Friday, April 26, 2024

Quân Báo Vũ Uyên Giang và những trận đánh cân não

Văn Lan/Người Việt

ATLANTA, Georgia (NV) – Vũ Uyên Giang tức Nguyễn Quang Vinh, cựu ký giả tại Sài Gòn. Năm 1966 ông là ký giả của báo Miền Nam, sau đó chuyển qua báo Hòa Bình của Linh Mục Trần Du trên đường Phạm Ngũ Lão, Quận Nhất. Nhưng sau đó ông xin gia nhập vào ngành Quân Báo.

Tết Mậu Thân 1968, tình cờ đứng trên lầu nhà một người bà con, nhìn xuống tận mắt chứng kiến cảnh Việt Cộng xử tử ông khóm trưởng ngay giữa con hẻm, lòng ông đau nhói. Đang là ký giả nhưng nhìn thấy nhiều cái chết đau thương của đồng bào, cho nên dù đang được hoãn dịch nhưng ông vẫn tình nguyện vào Khóa 2/68 Thủ Đức nhưng bị bệnh, khi xuất viện được chuyển qua Khóa 6/68 Thủ Đức.

Sau khi tốt nghiệp đáng lẽ ông về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, nhưng đến ngày mãn khóa ở Thủ Đức, có đơn vị Quân Báo lên tuyển người, nên ông xin gia nhập. “Hơn nữa cũng vì thích ra hành quân ngoài mặt trận hơn là ở văn phòng vì thu thập được nhiều dữ kiện, có nhiều cảm hứng với những sự kiện thật, sống động hơn để viết lách, nhất là với những ký sự chiến trường, nên tôi gia nhập ngay vào ngành Quân Báo,” ông Vinh cho hay.

Năm 1970, trên lãnh thổ Vùng 3, Trung Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy cuộc hành quân gồm các Chiến Đoàn 225/Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Chiến Đoàn 318/Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Chiến Đoàn 333/Biệt Động Quân, cùng với các cánh quân Vùng 2, Vùng 4, đồng loạt tấn công càn quét tiêu diệt bộ chỉ huy quân Cộng Sản Bắc Việt trên đất Cambodia, là nơi ẩn nấp để tấn công vào miền Nam.

Lúc đó Chuẩn Úy Vinh theo Chiến Đoàn 333 Biệt Động Quân do Đại Tá Phúc làm Chiến Đoàn Trưởng tấn công sang vùng Mỏ Vẹt, Móc Câu, mật khu Ba Thu, lên tới tỉnh Svey Rieng. Khi rút về, Quân Đoàn 3 thành lập một toán cố vấn tại Kampong Cham, nằm sâu trong đất Cambodia tỉnh Kampong Cham. Riêng tỉnh Svey Rieng thuộc Đệ Nhất Quân Khu I do Đại Tá Intam làm tư lệnh quân khu, được Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 của VNCH yểm trợ, sang đó giúp thành lập các quân khu, tiểu khu, chi khu theo mô hình của VNCH.

“Tôi theo Phòng 2 hành quân trên đó, tham gia các chiến trường Lai Khê, Tây Ninh. Năm 1971 tham dự mặt trận Hậu Nghĩa do Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn chỉ huy. Chiến sĩ Quân Báo thường theo các cánh quân, nằm ngay bộ chỉ huy chiến đoàn với nhiệm vụ là thẩm vấn các tù binh, hoặc theo đơn vị xâm nhập và chống xâm nhập, chuyên nhảy toán vào những mật khu Việt Cộng,” ông kể.

“Toán xâm nhập có khoảng 40 hoặc 60 người, tất cả đều không có trong cấp số, không có số quân, họ là hồi chánh viên hoặc tù binh đã ra cộng tác với VNCH, đó là những Toán Săn Việt Cộng hoạt động trong toàn Vùng 3 do Mỹ trang bị để nhảy toán, cải dạng thành lính Việt Cộng, đi dép râu và mặc đồ bộ đội, nếu có gặp Việt Cộng cũng không bị lộ, có nhiệm vụ thu thập tin tức để báo về đơn vị của mình, hoặc nghe lén đường dây viễn liên, có nhiều khi bắt cóc sĩ quan Việt Cộng để mang về khai thác,” ông Vinh kể thêm.

Chuẩn Úy Nguyễn Quang Vinh (1969). (Hình: Nguyễn Quang Vinh cung cấp)

Tháng Hai, 1972, ở Lộc Ninh có Chiến Đoàn 9 của Sư Đoàn 5, có thêm một tiểu đoàn Biệt Động Quân biên phòng và một thiết đoàn Thiết Giáp, có cả Địa Phương Quân tham gia, tổng cộng có trên 10 ngàn quân.

Toán của ông Vinh có bốn người nhảy toán xuống Lộc Ninh, và ông Vinh đã phát giác ra kế hoạch Việt Cộng tấn công An Lộc năm 1972 khi nghe lén được tin tức qua đường dây viễn liên của Việt Cộng và toán này đã bắt cóc tù binh Ngô Viết Quyền, cấp bậc Tiểu Đoàn bậc Trưởng (đại úy) của Phòng Truyền Tin Bộ Tư Lệnh Miền Việt Cộng. Tù binh Quyền đã khai ra kế hoạch tấn công Lộc Ninh, An Lộc năm 1972 là chiến dịch Nguyễn Huệ.

Thành tích đầu tiên, tịch thu 1,200 khẩu súng đủ loại của Việt Cộng

Năm 1969, Chuẩn Úy Vinh xuống điều tra một đám tù Việt Cộng vượt ngục tại trại giam tù binh Suối Máu.

“Trong khi chờ thẩm vấn người kế tiếp, tôi bước ra ngoài để hút thuốc, thấy có một tù binh trẻ ngồi dưới đất làm cỏ, anh ta đứng dậy đến chào hỏi và tôi cho anh ta vài điếu thuốc, còn bật lửa cho hắn nữa. Có lẽ vì những cử chỉ thân mật này, mà người tù binh thú thật lúc trước đã khai man là du kích, nay xin khai lại tên là Hồng Văn Nhẫn là Trung Đội bậc Trưởng (tương đương chuẩn úy), chỉ huy một trung đội bảo vệ kho súng Rang Rang, Phước Long. Lúc đó anh được bà má lên xin phép cho về quê ở miền Tây cưới vợ, khi đi tới đồn Phước Tân ở Gò Dầu gần biên giới Miên thì bị lính xét, bị bắt đưa vô đại đội Địa Phương Quân ở đó,” ông Vinh kể.

“Khi đem anh ta về Phòng 2 thẩm vấn lại, người tù binh chỉ rõ vị trí kho súng, vẽ tọa độ trên bản đồ, chỉ rõ cả đường đi vào và cả quyết là sáu tháng nay, trong đơn vị ai cũng tưởng anh ta còn ở quê cưới vợ chứ không biết anh đã bị bắt vô đây, anh ta còn khai cả trang bị của những người bảo vệ kho súng. Kế hoạch đánh chiếm kho súng do vị chỉ huy trưởng Trung Tâm Thẩm Vấn giao cho Lực Lượng Đặc Biệt tổ chức hành quân tấn công, được Trung Tướng Đỗ Cao Trí đồng ý,” ông cho biết.

Ông nhớ lại: “Tổng cộng tịch thu được 1,200 khẩu súng đủ loại được trực thăng chở về, bày kín cả sân của Quân Đoàn, gồm cối 60, SKZ 75, cối 82, SKZ 75, trung liên, đại liên, CKC, AK… Trận đó gây tiếng vang khắp nơi, có nhiều cố vấn Mỹ, các ông tướng đến xem.” Nhờ vậy Chuẩn Úy Vinh nhận được Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến tặng thưởng.

“Đây là chiến công đầu của một chuẩn úy mới ra trường, và từ khóa học ở Okinawa mới về, quả là một thành tích lớn với tôi, nhưng tôi nghĩ đó cũng là do tính nhân bản của con người, dù kẻ không cùng lý tưởng với mình, nhưng khi đã sa cơ thất thế thì vẫn là con người. Nếu tôi không nhã nhặn đối xử với tù binh Hồng Văn Nhẫn thì có khi chẳng ai biết có kho súng ấy. Sau này Nhẫn có tình nguyện xin vào toán nhảy toán với chúng tôi ở nhiều nơi như Hố Bò, Bời Lời, Dương Minh Châu, biên giới Việt Miên thuộc tỉnh Bình Long, Phước Long… Nhẫn được cải danh thành hồi chánh và đã xin gia nhập vào Toán Săn Việt Cộng của Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III,” ông kể.

Bắt sống Mai Văn Sổ, đại úy cụm trưởng Cụm Tình Báo X.10

Vào Tháng Bảy, 1969, tại tỉnh Hậu Nghĩa, Chuẩn Úy Vinh dẫn toán công tác của Trung Tâm Thẩm Vấn thuộc Phòng 2 Quân Đoàn 3, gồm Chuẩn Úy Vinh, Trung Sĩ Ông Tấn Phán dắt tù binh Lê Thị Tý, đi cùng Trung Úy Đức – đại đội trưởng Địa Phương Quân, Thiếu Tá Sieght cùng Chuẩn Úy Lâm và Binh Nhất Rousseau mang máy truyền tin, mục đích là theo tù binh Lê Thị Tý chỉ chỗ giấu kho súng.

Trong không khí khô khốc và cơn gió bụi mù từ phía Bắc thổi tới, cả toán tiến vào ấp Tịnh Phong, xã An Tịnh, quận Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa. Khi tới gần bìa ngoài của ấp, gặp ông già trạc ngoài 60 tuổi râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ bà ba trắng đã ngả sang màu cháo lòng, tay xách giỏ và cần câu cá đi ngược lại toán hành quân. Chuẩn Úy Vinh lên tiếng chào, hỏi thăm ông cụ đi đâu sớm vậy, đã câu được con cá nào chưa? Bằng giọng miền Nam, ông già trả lời hằng ngày ông thường ra cái đìa phía trước kiếm vài con cá ăn cơm, mới sáng ra đây nên chưa câu được con nào cả. Sau khi chào hỏi và chúc ông già câu cá gặp hên, cả toán tiếp tục đi sâu vào ấp.

Biên giới Tây Ninh năm 1970. Chuẩn Úy Nguyễn Quang Vinh là đội mũ đứng hàng sau cùng, bìa trái. (Hình: Nguyễn Quang Vinh cung cấp)

Khi tới gần căn nhà lá sát bìa ấp, Chuẩn Úy Vinh chợt thấy một bà già đang đứng ngoài sân bỗng chạy vụt vào trong nhà. Khi hỏi bà già có chứa Việt Cộng trong nhà hay sao mà thấy lính đi ngang lại bỏ chạy, bà già cho biết chạy vô nhà vì sợ nồi cơm đang nấu bị khét, Chuẩn Úy Vinh kêu lính chạy vô coi, nhưng không thấy có nồi cơm nào đang nấu.

“Biết rõ dân An Tịnh này quá rồi, tôi kêu lính bịt mắt và trói bà già lại, dặn nhỏ khi nào nghe kêu bắn thì lên đạn chĩa súng lên trời bắn liền để uy hiếp tinh thần. Sau khi hỏi lại bà già lần nữa, vừa xong câu hỏi, từng tràng AR 15 nổ liên thanh, bà già trong cơn hốt hoảng la sảng lên, cho biết ông già vừa đi ra câu cá chính là Việt Cộng vô ở trong nhà bà hơn hai năm nay. Bà còn chỉ chỗ ông già giấu súng trong khạp gạo, và chỉ hầm bí mật đào dưới gầm giường,” ông Vinh kể.

“Lính chui xuống hầm lôi ra chiếc ba lô, bên trong có một số tài liệu, giấy sinh hoạt đảng ghi rõ ‘Đồng chí Ba Mai, cấp bậc Tiểu Đoàn bậc Trưởng (đại úy), chức vụ Cụm Trưởng Cụm X.10.’ Trong ba lô còn có 200 ngàn đồng tiền VNCH và một số báo cáo hậu cần của X.10; danh sách gồm quân số mật, quân số hợp pháp và quân số vắng mặt. Tôi bảo lính kêu máy ngay cho Trung Đội 2 và 3 nếu gặp ông già hồi sáng thì bắt ngay lập tức, không cho trốn thoát,” ông Vinh nói.

Sau khi trở ra chỗ ông già ngồi câu cá với đầy đủ chứng cớ, biết không thể che giấu, ông khai tên thật là Mai Văn Sổ, quê quán Tân Uyên, Biên Hòa, bí danh Ba Mai, hiện là cụm trưởng Cụm X.10 tình báo của R.

Khai thác ngay tại chỗ, được ông già chỉ điểm trên bản đồ từng căn nhà trong ấp Tịnh Phong và xã An Tịnh, tất cả các cơ sở hợp pháp và bất hợp pháp, những hầm bí mật của Cụm X.10, ông còn khai cả những tổ tình báo cài cắm sâu trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Ba Mai tích cực chỉ trên bản đồ từng căn nhà, từng bụi rậm có cơ sở của cụm ở An Tịnh và một số cơ sở giao liên hợp pháp trong nội thành Sài Gòn.

Khiến thứ trưởng Ngoại Giao Hà Nội thân bại danh liệt

“Ngay lập tức tôi gọi máy báo cáo về Phòng 2 Quân Đoàn về việc bắt giữ tù binh Mai Văn Sổ bí danh Ba Mai, và cũng xin lệnh giao mục tiêu hầm súng do tù binh Lê Thị Tý khai báo (sẽ bàn giao cho Chi Khu Trảng Bàng). Còn nhiều công tác cần phải thực hiện ngay lập tức như triệt hạ những hạ tầng cơ sở của địch ở vùng Trảng Bàng, tiếp tục hành quân tiêu diệt những hạ tầng cơ sở địch ở xã An Tịnh do Ba Mai khai báo,” ông Vinh cho biết.

“Một lát sau tôi nhận được lệnh chuẩn bị để trực thăng đến bốc cả toán về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, vì Trung Tướng Tư Lệnh Đỗ Cao Trí muốn trực tiếp hỏi tù binh Mai Văn Sổ một số vấn đề. Ngay sau đó, một cuộc hành quân phối hợp với Cảnh Sát Đặc Biệt, tấn công vào các mục tiêu tình báo hoạt động nội thành Sài Gòn do Ba Mai khai báo, kết quả bắt gọn ngay trong đêm bốn lưới Việt Cộng tại các quận 2, 3, 5, và quận 11, Sài Gòn,” ông kể tiếp.

Cũng ngay trong bữa cơm tối hôm đó, một chi tiết hết sức quan trọng được tiết lộ. Ngay trong đêm, trên các làn sóng phát thanh và đài truyền hình khắp miền Nam đồng loạt loan tin “Ông Mai Văn Sổ sinh năm… Tiểu Đoàn bậc Trưởng, cụm trưởng Cụm X.10 Tình Báo, là anh em song sanh với ông Mai Văn Bộ, trung ương ủy viên của Đảng Lao Động Việt Nam ở Hà Nội, kiêm thứ trưởng Ngoại Giao của Hà Nội, kiêm Đại Sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Paris. Ông Sổ đã ra hồi chánh với chính phủ VNCH vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày N Tháng Bảy, 1969, tại cơ sở địa phương ở An Tịnh, quận Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa. Ông đã khai báo với Quân Đội VNCH để triệt hạ các hạ tầng cơ sở ở An Tịnh, đồng thời triệt hạ bốn lưới tình báo trong nội thành Sài Gòn…”

Ông Nguyễn Quang Vinh tại Arizona, 2015. (Hình: Nguyễn Quang Vinh cung cấp)

Chỉ một giờ sau đó, tất cả các phương tiện phát thanh của Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phủ nhận ông Mai Văn Bộ, trung ương ủy viên của Đảng Lao Động Việt Nam (Đảng Cộng Sản Hà Nội trá hình) không có một người em song sinh nào tên Mai Văn Sổ, bí danh Ba Mai cả. Từ đó Mai Văn Bộ cũng bị triệu hồi về Hà Nội và biến mất khỏi các chức vụ đang nắm giữ trong suốt thời gian dài.

Sau đó Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH bố trí cho ông Mai Văn Sổ, bí danh Ba Mai, là thành viên của Phái Đoàn Hòa Đàm Paris. Ông mặc veston, cravate, tay xách cặp ngồi chung với Phái Đoàn VNCH, và chính ông đã đứng lên tố giác trước quốc tế về những lời dối trá của Cộng Sản Hà Nội, giành chính nghĩa về cho VNCH trong những buổi họp tại Hòa Đàm Paris.

“Sau 1975, ông Mai Văn Sổ cũng bị giam trong các trại tù cải tạo, ông sống rất cương liệt và lên tiếng phản đối nhiều vấn đề mà cai tù cũng không dám động đến ông. Riêng anh của ông Sổ, Mai Văn Bộ, bị giam lỏng tại Hà Nội, mất hết chức vụ đảng và chính quyền, bị theo dõi mãi sau 1975 mới được thả,” ông Vinh cho biết.

Bị thương giải ngũ, vào làm tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Tây Ninh

Tháng Sáu, 1972, tại chiến trường Tây Ninh, ông Vinh bị thương ở quận Khiêm Hanh, giải ngũ 1973, cấp bậc cuối cùng là trung úy. Sau đó ông vào làm cho Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Tây Ninh. Mỗi quân đoàn có một Tòa Tổng Lãnh Sự và mỗi tỉnh đều có Lãnh Sự Quán với năm cố vấn Mỹ, nhiệm vụ là gài người của mình vào các Bộ Tư Lệnh Miền của quân giải phóng. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Quân Báo Vũ Uyên Giang cứu phi công Lý Tống bị giam trong trại Aran Jail Thái Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT