Sunday, May 5, 2024

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn luôn giữ gìn hồn Việt nơi hải ngoại

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Sau khi tốt nghiệp trung học, ông Kiều Quang Chẩn thi vào Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1962, ra trường cuối năm 1969. Sau đó ông vào Khóa 12 Trưng Tập căn bản quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức rồi học tiếp về điều hành quân sự tại Trường Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn và vợ đóng vai vợ chồng thủ lãnh Đông Sơn, năm 2017. (Hình: Kiều Quang Chẩn cung cấp)

Ra trường, Bác Sĩ Chẩn về ngay Tiểu Đoàn 1 Sư Đoàn Nhảy Dù, đời binh nghiệp bắt đầu từ đấy mặc dù ông có nhiều người nhà đã mất trong chiến đấu.

Ba lần suýt chết trong trận Hạ Lào

Kể tiếp về trận Hạ Lào, ông nói: “Trong một lần, chiến sĩ mình bị bị địch phục kích, tôi đi ở toán giữa cùng với bộ chỉ huy di chuyển trong rừng. Đang đi thì mấy anh lính kêu lên báo động, thì ra ở phía sau hai gốc cây đối diện là hai tên địch đang núp, nếu chỉ có tôi và người y tá thì chết chắc, nhưng vì đi cùng trong toán đông người nên mấy anh em nhào ra vây bắt được.”

Ông Chẩn kể tiếp lần thứ hai suýt chết là khi sau Tết, trời bên Lào nóng bức, toán cứu thương ai cũng dơ bẩn hôi hám, ông cùng một số anh em muốn xuống tắm dưới con lạch cách ngọn đồi đóng quân không xa. Mặc dù thiếu tá tiểu đoàn trưởng đã căn dặn phải cẩn thận, nhưng cả toán ai cũng leo qua mấy tảng đá lội xuống, nước ngập tới chân.

“Đang bước xuống con lạch tôi bỗng cảm thấy ngứa mắt, vội ngẩng mặt lên để gãi thì hỡi ơi, một tên địch ngồi trên tảng đá cao với khẩu AK, chờ cả đám xuống tắm sẽ ra tay. Tôi bèn la lên báo động, thấy bại lộ tên địch quăng nguyên trái lựu đạn xuống, may sao bị lép không nổ! Toán đi sau quạt nguyên một tràng, tên Việt Cộng rớt nguyên con xuống nước, thật là Trời cứu!” Bác Sĩ Chẩn nhớ lại.

Trong trận Hạ Lào, hai bên cài răng lược đánh nhau suốt ngày, gần đến nỗi nấu cơm khói lửa mịt mù cũng đều thấy nhau. Ông tiểu đoàn trưởng bảo ăn sáng xong sẽ tấn công qua đó.

“Bỗng có tiếng súng không giật của Việt Cộng nổ vang trời, chưa kịp định thần thì nghe anh y tá hét lớn “Cái đầu… bác sĩ…” tôi chỉ kịp nghe tiếng gió và luồng hơi nóng bỏng sau gáy, nhìn lại thì ông thiếu úy đề lô của tiểu đoàn đã đứt mất cái đầu văng ra xa, anh y tá phóng tới kịp đỡ thân hình đổ gục xuống trong khi tôi còn đứng tần ngần, sát bên người sĩ quan đề lô trong gang tấc,” ông bần thần nhớ lại lần thứ ba suýt chết.

“Nhảy Dù có truyền thống không bỏ đồng đội, nếu ai không chiến đấu được thì gởi về phía sau ngay lập tức, những ngày tháng cuối cùng ở trận Hạ Lào, phải di tản hết những người bị thương, và những binh sĩ chiến đấu rút về sau cùng. Trong trận Hạ Lào đích thân tôi ký giấy tử trận cho 50 chiến sĩ hy sinh, và các anh em bị thương nặng nhẹ khác nhau. Tuy số tử trận và bị thương nhiều nhưng so với Bắc Việt thì họ bị nặng hơn ta rất nhiều,” Bác Sĩ Chẩn kể.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn (thứ hai từ trái) tại Đại Hội Y Sĩ Nhảy Dù năm 2018 tại Little Saigon. Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù vào mặt trận Kon Tum

Sau mặt trận Hạ Lào, khoảng đầu năm 1972, Việt Cộng bắt đầu tấn công An Lộc, Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù lên mặt trận Kon Tum khi địch quân bắt đầu xâm nhập dữ dội. Tiểu Đoàn 1 vào vùng Tam Biên, nhiệm vụ án ngữ và kiểm soát ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào, thuộc quận Dakto, tỉnh Kon Tum, Quân Khu 2. Từ trên đồi cao nhìn xuống thấy toàn bộ vùng Dakto, cả đường mòn Hồ Chí Minh, có cả xe Molotova của Việt Cộng chạy mịt mù khói bụi. Lữ Đoàn 2 Dù gồm ba tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn đóng ở một ngọn núi, gồm căn cứ Alpha cao nhất, căn cứ Barbara, và căn cứ Charlie thấp nhất.

“Tôi nghĩ mình sẽ đóng ở đồi Alpha chừng vài ngày khi tiểu đoàn đem bốn khẩu đại bác đến, mục đích là hằng ngày đi tới đường 9 để canh chừng Việt Cộng đánh lén Tân Cảnh, Dakto. Vừa tới nơi thì xe ủi đất đào hầm trú ẩn thật nhanh, xong được trực thăng bốc xe ủi đi nơi khác. Tôi cũng có một hầm trú ẩn vừa là hầm cứu thương. Tối nào địch cũng mò lên thăm dò đều bị vướng mìn, nhiều khi còn tấn công lên đồi, sáng nào cũng để lại vài xác chết,” ông kể.

“Khi xung phong lên đồi, tất cả mọi người lính đều như nhau, từ cấp chỉ huy cho tới lính, từ bác sĩ đến y tá đều xung phong, cái chết được chia đều cho mọi người! Người lính luôn đối diện với cái chết, nhưng ai nấy đều không sợ, chỉ khi vào sinh ra tử nơi trận mạc thì mới thấu hiểu tình chiến hữu là như thế nào,” Bác Sĩ Chẩn nói tiếp.

“Sau khi Việt Cộng dứt điểm đồi Charlie và Trung Tá Nguyễn Đình Bảo chỉ huy Tiểu Đoàn 11 Dù đã hy sinh trong trận này. Cùng lúc đó Bác Sĩ Phạm Gia Cổn vào Tiểu Đoàn 1 thay thế, để tôi sang thay một y sĩ bị thương ở Tiểu Đoàn 2, lúc đó do Trung Tá Ngô Lê Tĩnh tạm thời chỉ huy vào giải vây An Lộc. Trên đường đi, Tiểu Đoàn 2 cũng đụng với địch những trận nhỏ,” ông Chẩn kể thêm.

Sau đó Bác Sĩ Chẩn được điều về Lữ Đoàn 3 để trừ bị cho các y sĩ của tiểu đoàn, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp và bồi dưỡng kiến thức của y tá tiểu đoàn, huấn luyện Quân Y cho các binh lính đến từ khối bổ sung. Kế đến ông được bàn giao chức vụ y sĩ trưởng của bệnh viện dã chiến ở Phú Bài do Mỹ giao lại, có cả trăm giường với đủ các phương tiện y tế, có cả phòng mổ. Các thương binh Nhảy Dù tạm thời được chữa trị ở đó, nếu nặng hơn thì đưa bằng máy bay về các Quân Y Viện lớn.

“Ở Lữ Đoàn, chiến trường khốc liệt thì thương binh cũng nhiều! Tôi không được vinh dự tham dự trận Đồi 1062 khi Nhảy Dù chiếm được ngọn đồi này hôm nay thì ngày mai địch đánh giành lại, cứ thế giằng co mãi, với vùng trách nhiệm của Nhảy Dù là từ quốc lộ 1 trở vô núi còn từ quốc lộ trở ra phía biển là của Thủy Quân Lục Chiến,” ông nhớ lại.

Sau đó tới Hòa Đàm Paris năm 1973, mọi người đều lạc quan khi nhu cầu bác sĩ trong chiến trường không còn nhiều nên ông Chẩn được gởi đi học chuyên khoa gây mê trong giải phẫu.

“Nhưng chỉ sáu tháng sau chiến tranh sôi động trở lại do Cộng Sản liên tục mở nhiều đợt tấn công khắp nơi, các sĩ quan ưu tú trẻ mới ra từ các trường đào tạo chỉ sau thời gian ngắn là đã hy sinh ngoài mặt trận! Sĩ quan như thế thì binh lính sẽ ra sao? Tôi nghĩ mà thương các binh sĩ mình rất nhiều,” ông xúc động nói.

Ông Chẩn kể thêm, khi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 diễn ra khốc liệt, ông được về phép một tuần để cưới vợ, mới đến ngày thứ tư đã bị kêu trở ra chiến trường vì người thay thế để ông về phép, vừa bị thương tại căn cứ Non Nước nằm trên quốc lộ 1 từ Huế ra Quảng Trị.

Năm 1973 ông Chẩn vì có bằng gây mê nên được chuyển về bệnh viện Đỗ Vinh của Sư Đoàn Nhảy Dù trong căn cứ Tân Sơn Nhứt, có khoảng 4bốny sĩ giải phẫu và ông là y sĩ gây mê, cùng với vài y tá.

“Vào những tuần lễ cuối cùng cuộc chiến, bệnh viện phải tiếp nhận thương binh rất nhiều từ khắp các mặt trận, vợ tôi lúc đó là sinh viên y khoa sắp ra trường phải giúp tôi rất nhiều trong những việc phụ tá, còn những trường hợp nặng phải đưa qua Tổng Y Viện Cộng Hòa,” ông Chẩn kể.

Tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, cố vấn của Sư Đoàn Nhảy Dù trong trận giải vây Đức Cơ năm 1965, sau đó có thời gian chiến đấu chung trong chiến trường Việt Nam, đã dành rất nhiều sự ngưỡng mộ và tình cảm cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, khi nhận xét trong bản thuyết trình của ông rằng lực lượng Nhảy Dù Việt Nam là một đơn vị thiện chiến nhất thế giới thời bấy giờ!

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn trước ngôi chùa, nơi phát thuốc cho đồng bào Cambodia, trong cuộc hành quân 1970. (Hình: Kiều Quang Chẩn cung cấp)

Trở lại nghề y trên đất Mỹ

Ngày cuối cuộc chiến, ông Chẩn cùng vợ đang ở trong bệnh viện Đỗ Vinh, nghe nói đang có cuộc di tản trong sân bay, liền tìm cách vượt thoát. Sau mấy giờ bay đã tới Guam, lúc đó khi nghe tin mất nước, mọi người đều khóc òa!

Tại đây, may sao ông gặp lại vị giáo sư Mỹ dạy tại đại học y khoa Sài Gòn, bảo lãnh hai vợ chồng ông ra khỏi trại tị nạn Camp Pendleton, Nam California. Ông có việc làm ngay tháng đầu tiên với công việc của người y công tại bệnh viện với tiền lương $78/tuần. Một tháng sau vợ ông cũng kiếm được việc làm.

“Nỗi buồn mất nước không có gì diễn tả được, tôi nghĩ mình phải cố gắng học lại chuyên khoa để lấy bằng bác sĩ tương đương. Thế là vợ tôi học lại y khoa tại UCI còn tôi theo học ở Harbor UCLA về gây mê, sau khi ra trường làm việc tại bệnh viện Fountain Valley cho tới nay,” Bác Sĩ Chẩn nói.

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn trong buổi ra mắt sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” tại Little Saigon năm 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sưu tập những cổ vật thời Đông Sơn như một định mệnh

Sống ở Mỹ, Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn trân quý tất cả những gì của Việt Nam mà ông cha đã để lại. Làm lụng nhưng ông không tiêu xài nhiều mà để dành tiền mua lại những món cổ vật giá trị của nền văn hóa Việt Nam.

“Tất cả những gì cổ xưa liên quan tới Việt Nam đều mang cội nguồn văn minh của dân tộc Việt, từ tiền cổ, tiền xu cho đến tiền giấy, chén bát dĩa men sứ, những vật dụng hằng ngày bằng đồng, con tem hoặc những hình ảnh xưa quý hiếm của Việt Nam, tôi đều mua lại để vào trong bộ sưu tập lịch sử nước nhà. Và càng đọc sách nhiều, tôi càng có cơ hội tìm hiểu thêm về những giá trị văn hóa của Việt Nam đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới,” Bác Sĩ Chẩn nói.

Ông cũng cho biết nhờ người bạn đời tri kỷ đã giúp ông rất nhiều trong niềm đam mê sưu tập cổ vật Việt Nam, đã cùng ông mất hơn 20 năm nghiên cứu, thu thập tất cả những gì thuộc các đời Vua Hùng Vương, để ra mắt quyển sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” cùng trưng bày những cổ vật này vào năm 2019 tại Little Saigon.

Trong quyển sách ông chứng minh rất khoa học, rõ ràng dân tộc Việt không phải là một bộ phận của người Hán ở phương Nam Trung Quốc bị đánh đuổi xuống miền Bắc Việt Nam như các tài liệu từ trước đã công bố, mà chính nền văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam đã khẳng định sự hiện hữu những nhóm người có trình độ rất cao trước khi bị lệ thuộc vào người Hán ở Trung Nguyên.

“Nghiên cứu và sưu tập những cổ vật thời Đông Sơn không là thú vui, tôi thực sự bị lôi cuốn vào như một định mệnh không giải thích được,” Bác Sĩ Chẩn bộc bạch nơi ông đang ở, với dự tính sẽ là một Viện Bảo Tàng Di Sản Việt Nam.

“Trời cho tôi có mảnh đất này, tất cả cơ ngơi này rồi cũng sẽ trở thành của người Việt nơi hải ngoại. Các con tôi đều đã trưởng thành, ổn định trong cuộc sống, chúng còn nói rằng sẽ cho thêm tiền vào viện bảo tàng, để văn hóa Việt mãi tồn tại với thời gian,” vị bác sĩ Quân Y Nhảy Dù năm xưa hãnh diện nói. (Văn Lan) [qd]

Xem lại kỳ trước: Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, người tìm sự sống trong cái chết

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, cựu học sinh Trung Học Petrus Ký Sài Gòn.

Tốt nghiệp Y Khoa Đại Học Sài Gòn 1969.

Gia nhập Sư Đoàn Nhảy Dù từ 1970 cho đến ngày cuối cùng cuộc chiến Việt Nam.

Cấp bậc cuối cùng: Đại Úy Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Công việc hiện nay, bác sĩ gây mê tại bệnh viện Foutain Valley.

Thành viên Hội Khoa Học Khảo Cổ Mỹ, Hội Tiền Sử Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (IPPA).

Ra mắt sách “Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn” và giới thiệu cổ vật Việt Nam tại Little Saigon năm 2019.

Thường xuyên có nhiều bài viết cho Viện Khảo Cổ Việt Nam và Viện Nghiên Cứu Phát Triển Việt Nam.

Đồng sáng lập viên Project Vietnam Foundation, một hội từ thiện giúp đỡ y tế Việt Nam về giải phẫu, điều trị trẻ sơ sinh từ 1998 đến nay.

MỚI CẬP NHẬT