Thursday, April 25, 2024

Lính Nghĩ Gì? – Đồng minh tráo trở: Trường hợp Đài Loan

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nếu chuyện đồng minh tráo trở là chuyện đã rồi khi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phải sụp đổ một cách cay đắng trước đoàn quân xâm lược Cộng Sản Bắc Việt hồi năm 1975 cách nay gần nửa thế kỷ thì viễn tượng Đài Loan sẽ phải mất vào tay Trung Quốc là vấn đề đang làm cho những kẻ ái mộ nền dân chủ, tự do trong sáng và nền kinh tế, tài chánh vững mạnh của Đài Loan phải băn khoăn, lo lắng.

Bản đồ hành chánh của đảo quốc Đài Loan. (Hình: en.wikipedia.org)

Nước Mỹ, người anh hùng xưa nay vẫn ưa cứu khổ, phò nguy cho biết bao quốc gia nhược tiểu đang bị các nước lớn cùng các liên minh ma quỷ thôn tính hoặc đe dọa thôn tính – như Philippines và miền Nam Việt Nam hồi thế kỷ trước – hoặc đang là nạn nhân của các chế độ độc tài hà khắc, cỡ các chính quyền Afghanistan, Iraq và Syria trước kia, nay chỉ vì can tội bỏ rơi đồng minh VNCH vào tay Cộng Sản Quốc Tế mà bỗng nổi danh là một cường quốc không đáng tin cậy và ưa phản bội đồng minh.

Nhiều người còn nêu trường hợp của Đài Loan, tức Trung Hoa Dân Quốc, ra nữa để coi như là một tỷ dụ khác cho tính tráo trở của Hoa Kỳ trong quan hệ giữa siêu cường này với các nước mà chính họ tình nguyện đến giúp đỡ và xếp vào hàng đồng minh của mình.

Bối cảnh của quan hệ đồng minh Hoa-Mỹ

Quan hệ đồng minh Hoa-Mỹ, mà bây giờ là đồng minh Hoa Kỳ-Đài Loan, khởi sự từ những năm 1940 khi nước Trung Hoa dưới quyền cùa Thống Chế Tưởng Giới Thạch, tổng thống Trung Hoa Dân Quốc tại Trung Hoa Lục Địa, sát cánh với phe Đồng Minh Âu-Mỹ-Á-Phi chống lại phe Trục Đức-Ý-Nhật hồi Thế Chiến Thứ Hai.

Cuộc Nội Chiến Quốc-Cộng tại Hoa Lục (gồm giai đoạn 1 từ 1927 đến 1936 và giai đoạn 2 từ 1946 đến 1950 và xen kẽ là thời gian đoàn kết chống Đế Quốc Nhật trong cuộc Chiến Tranh Trung-Nhật từ 1937 đến 1945), cùng sự sự trổi dậy của Cộng Sản Trung Hoa chống Tây phương đã thắt chặt thêm mối tình đồng minh khắng khít giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc cho tới ba thập niên sau ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc đánh bại quân đội Trung Hoa Dân Quốc và chiếm lấy toàn bộ Hoa Lục, khiến quân đội của Thống Thống Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan vào năm 1949.

Tiến trình Hoa Kỳ “phản bội đồng minh” Trung Hoa Dân Quốc

Mặc dù Hoa Kỳ, từ năm 1949 cho đến nay, chưa hề thực sự bỏ rơi hay “phản bội” Trung Hoa Dân Quốc – tức là chính phủ và nhân dân Đài Loan bây giờ – bởi vì chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vẫn còn đó chớ không mất đi một cách tức tưởi như chính quyền VNCH tại Sài Gòn hồi Tháng Tư, 1975, nhưng tiến trình “phản bội đồng minh” của các đời tổng thống Mỹ từ hạ bán thế kỷ trước đến ngày nay vẫn đều đặn từng bước diễn ra.

Bước 1: Năm 1949, Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Harry Truman, quyết định không viện trợ quân sự và kinh tế thêm nữa cho chính quyền của Thống Chế Tưởng Giới Thạch vì tình trạng bất lực và tham nhũng trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc, mặc dù Đệ Nhất Phu Nhân Tống Mỹ Linh đã hết lòng vận động Quốc Hội Mỹ tiếp tục chi viện cho Trung Hoa Dân Quốc để tiếp tục cuộc chiến tranh chống Cộng tại Hoa Lục. Kết quả, ngoại trừ hai đảo Đài Loan và Hải Nam -nhưng rồi Hải Nam cũng bị các lực lượng Cộng Sản chiếm chỉ một năm sau đó – Hoa Lục hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản Trung Hoa vào ngày 7 Tháng Mười Hai, 1949.

Bước 2: Năm 1972, chính quyền Hoa Kỳ, dưới thời Tổng Thống Richard Nixon, bắt đầu làm thân với chính quyền Cộng Sản Trung Hoa tại Hoa Lục nhằm lôi kéo Bắc Kinh về phía Washngton để chống Moscow. Tổng Thống Nixon kết thức cuộc công du Cộng Sản Trung Hoa lần đầu tiên của một vị tổng thống Hoa Kỳ bằng bản Thông Cáo Chung Thượng Hải (Shanghai Communiqué), được Tổng Thống Nixon và Thủ Tướng Chu Ân Lai ký kết và công bố tại Thượng Hải vào ngày 28 Tháng Hai, 1972.

Bản Thông Cáo Chung viết rằng “vì quyền lợi của mọi quốc gia mà Hoa Kỳ và Trung Hoa phải tìm cách bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau” – nhưng việc này chỉ diễn ra bảy năm sau đó – và rằng, về quy chế chính trị của Đài Loan, “Hoa Kỳ nhìn nhận ‘chính sách Một Nước Trung Hoa’ (‘One-Chia policy’)” và đồng ý giảm thiểu các mối liên hệ cùng các căn cứ quân sự trên đảo Đài Loan.

Bản Thông Cáo Chung cũng đưa ra ý định nới rộng các quan hệ kinh tế và văn hóa giữa hai nước trong tương lai. Kết quả, Đài Loan, dù rất không ưa chế độ Cộng Sản tại Bắc Kinh, khó có thể tuyên bố độc lập vì Hoa Kỳ đã nhìn nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ của Cộng Sản Trung Hoa qua chính sách “Một Nước Trung Hoa” do Cộng Sản Trung Hoa đưa ra.

Bước 3: Vào ngày 1 Tháng Giêng, 1979, dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter, Hoa Kỳ công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Cộng Sản Trung Hoa) và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền hợp pháp duy nhất tại Trung Hoa. Cùng ngày, Hoa Kỳ chấm dứt các quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc trong tư cách là chính quyền hợp pháp của toàn thể nước Trung Hoa – mặc dù chính quyền này chỉ còn cai trị đảo Đài Loan từ năm 1949 cho đến thời điểm nói trên. Kết quả, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đài Bắc bị giáng cấp xuống thành American Institute in Taiwan (Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan) và Trung Hoa Dân Quốc, tức chính quyền Đài Loan, bị mất quy chế thành viên Liên Hiệp Quốc đồng thời phải giao ghế thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà họ nắm giữ từ ngày 24 Tháng Mười 1945, đến thời điểm nói trên cho Cộng Sản Trung Hoa.

Trong một chừng mực nào đó, Hoa Kỳ cũng đã “phản bội” Đài Loan

Tuy nhiều đời tổng thống Mỹ đã chạy theo thực tế chính trị mà “bỏ rơi” Đài Loan để nhìn nhận và làm ăn, buôn bán đặng kiếm lời với Cộng Sản Trung Hoa nhưng thật cũng khó mà nói rằng Hoa Kỳ đã “phản bội” Đài Loan, bởi vì dù không còn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập đi nữa thì Hoa Kỳ, qua Đạo Luật Quan Hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act) – được Washington ban hành ngày 10 Tháng Tư, 1979 – cũng vẫn tuân giữ bổn phận bảo vệ Đài Loan khỏi tay quân Cộng Sản Trung Hoa xâm lược. Hoa Kỳ dù có bỏ rơi Đài Loan nhưng đảo quốc này vẫn tồn tại cho đến ngày nay chứ không bị xóa tên như VNCH hồi năm 1975.

Hoa Kỳ tuy không bảo đảm việc can thiệp quân sự để giúp Đài Loan chống lại một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Cộng Sản Trung Hoa nhưng nói rằng “Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan những võ khí và sự yểm trợ cần thiết nhằm giúp Đài Loan có đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình,” và rằng “đặc tính và mức độ yểm trợ đó sẽ được Tổng Thống và Quốc Hội định đoạt.” Kỳ diệu thay, cái thứ ngôn ngữ chiến lược mơ hồ đến thế mà vẫn giữ cho Đài Loan khỏi bị rơi vào tay các lực lượng Cộng Sản Trung Hoa, mặc dù từ năm 1950 đến nay, có tới ba cuộc khủng hoảng lớn (hồi các thập niên 1950 và 1990) tại Eo Biển Đài Loan ngăn cach Hoa Lục và đảo quốc này, kể cả những lần hai bên đọ sức với nhau bằng trọng pháo và hỏa tiễn qua lại.

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). (Hình: AP Photo/Chiang Ying-ying)

Trong một lời tuyên bố đưa ra hôm 5 Tháng Ba, 2021, và được thông tấn xã Reuters ghi nhận, Thủ Tướng Cộng Sản Trung Hoa Lý Khắc Cường nói rằng Trung Hoa cương quyết ngăn chặn mưu đồ ly khai và độc lập của Đài Loan nhưng sẵn sàng nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa chính quyền hai bên bờ Eo Biển Đài Loan nhằm tiến tới việc thống nhất với Đài Loan trong hòa bình.

Trước khát vọng độc lập, tự do tha thiết của quốc dân Đài Loan dưới sự lãnh đạo của nữ Tổng Thống Thái Anh Văn thuộc Dân Tiến Đảng đang cầm quyền, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu Hoa Kỳ sẽ còn đủ thiện chí và khôn ngoan đến bao lâu nữa để duy trì tình trạng hiện thời – tức giữ nguyên hiện trạng (status quo) – ở hai bên bờ Eo Biển Đài Loan trong khi đảng Cộng Sản Trung Hoa dưới quyền Chủ Tịch Tập Cận Bình đang nôn nóng hơn bao giờ hết trong mưu đồ sát nhập Đài Loan vào Hoa Lục, và lúc nào cũng sẵn sàng dùng tới lực lượng võ trang hùng hậu áp đảo của mình để đè bẹp ý chí kháng cự của đảo quốc nhỏ bé này tại Tây Thái Bình Dương? (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT