Monday, April 29, 2024

‘Thư Về Em Gái Thành Đô,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Duy Khánh

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Thư Về Em Gái Thành Đô” được nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác vào năm 1967, một thời điểm căng thẳng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam sau khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được thành lập và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức đảm nhiệm cả hai vai trò điều hành đất nước và lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Cộng tại miền Nam Việt Nam.

Nhạc phẩm “Thư Về Em Gái Thành Đô” của Duy Khánh. (Hình: Tài liệu)

Vào thời điểm “Thư Về Em Gái Thành Đô” được viết nên, các ý niệm về “anh tiền tuyến” và “em hậu phương” đã thật sự rõ nét trong thơ văn và âm nhạc của miền Nam khi hàng hàng lớp lớp thanh niên đã đáp lời sông núi, cầm súng ra biên cương làm nhiệm vụ người trai thời ly loạn. Và tình cảm thương yêu giữa người trai lính chiến với người em gái nhỏ quê nhà đã trở thành nguồn cảm hứng gần như vô tận cho các nhạc sĩ cũng như ca sĩ sáng tác và ca hát. Vừa để quên đi những gian khổ, hiểm nguy của chiến trận mà cũng vừa để mua vui cho các anh chiến sĩ lúc còn ở nơi tuyến đầu gai lửa hay khi đang nghỉ phép nơi thành đô hoa lệ hoặc trở về mái nhà xưa thăm lại mẹ già, em thơ, và thăm luôn cả người yêu chốn quê nhà.

Hầu hết những ca khúc tình cảm, đặc biệt là những bài “nhạc lính” do các nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam – như Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Trúc Phương, Hoài An, Nguyễn Vũ, Anh Thy, Tuấn Khanh, Phạm Mạnh Cương… – sáng tác vào thời điểm này, đều nói về tình yêu thắm thiết và lãng mạn giữa các chàng trai lính chiến và những nàng con gái nơi quê nhà hay chốn thành đô. Và mặc dù trong tình yêu của họ, thỉnh thoảng, vẫn có những lúc hờn anh, giận em, nhưng đó chỉ là hiện tượng thoáng qua chứ những gì là vĩnh viễn đều nằm tận bên trong trái tim yêu đương tha thiết của đôi bạn lòng.

Nhưng nhạc phẩm “Thư Về Em Gái Thành Đô” của Duy Khánh lại cho thấy một hiện tượng rất lạ giữa đôi bạn tình, một người là anh chiến sĩ ở ngoài tiền tuyến và người kia là cô em gái hậu phương sống nơi phố thị. Thay vì cứ yên tâm với mối tình xa và bất chấp ngày tháng nào đã ra đi, người trai lính chiến nơi biên cương lại mãi âu lo về đời sống buông thả của người em gái thành đô, người từng có lần trao lời nguyện ước yêu nhau trọn đời trong những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may.

Từ tâm tình bất an đó, chàng trai nơi chiến tuyến đã phải lên tiếng than thở cho đời lính phong sương của mình, hy sinh lên đường chiến đấu gian lao để cho người ở hậu phương được vui hưởng cuộc sống ấm êm, nhưng cô gái lại chẳng nghĩ gì, nhớ gì về người cũ năm xưa, về những lần đôi bạn lòng cùng nhau thề non, hẹn biển mà lại ngày đêm vùi đầu vào cuộc sống vui chơi giữa những vòng tay rộng mở cùng tiếng nhạc xập xình dưới ánh đèn khi tỏ, khi mờ nơi phồn hoa đô hội.

Nhưng niềm vui bất tận của người em gái thành đô đang làm cho trái tim của người anh nơi tiền tuyến trở nên băng giá vì ngại ngùng câu năm tháng mong chờ. Rồi chàng trai đành phải hạ bút viết cho nàng một lá thư để trang trải nỗi lòng mình yêu ai, yêu cả một đời dù tình những quá khắt khe và cũng để nhắn nhủ với nàng rằng chàng “vẫn chưa quên lời nguyện câu ước ngày xưa”…

“Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em/ về kể chuyện rừng xanh/ chuyện vui buồn quân ngũ/ chuyện quân hành đất đỏ/ nhiều đêm dài mưa đổ/ nhưng ngại em nhớ tôi chăng?”

Rất nhiều lần, anh cứ muốn viết thư thăm em để kể chuyện đời lính cho em nghe, dù đó là chuyện những đêm dài chiến tuyến trong phiên gác đêm Xuân hay chuyện những chiều hành quân đã đôi lần chợt nghe nhớ em, nhưng anh lại ngại ngần vì không biết em có còn nhớ tới anh không.

“Mười năm tôi xa mái trường yêu/ mang theo bao hẹn hò/ rời tuổi xanh học trò/ dù đời còn lắm mộng mơ/ dù biết bao giờ/ tìm về người cũ hoa xưa.”

Từ lúc anh xa mái trường thân yêu để lên đường đi chiến đấu đến nay thấm thoát thế mà đã mười năm tròn. Anh đã bỏ lại đằng sau biết bao ký ức tươi đẹp về một quãng đời hoa mộng với em, cho dù anh cũng chẳng biết đến bao giờ mình mới có dịp trở về thăm lại cảnh cũ, người xưa.

“Giờ đây nghe nói em đang vui say/ chiều hoa lệ thành đô/ vòng tay ngà đua mở/ cùng hoa đèn sáng rỡ/ dìu em vào giấc ngủ/ quay cuồng tiếng hát đam mê.”

Dù đôi ta có cách biệt sơn khê nhưng anh vẫn nghe tin rằng em đang có cuộc sống vui nhộn nơi thành đô hoa lệ chốn quê nhà dưới ánh đèn màu, nơi có những mảnh đời ca hát ngày tháng cho người mua vui mà không biết rằng mình đang tạo nên nỗi buồn cho bao người thương, kẻ nhớ.

“Hỏi em ai sương gió đường xa/ vai ba lô nặng đầy/ tay súng giữa đêm dài/ miệt mài tranh đấu vì ai/ Đừng để cho nhau/ một lời đau xót ngày mai.”

Anh chỉ muốn hỏi em có còn nhớ đến ai đêm đêm núi cao rừng sâu theo bước chân quân hành bên chiếc ba lô thay người tình yêu dầu để tranh đấu giữ yên quê nhà và cho cuộc sống yên vui của những người ở hậu phương, trong đó có em. Hai phương trời cách biệt như thế đang làm cho lòng anh quặn thắt.

“Nhớ đêm nào đường về nhà em có trăng lên sáng soi lối vào/ Có đôi mình cùng chung bóng hình/ chung tiếng hát ấm êm ngày xanh.”

Hoài niệm về những đêm trăng ngà ngọc có anh và có em lại hiện về trong tâm tưởng của anh, văng vẳng đâu đây như vẫn còn câu hò, câu hát năm xưa, như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng dù bao năm qua anh vẫn miệt mài đi giữa chốn non ngàn.

“Nhớ câu thề/ một lần chia tay có hoa rơi cuối chiều nắng Hè/ Để bây giờ dù ai hải hồ/ xin em nhớ tiếng xưa đợi chờ.”

Rồi anh lại chạnh nhớ lời nguyện ước mãi mãi bên nhau của đôi ta vào một chiều nao hoa soan rắc đầy đường em ơi, hoa rơi nhắc kỷ niệm xa xôi em vui bước nhịp nhàng bên anh. Giờ đây, đôi mình tuy xa cách nhưng cách xa nhau lòng vẫn nhớ nhau hoài, này em nhé đừng quên!

Bìa nhạc phẩm “Thư Về Em Gái Thành Đô” của Duy Khánh. (Hình: Tài liệu)

“Làm sao tôi nói hết trong trang thư/ tình yêu gởi về em mười năm dài chưa mỏi/ đời trai còn trôi nổi/ vì nghe lời khắc khoải/ quê mình đau xót em ơi.”

Làm sao nói hết niềm thương, nỗi nhớ của anh về em qua trang thư này đây? Mười năm yêu em vẫn là mãi mãi, cho dù đời anh vẫn còn tùy thuộc vận nước nổi trôi khi quê hương còn nghiêng ngả và ngày về quê còn xa lắc lê thê.

“Trời biên khu trăng sáng triền miên/ nhưng tim tôi lạnh đầy/ ngồi viết trang thư này/ gửi người em gái thành đô/ Tôi vẫn chưa quên/ lời nguyện câu ước ngày xưa…”

Ánh trăng vàng vọt triền miên chỉ làm cho tim anh lạnh lẽo như chiều Đông ngoài biên thùy. Thư này anh viết cho em để vơi đi bao niềm nhung nhớ và cũng để nhắn nhủ rằng xin em giữ trọn tình quê và em yêu ơi xin em chớ quên câu thề suốt đời có nhau…

***

Duy Khánh (1936–2003), tên thật là Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh khác là Tăng Hồng và Hoàng Thanh. Ông nổi danh từ thập niên 1960, ban đầu với những bài hát mang âm hưởng dân ca và “dân ca mới” của Phạm Duy, nhạc về quê hương, về sau ông được xem như là một trong bốn giọng nam của nhạc vàng thời kỳ đầu (tứ trụ nhạc vàng), ba người còn lại là Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài hoa với hơn 30 ca khúc đặc sắc.

Năm 1953, Duy Khánh đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại Huế với bài nhạc phẩm “Trăng Thanh Bình” của Lam Phương. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát. Từ Sài Gòn, Duy Khánh khởi sự ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi dưới nghệ danh Hoàng Thanh.

Duy Khánh bắt đầu viết nhạc từ năm 1959, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay “Ai Ra Xứ Huế” và “Thương Về Miền Trung.” Từ đầu thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên “1001 Bài Ca Hay” quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng thời điểm đó như Trần Thiện Thanh, Nhật Ngân, Hoài Linh, Lam Phương, Trúc Phương…

Năm 1965, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh đã cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy. Sau đó, cặp song ca này cùng hát bản trường ca “Mẹ Việt Nam” nữa.

Sau khi chia tay với hai bà vợ cũ, vào năm 1970, Duy Khánh thành hôn với người vợ thứ ba là Thúy Hoa, và họ có với nhau ba người con.

Sau biến cố Tháng Tư, 1975, Duy Khánh ở lại Việt Nam và bị cấm hát trong một thời gian dài. Ông thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ và Nhật Ngân cùng ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến…

Nhạc sĩ Duy Khánh trên bìa một nhạc phẩm do ông sáng tác. (Hình: Tài liệu)

Duy Khanh sang Hoa Kỳ vào năm 1988, rồi hát cho Trung Tâm Làng Văn, và xuất hiện trên một số cuốn video của Trung Tâm Asia. Sau đó, ông thành lập Trung Tâm Trường Sơn, tiếp tục ca hát và dạy nhạc cho đến khi qua đời. Ông mất vào Tháng Hai, 2003, tại bệnh viện Fountain Valley ở Orange County, California, hưởng thọ 66 tuổi.

Các sáng tác nổi tiếng và được rất nhiều người ưa chuộng của nhạc sĩ Duy Khánh bao gồm

“Ai Ra Xứ Huế,” “Anh Về Một Chiều Mưa,” “Bao Giờ Em Quên,” “Biết Trả Lời Sao,” “Lối Về Đất Mẹ,” “Sầu Cố Đô,” “Thư Về Em Gái Thành Đô,” “Thương Về Miền trung,” “Trăm Năm Bến Cũ,” “Trường Cũ Tình Xưa,” “Vùng Quê Tương Lai,” “Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.” (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Thư Về Em Gái Thành Đô” của Duy Khánh

Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em
về kể chuyện rừng xanh,
chuyện vui buồn quân ngũ,
chuyện quân hành đất đỏ
nhiều đêm dài mưa đổ,
nhưng ngại em nhớ tôi chăng?

Mười năm tôi xa mái trường yêu
mang theo bao hẹn hò
rời tuổi xanh học trò
dù đời còn lắm mộng mơ,
dù biết bao giờ,
tìm về người cũ hoa xưa.

Giờ đây
nghe nói em đang vui say
chiều hoa lệ thành đô,
vòng tay ngà đua mở
cùng hoa đèn sáng rỡ
dìu em vào giấc ngủ
quay cuồng tiếng hát đam mê.

Hỏi em ai sương gió đường xa
vai ba lô nặng đầy
tay súng giữa đêm dài,
miệt mài tranh đấu vì ai.
Đừng để cho nhau
một lời đau xót ngày mai.

Nhớ đêm nào
đường về nhà em có trăng lên sáng soi lối vào.
Có đôi mình
cùng chung bóng hình
chung tiếng hát ấm êm ngày xanh.

Nhớ câu thề
một lần chia tay có hoa rơi cuối chiều nắng Hè.
Để bây giờ
dù ai hải hồ.
xin em nhớ tiếng xưa đợi chờ.

Làm sao tôi nói hết trong trang thư
tình yêu gởi về em
mười năm dài chưa mỏi
đời trai còn trôi nổi
vì nghe lời khắc khoải
quê mình đau xót em ơi.

Trời biên khu trăng sáng triền miên
nhưng tim tôi lạnh đầy,
ngồi viết trang thư này
gửi người em gái thành đô.
Tôi vẫn chưa quên
lời nguyện câu ước ngày xưa…


 

MỚI CẬP NHẬT