Sunday, April 28, 2024

Văn hóa còi hụ

Lâm Công Tử

Ở Mỹ mỗi khi nghe còi hụ người đang lái xe ngay lập tức chạy chậm lại tìm chỗ trống nép vào nhường đường cho xe, bất kể là cứu hỏa, cảnh sát hay cứu thương. Việc làm này bắt buộc, ai không thi hành lập tức nhận được giấy phạt. Tuy nhiên cái giấy phạt ấy khó lòng được giao cho người vi phạm vì lẽ đơn giản, không ai vi phạm cả.

Chiếc xe được cấp cho Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Hà Tĩnh sử dụng, đã dùng đèn, còi ưu tiên để đón con gái của bà chủ tịch hội ở phi trường. (Hình: VietNamNet)

Văn hóa của người Tây phương hầu như giống nhau điều này: ý thức nhường đường cho các loại xe phục vụ công cộng đã ăn sâu vào máu của công dân, vì vậy việc cố tình chạy tranh với những loại xe có còi hụ là hành vi không những phạm pháp mà còn thiếu tự trọng. Bất kể bạn đang gấp cỡ nào luật pháp cũng không cho phép bạn vượt qua. Cái giá của việc làm này sẽ khiến cả đời bạn ân hận khi trong hồ sơ lái xe của bạn ghi rằng bạn vượt tiếng còi hụ.

Nhưng Việt Nam lại khác.

Còi hụ không chỉ dành riêng cho các đơn vị cứu hỏa, cứu thương hay cảnh sát mà nó còn được cấp cho những nhân vật quan trọng, những tay chân của đảng khi họ công tác khẩn cấp. Cái còi hụ và đèn xanh đỏ chớp chớp có sức hấp dẫn mãnh liệt với nhiều người Việt, và vì vậy lợi dụng nó là một việc làm ai cũng… mơ ước.

Hãy nhìn việc lưu thông trên đường phố thì sẽ thấy, người người chạy xe tranh nhau về trước, chen lấn nhau bất kể ai ưu tiên trên cùng một đoạn đường. Khi nghe còi hụ, không ai tránh vào làn đường dành cho việc ưu tiên của phương tiện cần chạy nhanh hơn các loại xe cộ khác. Không phải người Việt không có ý thức về vấn đề này nhưng vấn đề nằm trong việc quy hoạch đường sá. Xe cộ lúc nào cũng ken cứng lòng đường thì lấy đâu ra có chỗ để người ta lách vào nhường đường chứ?

Có lẽ vì đông đúc và chen lấn như vậy nên nhà nước cấp phép cho cả những chiếc xe không có gì để “ưu tiên” ngoại trừ chức vụ và quyền hạn của đơn vị chủ quản chiếc xe ấy.

Hồi đầu năm 2019, ông Trần Tuấn Anh, khi đương chức bộ trưởng Công Thương, từng khiến các báo ở Việt Nam tốn nhiều giấy mực với vụ chỉ đạo thuộc cấp điều xe biển xanh vào tận phi trường Nội Bài đón vợ, cựu người mẫu ảnh Thủy Hương, đi chơi về.

Lần này, một “quái nhân” khác cũng hành xử tương tự khi cho tài xế lái xe vào tận phi trường rước con gái của mình từ Sài Gòn về Vinh thăm nhà. Bà này chức không lớn như Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nhưng vị thế trong tỉnh thì bà cũng có tiếng nói. Bà ấy là Nguyễn Thị Lệ Hà, chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Hà Tĩnh!

Hội Liên Hiệp Phụ Nữ trên danh nghĩa là bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ nhưng chưa có lần nào hội này lên tiếng cho những hoàn cảnh khốn khó của chị em phụ nữ. Mỗi lần có bất công xảy ra đâu đó thì hội này im lặng, im lặng một cách tuyệt đối, bởi vì những bà chủ tịch hội như bà Nguyễn Thị Lệ Hà đều biết rằng cương vị của họ không phải để bảo vệ phụ nữ mà là bảo vệ đảng.

Họ sẽ lên tiếng rất mạnh mẽ mỗi khi đảng phát động một phong trào nào đó như đòi hỏi quyền lợi phụ nữ cho nạn nhân chất độc da cam, đòi hỏi quốc tế giúp cho người phụ nữ Việt Nam bình đẳng giới, giúp cho việc thoát nghèo, hay kế hoạch hóa gia đình… mỗi khi muốn thu hút sự viện trợ tài chính của các định chế quốc tế, chứ không lên tiếng vì sự đàn áp của nhà nước đối với phụ nữ, mà việc lấn chiếm đất đai là một ví dụ.

Đã không giúp người phụ nữ Việt Nam một cách cụ thể thì việc phô trương quyền lực có ý nghĩa gì?

Ý nghĩa duy nhất của việc làm này là “đứng trên luật pháp.”

Khi đã là đảng viên, người Cộng Sản tự cho rằng mình là thành phần ưu tú. Họ thành đảng viên không phải tìm cơ hội góp sức phát triển quốc gia mà tìm cơ hội để phát triển tham vọng cá nhân trong đó có tiền bạc và danh vọng. Họ kiếm tiền dễ như lấy đồ trong túi tùy vào vị trí họ nắm giữ. Chức phận càng cao thì tham vọng càng nhiều.

Hú còi giữa đám đông chứng tỏ mình có quyền lực trong cái đám dân khố rách áo ôm kia. Tiếng còi rộn rã và lanh lảnh báo hiệu một đảng viên cao cấp đang xuyên qua đám đông không phải là một điều thú vị hay sao? Tiếng còi ấy vừa kiêu hãnh, vừa quyền lực. Nó không giúp cho bệnh nhân cần cấp cứu, một sự việc cần giải quyết hay một trường hợp cần chữa cháy. Nó biểu trưng cho sự kiêu ngạo Cộng Sản vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của gần 5 triệu đảng viên từ ngày thành lập đảng.

Văn hóa còi hụ của Việt Nam tuy mới sinh ra vài năm gần đây nhưng hứa hẹn một tương lai đầy lý thú. Còi sẽ hụ mỗi khi có đám rước dâu của con cái các ông bà quan lớn. Còi sẽ hụ khi con cái quan lớn đỗ đạt từ nước ngoài về nhà. Còi sẽ lên tiếng cho người dân biết khi một đội bóng quốc gia thắng trận trở về… Cứ thế còi sẽ tiếp tục cho thiên hạ biết về văn hóa còi hụ của Việt Nam tuy sinh sau đẻ muộn nhưng không hề thua kém bất cứ nước nào về khoản làm cho dân chúng chú ý.

Tây phương hụ còi cho dân chúng tránh phương tiện cấp cứu, còn Việt Nam hụ còi cho người dân cúi xuống nhìn lại thân phận mình trước tiếng còi đầy tự hào của đảng.

Đảng viên sử dụng còi hụ thay vì nói lớn câu “Biết bố mày là ai không” không phải là một bước tiến văn hóa hay sao? Chỉ là tiếng còi ngắn ngủi thôi, có gì mà phải ầm ĩ? [qd]

MỚI CẬP NHẬT