Friday, April 26, 2024

Lễ Truy Điệu trong Ngày Quân Lực 2019 tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Dưới sự điều hợp của Mũ Đỏ Nguyễn Văn Hùng, chương trình Lễ Truy Điệu các anh hùng, liệt nữ đã nằm xuống để bảo vệ miền Nam Việt Nam nhân Ngày Quân Lực VNCH năm 2019, do Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Miền Nam California tổ chức đã trang trọng khai mạc vào chiều Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster.

Sau nghi thức khai mạc, Không Quân Lê Văn Sáu, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Miền Nam California, trưởng ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc.

Kế tiếp là Lễ Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm những anh hùng liệt nữ đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia dân tộc.

Ban tổ chức mời Hội Đồng Liên Tôn lên trước bàn thờ tổ quốc trong Lễ Niệm Hương.

Lễ Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, nghi thức đặt “Quân Kỳ Rủ” và “Thu Quân Kỳ Rủ” tưởng niệm các chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân. Niên trưởng chủ tọa, Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, chứng minh cho lễ này và đã trao Quân Kỳ VNCH cho chiến hữu Nguyễn Phục Hưng và trưởng ban tổ chức Lê Văn Sáu.

Sau cùng, đồng hương đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng chiến sĩ trận vong.

Trong Lễ Truy Điệu có phần yểm trợ của các ban văn nghệ Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban Văn Nghệ Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ, Ban Văn Nghệ Hội Bà Triệu, Ban Văn Nghệ Thủy Quân Lục Chiến, Ban Văn Nghệ Cảnh Sát Quốc Gia, và còn nhiều ban khác.

Ngày xưa, tuy Binh Chủng Quân Cảnh VNCH không phải là một đơn vị tác chiến, nhưng nhiệm vụ của các chiến hữu này cũng rất quan trọng trong lĩnh vực bảo quốc, an dân và duy trì quân phong, quân kỷ trong Quân Lực VNCH.

Hội Đồng Liên Tôn và quan khách niệm hương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Phạm Văn Thành, hội trưởng Hội Ái Hữu Quân Cảnh Nam California, kể: “Trước năm 1975, hằng  năm Binh Chủng Quân Cảnh chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự cho những ngày đại lễ của VNCH. Trong đó có sự kiểm soát giao thông và đưa rước các đại diện quân, binh chủng của quân đội khắp nơi về Thủ Đô Sài Gòn để làm Lễ Duyệt Binh trong Ngày Quân Lực. Trước và sau ngày 19 Tháng Sáu, các chiến hữu Quân Cảnh phải làm việc rất cực lực trong vai trò duy trì an ninh trật tự của thủ đô miền Nam.”

“Trước khoảng một tuần, lực lượng Quân Cảnh đã đặt những nút chặn trong và ngoài Thủ Đô Sài Gòn để kiểm soát các quân nhân trong vấn đề quân phong, quân kỷ cũng như sự đột nhập của Cộng Sản vào để phá đại lễ 19 Tháng Sáu. Đến Ngày Quân Lực, Quân Cảnh còn chịu trách nhiệm bảo vệ khán đài đón tiếp tổng thống và các viên chức cao cấp trong chính quyền đến dự Lễ Duyệt Binh để biểu dương lực lượng hùng mạnh của Quân Lực VNCH,” ông kể thêm.

Nghi thức đặt “Quân Kỳ Rủ” và “Thu Quân Kỳ Rủ” tưởng niệm các chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Lệ Giang, hội trưởng Hội Bà Triệu Nam California, cho biết trong cuộc chiến tại Việt Nam, bà là y tá của của Lực Lượng Đặc Biệt-Biệt Kích tại Quân Y Viện C3 Long Bình.

“Nói là bệnh viện của Lực Lượng Đặc Biệt hay Biệt Kích, nhưng tất các những thương binh của các quân, binh chủng thì cũng được đưa về bệnh viện này để chúng tôi chăm sóc. Là một nữ y tá của quân đội thì đối với các chiến sĩ của Quân Lực VNCH, ngoài việc chăm sóc cho các anh, chúng tôi còn xem các anh như tình người chiến hữu. Có rất nhiều thân nhân của họ đã khóc vì những thương tích của các anh, khóc vì mạng sống của các anh. Nhưng có ai biết được, những nữ y tá quân đội đã từng khóc mỗi ngày vì đã chứng kiến sự hy sinh của các chiến binh VNCH đã bị mất đi một phân thân thể của mình để bảo vệ sự tự do cho miền Nam,” bà tâm sự.

Phần trình diễn của Ban Văn Nghệ Thủy Quân Lục Chiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, hội trưởng Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, chia sẻ: “Tôi là người đã vào tù của Cộng Sản 13 năm, cùng chung số phận với các chiến hữu của Quân Lực VNCH. Kỷ niệm ngày 19 Tháng Sáu là để vinh danh những quân, cán, chính VNCH đã có công với đất nước trong công cuộc chống Cộng để bảo vệ sự tự do cho đồng bào miền Nam. Vì thế, chúng ta phải tri ân họ.”

“Trong tinh thần đó, đối với những thương phế binh VNCH đang còn sống trong hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà, chúng ta phải có chút quà mọn đến cho họ để tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối họ. Nhân dịp Kỷ Niệm Ngày Quân Lực, tôi xin thông báo với mọi người là Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH kỳ thứ 12 sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 21 Tháng Bảy, 2019, từ 12 giờ trưa đến 7 giờ tối tại sân Trường Trung Học Los Amigos, 16566 Newhope St., Fountain Valley, CA 92708,” bà nhắn gửi.

Đồng hương đến dự Lễ Truy Điệu trong Ngày Quân Lực 2019 tại Little Saigon. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Khi nhắc đến sự kiêu hùng của người lính chiến VNCH thì phải nhớ đến các trận chiến của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Khởi đầu vào ngày cuối Tháng Ba, 1972, khi quân Cộng Sản Bắc Việt xua 14 sư đoàn chính quy và 25 trung đoàn địa phương tại miền Nam để tấn công lãnh thổ của VNCH. Tổng cộng có khoảng 230,000 quân số, 1,200 chiến xa đủ loại, cùng các sư đoàn đại pháo 130 ly, các dàn súng phóng hỏa tiễn 107 và 122 ly, thêm loại súng phóng hỏa tiễn cầm tay SA.7 do Nga Xô chế tạo.

Quân Cộng Sản chia làm ba mũi tấn công tại ba mặt trận: Quảng Trị vào 30 Tháng Ba; Kon Tum vào 14 Tháng Tư và Bình Long An Lộc vào 3 Tháng Tư, 1972. Trong ba mặt trận này, quân Cộng Sản Bắc Việt đã bị quân dân VNCH anh dũng đánh lui toàn bộ. Riêng tại mặt trận An Lộc, cộng quân để lại chiến trường hơn 2/3 nhân mạng thương vong, gần 80% chiến cụ nặng như các chiến xa T.54, PT.76, các chiến xa cơ động phòng không, các dàn đại bác hạng nặng 130 ly các giàn súng phóng hoả tiễn 107 và 122 ly bị hủy diệt.

Hậu duệ Phan Thy (phải) và chiến hữu Nguyễn Phục Hưng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Có mặt trong Lễ Truy Điệu Kỷ Niệm Ngày Quân Lực, 2019, phóng viên Đài Truyền Hình Số 9 VNCH Phạm Hòa đã từng nhảy vào chiến trường An Lộc, kể: “Tôi được lệnh của đài truyền hình lên trực thăng vào chiến trường An Lộc để phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng, và chỉ được phỏng vấn ông trong vòng 30 phút. Sau đó, tôi phải lên trực thăng về Sài Gòn để cho đài truyền hình đưa tin tức trận chiến An Lộc đang tiếp diễn. Một hình ảnh mà tôi không quên được là chiếc trực thăng quân đội chỉ chở được 12 người mà thôi. Nhưng hôm đó vì tình hình của trận chiến quá khắc nghiệt, nên trên chiếc trực thăng đưa chúng tôi và những viên chức khác tổng cộng đến 21 người.”

“Từ cuộc phóng sự chiến trường tại An Lộc, nên Đại Lễ Ngày Quân Lực, 1973, tại Sài Gòn, tôi là một phóng viên đặc biệt được vinh danh trong hàng ngũ các chiến sĩ xuất sắc của năm 1972. Sau đó, tôi được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mời vào Dinh Độc Lập dự tiệc vinh danh những quân, cán, chính xuất sắc trong năm, và tôi cũng hân hạnh được ngồi chung bàn với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm,” ông Hòa cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (phải) và phóng viên Phạm Hòa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tuy trận chiến miền Nam đã tàn, nhưng những đau thương, uất hận trong lòng của các cựu chiến binh VNCH vẫn không bao giờ nguôi ngoai trong tâm khảm, nhất là mỗi lần kỷ niệm Ngày Quân Lực tại hải ngoại. Nổi đau lòng, uất nghẹn của họ là vì, Ngày Quân Lực là ngày mà quân đội đã đảm trách nhiệm danh dự của mình trước toàn dân để bảo vệ quốc gia dân tộc, mà họ chưa hoàn tất.

Trong những tinh thần kiêu hùng đó, có người đã nằm xuống vì đại cuộc, có người vẫn còn sống trong hoàn cảnh tủi nhục của người thương binh tại quê nhà. Nhưng tinh thần kiêu hùng của các chiến hữu vẫn còn được tiếp nối tại hải ngoại từ các hậu duệ.

Chiến hữu Nguyễn Đức Tiến, Lực Lượng Đặc Biệt (phải), và Hội Bà Triệu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cô Phan Thy, cư dân Garden Grove, tâm tình: “Ngày xưa, ba của tôi cũng là một chiến sĩ của VNCH, và cũng từng bị nhiều năm trong lao tù Cộng Sản sau ngày miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Cho nên hằng năm, Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực và 30 Tháng Tư Đen thì tôi đều đến dự vì tôi cũng là một hậu duệ của Quân Lực VNCH.”

“Trong những ngày này, cứ mỗi lần nghe trên đài phát thanh tại Little Saigon hát những bài nhạc để vinh danh những người lính VNCH thì tôi đều rơi nước mắt, vì tôi đã nghe mẹ của tôi kể lại về sự hy sinh của các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH để bảo vệ tự do cho miền Nam của đất nước mình. Họ là những anh hùng, tinh thần yêu quê hương tổ quốc, dân tộc của các chiến sĩ Quân Lực VNCH là một tấm gương sáng mà hàng hậu duệ của chúng tôi phải noi theo,” cô nói. (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT