Thursday, March 28, 2024

Huỳnh Anh Kiệt trong màu áo Biệt Động Quân và các trận đánh ở Cần Thơ

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong bối cảnh chiến tranh ngày càng gia tăng với những cuộc tấn công miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, bao chàng trai đã lên đường nhập ngũ với tinh thần quyết chiến đấu để bảo vệ lý tưởng tự do, lại càng thúc giục Huỳnh Anh Kiệt cùng với bao lớp trai hùng lên đường vào quân đội.

Ông Huỳnh Anh Kiệt kể lại trận đánh ở quận Đức Long, Cần Thơ, ông bị thương nhưng không chết, tiếp tục chiến đấu trong Sư Đoàn 21 Bộ Binh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với ông Kiệt, được chiến đấu dưới lá cờ vàng cho miền Nam tự do thanh bình, trong áo trận bạc màu xông pha vào nơi lửa đạn khắp bốn phương trời là chí nguyện của người trai thời tao loạn.

Ngồi tại nhà ở Garden Grove hồi tưởng lại chuyện từ khi vào lính trên chiến trường cho đến khi chiến đấu trên các mặt trận xã hội, ông Huỳnh Anh Kiệt kể lại câu chuyện dài gần nửa thế kỷ nhưng tưởng chừng như mới hôm qua, với tinh thần chiến đấu vẫn còn nguyên khi Cộng Sản vẫn còn trên quê hương đang chìm trong đêm dài tăm tối.

Ông Kiệt kể khi đang theo học tại trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn và trường Đức Minh Thủ Đức thì chiến sự ngày càng ác liệt, ông không thể nào ngồi học khi ngoài chiến trường, bạn học mình đang ngày đêm chiến đấu không hẹn ngày về.

“Tôi quyết định đăng lính vào Lực Lượng 81 Biệt Kích năm 1971, sau đó được chuyển qua Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân. Sau khi học khóa hạ sĩ quan ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi chính thức về Sư Đoàn 21 Bộ Binh, thuộc Trung Đoàn 33, Tiểu Đoàn 2,” ông Kiệt kể.

Sư Đoàn 21 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn IV, phụ trách khu vực chiến trường miền Tây lúc bấy giờ cũng ngập tràn máu lửa với những trận đánh liên miên giữa Sư Đoàn 21 Bộ Binh với Cộng Quân. Người lính trận ngày đêm liên tục hành quân với những trận truy đuổi, càn quét và đụng độ với Việt Cộng khắp nơi trên vùng sình lầy ngập nước, nơi mà sông rạch chằng chịt và trận địa mênh mông với những cánh đồng lúa “cò bay thẳng cánh.”

Từ sau năm 1972, nhất là sau Hiệp Định Paris 1973, Cộng Sản Bắc Việt và quân Giải Phóng Miền Nam luôn tìm cách tấn công miền Nam bằng mọi cách.

Từ phải, Giáo Sư Võ Thị Liễu mẹ của ông Huỳnh Anh Kiệt, ông Kiệt và em gái, cùng đồng hương trong buổi biểu tình trước Tòa Bạch Ốc để đấu tranh cho nhạc sĩ Việt Khang được trả tự do. (Hình: Huỳnh Anh Kiệt cung cấp)

Trận Long Mỹ đầu đời trong binh nghiệp

Xã Long Mỹ cũng thuộc quận Long Mỹ trong buổi chiều êm ả với những cánh chim cò bay thẳng cánh trên đồng ruộng lúa vàng ươm, lại phơi bày một cảnh tượng hết sức đau lòng. Những cánh đồng lúa chín vàng đang chờ thu hoạch đã bị Việt Cộng đốt cháy rụi để mượn khói lửa tung hỏa mù để pháo kích vô quận và cũng để dọn đường rút quân, vừa tạo cảnh hoảng loạn trong dân chúng, vì xã Long Mỹ ở ngay rất gần trung tâm quận Long Mỹ.

Từ Phụng Hiệp về Chương Thiện có ba ngã rẽ, một về quận Đức Long, một về Chương Thiện, và một hướng thẳng vô quận Long Mỹ, khi ba tiểu đoàn 1, 2, và 3 thuộc Sư Đoàn 21 kéo về.

Ông Kiệt nhớ lại: “Tiểu Đoàn 2 ở ngay hướng trái quận Long Mỹ nơi đóng đô dinh quận, được lệnh là phải đánh Việt Cộng dạt khỏi vị trí ấy. Khi được lệnh, ba tiểu đoàn 1, 2, và 3 của Sư Đoàn 21 tràn vô, tôi ở Tiểu Đoàn 2 phía cánh trái ngay Long Mỹ, còn Tiểu Đoàn 1 và Tiểu Đoàn 3 ở cánh phải khi bọn Việt Cộng tập trung tấn công vô quận Long Mỹ.”

“Khi xáp lá cà, giữa quân ta và Việt Cộng chỉ cách nhau khoảng 400 mét, máy bay F5 thả bom dữ dội rơi vào bên địch mà bên ta bị tức thở theo, còn pháo binh thì phải xếp càng không bắn được vì hai bên quá gần. Chịu không nổi, bị tổn thất nặng bọn Việt Cộng phải rút chạy luôn vô những đồng ruộng phía sau. Bọn tôi không truy đuổi theo vì trời tối, hơn nữa những cánh đồng lúa đã bị cháy rụi, không có chỗ ẩn nấp rất nguy hiểm khi bị phục kích,” ông Kiệt kể.

Bức hình gia đình duy nhất còn sót lại của gia đình ông Huỳnh Anh Kiệt, khi năm anh chị em còn nhỏ trước 1975 (ông Kiệt, đầu tiên bên phải). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Đụng độ với Quân Khu 9 Cộng Sản, giải vây cho Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân

Tại Chương Thiện đầu năm 1974, một tiểu đoàn của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân khi đang đổ quân xuống trấn đóng ở đó, đã đụng độ với Quân Khu 9 (sư đoàn chính quy của Bắc Việt), hợp cùng với quân Giải Phóng Miền Nam dùng cối 60, cối 82 và đại bác 57 tấn công.

Khi được lệnh, Tiểu Đoàn 2/33 Sư Đoàn 21 lội theo đường bộ theo con kênh chạy về Chương Thiện, hướng về U Minh Hạ, Bạc Liêu để giải vây cho một tiểu đoàn của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đang bị tấn công.

Ông Kiệt kể, ở miền Tây khi chiều về là từng đoàn trâu lũ lượt kéo nhau về chuồng, đó là cảnh quá quen thuộc đến mức thấy bình thường. Lúc ấy trên bờ ruộng, cánh Biệt Động Quân thấy đoàn trâu đi về phía mình trong chiều tối, nhưng khi chúng đến gần mới phát giác là bọn Việt Cộng núp phía sau, mượn đàn trâu đi phía trước che chắn để tấn công.

Khi địch khai hỏa thì Biệt Động Quân đang ở thế bất ngờ, bị động phải nhảy xuống ruộng để phản công và kiếm đường rút, không ngờ ruộng ở đó là loại sình đặc, khi lún xuống không thể di chuyển được, Biệt Động Quân phải chịu trận chờ quân bạn giải vây, trong khi trọng pháo không thể can thiệp vì hai bên ở quá gần!

Ông Kiệt kể: “Lúc đến giải vây cho một tiểu đoàn của Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân, khi Tiểu Đoàn 2/33 của Sư Đoàn 21 Bộ Binh tràn vô thì bọn Việt Cộng rút qua con kênh phía sau lưng bỏ chạy. Tại trận này, trong đêm tối ghe đi sâu vô con kênh không được, trực thăng tản thương đáp xuống cũng không xong, cả những giang đoàn cũng không vô được vì còn đang bị địch pháo kích, không có lối cho các đơn vị tản thương.”

“Khi bọn Việt Cộng rút chạy, đêm ấy Tiểu Đoàn 2/33 Sư Đoàn 21 nằm lại trận địa, và Đại Đội 2 của tôi đóng ở tuyến đầu để quan sát phòng ngự, chờ đến sáng hôm sau mới kiểm điểm lại và mang xác đồng đội về. Lực lượng bạn tổn thất khá nặng khi chỉ còn khoảng 80 người!” ông Kiệt xúc động kể tiếp.

Ông Huỳnh Anh Kiệt (phải) gặp lại vị niên trưởng năm xưa, cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền, cựu sĩ quan chỉ huy của Sư Đoàn 21 Bộ Binh, trong buổi tưởng niệm 30 Tháng Tư tại Little Saigon. (Hình: Huỳnh Anh Kiệt cung cấp)

Trận Đức Long bị thương nặng không chết, tiếp tục chiến đấu

Hướng Long Mỹ về Chương Thiện, là quận Đức Long, ngay ngã ba con kênh có một đồn nghĩa quân, gồm binh sĩ và vợ con cùng ở chung. Khi Tiểu Đoàn 2/33 vừa đi tới, ngay trên dòng sông, bọn Việt Cộng gõ nồi niêu om sòm gây tiếng ồn để uy hiếp tinh thần, để trên bờ bọn chúng bắn B40 và cối 82 vô đồn.

Khi Tiểu Đoàn 2/33 tiến vô thì đụng độ với Việt Cộng bên kia bờ đê pháo qua, nhưng lúc tiến sát vô tới nơi thì Việt Cộng rút chạy. Trời đã tối, tiểu đoàn phải rút ra khỏi bờ đê, bỗng một quả cối 82 bay trúng đầu ngọn dừa, trái đạn tạt xuống trúng ngay Trung Sĩ Nhất Kiệt và bốn anh em trong Đại Đội 2 cùng dính đạn.

“Tôi bị miểng pháo cối cắm vào cổ họng, hai cườm tay và cánh tay, chân đều bị miểng nằm sâu trong thịt, cổ tay phải có miểng đạn chèn vô gân. Tình hình nguy cấp với nhiều thương binh nằm chờ cứu thương nhưng tất cả phương tiện đều không vào được vì đạn pháo địch liên tục pháo ngay chỗ đóng quân. Tôi cùng vài đồng đội nằm tại chiến trường một ngày đêm chịu trận, hôm sau mới được ghe chở ra bệnh viện Chương Thiện,” ông Kiệt nhớ lại.

Ông Kiệt cho hay ông nằm bệnh viện vì miểng đạn pháo chèn vào cổ họng khiến giây thần kinh nói bị tê liệt không nói được, hai tay và chân băng bột. Nằm tới sáng hôm sau nữa, có hai ông bà vô tìm con theo giấy báo tử. “Khi đến đúng giường bệnh tôi nằm, thì hóa ra giấy báo tử ghi lầm, vì hai người nằm trong bệnh viện đều tên Anh Kiệt, nhưng tôi họ Huỳnh thì ghi đã tử trận còn người họ Trần chỉ bị thương, vì vậy theo giấy báo, hai ông bà đến bên giường tôi nằm để mừng thăm con,” ông kể.

“Sau giây phút sững sờ, y tá cho biết tôi thuộc Trung Đội 3 còn người đã mất thuộc Trung Đội 2, đều là trung sĩ nhất. Tội nghiệp cho hai vợ chồng già lặn lội đi tìm con với niềm hy vọng là con chỉ bị thương. Hai ông bà khóc hết nước mắt khi biết con mình đã hy sinh ngoài mặt trận, nhưng lúc đó tôi không thể nào lên tiếng an ủi được, còn hai tay thì bó bột cứng ngắt không cử động, đó là những cảnh đau lòng trong cuộc chiến mà tôi từng chứng kiến!” ông Kiệt nhớ lại.

“Trong lúc đó mẹ tôi được giấy báo tử là tôi đã chết, bà phải bao nguyên chiếc xe chạy trong đêm đi Cần Thơ, nhưng về tới Phụng Hiệp bị Việt Cộng đắp mô không đi được nữa, bà phải kêu xe ôm đi về bệnh viện Chương Thiện lúc 9 giờ tối, tức tốc vào nhà xác tìm con, mới gặp lại được hai vợ chồng già khóc tức tưởi khi nhận xác con mình, lúc ấy mẹ tôi mới biết tôi còn sống,” ông Kiệt bồi hồi xúc động kể.

Ông Huỳnh Anh Kiệt bên hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong dịp ông xuống tóc trong ngày mẹ mất. (Hình: Huỳnh Anh Kiệt cung cấp)

Đoạn đường gian truân sau 1975

Nhớ lại biến cố 30 Tháng Tư, 45 năm về trước, ông Kiệt cho hay lúc đó ông theo một đoàn mấy chiếc thiết giáp M113 từ Cần Thơ chạy ngược về hướng Chợ Mới, Long Xuyên. Trên đường đi, khi Việt Cộng đi từ Cần Thơ về Trà Nóc thì quân lính Việt Nam Cộng Hòa đi từ Trà Nóc về Bến Xe Mới ở Cần Thơ, xuống phà qua Vĩnh Long.

“Trong đầu tôi nghĩ cứ đi theo thiết giáp, dù sao đi bằng xe vẫn nhanh hơn đi bộ, trong khi bên lề đường phía đối diện, hàng đoàn lính Bắc Việt đi ngược chiều về hướng Cần Thơ, hai bên cứ đi, đều nhìn thấy nhau nhưng không phía bên nào bắn nhau, lính Cộng Sản hấu hết là rất trẻ, khoảng 15, 16 tuổi. Cứ đi như vậy cho đến khi đoàn thiết giáp M113 chạy về tới An Giang thì trời nhá nhem tối,” ông Kiệt kể.

“Tôi nghĩ mình đã mất nước, nhưng tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, trong lòng vẫn sục sôi khí thế, thề quyết chiến đấu vì đất nước cho tới chết. Lúc đó tôi không bỏ súng, vẫn đi trên đường với khẩu M16 và băng đạn còn quấn bên hông, trên người vẫn còn mặc đồ lính trận với huy hiệu Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Cứ đi với thiết giáp cho tới khi về tới Long Xuyên thì cũng vừa hết nhiên liệu, lương thực cũng không còn, ở đó cho tới hôm sau thì tan hàng, mạnh ai nấy đi!” ông Kiệt nhớ lại.

Tại Long Xuyên ông Kiệt luôn tìm đường về Sài Gòn, lúc đó tiền không còn một xu trong túi, lương thực cũng không có, khi qua bắc Vàm Cống cũng khó khăn vì có mấy chốt chặn nhưng may mắn ông cũng lọt qua được.

“Khoảng 20 ngày sau tôi về tới Thủ Đức, ở nhà lúc đó còn bà mẹ là giáo sư dạy Anh và Pháp văn tại trường Lasan Mossard Thủ Đức, trong khi ba tôi còn đang ở Ban Mê Thuột lo về quân lương trong quân đội, vài tháng sau ông về tới nhà thì mất khi năm người con đang còn nhỏ. Khi đó cả gia đình hụt hẫng vô cùng,” ông Kiệt nói. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Huỳnh Anh Kiệt, một ngày lính trận Sư Đoàn 21 Bộ Binh, một đời chiến đấu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT