Tổng Thống Trump vẫn bình yên

Ông Robert S. Mueller III, điều tra viên đặc biệt đã truy tố hai người cộng sự viên cũ trong ban vận động tranh cử của Tổng Thống Donald Trump, và một người khác, George Papadopoulos đã nhận tội nói dối khi khai báo với FBI. Biến cố đầu tuần này khiến nhiều người thắc mắc ông Trump bị liên lụy như thế nào. Cho tới nay, ông vẫn bình yên.

Tuy nhiên, các sự kiện được nêu ra trong lệnh truy tố cho thấy hai điều: Nhiều người Mỹ có thể rửa tiền, che giấu các nguồn lợi tức ở nước ngoài khá dễ dàng; và những lãnh tụ độc tài ở nhiều quốc gia luôn luôn tìm cách gây ảnh hưởng trên chính quyền nước Mỹ, từ Quốc Hội đến chính phủ. Điều này là một mối đe dọa trên thể chế dân chủ tự do.

Hai người bị truy tố là ông Paul Manafort, và người cộng sự Rick Gates. Ông Manafort từng làm chủ tịch ban tranh cử của Tổng Thống Trump, cho đến khi phải từ chức vì báo chí tiết lộ ông đã từng giúp một tổng thống thân Nga ở xứ Ukraine tranh cử, ông này sau đã chạy trốn sang Nga vì bị dân lật đổ.

Sau khi vụ truy tố được công bố, Tổng Thống Trump đã tuyên bố qua một thông điệp “tuýt,” “Không hề có ĐỒNG LÕA! There is NO COLLUSION!” Vì những việc ông Manafort làm tại Ukraine diễn ra rất lâu trước khi ông làm cho ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông Papadopoulos chỉ là một người tình nguyện làm việc cho ban tranh cử, địa vị rất thấp. Ông Trump còn chỉ ra rằng ông George Papadopoulos là một người “nói dối,” với bằng chứng của FBI. Ý nói, đừng tin những gì đã nói và sắp nói. Tòa Bạch Ốc bình an, vì những tiết lộ từ đầu tuần này không có gì mới. Những hành động của ông Manafort đi vận động cho các nhóm thân Nga đã từng được báo chí loan truyền từ hơn một năm qua.

Một số người còn cho rằng khi ông Mueller truy tố hai ông Manafort và Gates, ông đã vượt ra ngoài trách nhiệm được Bộ Tư Pháp ủy nhiệm, là điều tra về vụ chính phủ Nga can thiệp vào cuộc tranh cử năm 2016 ở Mỹ. Do đó, có người đòi ông Mueller phải từ nhiệm, hoặc bị bãi nhiệm. Cũng có người đề nghị Bộ Tư Pháp hãy điều tra một vụ liên can đến bà Hillary Clinton, khi làm ngoại trưởng đã thỏa thuận cho Nga tham dự vào thị trường chất uranium ở Mỹ. Lúc đó, ông Mueller đang làm giám đốc FBI. Do đó, ông ta cũng liên lụy và không thể tiếp tục đứng đầu việc điều tra về hành động của chính phủ Nga vào năm  2016.

George Papadopoulos đã cộng tác với ủy ban điều tra Mueller trong ba tháng qua, và chính thức nhận tội nói sai sự thật khi phủ nhận những quan hệ với các viên chức Nga. Nay, ông ta khai rằng đã đứng trung gian liên lạc giữa nhiều người Nga và các “cố vấn cao cấp” (hiện chưa được nêu tên) trong ban vận động của ông Trump. Đề tài chính trong cuộc đưa thoi này là người Nga hứa cung cấp những email của bà Clinton mà gián điệp Nga đã ăn trộm được. Đây cũng là đề tài mà người con của tổng thống, Donald Trump Jr được hứa hẹn khi gặp một nữ luật sư người Nga tại trụ sở ban vận động; mà ông Trump Jr. nói rằng không đưa tới kết quả nào. Những tiết lộ này có thể gây tai hại cho uy tín của ông Trump vì từ trước tới nay ông luôn luôn phủ nhận, quả quyết rằng  ban vận động của ông không bao giờ liên lạc với Nga. Tháng Ba năm 2016, khi ông Trump bổ nhiệm Papadopoulos làm một trong nhiều cố vấn đối ngoại, ông đã khen người cộng sự trẻ này là “xuất sắc,” khi nói chuyện với nhật báo Washington Post.

Như vậy có thể gọi là “Đồng Lõa” hay không? Điều này không thể xác định được. Papadopoulos có thể khai báo rằng ông ta được các nhân vật quan trọng trong ban vận động của ông Trump chính thức cử đi liên lạc với người Nga, nhưng nếu không có những bằng chứng hiển nhiên thì không có giá trị nào cả. Dù Papadopoulos hoặc Trump Jr. có vẻ đồng lõa, thì ông Trump vẫn có thể nói rằng ông không hề biết họ làm gì.

Nhưng vụ truy tố hai ông Paul Manafort và Richard Gates cho thấy những tay “buôn vua” ở Mỹ có thể làm giầu thế nào khi hỗ trợ các nhà độc tài ngoại quốc với thù lao hàng chục triệu Mỹ kim, rồi đem cất ở ngân hàng ngoại quốc! Hai người không khai báo lợi tức để đóng thuế như luật lệ bắt buộc. Họ gửi tiền ở nhiều ngân hàng ngoại quốc, dưới danh nghĩa các “công ty” mà họ nhờ người khác đứng tên. Những công ty này dùng tiền đó đầu tư, mua nhà cửa, tại nhiều nơi trên thế giới, trong dó có cả nước Mỹ. Số tiền trong vụ này lên tới 18 triệu đô la, cũng chỉ là một phần được khám phá khi ban điều tra Mueller nghiên cứu những vụ chuyển tiền trong mạng lưới ngân hàng quốc tế.

Số người Mỹ làm công việc vận động lóp bi cho ngoại quốc rất đông, và theo luật định bắt buộc họ phải ghi danh cho chính phủ Mỹ biết. Khách hàng lớn nhất là những nước cựu Cộng Sản trong Liên Bang Xô Viết cũ. Trong hai chục năm qua, có 211 người Mỹ chính thức lo vận động cho Nga, 78 người làm lóp bi cho Ukraine, 54 cho Georgia, 44 cho Azerbaijan, 34 cho Kazakhstan, và 19 người cho Uzbekistan. Một trong các tội trạng tố cáo ông Manafort là ông ta không chính thức ghi danh làm việc lóp bi cho cựu tổng thống Ukraine.

Những quốc gia thuê nhiều người vận động nhất cũng là những nước mà nạn tham nhũng nặng nề nhất. Azerbaijan đứng hàng thứ 123 theo Chỉ Số Tham Nhũng (Corruption Perception Index) năm 2016, do Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp hạng. Nga và Kazakhstan đứng hàng thứ 131; Uzbekistan hàng 156. Những chính phủ và nhiều cá nhân từ các nước này đã thù lao rất hậu hĩnh. Theo bản cáo trạng thì ông Yanukovych, cựu tổng thống Ukraine, đã trả khoảng 75 triệu đô la cho hai ông Manafort và Gates từ năm 2006 đến 2015.

Những người làm lóp bi cho các nước trên đây thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Sau khi vụ truy tố ông Manafort được công bố, một người thuộc đảng Dân Chủ là Tony Podesta đã xin rút ra khỏi một công ty vận động mang tên chính ông, vì công ty Podesta Group này cũng nhận tiền của các thân chủ của Manafort.

Người Mỹ bình thường không chú ý đến những vụ vận động hành lang của các chính phủ và tư nhân nước ngoài, vì thấy không liên can gì đến mình. Nhưng đến nay thì mọi người không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Vụ nhiều tổ chức Nga đặt mua quảng cáo trên Facebook năm ngoái, để đăng các bài và thông tin giả nhắm vào những thị trường ở mục tiêu địa lý nhất định ở Mỹ, là một bằng chứng cho thấy người nước ngoài cố tâm gây ảnh hưởng vào một cuộc bỏ phiếu. Ở những tiểu bang mà một ứng cử viên tổng thống thắng hay bại chỉ vì chênh lệch nhau mươi ngàn lá phiếu, thì một bài quảng cáo tung tin bịa đặt nhắm trúng vào những quận, những thị xã được lựa chọn có thể thay đổi ý kiến của hàng chục ngàn cử tri!

Đó là một vấn đề mà Quốc Hội Mỹ, cũng như các công ty truyền thông lớn như Facebook, Google đang tìm cách đối phó. Chế độ dân chủ có thể bị thao túng, lũng đoạn, nếu người dân thờ ơ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Ông Vladimir Putin không cần có chủ ý ủng hộ một ứng cử viên nào, họ chỉ muốn chứng minh rằng chế độ dân chủ tự do không có gì hay ho cả! Đó là một cách tuyên truyền cho dân chúng Nga thấy rằng một “người hùng” như Putin, dù độc tài vẫn tốt hơn một ông tổng thống được bầu theo thể thức dân chủ.

Cho tới nay, cuộc điều tra của ông Mueller chưa đưa ra một chứng cớ chắc chắn nào là ban vận động tranh cử của Tổng Thống Donald Trump năm ngoái đã đồng lõa với tay chân của ông Putin. Không có một quan hệ nào có thể bị buộc tội là bất hợp pháp. Trong khi chờ đợi những bước mới trong cuộc điều tra này, dân Mỹ vẫn có thể coi là ông tổng thống hoàn toàn vô can. (Ngô Nhân Dụng)