Saturday, April 27, 2024

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước vào nơi gió cát cùng Thiết Đoàn 11

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ông Phạm Hữu Phước, Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức, mãn khóa cuối năm 1967, tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thiết Giáp, thụ huấn khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp.

Ông Phạm Hữu Phước tại đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Trò chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại thành phố Westminster, ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại, ông Phạm Hữu Phước kể, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến sự mỗi ngày một gia tăng nên để đáp ứng nhu cầu chiến trường tại vùng hỏa tuyến, Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh quyết định thành lập thêm Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh do Trung Tá Bùi Thế Dung làm thiết đoàn trưởng, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tá làm thiết đoàn phó, và Đại Úy Ngô Đức Lâm làm trưởng Ban 3.

Sau khi mãn khóa học Thiết Giáp vào Tháng Sáu, 1968, hầu hết các tân sĩ quan được bổ sung cho các Thiết Đoàn của Quân Đoàn I và II. Lúc bấy giờ, Quân Đoàn I chỉ có hai Thiết Đoàn là Thiết Đoàn 4 đóng tại Quảng Nam và Thiết Đoàn 7 đóng tại Huế.

Thiết Đoàn 11 được thành lập tại trường Thiết Giáp theo bảng cấp số mới. Chi Đoàn 1/11 được thành lập với những binh sĩ từ miền Trung đưa vào, cùng thời gian với khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp đang được đào tạo tại trường.

Chi Đoàn được Dương Vận Hạm HQ 500 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chở đến Đà Nẵng, tạm đóng quân tại hậu cứ Thiết Đoàn 4 ở Phước Tường, của Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng Phan Hòa Hiệp (sau này là Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp); Thiếu Tá Nguyễn Văn Của, thiết đoàn phó; Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lý là trưởng Ban 3. Sau đó, Chi Đoàn chờ Hải Vận Hạm HQ 400 đưa đến Cửa Việt để tàu đổ bộ (LCM8) đáy bằng chở từng hai chiếc M113 đến Đông Hà, bố trí trong sân bay chờ lệnh.

Lúc đó Trung Úy Nguyễn Lương Bích là chi đoàn trưởng Chi Đoàn 1/11; Thiếu Úy Mai Xuân Tương, chi đoàn phó; Chuẩn Úy Đỗ Đình Du, chi đội trưởng; và Chuẩn Úy Phạm Hữu Phước, chi đội phó.

Chi Đội Phó Phạm Hữu Phước tâm tình: “Nghe Chi Đoàn sẽ trấn giữ vùng giới tuyến thì tôi e ngại vì nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết khắc nghiệt, mùa Hè gió Lào, mùa Đông giá buốt, mùa mưa dai dẳng kéo dài không dứt, hơn nữa lại còn là nơi bảo lửa. Thôi thì đã là lính chiến thì nơi nào cũng là quê hương, cũng là nhà.”

Đóng quân tại Đông Hà, yểm trợ căn cứ Pháo Binh tại Quán Ngang

Gần hết Tháng Tám mà thời tiết nơi đây vẫn còn oi bức. Gió thổi mạnh từng cơn nóng rát cả mặt, nhiều lúc phải nhắm mắt để tránh bụi cát bay vào. Các anh em trong xa đội cho ông Phước biết đó là gió Lào. Bố trí chi đội phòng thủ xong, các anh em dân miền Nam cũng muốn biết thị xã Đông Hà như thế nào, nên kéo nhau đi lòng vòng, đến một quán giải khát.

Ông Phạm Hữu Phước tại Phòng Thuyết Trình của Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Đông Hà tuy nhỏ nhưng nhà cửa cũng khang trang, không thấy xe hơi dân sự, mà chỉ thấy toàn là xe quân sự và xe đò chạy đi Quảng Trị, Cam Lộ và Quán Ngang.

Sau hơn một tuần thoải mái rong chơi ăn uống tại Đông Hà, ông Phước cũng nghe quen dần giọng nói nơi này. Đôi khi cũng được cấp trên cho phép một nửa sĩ quan trong Chi Đoàn theo xe GMC về Quảng Trị chơi, cho biết thành phố địa đầu giới tuyến, nơi có cổ thành Đinh Công Tráng.

Sau đó, Chi Đoàn được lệnh ra phòng thủ căn cứ C1 tại Quán Ngang bên trái quốc lộ 1 chừng 100 mét ở khoảng giữa Đông Hà và vĩ tuyến 17, thay thế cho Chi Đoàn 2/7 Thiết Kỵ trở về Quảng Trị. Tại đây ông Chuẩn Úy Phước “mới thấy có không khí chiến tranh, vì mùi thuốc súng đại bác của ta và Mỹ, bắn yểm trợ cho quân bạn.”

Các quân nhân Bộ Binh ở đây thuộc Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Căn cứ C1 là căn cứ Hỏa Lực Pháo Binh của Mỹ và VNCH, gồm có các đại bác 155 ly, 105 ly của Pháo Binh VNCH, và đại bác 203 ly nòng ngắn, 175 ly nòng dài của Pháo Binh Mỹ. Trên nòng đại bác 175 ly có sơn ba chữ bằng tiếng Mỹ “Mồ Hôi-Máu-Nước Mắt.”

Để biết đời sống sinh hoạt của những người dân tại Quán Ngang như thế nào, ông Phước cùng mấy anh em trong Chi Đoàn đi một vòng, thấy nhà cửa phần nhiều cất tạm bợ, mái tranh vách đất, chỉ có những hàng quán bằng ván ép hoặc ván thùng đạn pháo binh, hầu như nhà nào cũng có hầm trú ẩn.

“Chợ nhóm họp vài tiếng vào buổi sáng, phần đông là những người lớn tuổi nói giọng địa phương nên rất khó nghe. Lính Thiết Giáp, lính Bộ Binh trong căn cứ đi mua thực phẩm tươi nên chợ cũng náo nhiệt. Chúng tôi vào quán gọi cà phê đá thì được biết chưa có, phải chờ lính Mỹ rà mìn xong, xe hàng từ Đông Hà chở hàng lên mới có nước đá cục. Hỏi thăm cuộc sống của những người tại đây, thì cô chủ quán cho biết đây là địa danh Quán Ngang, nơi định cư của những người dân bỏ xóm làng từ quận Trung Lương và Gio Linh về đây sinh sống vì chiến tranh,” ông nhớ lại.

Nghỉ ngơi được vài hôm thì có lệnh hành quân, các sĩ quan được phát mỗi người một tấm bản đồ và một phóng đồ ghi rõ những mục tiêu cần thanh toán. Trung Úy Nguyễn Lương Bích sắp xếp thứ tự di chuyển.

Tờ mờ sáng, Chi Đoàn đã đến điểm tập trung, bố trí chờ Bộ Binh sắp xếp lên xe theo từng xa đội, để cùng đến điểm xuất phát, Việt Cộng chào đón bằng một tràng pháo kích. Vì lần đầu mới ra chiến trường, nên ông Phước chưa phân biệt tiếng nổ là đạn cối 82 ly hay là đạn pháo binh của Việt Cộng, chỉ biết theo chiến thuật là bung rộng ra tránh pháo.

Sau đợt pháo kích, ông Phước cho quay xe lại thì cán trúng mìn chống chiến xa khiến cho hai xạ thủ đại liên 30 ôm ngực khụy xuống. Ông kéo hai người lên trên nắp cửa vuông, mở thắt lưng cho dễ thở, trấn an cho cả hai bình tĩnh trở lại. Sau khi khói tan, ông Phước làm dấu ra hiệu cho Chi Đoàn biết là xa đội không sao.

Chuẩn Úy Phạm Hữu Phước kể tiếp: “Chi Đoàn tiếp tục cùng Bộ Binh đến điểm xuất phát để tiến chiếm mục tiêu. Bây giờ, tôi mới cảm thấy hai đầu gối đau và bầm tím mà không biết đã đụng vào chỗ nào của xe. Xuống xe xem xét lại thì biết chỉ đứt xích, bể bánh lăn chứ không hư hại gì khác.”

“Tôi cùng xa đội tháo xích thành từng đoạn ngắn bỏ vào xe rồi chờ xe của Thiết Đoàn đến kéo về hậu cứ để sửa chữa, thay thế các cơ phận hư hỏng. Chiều tối Chi Đoàn trở về cùng nhiều chiến lợi phẩm, mặt mũi áo quần người nào cũng lấm lem bụi đất, ám khói mùi thuốc súng. Chi Đoàn cũng có nhiều anh em binh sĩ bị thương, một trung sĩ trưởng xa hy sinh,” ông kể thêm.

Ông Phạm Hữu Phước lúc Chi Đoàn 1/11 Thiết Kỵ hành quân tại Gio Linh năm 1968. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Sau khi đụng vài trận lẻ tẻ, lần này Chi Đoàn hành quân vùng đồi đất đỏ phía Tây quốc lộ 1, thả Bộ Binh xuống xong các Chi Đội tiến lên bắn thăm dò vào các điểm khả nghi, cán lên những mô đất hơi cao, vì nghi là hầm của địch, rồi tiếp tục tiến để cho Bộ Binh phía sau lục soát. Việt Cộng bắt đầu pháo, AK cũng nổ giòn, các xa đội vừa bắn vừa tiến nhanh hơn càn quét những mục tiêu trên phóng đồ.

Chi Đội của ông Phước là Chi Đội yểm trợ nên đi cùng phân đội chỉ huy cách các Chi Đội xung kích chừng trăm thước. “Pháo địch điều chỉnh vào vị trí của ta rất chính xác, Pháo Binh ta chỉ phản pháo vào những vị trí đặt pháo của địch mà thôi. Trung Úy Bích điều động Chi Đoàn vừa bắn, vừa tiến nhanh vào phòng tuyến địch để tránh pháo. Rút kinh nghiệm trong cuộc hành quân vừa qua, Chi Đoàn phát huy đặc tính di động nhanh, hỏa lực mạnh mà áp đảo địch,” ông kể tiếp.

Vùng này có nhiều hố bom từ những trận chiến trước cho nên nhiều xa đội tiến nhanh, không tránh kịp bị lọt xuống, có khi không chạy lên được. Không cần biết là của Chi Đội nào, ông Phước cho xe chạy đến, nhảy xuống dưới đất hướng dẫn giúp móc dây cáp kéo cho nhanh để tránh pháo của địch đang điều chỉnh tới nơi ta gặp trở ngại.

Ông Phước vui vẻ nói: “Qua nhiều lần thoát hiểm, tất cả binh sĩ trong Chi Đoàn ai cũng đều nói tôi có thần hộ mệnh. Nhưng theo tôi, đó là nhờ tôi có số hên. Nhưng trong lòng thì tin là nhờ Đức Mẹ hằng cứu giúp, mặc dù tôi là người ngoại đạo.”

“Một lần, Chi Đoàn truy quét Việt Cộng vùng núi phía Tây quốc lộ 1, anh Tôn Thất Nguyện bị thương, anh Đỗ Đình Du sang thay, tôi lên làm chi đội trưởng Chi Đội 4/1. Lần này Chi Đoàn hành quân giải tỏa vùng đồng bằng, lần sau vùng đồi núi, lần khác vùng đồi cát phía biển. Thỉnh thoảng khi nào mở cuộc hành quân lớn, Chi Đoàn 2/7 và Chi Đoàn 1/11 mới phối hợp cùng nhau. Vì không đủ quân để giữ, khi ta rút về, thì địch đến củng cố lại phòng tuyến, thành thử quân ta cứ phải đi truy quét hoài,” ông kể thêm.

Tham chiến trận Phú Hậu

Chi Đoàn có lệnh hành quân cấp tốc vì có tin Việt Cộng đang chiếm làng Phú Hậu, thiết lập phòng tuyến hầm hố kiên cố, nên Bộ Binh không đánh chiếm lại được, mặc dù có Pháo Binh yểm trợ.

Chi Đoàn dàn hàng ngang tiến đánh thăm dò, thấy khó đánh chính diện, Chi Đoàn đi đánh bọc hậu, sử dụng tối đa hỏa lực khiến Việt Cộng không ngóc đầu lên được, xong tràn lên cán các công sự phòng thủ, hố cá nhân, dùng lựu đạn tiêu diệt gọn cả đại đội Việt Cộng.

Riêng Chi Đội của ông Phước tịch thu được sáu súng cá nhân, một thượng liên và một súng cối 61 ly. Hơn 60 xác địch đếm được tại chỗ. Lúc đó Trung Tá Vũ Văn Giai, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 2 Bộ Binh, đến thị sát tại hiện trường, hứa khen thưởng. Đây là lần đầu tiên ông Phước được ân thưởng một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng.

Một tháng sau, Thiết Đoàn 7 rút Chi Đoàn 2/7 trở về Huế, đổi Chi Đoàn 3/7 Thiết Kỵ sang cho Thiết Đoàn 11 nên cải danh thành Chi Đoàn 3/11 Thiết Kỵ. Hậu cứ của Chi Đoàn 2/7 tại trại Quỳnh Lưu, được bàn giao lại cho Thiết Đoàn 11, nên hậu cứ hai Chi Đoàn cũng về theo.

Ông Phước nói: “Nhờ thế, khi tôi có dịp về hậu cứ, coi như là đi phép tại Quảng Trị. Có thêm Chi Đoàn 3/11 Thiết Kỵ nên Chi Đoàn của tôi có thời gian dưỡng quân.”

Ông Phạm Hữu Phước (bìa phải) tại Nghĩa Trang Quân Đội VNCH, Westminster. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Sau những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xăm xắp nước, vùng đồng ruộng Trung Lương và Gio Linh đất cũng mềm dần, theo những lằn xích sắt gây nhiều khó khăn cho Chi Đoàn lúc tiến chiếm mục tiêu. Việt Cộng co cụm lại đào giao thông hào, thiết lập hầm chiến đấu, hố cá nhân phòng thủ khắp nơi, ngăn chận quân ta tái chiếm.

Những cuộc hành quân, những trận đụng độ liên miên không sao kể hết được.

“Những chiến lũy của địch trong các làng mạc quận Gio Linh bị quân ta quét sạch từ vùng đồi núi đến đồng bằng, nên tình hình cũng tạm yên. Thua ở những vùng thấp, Việt Cộng lập phòng tuyến mới trên dãy đồi cát cao phía biển, dọc theo ruộng của quận Gio Linh và Trung Lương, cũng bị Thiết Đoàn 11 mở nhiều cuộc hành quân truy quét để dọn sạch sẽ khu vực này,” Chuẩn Úy Phạm Hữu Phước kể. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

—–
Kỳ sau: Hành quân Lam Sơn 250

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT