Friday, April 26, 2024

Tứ Cường và Phạm Đoan Trang

Hiếu Chân/Người Việt

Tại hội nghị Tokyo ngày 6 Tháng Mười, sáng kiến “Tứ Cường Mở Rộng” có thể bao hàm cả Việt Nam vào cuộc kiềm chế sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, tạo thuận lợi để Việt Nam tiến gần thêm một bước tới các nước dân chủ là một cái gai gây khó chịu cho Bắc Kinh. Để ngăn chặn xu thế đó, tiếp tục ly gián Việt Nam với thế giới, Hà Nội ra tay bắt bà Phạm Đoan Trang, làm dấy lên sự phản đối của Mỹ, Nhật và Châu Âu.

Nhóm Đối Thoại An Ninh Tứ Cường (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc muốn kiềm chế sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực. Trong hình, từ trái, Tổng Thống Mỹ Donald Trump, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 ở Osaka, Nhật, hôm 28 Tháng Sáu, 2019. (Hình minh họa: Carl Court/AFP via Getty Images)

Nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang tại Sài Gòn trong đêm 6 Tháng Mười, chỉ vài tiếng đồng hồ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lần thứ 24 được tổ chức qua mạng với sự tham dự của Đại Sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink cùng các quan chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Vụ bắt giữ bà Đoan Trang cũng trùng vào thời điểm hội nghị bộ trưởng ngoại giao bốn nước trong Nhóm Đối Thoại An Ninh Tứ Cường (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tại thủ đô Tokyo để bàn chính sách đối phó với Trung Quốc. Có mối dây liên hệ nào giữa những sự kiện cách xa nhau và có vẻ như không trực tiếp dính dáng với nhau như vậy?

Vì sao bắt bà Đoan Trang vào lúc này?

Bà Phạm Đoan Trang là một người đấu tranh cho dân chủ rất nổi tiếng, không chỉ ở trong nước mà cả ở tầm quốc tế. Khác với những người đấu tranh khác, bà Trang chọn con đường đấu tranh bằng ngòi bút và trí tuệ sắc sảo của một nhà báo chính trực: bà viết sách phân tích chính trị cho người bình dân “Chính Trị Bình Dân,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực,” “Cẩm Nang Nuôi Tù”…; bà góp phần sáng lập nhà xuất bản Tự Do và trang mạng Luật Khoa tạp chí. Gần đây nhất, bà Đoan Trang đã cùng cộng sự tập hợp thông tin và công bố “Báo Cáo Đồng Tâm” nói lên sự thật về vụ thảm sát ở Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội hồi Tháng Giêng, 2020.

Hoạt động của bà bị nhà cầm quyền Cộng Sản lên án và cấm đoán, bản thân bà bị công an đánh đập đến thương tích nặng và phải thường xuyên thay đổi chỗ ở để che giấu tung tích. Nhưng với những người hoạt động chống chính quyền Cộng Sản, bà Trang là một tấm gương phản kháng phi bạo lực, một nguồn cảm hứng cho giới trẻ đi theo con đường “khai dân trí, chấn dân khí” bằng đấu tranh bất bạo động của cụ Phan Châu Trinh.

Việc nhà cầm quyền truy đuổi và bắt giam bà Đoan Trang là chuyện tất nhiên, sớm hay muộn họ cũng ra tay dập tắt tiếng nói của bà. Trong mấy năm qua bà Trang như “chim trong lồng, cá trong chậu,” công an muốn bắt lúc nào chẳng được nhưng tại sao nhà cầm quyền bắt bà Trang vào thời điểm này là nỗi băn khoăn lớn của những người quan tâm tới thời cuộc vì dù bà chỉ là một nhà đấu tranh đơn lẻ, hành động đàn áp của nhà cầm quyền ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới vị thế và xu hướng của cả đất nước.

Có những ý kiến cho rằng, bắt giam bà Đoan Trang, guồng máy an ninh CSVN muốn “lập thành tích chào mừng” đại hội Đảng Bộ Công An Trung Ương ngày 12 Tháng Mười vừa qua – một sự kiện chuẩn bị cho đại hội toàn quốc đảng CSVN lần thứ 13 sắp tới.

Tứ Cường – tập hợp những nước bị Trung Quốc chèn ép

Nhưng đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, chúng tôi cho rằng qua việc bắt giam bà Đoan Trang, Hà Nội muốn thể hiện phản ứng với tín hiệu Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam vào xu hướng hình thành một liên minh chống Trung Quốc ở khu vực Đông Á qua cơ cấu “Tứ Cường Mở Rộng.”

Nhóm Tứ Cường hình thành không chính thức từ năm 2007 theo sáng kiến của Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm phối hợp hoạt động diễn tập quân sự, tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa sóng thần cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng ở các nước Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng sáng kiến Quad nhanh chóng bị gác lại sau khi có sự thay đổi giới lãnh đạo ở cả bốn nước thành viên và phản đối của Trung Quốc. Mười năm sau, tại hội nghị cấp cao ASEAN 2017 ở Manila, các nhà lãnh đạo mới (Tổng Thống Mỹ Donald Trump, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull) đã quyết định phục hồi và mở rộng nội dung hoạt động của Quad sang hướng kiềm chế sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc, dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình, đã trở thành đối thủ, thành mối đe dọa với lợi ích của cả bốn nước Quad. Ở phía Tây, Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn làm hơn 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng. Ở phía Đông, Bắc Kinh gia tăng tần suất quấy nhiễu khu vực quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư. Ở phía Nam, Trung Quốc ra tay trừng phạt kinh tế Úc sau khi Canberra hồi Tháng Tư yêu cầu thế giới tổ chức điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán. Trung Quốc vẫn tiếp tục bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về tính chất bất hợp pháp của các yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, từ đó mâu thuẫn với yêu sách về tự do hàng hải theo luật quốc tế của Hoa Kỳ.

Cùng lo ngại và cùng bị xâm phạm lợi ích do chính sách bành trướng của Trung Quốc, bốn nước Tứ Cường tập hợp với nhau để đối phó với Bắc Kinh là lẽ tự nhiên. Sáng kiến Quad cũng phù hợp hoàn toàn với đường lối ngoại giao mới, xây dựng “Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của chính phủ Donald Trump, trong đó nội dung chính là hỗ trợ các bạn bè và đồng minh trong khu vực chống lại ảnh hưởng và sự chèn ép của chế độ độc tài Trung Quốc. Nội dung đó thể hiện rất rõ trong tuyên bố của các ngoại trưởng Tứ Cường tại hội nghị Tokyo tuần trước.

Hội nghị Tokyo của nhóm Quad không đề cập tới một cơ chế an ninh khu vực theo kiểu Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Châu Á và phải mất nhiều năm nữa một NATO Châu Á mới có thể hình thành từ các quốc gia còn nhiều khác biệt về thể chế chính trị và trình độ phát triển. Tuy nhiên, Quad đã đi thêm một bước trong việc thành lập các mạng lưới liên kết khác nhau theo từng lĩnh vực và không hạn chế số thành viên.

“Quad là một quan hệ đối tác được thúc đẩy bởi những quốc gia có chung lợi ích, không có nghĩa vụ ràng buộc và không có ý định trở thành một tập hợp riêng, khép kín. Mọi quốc gia tìm kiếm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mong muốn có những bước đi để bảo đảm điều đó đều được chào đón và làm việc với chúng tôi,” Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Stephen Biegun giải thích tại diễn đàn Ấn Độ-Hoa Kỳ tại New Delhi hôm Thứ Hai, 12 Tháng Mười.

Thủ đoạn ly gián

Trong các sáng kiến của Quad mà Hoa Kỳ đứng sau thúc đẩy, Việt Nam luôn được coi là một đối tác đầy triển vọng: một quốc gia có cùng ý thức hệ Cộng Sản với Trung Quốc nhưng có hàng ngàn năm lịch sử chống Trung Quốc và cảm xúc dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc đang dâng trào, có vị trí địa lý thuận tiện để ngăn cản sự bành trướng của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh.

Trước sự chèn ép và bao vây tứ phía của Trung Quốc, trước làn sóng phẫn nộ của người dân trong nước, nhà cầm quyền CSVN gần đây đã tỏ dấu hiệu muốn “thoát Trung,” hội nhập sâu hơn với các nước dân chủ không chỉ về kinh tế mà cả an ninh quốc phòng. Việc mời gọi Việt Nam, cùng với New Zealand và Nam Hàn tham gia “Mạng Thịnh Vượng Kinh Tế” (Economic Prosperity Network) – một sáng kiến của nhóm Quad do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố hôm 29 Tháng Tư – là một bước đi nữa cho thấy Việt Nam sẽ và cần chuyển hướng chính sách để tồn tại và phát triển trước tham vọng của người láng giềng khổng lồ phương Bắc.

Nhưng Việt Nam càng tiến gần với phương Tây thì Bắc Kinh càng tức giận và tìm cách phá bĩnh, cố giữ Hà Nội trong cái vòng kim cô “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” đã tròng lên đầu đảng CSVN trong suốt ba mươi năm qua. Cách thông thường mà Bắc Kinh áp dụng để ly gián Việt Nam với phương Tây là thúc đẩy Việt Nam có những động tác chà đạp nhân quyền tệ hại nhất để các chính phủ dân chủ như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu phải lên tiếng phản đối, từ đó cản trở ý định dành cho Việt Nam một chỗ ngồi trên vuông chiếu “Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Trước đây, khi Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu xem xét để thông qua Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA) trong Tháng Hai và Tháng Ba năm nay, nhà cầm quyền CSVN đã ra tay bắt giam ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam – một người đấu tranh mạnh mẽ bằng ngòi bút, ngày 21 Tháng Mười Một, 2019, những mong hiệp định EVFTA sẽ bị đình chỉ, quan hệ EU-Việt Nam sẽ không tiến triển được.

Lần này, khi triển vọng quan hệ giữa Việt Nam với nhóm Tứ Cường được thăng tiến, đám tay chân của Bắc Kinh trong chóp bu Bộ Công An CSVN lại ra tay bắt giam bà Phạm Đoan Trang một cây bút đấu tranh nổi tiếng khác, dựng thêm một rào cản cho khả năng thay đổi để hội nhập với thế giới dân chủ của nhà cầm quyền CSVN.

Cứ như thế, bắt bớ giam cầm trấn áp dã man những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước đã trở thành một sách lược để thành phần phản động trong guồng máy an ninh CSVN sử dụng để gây ly gián Việt Nam với thế giới bên ngoài và trấn an Bắc Kinh rằng họ vẫn trung thành với thân phận chư hầu khoác áo ý thức hệ!

Ông Phạm Chí Dũng và bà Đoan Trang đều bị cáo buộc phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015 – một điều luật mơ hồ và phi lý – nhưng theo sách lược của công an Cộng Sản chắc chắn cả hai người đều sẽ bị tuyên những bản án hết sức nặng nề. Bản án cho họ càng nặng thì công an càng dễ đạt được mục tiêu sách lược của họ. Và quan thầy của họ ở Bắc Kinh! [qd]

MỚI CẬP NHẬT