Saturday, April 27, 2024

Trà đạo Việt Nam, thật không đấy?

Lâm Công Tử

Tỷ phú Bill Gates tới Việt Nam du lịch là cơ hội cho Đà Nẵng và Hội An gây chú ý qua những hoạt động săn đuổi và mời mọc ông. Tuy nhiên, chỉ tiếc một nỗi là dù ông có chương trình tới thăm Hội An nhưng giờ chót đã bỏ qua. Người dân Hội An không mấy mặn mà lắm với ông Bill Gates, nhưng chính quyền tiếc ngẩn tiếc ngơ vì để vuột cơ hội “làm ăn” với ông tỷ phú này. Còn làm ăn gì thì chắc không ai biết rõ.

Đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, nơi tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái uống trà. (Hình: Hoài Sơn/Dân Trí)

Nhưng bù lại, ông Gates và bạn gái ông được rửa tai nghe những lời vàng ngọc từ một người rất bình thường hầu như chưa bao giờ nghe tới trên mạng xã hội hay truyền thông dòng chính. Người này kể lại buổi “trà đạo” mà ông tổ chức cho ông Bill Gates và cô bạn gái Paula Hurd.

Câu chuyện khá dài mang tên “Buổi thiền trà đặc biệt trên đỉnh núi Bàn Cờ với tỷ phú Bill Gates và bà Paula Hurd” được Hoàng Anh Sướng đưa lên trang Facebook cá nhân, ghi lại khoảnh khắc “thiêng liêng” ấy vào lúc 5 giờ chiều ngày 6 Tháng Ba. Sau khi câu chuyện bày ra, người dân Việt Nam mới biết dân tộc mình có một thứ “đạo” mà xưa nay không thấy ai nhắc đến. Đó là “trà đạo,” một nghi thức mà chỉ có trong văn hóa uống trà của Nhật và Trung Quốc.

Trong triết lý trà đạo của hai nước này vẫn có những khác biệt, tuy cách thức chuẩn bị đều có nét đặc trưng. Xét cho kỹ, cách mà người Nhật và người Hoa gọi là “đạo” giữa hai dân tộc vẫn khác xa nhau. Trung Quốc hướng tới tâm hồn con người, Nhật hướng tới thiên nhiên rồi mới lan tỏa sang con người. Hai cách thưởng thức trà ấy dù sao cũng thật sự không phù hợp với đời sống con người hiện đại. Vì thế, “đạo” này chỉ còn quanh quẩn trong các gia đình giàu có và quyền quý Trung Quốc. Còn ở Nhật thì hình thức trà đạo dần biến mất và chỉ xuất hiện rất hiếm hoi trong những dịp giới thiệu văn hóa cho khách ngoại quốc muốn tìm hiểu.

Và bây giờ, hãy quay lại với cái gọi là “thiền trà” hay “trà đạo” Việt Nam, do ông Hoàng Anh Sướng chủ trì cho hai người khách đặc biệt người Mỹ.

Câu chuyện dài vượt mức cần thiết, những chi tiết gần như cóp nhặt từ cách uống trà của Trung Quốc lâu lâu pha trộn cách của Nhật nhằm làm cho câu chuyện đậm đà hơn. Mở đầu, ông Sướng tự khoe: “Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, tôi đã đi hầu hết các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: các nhà chính trị, các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành… trong và ngoài nước.” Tuy nhiên, khi tìm trên Google thì ông Sướng chỉ là một nghệ nhân, pha trà, và uống trà được một vài cơ sở bán trà quảng cáo. Ông Sướng rất cô đơn trong việc quảng bá trà và cách uống trà. Tuy nhiên, một trong những nhân viên tháp tùng ông Bill Gates được ai đó móc nối đã tạo cơ hội cho ông Sướng có dịp “chém gió” trong buổi trà mạn trên đỉnh núi Bàn Cờ của Đà Nẵng.

Nhưng có lẽ do sướng quá, ông đã quá đà khi giới thiệu một thứ trà đạo mà Việt Nam hoàn toàn xa lạ. Ông ngồi với Bill Gates, một người không thể nói là thiếu thông tin về những gì ông đang nghe, và có thể khi lên máy bay về nhà, ông Bill Gates sẽ tự hỏi sao Việt Nam lại có nhân vật nổ tới mức độ xem thường cả thế giới như vậy, chỉ vì cái danh hão mà nước họ không bao giờ có.

Ông Gates mới là người đi nhiều nước, uống nhiều loại trà với nhiều cung cách khác nhau. Chắc ông không thích thú gì lắm với cung cách giới thiệu của ông Sướng về trà đạo Việt Nam. Ông Sướng “nổ” với ông Gates rằng: “Có thể nói, người Việt Nam chúng tôi là một trong những dân tộc yêu trà nhất trên thế giới. Chúng tôi uống trà ngay từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ, qua người mẹ. Lớn lên, chén trà đồng hành cùng chúng tôi suốt cả cuộc đời. Khi vui, lúc buồn, chén trà luôn có mặt. Trong đám cưới của người Việt Nam, trong các lễ vật mà gia đình chú rể mang đến nhà cô dâu, bao giờ cũng có trà. Trong nghi thức tẩm liệm người chết của người Việt Nam, trước khi đặt thi hài người mất vào quan tài bằng gỗ, bao giờ chúng tôi cũng trải một lớp trà bên dưới. Mục đích để giữ cho thi hài khô và không có mùi hôi.”

Có kiên nhẫn cách mấy khi nghe đoạn này thì Cleopatra cũng phải giật mình sống lại vì Ai Cập cổ đã thua Việt Nam quá xa về cách ướp xác bằng trà. Riêng bạn, nếu là ông Bill Gates, bạn có ói không khi tinh thần đang ở trong trạng thái thăng hoa, nếu có, lại nghe cái thứ mình đang uống có hương vị của xác chết?

Trong đoạn văn giới thiệu trà Việt Nam, ông Sướng cho rằng Việt Nam không những là cường quốc sản xuất trà mà còn lâu đời không thua Trung Quốc. Ông Sướng viết: “Cùng với Trung Quốc, Nhật, Srilanka, Việt Nam là một trong những chiếc nôi trà cổ nhất của thế giới. Hiện nay, Việt Nam chúng tôi sở hữu rất nhiều cánh rừng trà cổ thụ bạt ngàn trên núi cao ở tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… Riêng ở Suối Giàng có một cánh rừng trà cổ thụ khoảng 40,000 cây, trong đó có ba cây chiều cao 8m, đường kính ba người ôm không xuể. Tuổi đời của những cây trà này khoảng 500-600 năm. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân đất Việt về trà. Bởi những cây chè cổ thụ như thế, hiện nay, trên thế giới có thể dễ dàng đếm hết trên mấy đầu ngón tay. Và đây là một minh chứng sinh động nhất để chứng minh Việt Nam chúng tôi là một chiếc nôi trà cổ của thế giới”.

Không ai cấm ông Sướng “tự sướng,” nhưng những thông tin mà ông dẫn ra tôi e rằng ông tỷ phú người Mỹ chỉ cười xòa bỏ qua như một ông giáo già nghe con trẻ cho rằng mình thuộc Tam Tự Kinh hơn ông giáo. Cái tự sướng xem ra vô hại nhưng lại tiềm ẩn những lý do làm cho ông Bill Gates xem thường văn hóa Việt Nam từ khi nhận ra cái văn hóa ấy được tô vẽ quá xa sự thật. Ông Sướng ngầm ám chỉ rằng vì Việt Nam có trà ngon, trồng quá nhiều, nên sinh ra trà đạo là rất logic. Nếu nghĩ lại, ông Sướng sẽ giật mình, cái gọi là đạo luôn phát sinh từ triết lý sống chứ không phải từ sản phẩm làm ra đạo dù được “cung kính” từ cách pha trà tới cách uống, dù tạo ra những ảo tưởng về trà làm cho con người trở thành triết gia hay thiền sư sau một thời gian uống trà… Nếu thiếu triết lý sống thì dân tộc ấy sẽ không thể hình thành thứ trà đạo mà người cổ vũ nó mong muốn.

Việt Nam trong hàng ngàn năm qua chưa lúc nào có một nền triết học căn cứ trên tâm thức con người. Nếu có, chỉ là những bài thơ than thở, những đấm ngực đổ tội cho mệnh trời, hay yếm thế tiêu cực vì công không thành danh không toại… Vì vậy, ông cha ta uống trà rất đỗi bình thường, trà sớm rượu trưa lúc khát hay lúc đãi khách. Khen trà ngọt, thơm hay đậm đà, chứ không lấy thiền mà khen chén trà, phán chuyện mông lung nhằm tự thỏa mãn những thua thiệt, đau khổ của chính mình trong đời sống. Nói Việt Nam có một nền trà đạo là nói cho lấy có, là tự huyễn hoặc mình rồi huyễn hoặc người khác, hay nói rõ hơn: Nói dóc.

Tiếc cho ông Sướng không thấu đáo câu pha trò của ông Bill Gates khi phản ứng lại với cách ông kể chuyện về uống trà. Ông Sướng mô tả phản ứng của ông Bill Gates khi nhìn cô Paula Hurd cười bảo: “Hóa ra, từ trước đến nay, chúng ta toàn uống trà theo kiểu ngưu ẩm à?”

Khi người khách ngoại quốc ấy biết dùng chữ “ngưu ẩm” thì ông Sướng nên bớt sướng mới phải, và “ngưu ẩm” nói lên điều gì? Nó là cách chê bai cách uống trà của người lao động khi “lông nách một nạm, trà Tàu một hơi” chứ không “trà Thái Nguyên hay trà sen Hà Nội” một hơi nhé!

Qua câu chuyện trà đạo Việt Nam lộ ra rất nhiều điều có thực: Người ta lừa nhau từ sản phẩm ẩm thực cho tới văn hóa. Nếu trà đạo là một thứ văn hóa đáng trân trọng thì tại sao không một học giả nào nghiên cứu và nhất là trong khuôn viên đại học Việt Nam chưa hề nghe tới cụm từ này? [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT