Friday, April 26, 2024

Lính Nghĩ Gì? – Sau VNCH, Mỹ tiếp tục bỏ rơi đồng minh tại Syria và Afghanistan

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020, Tổng Thống Donald Trump đã có những quyết định bị các tướng lãnh Mỹ và đồng minh Âu Châu phản đối mạnh mẽ, đó là rút về phần lớn các lực lượng của Hoa Kỳ ra khỏi Syria, Afghanistan và Iraq.

Lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tại tỉnh Helmand ở Afghanistan, ngày 11 Tháng Chín, 2017. (Hình: Andrew Renneisen/Getty Images)

Các giới chức đó tin rằng việc Mỹ rút lui khỏi vùng Trung Đông và Trung Á vừa làm suy yếu liên minh quốc tế chống Nhà Nước Hồi Giáo, vừa tác hại cho nền an ninh của Âu Châu mà cũng vừa làm suy giảm ảnh hưởng của Tây phương tại vùng này giữa lúc Nga đang ra sức bành trướng thế lực của họ tại đây để uy hiếp sườn phía Đông của các nước trong Khối NATO.

Hoa Kỳ đưa quân vào Trung Đông và Trung Á hồi nào?

Hồi Tháng Mười, 2001, sau vụ tấn công khủng bố của Osama bin Laden và các phần tử Hồi Giáo cực đoan vào chính quốc Mỹ ngày 11 Tháng Chín năm đó, chính quyền của Tổng Thống George W. Bush đã cùng với một số các nước thành viên khác trong Khối NATO đưa quân vào Afghanistan để đánh đuổi quân khủng bố Taliban và giúp thiết lập một chính quyền Hồi Giáo ôn hòa tại Kabul.

Đến Tháng Tám, 2010, tức là vào lúc cao điểm của cuộc can thiệp quân sự tại Afghanistan, Mỹ có tới hơn 100,000 binh sĩ đồn trú tại quốc gia Hồi Giáo này ở Trung Á cùng với khoảng 15,000 quân từ 14 quốc gia khác trong Khối NATO.

Tới Tháng Ba, 2003, cũng dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Hoa Kỳ lại cùng với Anh Quốc và một vài nước đồng minh đưa quân vào Iraq để lật đổ Tổng Thống Saddam Hussein vì tình nghi chính quyền Iraq tàng trữ bất hợp pháp các loại vũ khí sát thương hàng loạt (weapon of mass destruction). Vào Tháng Mười Một, 2007, lực lượng Mỹ trấn đóng tại Iraq đã lên tới đỉnh cao, với 170,000 binh sĩ, cùng với khoảng 50,000 quân Anh, Úc và Ba Lan.

Hoa Kỳ bắt đầu đưa quân vào Syria từ hồi Tháng Mười, 2015, dưới thời Tổng Thống Barack Obama, với 50 binh sĩ đầu tiên thuộc lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ huấn luyện dân quân Syria chiến đấu chống các chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo hoạt động tại miền Tây-Bắc nước này. Mức quân Mỹ cao nhất có mặt tại Syria là hơn 2,000 người vào hồi Tháng Mười Hai, 2017, bởi vì các lực lượng Mỹ tại Syria hầu hết không có trách nhiệm chiến đấu trên bộ mà chỉ có trách nhiệm huấn luyện các thành viên của Lực Lượng Dân Chủ Syria (đa số là các dân quân người Kurds) và Quân Đội Syria Tự Do của các thành phần chống đối chế độ al Assad tại Damascus. Trong khi đó, các máy bay của Hải và Không Quân Hoa Kỳ tại Trung và Cận Đông thì đảm nhiệm việc oanh tạc các căn cứ cũng như các cuộc chuyển quân của ISIS.

Các đời tổng thống Mỹ dính líu tới việc rút quân khỏi Iraq, Syria và Afghanistan

Năm 2018, trước khi mãn nhiệm kỳ, Tổng Thống Bush đã ký với chính phủ Iraq một kế hoạch rút quân Mỹ về, và kỳ hạn hoàn tất là vào cuối năm 2011, trong đó ông dự tính sẽ thương thuyết thêm với phía Iraq nhằm giữ lại một số sĩ quan và binh lính chuyên môn trong lãnh vực huấn luyện và tiếp vận cho quân đội Iraq sau năm 2011.

Nhưng khi Tổng Thống Barak Obama lên cầm quyền vào năm 2009, vị tân tổng thống lúc bấy giờ chỉ thực hiện việc rút hết quân Mỹ về nước mà không thương thuyết gì thêm với Baghdad về chuyện để lại Iraq một lực lượng Mỹ vừa đủ đủ để huấn luyện và tiếp vận cho quân đội Iraq như chính phủ Bush trông đợi.

Ngày 12 Tháng Chín, 2020, chính quyền của Tổng Thống Donald Trump loan báo sẽ rút thêm binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq để hoàn thành lời hứa của ứng cử viên Trump bốn năm về trước, trong đó ông Trump cam kết sẽ chấm dứt những can dự của Mỹ vào các cuộc chiến tranh không biết đến bao giờ mới chấm dứt ở Syria, Iraq và Afghnistan.

Tại Syria, vào Tháng Mười Hai, 2018, Tổng Thống Trump đã đưa ra kế hoạch rút bớt các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria, phần lớn là binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt, và chỉ thị cho Bộ Quốc Phòng dưới quyền Tướng James Mattis thực hiện kế hoạch này. Điều này dẫn đến sự từ chức của Tướng Mattis ngay sau đó, bởi vì vị tướng lãnh này coi việc rút quân Mỹ đi giữa lúc cuộc chiến tranh chống quân khủng bố ISIS vẫn chưa xong sẽ làm nguy hại cho nền an ninh của cả Hoa Kỳ lẫn của các đồng minh Mỹ từ Trung Đông cho đến Âu Châu.

Tổng Thống Trump bèn lùi lại kỳ hạn rút quân Mỹ đi, nhưng vẫn không thay đổi lập trường. Ngày 11 Tháng Mười, 2019, tổng thống ra lệnh cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper rút đi hơn 1,000 binh sĩ lực lượng đặc biệt ra khỏi vùng Đông-Bắc Syria, nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động, và chỉ để lại khoảng 700 binh sĩ Mỹ tại những nơi khác ở Syria mà thôi.

Tại Afghanistan, việc rút bớt lực lượng Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh trên đất nước này được khởi sự vào ngày 13 Tháng Bảy, 2011, dưới thời Tổng Thống Barack Obama, khi 650 quân nhân Mỹ đầu tiên hồi hương. Tới Tháng Bảy, 2016, chính quyền Obama lại có kế hoạch rút bớt một số binh lính Mỹ nữa ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, vì tình hình an ninh tại quốc gia Trung Á này bỗng xấu đi với các hoạt động gia tăng của phiến quân Taliban, al Qaeda và ISIS, đặc biệt là tại tỉnh Kunduz ở phía Bắc Afghanistan giáp giới với Tajikistan, kế hoạch này được dời lại đến cuối năm đó, với số quân nhân Mỹ tại Afghanistan bị cắt giảm xuống mức dự tính là 8,400 người từ con số trên 10,000 quân chiến đấu tại đó, tính đến đấu năm 2016.

Nhưng vì chiến sự tại Afghanistan cứ tiếp tục gia tăng và cũng vì các cuộc thương thuyết hòa bình giữa Hoa Kỳ và chính quyền Kabul của Tổng Thống Ashraf Ghani đang diễn tiến, Tổng Thống Trump, vào Tháng Chín, 2017, đã phải gởi thêm hàng nghìn quân chiến đấu Mỹ nữa tới Afghanistan để củng cố thế mạnh thương thuyết cho Kabul, nâng tổng số quân Mỹ và đồng minh tại đây lên 14,000 người. Tuy nhiên, theo chính sách giảm dần (drawdown) các lực lượng Mỹ tại hải ngoại của chính quyền Trump và dựa vào những tiến triển trong cuộc thương thuyết tay đôi giữa Hoa Kỳ và phe Taliban nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan, quân số Mỹ, từ năm 2018 trở đi, lại sụt giảm một cách đáng lo ngại dưới mắt của Kabul cũng như các vị tư lệnh quân đội Mỹ và Khối NATO.

Vào ngày 17 Tháng Mười Hai, 2020, Bộ Quốc Phòng Mỹ lại loan báo sẽ cắt giảm bớt lực lượng Mỹ trấn đóng tại Afghanistan từ 4,500 hiện nay xuống tới chỉ còn 2,500 người từ đây cho tới Tháng Giêng, 2021. Quyết định này đã lập tức bị Quốc Hội Mỹ phản đối, và cơ quan lập pháp này đã soạn thảo các nghị quyết để ngăn chặn việc đó, vì họ cho rằng nó sẽ gây tác hại lớn lao cho nền an ninh của Mỹ và các đồng minh cũng như uy tín của Hoa Kỳ, là kẻ từng hô hào chiến đấu và bảo vệ tự do tại nhiều nơi trên thế giới.

Quân Mỹ tuần tra bên ngoài thị trấn Jal Abyad ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8 Tháng Chín, 2019. (Hình: Delil Souleiman/AFP via Getty Images)

Vì đâu nên nỗi?

Từ Việt Nam cho tới Iraq, Afghanistan và Syria, chính quyền và Quốc Hội Mỹ luôn có những lý do riêng để đưa quân vào rồi rút quân ra khỏi những quốc gia hoặc những vùng mà họ coi là thiết yếu cho an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ. Có lúc, chính sách của hai ngành hành pháp và lập pháp Mỹ lại trái ngược nhau, dẫn đến tình trạng quân Mỹ bị rút về nửa chừng trong khi sứ mạng bảo vệ tự do, dân chủ mà họ được ủy nhiệm chưa kịp hoàn tất, mà trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là tỷ dụ bi thảm nhất, dẫn đến việc Sài Gòn sụp đổ trước cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt hồi Tháng Tư, 1975.

Ngay cả trong tình hình tại Iraq, một số nhà quan sát vẫn cho rằng chính việc Tổng Thống Obama rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Iraq đã tạo cơ hội cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nổi lên và chiếm đóng một phần lãnh thổ Iraq tại vùng giáp giới với Syria, rồi kết hợp với những vùng đất họ chiếm được bên trong lãnh thổ Syria để biến nơi đây thành trụ sở của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tuy vậy, vào năm 2016, thể theo lời yêu cầu của Baghdad, Tổng Thống Obama đã phải đưa trở lại Iraq khoảng 5,000 binh lính Mỹ để giúp quân đội Iraq chiến đấu chận đứng sức bành trướng của ISIS.

Phải chăng việc Hoa Kỳ thình lình bỏ rơi VNCH (vào tay Cộng Sản Bắc Việt), bỏ rơi kháng chiến quân người Kurds (vào tay kẻ thù Thổ Nhĩ Kỳ của họ) cùng với Lực Lượng Dân Chủ Syria và Quân Đội Syria Tự Do (vào tay kẻ thù Bashar al Assad tại Damascus), và bỏ rơi luôn cả chính quyền Hồi Giáo ôn hòa tại Kabul (vào tay địch thủ Taliban) là một hành vi phản bội đồng minh mà kẻ đáng bị chê trách là dân tộc Mỹ?

Câu trả lời là dân tộc Mỹ không thể bị chê trách là đã phản bội các đồng minh ở những nơi xa xăm kia, cách đất nước Mỹ có khi đến gần nửa vòng trái đất. Trong đời thường, người Mỹ vẫn là những con người tốt, hào hiệp và hay cứu khổn, phò nguy, dù bề ngoài người Mỹ có vẻ lạnh lùng hơn các giống người khác. Tình chiến hữu gắn bó giữa những người lính Mỹ với người lính trên các chiến trường từ Triều Tiên cho tới Nam Việt Nam cho thấy người chiến binh Mỹ ăn ở rất có tình, có nghĩa.

Thử nghĩ tới tình bạn đẹp đẽ và lâu bền giữa Tướng Norman Schwarzkopf và Tướng Ngô Quang Trưởng, giữa Đại Tá Colin Powell và Đại Tá Võ Công Hiệu, hoặc giữa Thiếu Tá John Duffy với Trung Tá Nguyễn Đình Bảo và Thiếu Tá Lê Văn Mễ trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam và sau này thì đủ biết rằng đa số người Mỹ đểu cư xử đẹp và có tình, có nghĩa với chiến hữu và bạn bè của mình.

Phải biết rằng từ Đại Tướng William Westmoreland cho tới đa số các quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đều cảm thấy bất nhẫn khi chứng kiến cảnh chính phủ VNCH và Quân Lực VNCH bị bỏ rơi để rồi thua trận một cách oan uổng giữa lúc họ đang trên đà chiến thắng quân Cộng Sản kể từ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.

Chỉ có các chính trị gia Mỹ là không cư xử tốt đẹp được như thế, dù là đối với VNCH, Iraq, Afghanistan, Syria, hoặc ngay cả trên chính trường tại chính nước Mỹ ngày nay. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT