Sunday, April 28, 2024

‘Kỷ Vật Cho Em,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Phạm Duy

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Kỷ Vật Cho Em” vẽ nên bức tranh khiếp đảm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam hồi hạ bán thế kỷ 20, không phải về những tan nát, đổ vỡ của quê hương mà về những chết chóc, chia lìa và tật nguyền thê thảm của những người chiến sĩ thiếu may mắn.

Nhạc phẩm “Kỷ Vật Cho Em” của Phạm Duy. (Hình: Tài liệu)

Để trả lời câu hỏi bao lâu nữa người lính mới từ trận tuyến quay về thì, thay vì nói rõ thời gian bao lâu nữa, người lính chiến lại chỉ nói về những rủi ro trong cuộc chiến mà làm thân người chiến sĩ ai cũng có thể phải hứng chịu, như bị chết ngoài chiến trường hoặc bị thương tật và tàn phế lúc quay về, để rồi trở thành gánh nặng cho gia đình và làm khổ người vợ hiền hoặc người yêu nơi quê cũ.

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về/ Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime/ Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã/ Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả/ Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa/ Anh trở về trên chiếc băng ca/ Trên trực thăng sơn màu tang trắng.”

Để trả lời câu em hỏi rằng một người đi giữa chiến tranh như anh yêu thì ngày anh trở về với em là khi nào, người lính chiến chỉ dám hứa rằng mai mốt anh sẽ về chứ không biết rõ ngày ấy là ngày nào. Ngày anh trở về, có thể đó là sau những chiến thắng Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã trên một đất nước đã xác xơ, điêu tàn. Nhưng rất có thể anh cũng sẽ trở về trong quan tài buồn mà hồn nghe thêm trống vắng trên chiếc trực thăng trắng màu tang chế, chỉ vì anh đã tử trận mất rồi, hỡi em yêu!

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về/ Anh trở về chiều hoang trốn nắng/ Poncho buồn liệm kín hồn anh/ Anh trở về bờ tóc em xanh/ Chít khăn sô lên đầu vội vã… Em ơi!”

Em lại gạn hỏi anh bao giờ anh trở lại quê nhà, rồi cũng được anh trả lời một cách mơ hồ rằng mai mốt anh sẽ về. Đau đớn thay! Lúc anh về có thể là một buổi chiều mây buồn giăng giăng khắp lối và giá lạnh tím cả hoàng hôn khi thi thể anh đã được gói trọn vào chiếc poncho. Đó là lúc em yêu vội vả chít lấy tấm khăn sô lên mái tóc hãy còn xanh của một người góa phụ trẻ, em ơi!

“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về/ Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen/ Em sang sông anh cho làm kỷ niệm/ Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ/ Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân/ Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân/ Bên người yêu tật nguyền chai đá.”

Em lại gạn hỏi anh bao giờ anh trở lại quê nhà, rồi cũng dược anh trả lời một cách mơ hồ rằng mai mốt anh sẽ về. Lần này, anh sẽ tặng em một viên đạn đồng đen của địch, viên đạn đã gây nên tàn phế cho thân thể anh, để mai mốt đây khi em có giã từ anh mà đi lấy chồng thì em cứ coi như đây là kỷ niệm duy nhất còn sót lại về anh. Lúc đó, anh chỉ là một bại tướng cụt chân, lê tấm thân tàn trên đôi nạng gỗ. Và nếu em cón đủ can đảm sống những ngày còn lại với anh thì thế nào em cũng sẽ phải ngượng ngùng khi bước ra ngoài đi dạo bên cạnh một người yêu tật nguyền, chai đá như anh.

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về/ Anh trở về nhìn nhau xa lạ/ Anh trở về dang dở đời em/ Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen/ Cố quên đi một lần trăng trối… Em ơi!/ Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại/ Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về…”

Em lại gạn hỏi anh bao giờ anh trở lại quê nhà, rồi cũng được anh trả lời một cách mơ hồ rằng mai mốt anh sẽ về. Bây giờ anh đã là một phế nhân, và đôi ta sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt chưa quen, nhớ khi xưa lạ nhau, chung một đường kẻ trước người sau. Chỉ vì em còn thương mà chấp nhận anh, nhưng đời em coi như đã dang dở rồi, em đành cố quên đi một mối tình thơ mộng đã chết, y như mùa Thu đã chết, đã chết rồi, em nhớ cho! Hoa tàn, nhạc bay theo không gian…

***

Có lẽ vì nhạc sĩ Phạm Duy quá nổi tiếng, nhạc phẩm “Kỷ Vật Cho Em” thường ghi tên tác giả là Phạm Duy. Nhưng sự thật thì đây là một bản nhạc phổ từ một bài thơ của thi sĩ Linh Phương, có nhan đề là “Để Trả Lời Một Câu Hỏi.” Thi phẩm này cũng chính là câu trả lời của một người lính chiến cho người yêu của mình, trong đó đề cập đến một tương lai không mấy sáng sủa, nếu không nói là đen tối, của những người lính chiến nào gặp rủi ro khi xông pha nơi chiến trận để bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân miền Nam hiền hòa: một là chết chóc và hai là tật nguyền!

Trong khi nhạc phẩm “Trả lại Em Yêu” của nhạc sĩ Phạm Duy nói về tâm trạng buồn rầu, tiếc nhớ những ngày vui đã qua với người yêu học chung trường của một chàng sinh viên trẻ khi phải lên đường nhập ngũ thì ca khúc “Kỷ Vật Cho Em,” cũng của Phạm Duy, lại vẽ nên một bức tranh dễ sợ về tương lai của những chàng trai đi vào cuộc chiến để bảo vệ nền dân chủ và tự do của miền Nam Việt Nam. Đó là từ chỗ chết chóc, chia lìa và tật nguyền cho đến chỗ trở thành gánh nặng cho người vợ và người thân. Nói chung, đó là một tương lai đen tối vẫn chờ đón những người đi vào cuộc chiến, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến, trong cuộc chiến tranh tương tàn tại Việt Nam hồi thế kỷ trước.

Nhiều người vẫn cho rằng “Kỷ Vật Cho Em” và “Trả Lại Em Yêu” là hai nhạc phẩm phản chiến của Phạm Duy. Họ cho rằng hai ca khúc này không phải là những lời khích lệ hoặc ca ngợi người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa khi họ chấp nhận lên đường tòng quân và xả thân vì nước để bảo vệ miền Nam thân yêu khỏi bị Cộng Sản Bắc Việt thôn tính. Họ cho rằng đó chỉ là những lời than thở về thân phận người lính nơi chiến trường và là lời báo điềm về những đau thương, mất mát do cuộc chiến gây ra cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam.

Sự thật không phải vậy. Nếu nói về nhạc phản chiến tại miền Nam tự do, tức là những ca khúc ta thán hoặc chỉ trích cuộc Chiến Tranh Việt Nam – đang gây bao đau thương và bao điêu tàn cho quê hương miền Nam – mà lại không trách cứ và đổ lỗi cho miền Bắc, vốn là kẻ gây nên cuộc chiến tranh, thì chỉ có những ca khúc viết về cuộc chiến tại Việt Nam của Trịnh Công Sơn mới đáng được gọi là nhạc phản chiến. Những câu sau đây trong ca khúc phản chiến “Đại Bác Ru Đêm” của họ Trịnh rõ ràng là muốn đổ lỗi gây ra cuộc chiến tranh cho phía Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh Mỹ: “Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng/ Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/ Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn…”

Nói thế để thấy rằng nhạc của Phạm Duy, như được phổ biến tại miền Nam Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960 và 1970, chỉ mang đặc tính thuần văn hóa và nghệ thuật chứ rất ít khi đề cập tới chính trị.

Phạm Duy nhìn cuộc chiến tranh tại Việt Nam lúc đó dưới lăng kính của một nghệ sĩ chứ không phải của một chính trị gia. Vả lại, chính cuộc đời của Phạm Duy, với những lần thay đổi lý tưởng từ Cộng Sản về với Quốc Gia rồi lại trở về Cộng Sản, cho thấy người nhạc sĩ này không có lập trường chính trị nào rõ rệt. Phạm Duy chỉ là một con người chuộng thực tế – dù đôi khi quá sức thực tế – thay vì theo đuổi một lý tưởng chính trị nào đó như phần lớn các văn, nghệ sĩ cùng thời với ông.

Có điều, ngay cả những ca khúc đau thương nhất và chua chát nhất của Phạm Duy về cuộc Chiến Tranh Việt Nam cũng vẫn có cái khía cạnh tích cực của nó, đó là nói lên sức chịu đựng lớn lao và những hy sinh vô bờ bến của cả một thế hệ thanh niên nhằm bảo vệ nền tự do, dân chủ của miền Nam tự do, lâu được chừng nào hay chừng nấy.

Theo trang mạng muxanhhoaianh.blogspot.com, nhà thơ Linh Phương họ Ðoàn, gốc người miền Nam, là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng đi từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến qua các binh chủng khác, như Biệt Kích rồi Biệt Ðộng Quân.

Linh Phương viết văn và làm thơ từ năm 1962. Linh Phương là người chủ trương nhóm Văn Nghệ Hoa Ðông Phương (1964), từng là chủ tịch Hội Những Người Viết Trẻ, biên tập viên tuần báo Tinh Hoa (1967)…

Nhà thơ quân đội họ Ðoàn đã tham dự hầu hết các trận chiến khủng khiếp trong và ngoài nước, như Dakto, Khe Sanh, A Shau, A Lưới, Cồn Tiên, Tây Ninh, U Minh (nội địa Việt Nam), Prey Veng, Kompongcham, Tonlé, Bassac (ngoại biên Cambodia), Tchepone, Ðồi 30-31 (Hạ Lào)…

Các sáng tác đã xuất bản của Linh Phương bao gồm “Áo Tím Mùa Thu” (1964), “Còn Gì Cho Em” (1965), “Trên Ngọn Sầu Ðông” (1966), “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” tức “Kỷ Vật Cho Em” (1971)…

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh năm 1921 và mất năm 2013. Phạm Duy xuất thân từ một gia đình văn nghiệp ở Hà Nội, xứ ngàn năm văn vật. Cha ông là Phạm Duy Tốn, được coi là một nhà văn xã hội đầu tiên của nền văn học Việt Nam, trong khi anh ruột của ông là Phạm Duy Khiêm, cũng là một văn sĩ và từng là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp. Anh họ của Phạm Duy, Nguyễn Văn Ngọc, là tác giả cuốn sách nghiên cứu “Tục Ngữ Phong Dao” nổi tiếng.

Năm 1945, sau biến cố Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, Phạm Duy đi theo kháng chiến, trở thanh một cán bộ văn nghệ của Việt Minh và được coi là một nhạc sĩ thành công nhất vào lúc đó. Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng tại Chiến Khu Việt Bắc. Năm 1951, Phạm Duy rời bỏ kháng chiến và quay trở về Hà Nội, và sau đó đưa gia đình vào Nam, sinh sống tại Sài Gòn.

Trong những năm thập niên 1960, Phạm Duy được các bộ và ngành trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cử đi Philippines, Nhật Bản và Thái Lan để giới thiệu nền văn nghệ Việt Nam với thế giới, rồi làm thành viên trong nhóm nghệ sĩ đón tiếp đoàn vũ trống của Nam Hàn (Đại Hàn Dân Quốc) và đoàn Moral Rearmement của Mỹ. Năm 1965, ông tham gia phong trào Du Ca với Nguyễn Đức Quang, Giang Châu, Ngô Mạnh Thu… đi đến nhiều nơi để giới thiệu các ca khúc nói lên thân phận của tuổi trẻ tại miền Nam tự do trong chiến tranh.

Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông và gia đình di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại Midway City ở miền Nam California. Thời kỳ này, Phạm Duy vẫn tiếp tục sáng tác, biểu diễn, tổ chức và tham gia những đêm nhạc trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Năm 1990, ông bắt đầu viết hồi ký. Đến năm 1999, vợ ông, bà Thái Hằng, qua đời.

Tháng Năm, 2005, Phạm Duy cùng hai người con, là Duy Quang và Duy Cường, quay về sinh sống tại Việt Nam và cư ngụ tại Quận 11 ở Sài Gòn. Tháng Bảy năm đó, lần đầu tiên kể từ năm 1975, chỉ có chín bài hát trong số mấy trăm ca khúc của Phạm Duy được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cấp phép cho phổ biến trong nước.

Nhạc sĩ Phạm Duy (trái) và nhà thơ Linh Phương. (Hình: Tài liệu)

Ngày 27 Tháng Giêng, 2013, sau một thời gian ngã bệnh phải nằm bệnh viện, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, thọ 92 tuổi, chỉ một tháng sau cái chết của ca sĩ Duy Quang, người con trai trưởng của ông.

Sau đây là một số các ca khúc nổi tiếng và tiêu biểu nhất của người nhạc sĩ thiên tài này: “Bên Cầu Biên Giới,” “Bao Giờ Biết Tương Tư,” “Cây Đàn Bỏ Quên,” “Còn Chút Gì Để Nhớ,” “Giọt Mưa Trên Lá,” “Hẹn Hò,” “Kỷ Vật Cho Em,” “Ngày Trở Về,” “Ngậm Ngùi,” “Nhạc Tuổi Xanh,” “Phố Buồn,” “Tình Ca,” “Trường Ca Con Đường Cái Quan,” “Về Miền Trung,” “Tiễn Em,” “Viễn Du,” “Xuất Quân”… (Vann Phan) [qd]


Bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Linh Phương

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang song
Đời con gái một lần dang dở
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăng trối.

Nhạc phẩm “Kỷ Vật Cho Em” của Phạm Duy

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã… Em ơi!

Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăng trối… Em ơi!
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về…


 

MỚI CẬP NHẬT