sau khi Tập đến Paris ngày 5 Tháng Năm, 2024, nhấn mạnh rằng, trong suốt lịch sử mối quan hệ, hai nước đã thiết lập “một hình mẫu cho cộng đồng quốc tế về sự chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có hệ thống xã hội khác nhau.” Bắc Kinh và Paris đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên chính thức công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào ngày 27 Tháng Giêng, 1964.

Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Quốc Gia Singapore, nói rằng Pháp thường có khuynh hướng tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của châu Âu, thể hiện như là một nước lớn có khả năng hành xử độc lập và không vuốt đuôi Mỹ. Do vậy, Tập Cận Bình có thể muốn làm việc với Emmanuel Macron để xem liệu tổng thống Pháp có thể giúp tạo thêm khoảng cách giữa Châu Âu với Bắc Mỹ hay không.

Tuy nhiên, Macron lại là một trong những nhà lãnh đạo EU diều hâu nhất về an ninh lục địa. Người ta thậm chí cho rằng Tập chẳng những không “rù quyến” được tổng thống Pháp mà Emmanuel Macron còn thúc Tập gây áp lực lên Vladimir Putin về vấn đề Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn tờ báo Anh The Economist tuần trước, tổng thống Pháp cho rằng chiến tranh là sự sống còn đối với Châu Âu.

Ông nói: “Nếu Nga thắng Ukraine thì sẽ không có an ninh ở Châu Âu. Ai có thể ngây thơ tin rằng Nga dừng lại ở đó?”; rồi an ninh cho các nước láng giềng Moldova, Romania, Ba Lan, Litva và các nước khác như thế nào? Dù vậy, cũng có khả năng tổng thống Pháp nhân nhượng ít nhiều, vì lợi ích kinh tế. Đầu năm nay, Trung Quốc đã điều tra về giá rượu mạnh nhập cảng từ EU, một động thái có thể ảnh hưởng ngành cognac của Pháp.

Một cách tổng quát, theo Matt Geracim, phụ tá giám đốc Global China Hub thuộc Hội Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Tập Cận Bình tới Châu Âu với ba mục tiêu: “Phục hồi các mối quan hệ ở Châu Âu bị tổn hại do sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine; làm suy yếu chương trình nghị sự an ninh kinh tế của EU đối Trung Quốc; thể hiện mối quan hệ bền chặt với các đối tác vững chắc là Serbia và Hungary.”

Trong bối cảnh tổng quát như nói ở trên, có thể chuyến công du Châu Âu của Tập lần này là công cốc. Khi đến Serbia ngày 7 Tháng Năm dự lễ đánh dấu 25 năm cuộc không kích NATO nhằm vào Đại Sứ Quán Trung Quốc, Tập có thể không dè sẻn những lời lẽ cay nghiệt nhằm vào Mỹ và đồng minh phương Tây. Điều làm phức tạp thêm nữa là Tập Cận Bình sẽ tiếp Vladimir Putin ngay sau khi trở về Bắc Kinh!

Còn nữa là vấn đề nhân quyền. Ngay khi máy bay của Tập đến Pháp, các nhà vận động cho Tây Tạng và Tân Cương, nơi Liên Hợp Quốc cáo buộc Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người khi giam giữ khoảng một triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, đã ầm ầm xuống đường biểu tình chống Tập.

Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền nói, dù tổng thống Pháp không nêu vấn đề Duy Ngô Nhĩ trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2023, nhưng lần này Macron cần lên tiếng, kêu gọi Trung Quốc thả những nạn nhân bị bỏ tù tùy tiện, trong đó có Ilham Tohti, nhà kinh tế Duy Ngô Nhĩ được trao Sakharov Prize năm 2019, giải thưởng nhân quyền nổi bật nhất Châu Âu.

Cần nói thêm, ngày 30 Tháng Tư, tại Điện Elysee, Tổng Thống Macron đã chụp ảnh chung với Penpa Tsering, chủ tịch chính phủ Tây Tạng lưu vong, bên lề buổi lễ tôn vinh cựu Thượng Nghị Sĩ Andre Gattolin (nhân vật vốn lâu nay nhiệt tình ủng hộ Tây Tạng). Tặng Tổng Thống Macron bức ảnh có chữ ký, chụp cuộc gặp năm 2016 của mình với Đạt Lai Lạt Ma, Penpa Tsering đã kêu gọi tổng thống Pháp “đừng quên Tây Tạng.”

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Xe Hơi

Nên làm gì để giảm tác hại của một số hóa chất trong xe?

Nghiên cứu mới đây làm dấy lên tranh cãi về các chất độc hại tiềm…

4 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Toàn cảnh bất chiến tự nhiên thành của sư thầy Thích Minh Tuệ

Nam Việt/SGN Sự kiện vị hành cước tu sĩ Thích Minh Tuệ khởi cuộc hành…

6 hours ago
  • Hoa Kỳ

VinFast bị kiện vì thiếu tiền mướn nhà hơn $350,000

Công ty xe hơi điện VinFast của Việt Nam vừa bị công ty SPG Center,…

8 hours ago
  • Little Saigon

Chùa Phổ Đà kính mừng Đức Phật Đản Sanh

Đông đảo chư tôn đức tăng ni và đồng hương Phật tử đến dự Đại…

8 hours ago
  • Việt Nam

Tô Lâm được ‘giới thiệu’ làm chủ tịch nước Việt Nam đúng như tin đồn

Đúng như tin đồn từ ít nhất nửa tháng trước, ông Tô Lâm, bộ trưởng…

9 hours ago
  • Little Saigon

Học Khu Garden Grove nhận được gần $12 triệu tài trợ các trường học cộng đồng

Học Khu Garden Grove vừa được tiểu bang California cấp ngân quỹ gần $12 triệu…

9 hours ago

This website uses cookies.