Saturday, April 27, 2024

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước kể lại cuộc hành quân Lam Sơn 250

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Vừa mới ra trường Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức và tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thiết Giáp, thụ huấn khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp, Chuẩn Úy Phạm Hữu Phước, chi đội phó Chi Đoàn 1/11 thuộc Thiết Đoàn 11, đã tham chiến nhiều trận, trong đó cuộc hành quân Lam Sơn 250 để lại cho ông nhiều ghi nhớ.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước trên nắp hầm tại Căn Cứ C1. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Kể chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại thành phố Westminster, ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, ông Phạm Hữu Phước nhớ lại: “Một trận đánh khó quên khiến tôi nhớ mãi, sau khi thoát chết trong cuộc hành quân Lam Sơn 250 vào Tháng Mười Một, 1968, là lúc tiến chiếm mục tiêu. Một trận chiến thật hy hữu của Chi Đội mà tôi chưa từng trải qua, không một ai trong Chi Đội bị thương, mặc dù bị bắn thẳng vào xe.”

Ông kể: “Tôi được Chi Đoàn giao cho nhiệm vụ dẫn đầu đoàn xe, đi theo địa bàn lúc 4 giờ sáng trời còn tối mịt. Khi đến mục tiêu, trời cũng vừa tờ mờ sáng. Tôi đứng trên xe báo cáo cho Chi Đoàn biết đã đến mục tiêu, rồi khoát tay ra hiệu cho hai xe dàn hàng ngang bên phải, hai xe bên trái. Hai xe vừa chạy tới vị trí, chưa kịp cho Bộ Binh xuống thì một loạt đạn súng AK của địch bắn vào xe, Bộ Binh ngã nhào xuống đất, xạ thủ đại liên 50 bắn trả ngay vào chỗ Việt Cộng vừa bắn tới ở trước mặt, cách xa chừng 10 thước. Thì ra vì quá gần nên Việt Cộng không thể bắn trúng Bộ Binh, nhờ có lá chắn của hai Đại Liên 50 và 30 nên đạn trượt lên trời. Chi Đội và Bộ Binh tùng thiết không có ai bị thương.”

Quân Bắc Việt muốn đánh chiếm căn cứ Carroll cũng không dễ dàng, nhưng cố thủ thì quân ta cũng khó giữ được lâu, vì thiếu lương thực, đạn dược. Muốn giải vây và tiếp tế cũng gặp nhiều trở ngại, vì xung quanh là đồi núi dốc đứng, còn đường bộ đã bị cắt đứt từ Cam Lộ lên.

Những hầm chiến đấu của địch được lấp cát lên trên không nhô cao, nên khó nhận biết. Cuộc đụng độ này hai bên cách nhau không quá 10 thước. Theo phản xạ, ông Phước bấm máy ra lệnh cán hầm, cả Chi Đội chạy lên trên nóc hầm, Việt Cộng bị kẹt ở dưới, xe thì ở trên nên cả hai không ai bắn ai được. Rồi ông cho xe nhích tới nhích lui cho sập hầm, xong de xe khỏi hầm vừa đủ khoảng cách để bắn M79, cho tới khi không thấy Việt Cộng động tịnh gì nữa mới ngưng.

Ông Phước nói: “Chưa có cuộc chạm trán nào mà Chi Đội tôi gặp may mắn như vậy từ khi ra đơn vị cho đến bây giờ, giống như chơi trò mèo vờn bắt chuột.”

“Những Chi Đội phía sau đụng nặng, Pháo Binh của ta không thể bắn yểm trợ, vì ta và địch gần như là cận chiến. Còn địch thì không rút chạy được, bởi vì phía sau là đồng ruộng trống trải, cuối cùng chỉ còn hai tên sống sót. Đến trưa các mục tiêu đã chiếm xong,” ông kể.

“Xe của Chuẩn Úy Đỗ Đình Du, chi đội trưởng, bị trúng B-40 vào mặt nạ đại liên 30, nên bị liệt cánh tay phải và hai xạ thủ đại liên 30 cũng bị thương. Bộ Binh có ba tử thương và một số khác bị thương, thiệt hại bên ta được cho là nhẹ. Sau khi lục soát, những xác của Việt Cộng cũng được chôn lại trong các công sự, còn chiến lợi phẩm thì gom về giao nộp cho Trung Đoàn,” ông kể tiếp.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước trong buổi diễn hành Tết Nguyên Đán tại Little Saigon. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Tăng phái cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại căn cứ Côn Thiên

Sau đó, Chi Đoàn có lệnh tăng phái cho Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mỹ hành quân truy lùng Việt Cộng vùng rừng núi phía Tây căn cứ Côn Thiên, và hành quân với Bộ Binh của các Tiểu Đoàn thuộc Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Ông Phước nói: “Suốt một tuần hành quân trong rừng núi phía Tây, không có một lần chạm trán nào, thời gian đó thật thoải mái, giống như đi thực tập hành quân dã ngoại. Nhờ những ngày hành quân truy lùng Việt Cộng chung với TQLC Mỹ, tôi có dịp trau giồi thêm tiếng Anh của mình.”

Hết thời gian tăng phái cho quân đội Mỹ, Chi Đoàn trở về lại Căn Cứ C1, cũng là trở về với bùn sình đất đỏ, với những tiếng nổ vang rền của đại bác.

Những ngày được nghỉ dưỡng quân, trời nắng tốt, Kỵ Binh Phạm Hữu Phước ngồi trên nóc hầm chiến đấu của Bộ Binh trong căn cứ, nhìn những đám mây trắng lững lờ trôi không biết đến phương nào. Nghĩ đến mình, ông cũng có đôi lúc chạnh lòng nhớ đến gia đình, nhớ đến người yêu, mong sao cho mau đủ hai năm để được xin thuyên chuyển về gần gia đình, gần người đã cùng mình hẹn ước. Nhưng tiếng súng đại bác 203 ly bắn đi của Pháo Binh Mỹ làm rung rinh cả mặt đất, khiến nỗi buồn trong ông cũng theo đó mà “bay” luôn.

Ông nhìn thấy nhà cửa xây cất tạm bợ càng buồn hơn cho dân chúng vùng này, khi phải bỏ làng mạc ruộng vườn đến định cư nơi đây, sống tạm bợ cho qua ngày, nhờ vào việc buôn bán hàng hóa, thức ăn cho những anh em binh sĩ của Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 1 trong các căn cứ A1, C1, C2, Côn Thiên… Nhìn thấy mấy đứa trẻ mặt mày lem luốc chơi đùa một cách vô tư, ông thương và buồn cho các em vô cùng. Nhìn người và cảnh vật nơi đây khiến cho ông xúc động, nhớ lại lời trong bài hát “Thương Vùng Hỏa Tuyến” của Vũ Chương và Anh Bằng: “Có ai qua vùng hỏa tuyến/ Nhắn cho tôi một vài lời/ Mái tranh thân yêu còn đâu/ Lũy tre xanh tươi còn đâu/ Đổi thay giờ đây lửa máu…”

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước tại Phòng Thuyết Trình của Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Những trận chiến ác liệt vẫn tiếp diễn đều đều như cơm bữa. Nước bắt đầu cạn dần, ruộng cũng bắt đầu khô, nắng cũng gắt hơn, mùa Hè lại sắp trở về.

Ông Phước kể: “Trong một trận đụng độ gần khu Phi Quân Sự, Chuẩn Úy Nguyễn Văn Chiến đã anh dũng hy sinh đền nợ nước. Khi cúi mặt tiễn đưa người bạn cùng chiến đấu về bên kia thế giới, không cầm được nước mắt tôi khe khẽ hát ‘Hát Cho Một Người Nằm Xuống’ của Trịnh Công Sơn: ‘Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên/ Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn/ Đất ôm anh đưa về cội nguồn/… Xin cho một người/ Vừa nằm xuống/ Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.’”

“Cũng đã lâu chưa đi phép, nên Thiết Đoàn cho tôi về Sài Gòn thay mặt đơn vị chia buồn cùng gia đình anh Chiến. Tại Tây Ninh, nhìn vị hôn thê của anh ôm quan tài phủ lá quốc kỳ VNCH khóc, tôi bùi ngùi nhớ lại hai câu trong bài thơ ‘Tưởng Như Còn Người Yêu’ của Lê Thị Ý do Phạm Duy phổ nhạc: ‘Mùi hương cứ tưởng hơi chồng/ Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu,’” ông kể thêm.

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước lên thiếu úy vào Tháng Sáu, 1969, thì Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh thành lập Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa M41 tại trại Quỳnh Lưu. Đại Úy Lê Đình Thức làm chi đoàn trưởng, Thiếu Úy Phạm Hữu Phước được chọn làm chi đội trưởng.

Sau nhiều trận khác tại vùng hỏa tuyến, Kỵ Binh Phạm Hữu Phước được thăng cấp trung úy vào Tháng Sáu, 1971, với chức vụ chi đoàn phó Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa. Sau đó, Thiếu Úy Phạm Hữu Phước được lệnh thuyên chuyển về đơn vị khác.

Trong bữa cơm đạm bạc chia tay ai nấy đều bịn rịn, nhất là những anh em binh sĩ đã cùng ông Phước trải qua quá nhiều kỷ niệm buồn, vui, gian khổ đã cùng nhau chia sẻ suốt một năm qua. Ông đi chào từ biệt hết các anh em xa đội trong Chi Đoàn rồi lên đường.

Rồi từ đó, Thiếu Úy Phước giã từ những con cua (thiết giáp) của đồng ruộng Trung Lương ở Gio Linh trong các căn cứ C1, A1 của miền gió cát, bão lửa để làm con cua núi bò đến các căn cứ Calou, Carroll… của quân đội Mỹ dọc theo quốc lộ 9 phía Tây Quảng Trị.

Phạm Hữu Phước (thứ hai từ trái) trong buổi họp mặt Tân Niên của Binh Chủng Nhảy Dù tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Đầu năm 1972, sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, Sư Đoàn 3 được thành lập, Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai là tư lệnh, đảm nhiệm phòng thủ vùng hỏa tuyến, Trung Tá Nguyễn Văn Tá thay thế Trung Tá Bùi Thế Dung làm thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh, là đơn vị thống thuộc của Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Quân đội Mỹ bắt đầu bàn giao lại các căn cứ cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh.

Những Chiến Xa M48A3 của Hoa Kỳ được bàn giao lại cho Binh Chủng Thiết Giáp. Thiết Đoàn 20 Chiến Xa được thành lập. Trung Tá Nguyễn Hữu Lý (thiết đoàn trưởng), Thiếu tá Hoàng Kiều (thiết đoàn phó), các chi đoàn trưởng gồm có Đại Úy Đặng Hữu Xứng (Chi Đoàn 1), Đại Úy Phạm Quang Anh (Chi Đoàn 2), Đại Úy Đoàn Chí Sanh (Chi Đoàn 3), Đại Úy Phan Thanh Tùng (Chi Đoàn Chỉ Huy Công Vụ).

Các chiến xa M48A3 là chiến cụ mới đối với Binh Chủng Thiết Giáp VNCH, nên Hoa Kỳ phụ trách việc huấn luyện, Thiếu Tá Trương Quang Thương phụ trách các bãi tác xạ cho chiến xa M48A3. Những huấn luyện viên Hoa Kỳ hướng dẫn rất tường tận cho binh sĩ, trưởng xa, chi đội trưởng cùng các sĩ quan trong Thiết Đoàn cách thức sử dụng từ lái xe cho đến tác xạ.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước kể: “Đến Tháng Ba, 1972, thì việc huấn luyện đã hoàn tất. Thiết Đoàn 20 Chiến Xa tổ chức làm lễ xuất quân, cũng là lúc Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công tại Quảng Trị.” (Lâm Hoài Thạch) [qd]

—–

Kỳ tới: Những trận đánh tại miền Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT