Monday, May 20, 2024

Trung Quốc: Chạy trốn khỏi thiên đường

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam đang gây sức ép rất lớn, buộc chính quyền Tổng Thống Joe Biden phải thương lượng với các thượng nghị sĩ Cộng Hòa, xem xét ban hành những hạn chế mới đối với người nhập cư và mở rộng quy trình trục xuất di dân bất hợp pháp đổi lấy việc được chấp thuận viện trợ thêm cho Ukraine và Israel. Đáng chú ý trong làm sóng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ những tháng gần đây có rất nhiều người Trung Quốc chạy trốn khỏi thiên đường cộng sản.

Một thanh niên Trung Quốc ngồi trước lều ở Jacumba, California, ngày 6 Tháng Mười Hai chờ vượt biên vào biên giới Hoa Kỳ. (Hình: Valerie Macon/AFP via Getty Images)

Số liệu của cơ quan bảo vệ biên giới CBP cho biết năm tài khóa 2023 có số người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, 3.2 triệu người, tăng 16% so với năm 2022 (2.76 triệu người) và 63% so với năm 2021 (1.96 triệu người). Tính chung từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống đầu năm 2021 đến cuối Tháng Chín, 2023, CBP đã bắt được 5,815,600 người nhập cư bất hợp pháp và đã trục xuất hơn 2 triệu người. Chỉ riêng số người nhập cư bất hợp pháp trong năm 2023 đã nhiều hơn bốn năm cầm quyền của ông Donald Trump cộng lại.

Riêng với Trung Quốc – đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nằm cách nước Mỹ nửa vòng trái đất – số người vượt biên vào Mỹ tăng với tốc độ chóng mặt. Số liệu của CBP ghi nhận trong năm 2023 có 52,000 người Trung Quốc vào Mỹ qua biên giới phía Nam, trong đó có 24,500 người bị CBP bắt và hiện bị giữ trong các trại tạm giam gần biên giới. Năm 2021 có chưa tới 2,000 người Trung Quốc và trong thập niên qua có chưa tới 15,000 người vượt biên trái phép như vậy. Theo hãng tin AP, hiện người Trung Quốc là nhóm đông thứ tư trong số người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam, chỉ sau người Venezuela, Ecuador, và Haiti.

Trong một phóng sự đăng ngày 3 Tháng Mười Hai, nhật báo the New York Times thuật lại hành trình gian khổ mà anh Gao Zhibin, cư dân tỉnh Sơn Đông, và anh Zhong (chỉ cho biết tên họ vì sợ bị trả thù), từ tỉnh Tứ Xuyên, đã trải qua để đến nước Mỹ. Không như những người Trung Quốc giàu có thường di cư qua những con đường hợp pháp như đi du học, kết hôn hoặc đầu tư, những người như anh Gao và anh Zhong – chiếm đa số trong làn sóng vượt biên của người Trung Quốc – đi theo con đường nguy hiểm băng qua khu rừng Darien Gap khét tiếng ở Panama mà dân Trung Mỹ như người Cuba, Haiti, Venezuela, Ecuador thường đi.

Anh Gao cho biết có nhiều “cẩm nang” lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc chỉ dẫn từng bước cách mua vé máy bay đến Ecuador – quốc gia mà người Trung Quốc có thể đến mà không cần xin visa. Từ đó, họ bắt đầu hành trình vạn dặm về phía Bắc, băng qua Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala và Mexico để đến biên giới Mỹ. Tại cửa khẩu biên giới, họ sẽ trình diện nhân viên biên phòng Mỹ, bị bắt vào các trại giam giữ người vượt biên bất hợp pháp. Ở đó họ sẽ làm hồ sơ xin tị nạn với lý do sợ bị ngược đãi nếu bị trả về Trung Quốc. Nếu may mắn, họ sẽ được thả ra sau vài ngày và được tạm trú tại Mỹ trong thời gian hồ sơ của họ được cứu xét. Nếu đơn xin tị nạn được chấp nhận, họ có thể tìm việc làm và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ.

Rời Trung Quốc vào ngày 24 Tháng Hai năm nay, anh Gao, 39 tuổi, cùng con gái 13 tuổi, đã đáp máy bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến Quitto, thủ đô Ecuador ở Nam Mỹ. Từ đó, sau cuộc hành trình 34 ngày, sụt mất 30 pound, anh Gao và con gái đến được nước Mỹ, định cư ở San Francisco, thuê được chỗ ở, mua xe, xin được giấy phép làm việc và một chân giao hàng cho một công ty bán hàng qua mạng với thù lao $2 mỗi gói hàng. Con gái anh được đi học, còn anh nỗ lực mỗi ngày giao được 100 gói hàng dù phải đi sớm về trễ. Hồi giữa tháng trước, anh Gao đã nghỉ việc một ngày để xuống phố San Francisco tham gia biểu tình, hô khẩu hiệu bằng tiếng Quan Thoại đòi ông Tập Cận Bình từ chức khi đoàn xe của nhà lãnh đạo Trung Quốc dự hội nghị APEC đi qua.

Trò chuyện với nhà báo, anh Gao nói anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chạy khỏi Trung Quốc. Anh tin rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ dẫn đất nước tới chiến tranh và đói kém. Nhiều người Trung Quốc khác cũng theo hướng dẫn của “cẩm nang” trên mạng mà chạy trốn khỏi viễn cảnh kinh tế u ám và đàn áp chính trị ngày càng quyết liệt ở quê hương của họ.

Dưới sự cai trị của ông Tập và đảng CSTQ, bất kỳ người Trung Quốc nào cũng có thể trở thành mục tiêu của nhà nước công an trị. Họ có thể gặp rắc rối chỉ vì là tín đồ Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, là người sắc tộc Uyghur, người Tây Tạng hay người Mông Cổ. Một công nhân có thể bị bắt vì gửi đơn khiếu nại đòi tiền lương bị nợ. Người mua nhà bị bắt vì kiện công ty địa ốc không giao nhà đúng hợp đồng. Một sinh viên bị bắt vì vượt tường lửa vào xem Facebook, ngay cả các cán bộ đảng viên cũng có thể bị bắt nếu bị phát hiện họ tàng trữ những tài liệu sách vở bị cấm… Anh Zhong trong phóng sự của The New York Times phải chạy trốn sau khi bị quấy nhiễu liên tục chỉ vì trong một lần kiểm tra giao thông dịp Giáng Sinh, cảnh sát phát hiện trong xe anh có cuốn Kinh Thánh. Họ mắng anh mê muội tin theo tà đạo, ném cuốn kinh xuống đất và giẫm lên rồi buộc anh phải cài vào máy điện thoại một ứng dụng theo dõi các hoạt động của chính anh.

Tệ hơn nữa, kinh tế Trung Quốc mấy năm nay không tăng trưởng như thời trước đại dịch COVID-19. Xuất cảng giảm sút, hoạt động sản xuất công nghiệp bị đình trệ, thị trường bất động sản sụp đổ và thanh niên thất nghiệp tràn lan. Người dân Trung Quốc không thấy lối thoát (no way out) dưới thời ông Tập Cận Bình, một học giả Trung Quốc tại Mỹ than thở. Dẫn tài liệu của Liên Hiệp Quốc, hãng AP cho biết trong năm nay Trung Quốc có thể mất khoảng 310,000 công dân do di cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Đích đến được ưa chuộng nhất của họ không đâu khác hơn là nước Mỹ, sau đó là Canada và Úc.

Làn sóng chạy trốn hiện nay trái ngược hoàn toàn với xu hướng “hồi hương” của người Trung Quốc cách đây khoảng một vài thập niên. Khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh đầu những năm 2000 và chính quyền nới lỏng các biện pháp kiểm soát xã hội, rất nhiều người gốc Trung Quốc ở khắp thế giới đã quay về xây dựng quê hương theo lời kêu gọi “hải quy” (hải ngoại quy cố hương) của chính phủ. Sinh viên tốt nghiệp các đại học Âu Mỹ ồ ạt về nước làm việc do có nhiều cơ hội thăng tiến và đãi ngộ cao hơn. Nhiều nhà khoa học tham gia các chương trình công nghệ lớn mà Bắc Kinh đưa ra như dự án “Ngàn Tài Năng” (A Thousand Talents), “Made in China 2025”… làm cho một số nước Âu Mỹ rất khó xử.

Bây giờ thì người Trung Quốc “bỏ phiếu bằng chân” chạy trốn khỏi thiên đường của ông Tập. Nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường huênh hoang rằng “Phương Đông đang trỗi dậy còn Phương Tây đang suy tàn.” Ông cho rằng mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc chứng tỏ là ưu việt hơn hệ thống dân chủ của Phương Tây và trọng tâm kinh tế của thế giới ngày nay đã “chuyển từ Phương Tây sang Phương Đông.” Mới đây nhất, ông đã khuyến dụ giới lãnh đạo Việt Nam “cùng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc, coi đó là con đường duy nhất thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến tới hiện đại hoá. Thực tế cho thấy những lời đại ngôn của ông Tập là trống rỗng, xa rời thực tế.

Làn sóng di cư khỏi Trung Quốc đang rộ lên nhưng khác với cha ông họ, những người Trung Quốc vượt biên ngày nay có vốn liếng, có kiến thức về thế giới bên ngoài nhờ mạng xã hội; họ ra đi không chỉ để cải thiện đời sống kinh tế mà còn do khát vọng tự do, tự chủ – đi theo con đường nhập cư bất hợp pháp chỉ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. Tạp chí The Diplomat ghi nhận trong số người Trung Quốc bị giam tại các trại gần biên giới Mỹ có một số chủ doanh nghiệp nhỏ, nhà giáo, thậm chí có cả người đã tốt nghiệp ngành tài chính ở Úc.

Để đến được biên giới nước Mỹ, hầu hết những người Trung Quốc vượt biên phải bỏ ra khoảng $35,000, cao gấp ba lần mức chi phí mà người dân Trung Mỹ hoặc Nam Mỹ phải trả. Điều đó cho thấy đa số người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc thuộc thành phần trung lưu. Tại khu tạm giữ Jacumba Hot Springs gần San Diego, California, bà Erika Pinheiro, một luật sư về di trú, nói với tuần báo The New York Post rằng bà đã gặp các gia đình bị chính quyền Trung Quốc đàn áp về chính trị, nhiều người là nhà bất đồng chính kiến nhưng có rất nhiều người khá giả. Trong đó có người trông như khách du lịch, mang theo những chiếc va li Samsonite đắt tiền. “Vài người trong số họ có thị thực du lịch, cứ như họ vừa đi nghỉ mát ở Mexico rồi nhân tiện đi bộ qua biên giới vào Mỹ xin tị nạn (!)”

Sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc trong làn sóng người vượt biên trái phép cũng gây lo ngại cho an ninh của nước Mỹ. Ông Gordon Chang, nhà nghiên cứu gốc Hoa của Gatestone Institute, cho rằng có một số người chạy trốn khỏi Trung Quốc vì tuyệt vọng, nhưng cũng có những kẻ có ý đồ đen tối. Ông  nhận thấy có nhiều người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp là nam giới, ở độ tuổi quân dịch, không có thân nhân ở Mỹ và giả vờ không biết tiếng Anh. “Họ có thể là những kẻ phá hoại đến đây để chờ ngày nổ ra chiến tranh [của Mỹ] với Châu Á,” ông Chang nói và đưa ra một dự báo đáng sợ.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều các hành vi phá hoại, ám sát, nổ bom, đốt rừng… Và chính quyền Biden chẳng để ý tới những chuyện đó,” ông Chang nói trong chương trình “Morning With Maria” trên truyền hình Fox News.

Theo thỏa thuận đang bàn bạc với đảng Cộng Hòa, chính quyền Biden sẽ phải thay đổi chính sách kiểm soát biên giới, việc xin tị nạn sẽ khó khăn hơn, chính quyền sẽ đẩy mạnh trục xuất những người vượt biên bất hợp pháp… Điều đó có ngăn chặn được làn sóng chạy trốn khỏi thiên đường của người Trung Quốc hay không thì chưa biết chắc được. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT