Saturday, April 27, 2024

Những trận đánh tại miền Trung qua lời Kỵ Binh Phạm Hữu Phước

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ông Phạm Hữu Phước sau khi ra trường Khóa 25 Trừ Bị Thủ Đức và tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thiết Giáp, thụ huấn khóa 20 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp, và tham chiến nhiều trận chiến, được thăng cấp trung úy vào Tháng Sáu, 1971, với chức vụ chi đoàn phó Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa.

Kỵ Binh Phạm Hữu Phước trong đại hội cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Nam California tại Little Saigon. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

Trung Úy Phạm Hữu Phước nhớ lại Carroll, một căn cứ hỏa lực rộng lớn, do Trung Đoàn 56 Bộ Binh trấn giữ cùng với Thiết Giáp, Pháo Binh đủ cỡ từ 175 ly nòng dài… khi kể chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt tại thành phố Westminster, ở vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.

Sư Đoàn 3 Bộ Binh được thành lập vào đầu năm 1972, sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào. Những đơn vị của Sư Đoàn 3 Bộ Binh trấn giữ tại các căn cứ, được hoán đổi địa bàn hoạt động hằng tháng, còn các Chi Đoàn Thiết Giáp có nhiệm vụ phòng thủ thì vẫn giữ nguyên vị trí.

Chi đoàn 1/11 Chiến Xa M41 đang phòng thủ tại căn cứ Carroll cùng Trung Đoàn 56 Bộ Binh. Chi Đoàn 3/11 Thiết Kỵ phòng thủ cùng Trung Đoàn 57 Bộ Binh tại căn cứ C1 (ngang quận Gio Linh) cạnh Quốc Lộ 1; Chi Đoàn 2/11 Thiết Kỵ đóng tại Ocean View phía biển.
Nhân dịp Đại Úy Phan Văn Thức, chi đoàn trưởng Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa, được mời về căn cứ Ái Tử dự lễ xuất quân của Thiết Đoàn 20 Chiến Xa, nên bàn giao Chi Đoàn cho Trung Úy Phạm Hữu Phước, chi đoàn phó.

Tại căn cứ Caroll, Chi Đoàn gồm có một Phân Đội Chỉ Huy có hai chiếc M41, hai chiếc M113; một Chi Đội Chiến Xa M41 có năm chiếc M41; một Chi Đội có năm chiếc M113 của Chi Đoàn 3/11 tăng phái. Như vậy tại căn cứ Caroll có tất cả bảy M41 và bảy M113 phòng thủ chung quanh vòng rào.

Chi Đội 3/ Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa tăng phái cho Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Tá Nguyễn Năng Bảo phòng thủ tại căn cứ Mai Lộc, quận Hương Hóa. Chi Đội 2/ Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa tăng phái cho Trung Đoàn 2 Bộ Binh tại căn cứ Côn Thiên.

Hằng ngày, một Chi Đội hỗn hợp gồm ba chiếc M113 và hai chiếc M41 đi mở đường từ căn cứ Carroll đến Cam Lộ và hai chiếc M41 giữ an ninh từ căn cứ này đến Khe Gió.

Ông Phước kể: “Ngày 30 Tháng Ba, 1972, là ngày các đơn vị Bộ Binh hoán đổi vị trí hoạt động. Lợi dụng cơ hội này quân Bắc Việt xua quân từ Bắc Vĩ Tuyến 17 xuống tấn công các căn cứ A1, C1 và Côn Thiên tại phía Tây từ Khe Sanh xuống. Chi Đội đi mở đường, lúc trở về báo cáo bị địch chận đánh rồi mất liên lạc. Đến năm 1973, khi trao trả tù binh, tôi mới biết tất cả đã bị bắt.”

Tình hình lúc bấy giờ, các căn cứ phía Bắc cũng như phía Tây đều bị pháo kích dữ dội, các đơn vị Bộ Binh lưu động bên ngoài cũng chạm địch, Pháo Binh của ta tại các căn cứ bị thiệt hại không bắn yểm trợ được cho Bộ Binh bên ngoài. Sau một ngày cầm cự, các đơn vị phía Bắc phải bỏ căn cứ rút về Đông Hà, bố trí dọc theo sông Miếu Giang ra đến Cửa Việt, để bảo toàn lực lượng. Chi Đội 2/ Chi Đoàn 1/11 Chiến Xa cũng rút theo bộ binh trong đêm bỏ lại hai Chiến Xa M41 vì bị mắc lầy. Sau đó, địch bắt đầu tập trung pháo vào các căn cứ phía Tây như Ba Hô, Sarge, Holcomb (của Thủy Quân Lục Chiến), Carroll, Khe Gió, Fuller (của Bộ Binh).

Căn cứ Carroll đầu hàng

Biết khó đánh chiếm nên địch trong hai ngày đầu chỉ sử dụng Pháo Binh mà thôi. Nếu tính trung bình 2 phút một trái đạn pháo của địch bắn vào căn cứ Carroll, thì chỉ trong một ngày, căn cứ này phải hứng chịu gần một ngàn quả đạn pháo của địch.

Một cậu bé chạy trên cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải, ranh giới phân chia Bắc và Nam Việt Nam ở vĩ tuyến 17 trước năm 1975 tại tỉnh Quảng Trị, ngày 22 Tháng Ba, 2000. Cây cầu ngày nay được lưu giữ như một di tích lịch sử chiến tranh. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Ông Phạm Hữu Phước kể lại: “Đến ngày thứ ba, chúng mới chuẩn bị tấn công bằng bộ binh. Lối đánh của Việt Cộng lúc nào cũng là tiền pháo hậu xung, nên tôi xem bản đồ tìm đường đi cho Thiết Giáp phòng khi cần phải rút lui. Chỉ có một hướng về quận Hương Hóa, nơi đóng quân của Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến với vòng cao độ thưa, Thiết Giáp có thể theo đường núi mà đi được. Hầm của tôi nằm về hướng Nam, sau lưng là bãi trực thăng, trước mặt là đồi trọc chạy dài theo dãy núi phía Tây bên phải. Còn bên trái có nhiều đường thông thủy, từ trên đồi chạy xuống phía dưới, đó là hướng mà tôi dự định nếu có rút, sẽ theo hướng này.”

Ngày 3 Tháng Tư, 1972, Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh đến Cam Lộ để tiếp ứng và giải vây căn cứ, nhưng không tiến thêm được, tất cả các cao điểm đều có quân địch chiếm giữ. Địch quân tiếp tục pháo kích vào căn cứ Carroll đều đều. Các Pháo Đội của ta trong căn cứ bị thiệt hại nặng, nên không thể yểm trợ cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Binh bên ngoài.
Tại Căn Cứ 1, chiếc xe Pháo Binh Cơ Động 175 ly bị trúng pháo bốc cháy, khói đen bay lên cao. Ở Cam Lộ, Đại Úy Phan Văn Thức thấy khói, gọi máy hỏi thăm tình hình của Chi Đoàn, ông Phước báo cáo hoàn toàn vô sự.

Ông Phước kể: “Là đơn vị Thiết Giáp, chúng tôi phòng thủ dọc theo vòng rào căn cứ, nên đạn pháo của địch không gây một tổn thất nào. Trưa 3 Tháng Tư, 1972, quân địch đã đóng chốt từng tổ ba người bao vây quanh căn cứ, chuẩn bị sẵn sàng tấn công, nhưng có lẽ địch chờ trời tối mới tiến đến vòng rào. Tôi đã ra lệnh cho Chi Đoàn bắn khi thấy địch xuất hiện. Từ trong căn cứ, tôi quan sát thấy địch đứng dưới hố, nhô lên nửa người. Tôi cho bắn đại liên 50, thấy mút tầm đạn lửa mới tới, có nghĩa là địch xa khoảng 800 mét.”

Bắn lần đầu, Trung Đoàn gọi máy bảo “Đừng bắn.” Một lát sau địch lại xuất hiện, ông Phước ra lệnh bắn tiếp thì Trung Đoàn lại gọi máy nói “Đừng bắn bạn đang ở ngoài.” Ông Phước nói với xạ thủ đại liên, Bộ Chỉ Huy ở bên trong, không nhìn thấy gì nên tưởng là bạn, nên ông tiếp tục ra lệnh, nếu địch xuất hiện thì cứ bắn tiếp.

Ông kể tiếp: “Bắn lần thứ ba, Trung Đoàn gọi máy bảo tôi về Bộ Chỉ Huy họp. Trước khi đi về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, tôi nói với hạ sĩ quan truyền tin báo cho tất cả các xa đội chuẩn bị sẵn sàng. Tôi họp về có thể là sẽ rút, theo tôi suy đoán như vậy. Lên đến Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, tôi thấy lạ là sao rất nhiều lính Bộ Binh tập trung đứng bên ngoài tại sân cờ. Thấy tôi đến chào, Trung Tá Phạm Văn Đính nói: ‘Tôi muốn chiến đấu, nhưng xung quanh đây không ai chịu chiến đấu.’ Tôi liền nói, ‘Vậy Trung Tá theo tôi, tôi đưa trung tá qua Cùa với Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến (Cùa là tên địa phương của quận Hương Hóa).”

“Đột nhiên có một người mang lon đại úy, đội nón sắt, mặc áo giáp nên tôi không thấy bảng tên, đứng kế bên nói: ‘Đầu hàng rồi mà còn đi đâu.’ Nghe vậy, tôi quay lưng đi về liền, đi được một đoạn thì có một người mang lon trung úy nắm lấy vai tôi và nói, ‘Anh đi tôi cũng đi theo, tôi thuộc Chi Đội Phòng Không.’ Tôi gật đầu nói ‘Vậy chúng ta cùng đi,’” ông Phước nhớ lại.

Ông Phạm Hữu Phước cho hay: “Tôi nghĩ cũng có rất nhiều người không muốn đầu hàng, nhưng cũng đành chịu bó tay trong hoàn cảnh này. Về tới hầm chỉ huy, tôi cầm máy báo cáo cho Đại Úy Phan Văn Thức biết: ‘Ông Đính đầu hàng rồi, còn tôi sẽ dẫn Chi Đoàn vượt vòng vây theo hướng Nam qua Cùa về với Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến. Nếu không đến được, coi như tôi bị bắt hay chết rồi.’”

Lúc đó, Đại Úy Thức cho ông Phước biết thấy có trực thăng đến, có lẽ để bốc cố vấn Mỹ của Trung Đoàn, và khuyên ông Phước hãy đi theo họ.

Ông Phạm Hữu Phước lúc Chi Đoàn 1/11 Thiết Kỵ hành quân tại Gio Linh năm 1968. (Hình: Phạm Hữu Phước cung cấp)

“Tôi liền chạy ra cửa hầm, thấy chiếc Chinook CH47 đang bay thật thấp, gần đến vòng rào của căn cứ. Tôi liền chạy vào hầm bấm máy gọi các xa đội: ‘Tất cả bỏ xe chạy đến chỗ của tao mau.’ Xa đội bố trí ở phía cổng căn cứ cho biết: ‘Ở đây Bộ Binh đang bắt tay với Việt Cộng.’ Tôi liền hối thúc: ‘Bỏ, bỏ chạy đến chỗ tao mau lên.’ Chạy ra khỏi hầm về phía bãi đáp trực thăng, tôi thấy có hai cố vấn Mỹ, một da đen, một da trắng, đang liên lạc máy. Thấy tôi, cả hai rút súng Colt ra chĩa thẳng vào tôi, có lẽ họ tưởng tôi sẽ bắt giữ hai người lại, nên tôi liền nói bằng tiếng Anh: ‘Chúng tôi cũng muốn đi với các ông.’”

Trực thăng cũng vừa tới, từ từ đáp xuống sân bay, hai cố vấn Mỹ vẫn chĩa mũi súng vào ông Phước và lùi dần về phía trực thăng. Khi cả hai đã bước lên trực thăng, hai người mới khoát tay ra hiệu cho ông Phước và các anh em vừa chạy đến, gồm Thiết Giáp, Bộ binh cùng lên trực thăng ước chừng hơn 30 người. Khi tất cả đã ngồi bên trong trực thăng thì chiếc Chinook bay ra khỏi căn cứ.

Sau này, ông Phước mới biết hai cố vấn Mỹ là Trung Tá William Camper và Thiếu Tá Joseph Brown.

Trực thăng vừa bay lên thì bị trúng đạn của Việt Cộng bắn theo, nhưng vẫn bay được an toàn về đến Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 3 Bộ Binh tại Quảng Trị, nơi này trước kia của Trung Đoàn 1, Sư Đoàn 1 Bộ Binh nằm sát bên Quốc Lộ 1. Sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, trại này được đổi tên thành trại Lê Huấn, cố trung đoàn trưởng Trung Đoàn 1, Sư Đoàn 1 Bộ Binh hy sinh tại Hạ Lào.

Ông Phước kể tiếp: “Đi bộ qua nơi Đại Úy Phan Văn Thức ở gần đó, mở máy VRC 125 trên xe Jeep để báo cáo là chúng tôi được trực thăng đưa về an toàn. Lúc đó, tôi biết địch đã vô tới hầm chỉ huy, đã dùng máy của tôi liên lạc với Chi Đoàn. Như vậy là Trung Đoàn 56 Bộ Binh đã đầu hàng và căn cứ Carroll đã mất.”

Yểm trợ căn cứ Barbara

Tối hôm đó Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến cũng rút khỏi căn cứ Mai Lộc. Chi Đội 3/1 Chiến Xa của Thiếu Úy Ngô Văn Tống tăng phái cho Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, vì địa thế không thể đi len lỏi theo đường núi cùng Thủy Quân Lục Chiến để về Ái Tử trong đêm, nên đã dẫn Chi Đội theo đường bộ về Cam Lộ vào sáng hôm sau, Thiếu Úy Tống và đã tử trận trên đường rút lui.

Người dân rời tỉnh Quảng Trị vào ngày 5 Tháng Năm, 1972, trong Chiến Tranh Việt Nam. (Hình minh họa: Ennio Iacobucci/AFP via Getty Images)

Mấy ngày sau khi quân ta lập vòng đai tai Đông Hà, Ái Tử, Phòng 2 Sư Đoàn 3 Bộ Binh mời ông Phước lên hỏi về việc Trung Tá Đính đầu hàng. Ông tường thuật lại toàn bộ diễn tiến. Sau đó, ông được lệnh sang Chi Đội 3/1 thay cho Thiếu Úy Tống đã tử trận tại Căn Cứ Carroll.

Đến khoảng giữa Tháng Tư, 1972, ông Phạm Hữu Phước được lệnh đưa Chi Đội gồm bốn Chiến Xa M41 vào căn cứ Nancy ở Mỹ Chánh trình diện Đại Tá Phạm Văn Chung, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân vùng núi phía Tây Nam Quảng Trị để phòng thủ căn cứ Barbara.

Chiến sự ở đây không sôi động như ở Đông Hà, Ái Tử. Địch chỉ pháo kích lai rai, không có cuộc tấn công quy mô nào. Lúc đó quân ta không có Pháo Binh yểm trợ, để đánh lừa địch là quân ta vẫn có Pháo Binh, nên Chi Đội theo yêu cầu của Tiểu Đoàn, ông Phước cho Chi Đội cất cao nòng đại bác bắn gián xạ, thay thế Pháo Binh để bắn quấy rối các điểm tiên liệu.

Ông Phước kể: “Sáng ngày 29 Tháng Tư, 1972, tôi được lệnh rời căn cứ Barbara cùng với Thủy Quân Lục Chiến đi giải tỏa Quốc Lộ 1. Qua khỏi cầu Bến Đá một đoạn, thấy xe dân sự đủ loại kể cả xe hai bánh và xe GMC quân sự nằm ngổn ngang trên đường dài cả cây số. Đoạn đường này, hai bên Quốc Lộ 1 trống trơn không cây cối, bên trái chạy dài khoảng 200 mét mới đến chân đồi, bên phải cũng trống trải như thế tới bìa làng. Tôi nghĩ, nếu địch phục kích trên đoạn đường này, chỉ có nước tự sát dưới hỏa lực của Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp mà thôi.”

“Từ từ tiến chiếm từng đoạn một theo thế chân vạc cho đến hết đoàn xe trên đường, mà không có một cuộc chạm trán nào, thì ra Việt Cộng đã rút đi từ lâu. Tôi xuống xe đi một vòng thì thấy người chết nằm la liệt, toàn là thường dân, từ người già đến trẻ con. Hình ảnh mà tôi nhớ mãi là một người đàn bà nằm ngửa, trên ngực một em bé cũng đã chết trong tư thế còn đang ngậm vú mẹ. Người và gia súc chưa sình thối, có lẽ chỉ mới chết hôm trước. Nhìn cảnh tượng đau lòng đó mà xót thương cho những người dân Quảng Trị đã phải hứng chịu nổi oan khiên này,” ông cho biết thêm.

Đến chiều cùng ngày, đơn vị của ông Phước rút về án ngữ tại cầu Bến Đá, cùng với Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến của Thiếu Tá Nguyển Kim Để. Cầu Bến Đá rộng chừng 5 mét, dài khoảng 10 mét, lót gỗ, không có lan can hai bên, bắc qua con rạch còn độ khoảng bảy tấc nước, trọng tải đủ cho chiến xa M48A3 qua dễ dàng. Mặt lộ cao hơn mặt đất hai bên khoảng 1 mét, xung quanh chỉ có lau sậy mọc dọc theo bờ, không có cây lớn.

Ông Phước bố trí xe hướng súng về phía Quảng Trị, một xe nằm nép một bên trên đường, ba xe bên trái quốc lộ, dọc theo bờ sông. Rồi ông liên lạc với Chi Đoàn để báo cáo tình hình trong ngày, nhưng không liên lạc được. Sau khi đoàn xe của dân di tản bị Việt Cộng tàn sát, quốc lộ vắng tanh.

Hạ bốn chiến xa địch tại cầu Bến Đá

Ông Phạm Hữu Phước kể tiếp: “Đêm 30 Tháng Tư rạng sáng 1 Tháng Năm, 1972, khoảng 4 giờ sáng, Thiếu Tá Để gọi máy báo cho tôi biết có chiến xa địch đang tiến về hướng chúng tôi trên Quốc Lộ 1. Tôi liền ra lệnh cho các xe nạp đạn chống chiến xa và chỉ định xe Trung Sĩ Thời bố trí trên đường bắn chiếc thứ nhất, tôi bắn chiếc thứ hai, Trung Sĩ Võ bắn chiếc thứ ba, xe cuối cùng bắn chiếc thứ tư và chỉ bắn khi tôi ra lệnh. Cả Chi Đội hồi hộp đợi chờ, xạ thủ, trưởng xa các xe khác đều nhìn vào máy nhắm, còn riêng tôi thì đứng trên ghế trưởng xa nửa người nhô lên khỏi xe nhìn ra bên ngoài để theo dõi.”

Quân Lực VNCH di tản bằng trực thăng trong cuộc chiến chống lại quân Việt Cộng ở Quảng Trị ngày 30 Tháng Sáu, 1972. (Hình minh họa: AFP via Getty Images)

“Từ xa chiến xa địch vừa chạy vừa bắn vào hai bên đường. Những chùm đạn đỏ, bay tua tủa ra hai bên làm tôi phân vân không biết là ta hay địch, vì trời còn tối chưa sáng tỏ, tôi không thể nhận dạng, xác định chính xác được nên chưa cho lệnh bắn. Khi các chiến xa tới gần bên kia đầu cầu, tôi mới thấy rõ đó là chiến xa địch. Tôi ra lệnh bắn. Bốn chiến xa Việt Cộng bị trúng đạn, chiếc còn lại quay đầu xuống đường bỏ chạy về hướng quận Hải Lăng,” ông kể.

“Tôi báo cáo cho Tiểu Đoàn biết đã bắn hạ bốn chiến xa, còn việc lục soát thì để bên phía bạn truy tìm. Tôi rất hãnh diện, Chi Đội tôi vẫn bình tĩnh không hề hoảng loạn, nên đã bắn hạ chiến xa của địch không xa quá 40 mét. Cả Chi Đội đều thở phào nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng, vì đây là lần đầu tiên đụng độ và bắn hạ chiến xa địch,” ông nhớ lại. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT