Tuesday, March 19, 2024

Cháo mực, món bình dị khó quên ở Sài Gòn

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Những ai từng sống ở Sài Gòn, thời thập niên 80 của thế kỷ trước, chắc đã từng ăn qua tô cháo mực thì sẽ… không thể nào quên. Là vì, thời kỳ này là thời kỳ “đỉnh cao”của “Cộng Sản thời Lê Duẩn,” nên đói, đói… khủng khiếp!

Nhiều quý độc giả khó hình dung ra thời kỳ này. Nên người viết xin mượn lời của một cựu sinh viên  kể về thời kỳ đó, để quý độc giả tiện hình dung.

“Bối cảnh xảy ra trước một quán cháo mực, bên dưới một cột đèn đường, thời thập niên 1980. Đèn đường như ‘đít đom đóm’ lúc tỏ, lúc lu. Thêm cảnh mưa giăng lất phất, dưới những hàng me khuya đường Nguyễn Du…

Có hai con ma ốm nhom, ốm nhách nép dưới hàng hiên trò chuyện to nhỏ với nhau.

Con ma này hỏi con ma kia: Bồ chết hồi năm nào mà coi sao ốm quá vậy?

Một con ma sụt sùi trả lời: Mình chết năm 1945, thời đó tụi Nhật nó ác quá đi, bắt dân mình nhổ lúa để trồng đay, nên mình bị chết đói. Còn bồ chết năm nào mà coi sao tệ còn hơn mình vậy?

Con ma kia nghẹn ngào đáp: Mình là ma Việt kiều bên Cambodia, thời Pol-Pot nó lùa hết dân vô trại Ăng-ka, bắt làm như nô lệ mà không cho ăn, bệnh tật không được nghỉ, không có thuốc uống, nên mình chết thảm ra như vầy!

Vừa dứt lời, hai con ma chợt nhìn thấy một con ma khác đang đi tới. Hai con ma chạy ra đón đầu, kinh ngạc hỏi: Trời ơi ! Bồ chết hồi năm nào mà bộ dạng coi còn tệ hơn cả hai đứa mình?

Con ma thứ ba, gào lên: Tiên sư chúng mày, ma nào mà ma. Tao là sinh viên ‘xã hội chủ nghĩa’, đi học lớp đêm về đi kiếm cháo mực ăn!

Hai con ma ốm kia cười ré lên và bỏ chạy. Ngó lại thì ông chủ quán cháo mực khuya cũng quăng gánh chạy mất dép.”

Quán cháo mực vẫn thấp thoáng hiện diện đâu đó, đầu những con hẻm của xóm nghèo, một góc phố khuya… (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nói vậy, nhưng thời nghèo đói đó cũng có những cuộc tình lãng mạn, được “tiếp sức” bởi những tô cháo mực khuya.

Là vì thời đó, phở hay hủ tiếu quả là những món xa xỉ, những đôi tình nhân nghèo đâu có thể đưa nhau vô những quán đó.

Trời đêm mưa lạnh, cháo mực khuya giá rẻ lại ấm lòng. Vì là cháo, nên chỉ cần thêm nước, thêm gạo, chút tôm khô (loại rẻ tiền), chút huyết heo, da heo, giá sống, hành lá, gừng xắt lát… Thế là có nồi cháo mực bình dân.

Nguồn gốc của món cháo mực, có người cho rằng nó có gốc gác từ miền Tây, vì dân sống trong vùng bưng biền, có gì dùng nấy, rất chuộng đồ khô nên có lẽ trời mưa dầm không đi chợ được, họ bèn nấu… cháo mực? Giả thuyết này coi bộ khó “đứng vững,” vì dân vùng Đồng Tháp Mười thường dùng khô cá, chứ khô mực không phải là đặc sản mà miền Tây thường có.

Vậy cháo mực xuất xứ từ dân miền biển chăng? Đi nhiều nơi qua các vùng biển, một người bạn cho người viết biết là chưa hề thấy ở đâu nấu món cháo mực như Sài Gòn.

Cuối cùng, theo người viết có khả năng món cháo mực ở Sài Gòn chịu “ảnh hưởng” của món cháo Tiều của người Hoa, đã du nhập vô Sài Gòn theo chân người di dân Triều Châu.

Món cháo Tiều tuy có phần giống cháo lòng của người Việt (cũng dùng lục phủ ngũ tạng của con heo), nhưng có đặc điểm là cho thêm mực và rất nhiều hành lá.

Ở Sài Gòn có rất nhiều loại cháo, có một số loại có những điểm khá giống, đôi khi khách ăn không rành cũng có thể bị lầm. Như các món cháo lòng, cháo Tiều, cháo huyết, cháo mực… Kỳ thực, bốn loại cháo này về bề ngoài có nhiều điểm tương đồng, nhưng về hương vị khi ăn thì rất rõ ràng, mỗi món cháo mang một hương vị riêng, không lẫn vào đâu được.

Như đã nói, thập niên 1980 ở Sài Gòn món cháo mực rất phổ biến. Lý do là “ngon, bổ, rẻ” hợp túi tiền người bình dân, lại dễ nấu, dễ bán… Chỉ cần một nồi đựng cháo, ít cái tô, vài ba cái ghế gỗ lúp xúp, có khi khách dễ tánh ngồi bệt bên vỉa hè, hay hàng hiên, xì xụp húp.

Cháo mực bình dân thường bán không quá 20 ngàn đồng/1 tô. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Dĩ nhiên trước thập niên 1980, Sài Gòn đã có món cháo mực. Và hiện nay, Sài Gòn dù đã có vô số hàng quán, với vô số món ăn “ từ bốn phương trời.” Nhưng món cháo mực vẫn thấp thoáng hiện diện đâu đó, đầu những con hẻm của xóm nghèo, một góc phố khuya, hay một quán chợ ven đường.

Gặp và trò chuyện với một vị chủ quán cháo mực, là người gốc Triều Châu.

Vị chủ quán cho biết, để có một nồi cháo mực ngon bán cho khách phải rất “công phu.” Dù nguyên liệu nấu chỉ là những thứ bình dân dễ tìm. Như là phải thức khuya đi chợ đêm sớm, lựa thứ xương heo phải vừa ngon, vừa tươi có như vậy nồi cháo mới thơm ngon. Chứ xương heo bị ôi (cũ) hay không phải loại ngon sẽ có vị tanh, khách khó tánh sẽ bỏ quán ngay.

Huyết heo cũng vậy, phải biết lựa, cái này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Như nhìn bằng mắt, nghe vị, rồi mới tới dùng tay. Rồi như da heo, phải lấy da lưng mới dòn ngon, không lấy da bụng vừa dai vừa tanh. Da cũng phải lựa con heo “đúng lứa” già quá thì da cứng và dai không dùng được, non quá thì bị “nhớt,” khách cũng chê…

Phần khô mực cũng phải biết lựa, con vừa thì vừa ngọt vừa mềm, đừng ham con lớn vừa cứng vừa lạt. Ngâm mực bằng nước lạnh, còn phải biết dùng rượu trắng để khử mùi hôi. Khi cắt miếng, xào phải canh nồi cháo vừa tới mới cho mực vô, nếu cho sớm mực sẽ bã ra lạt nhách, cho trễ mực chưa tới bị cứng khách ăn cũng không thích.

Tóm lại, để có một nồi cháo mực ngon, mọi thứ phải hòa quyện với nhau, vị này đưa vị kia lên thì mới thành công. Chứ vị này chỏi vị kia là thất bại, cho người ta cũng chê chứ đừng nói là bán.

Đặc điểm của tô cháo mực là thanh, huyết, khô mực hay da heo đều chỉ vài ba miếng, chứ không nhiều.

Tô cháo mực không thể thiếu hành lá, gừng xắt lát (bỏ trong nồi cháo) và gừng tươi xắt (như cọng tăm) bỏ trong tô cháo, một nắm giá sống dài tươi. Thêm muỗng ớt xay đỏ cay nồng, vắt miếng chanh tươi… Chu choa! Mùi chanh, mùi ớt sực lên hòa quyện cùng mùi tôm khô, huyết, khô mực, mùi hành lá, gừng… Làm cho cơn thèm ăn trồi lên “bủa sóng” quanh các chân răng.

Là một món ăn thanh, ấm bụng lót dạ đầu giờ chiều hay mỗi sớm mai đều rất tốt.

Nhưng để cho hương vị tô cháo mực thêm đậm đà, thơm ngon người ta thường ăn kèm với giò cháo quẩy. Và cũng có thể ăn cùng với hột vịt bắc thảo, đi kèm với một ly đế… xây chừng.

Để khi rời quán, người đàn ông đầu bạc đã ấm lòng bằng tô cháo mực, dù bên ngoài mưa vẫn bay. Chếnh choáng men xưa, người đàn ông thong thả đi xuống cuối một con đường. Nơi ông có thể nhớ lại một thời trai trẻ với tình yêu rực nắng. Dù người đã bỏ ông đi, để lại chứng nhân là hàng cây và cái quán cũ ven đường. (Văn Lang)   

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT